Video: Nhà nào có Đức Mẹ, ma quỷ không vào

Lúc 9 sáng Chúa Nhật 28 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Rước Ảnh Đức Mẹ Là Phần Rỗi của dân Rôma vừa được phục chế từ viện bảo tàng Vatican về lại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Stanisław Ryłko, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, hiện là Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả; và kinh sĩ đoàn của đền thờ.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã phân tích một kinh nguyện mà có lẽ người Công Giáo Việt Nam nào cũng biết, đó là kinh Trông Cậy.

Đức Thánh Cha nói:

Là dân Chúa trên đường lữ hành, chúng ta hiện diện nơi đây trong ngôi đền thờ của Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ làm cho đền thờ này trở thành một mái gia đình cho những người con cái như chúng ta. Cùng với các thế hệ người dân Rôma, chúng ta coi ngôi nhà từ mẫu này là mái nhà của chúng ta, là nơi chúng ta tìm thấy sự tươi mát, an ủi, bảo vệ, và nương náu. Người Kitô hữu, ngay từ đầu, đã hiểu rằng trong những lúc khó khăn và thử thách, chúng ta phải dựa vào Mẹ, như được chỉ ra bởi kinh nguyện cùng Đức Mẹ cổ xưa nhất: “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.”

Chúng ta đang tìm kiếm nơi nương náu. Các Tổ Phụ trong đức tin đã dạy rằng trong những thời khắc hỗn loạn, chúng ta phải chạy đến dưới áo Mẹ Thiên Chúa. Khi những người bị bách hại và những ai trong cơn quẫn bách tìm nương náu nơi người phụ nữ cao trọng này: chiếc áo choàng bất khả xâm phạm của Mẹ sẽ được tung ra như một dấu chỉ tiếp nhận, và mang đến sự bảo vệ. Chúng ta thấy được điều này nơi Đức Mẹ, là người phụ nữ cao trọng nhất của nhân loại. Áo choàng của Mẹ luôn rộng mở để chào đón chúng ta và tập hợp chúng ta. Kitô hữu Đông phương nhắc nhở chúng ta về điều này, với nhiều ngày lễ tán dương sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa, là Đấng được mô tả qua một hình ảnh rất đẹp trong đó Đức Mẹ với áo choàng của mình che chở cho đàn con cái Mẹ và cho cả thế giới. Ngay cả các tu sĩ thời xa xưa cũng đã khuyên chúng ta rằng, trong những lúc gian truân, hãy nấp dưới áo Mẹ Thiên Chúa và cầu khẩn cùng Mẹ – “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa” – chỉ cần lặp đi lặp lại lời nguyện này: “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”, “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa” chỉ cần như thế chúng ta sẽ được chở che và giúp đỡ.

Sự khôn ngoan này, đến từ phương Đông xa xôi, cũng giúp chúng ta: Mẹ bảo vệ đức tin, giữ gìn các mối quan hệ, cứu giúp chúng ta trong những lúc phong ba bão táp và gìn giữ chúng ta khỏi mọi tà ác. Nhà nào có Đức Mẹ, ma quỷ không vào. Nơi nào có Đức Mẹ xáo trộn không chiếm được thế thượng phong, nỗi sợ hãi không thắng thế. Ai trong chúng ta không cần đến điều này, ai trong chúng ta chẳng có lúc âu lo xao xuyến? Phong ba giông bão trong ta thường xuyên biết chừng nào, biết bao những đợt sóng của các vấn nạn chồng chất lên nhau trong khi những cơn gió lo lắng không ngừng thổi tới! Đức Maria là chiếc tàu chắc chắn giữa cơn đại hồng thủy. Các ý tưởng hay công nghệ sẽ không đem lại cho chúng ta bình an và hy vọng, nhưng chính là khuôn mặt của Mẹ, với đôi tay dịu dàng vuốt ve cuộc sống, với lớp áo chở che chúng ta. Chúng ta hãy học cách tìm nương náu, chạy đến cùng Mẹ mỗi ngày.

Lời kinh được tiếp tục với lời thỉnh cầu: “Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện”. Khi chúng ta cầu xin Mẹ, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Có một tước hiệu của Đức Mẹ rất hay trong tiếng Hy Lạp, đó là “Grigorusa”, nghĩa là “Mẹ vội vã cầu bầu”. Tính từ “vội vã” là tính từ được thánh Luca sử dụng trong Tin Mừng để nói Đức Maria đã lên đường đi thăm bà Elizabeth như thế nào: nhanh chóng, tức khắc! Mẹ nhanh chóng cầu bầu, không chút chậm trễ, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, khi Mẹ lập tức nói với Chúa Giêsu về nhu cầu cụ thể của những người đó: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2: 3), không còn gì nữa! Đây là điều xảy ra mỗi lần chúng ta cầu xin Mẹ: khi hy vọng của chúng ta úa tàn, nụ cười héo hắt trên môi, sức mạnh cạn kiệt, lương tâm xao xuyến mịt mù, những khi hết còn trông cậy, Mẹ tức khắc can thiệp. Chúng ta càng thiết tha kêu cầu, Mẹ càng can thiệp nhiều hơn. Mẹ chú ý tới những truân chuyên của chúng ta. Những hỗn loạn trong cuộc sống chúng ta gần gũi với trái tim nhạy cảm của Mẹ. Và Mẹ không bao giờ khinh thường lời cầu nguyện của chúng ta; Mẹ không để ai bị thất vọng. Mẹ là một người mẹ, Mẹ không bao giờ xấu hổ vì chúng ta, Mẹ chỉ chờ đợi để có thể giúp con mình.

Câu chuyện sau có thể giúp chúng ta hiểu điều này. Bên cạnh giường bệnh, một người mẹ chăm chú nhìn con trai, đau đớn sau một tai nạn. Người mẹ luôn luôn túc trực ở đó, cả ngày lẫn đêm. Một lần kia bà mẹ phàn nàn với linh mục, bà nói: “Chúa đã chẳng cho những người mẹ chúng tôi làm được một điều!”. “Điều gì?” vị linh mục hỏi lại. Người đàn bà trả lời “Thưa cha, đó là gánh lấy nỗi đau của lũ trẻ”. Đó là trái tim của người mẹ: bà không xấu hổ vì những vết thương, vì những yếu điểm của con mình, nhưng người mẹ luôn muốn chia sẻ cùng với con. Và Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta biết làm thế nào gánh lấy những vết thương của chúng ta, an ủi, theo dõi, và chữa lành.

Lời kinh tiếp tục kêu cầu “Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ”. Chính Chúa biết rằng chúng ta cần nơi trú ẩn và sự bảo vệ giữa chập chùng những hiểm nguy. Vì thế, vào khoảnh khắc tột cùng, trên thập tự giá, Người nói với người môn đệ yêu dấu, và với tất cả các môn đệ: “Này là Mẹ con!” (Ga 19:27). Mẹ không phải là một lựa chọn, một điều tùy chọn, nhưng là giao ước của Chúa Kitô với chúng ta. Và chúng ta cần Mẹ như một người lữ hành cần được giải khát, như một em bé cần được cưu mang trong vòng tay mẹ. Thật là chí nguy cho đức tin khi chúng ta sống mà không có Mẹ, không được bảo vệ, khi chúng ta để mình bị cuốn hút bởi cuộc sống như những chiếc lá cuốn theo chiều gió. Chúa biết và khuyến khích chúng ta chào đón Mẹ. Đó không phải là thứ vẽ vời thêm về mặt tinh thần, nhưng là một nhu cầu của cuộc sống. Tình yêu không phải là những vần thơ, nhưng là biết làm thế nào để sống. Bởi vì không có Mẹ chúng ta không thể là những đứa con. Và chúng ta trước hết, là những đứa con, những đứa con được yêu, những người có Chúa là Cha và Mẹ Maria là Mẹ mình.

Công đồng Vatican II dạy rằng Đức Maria là “dấu chỉ hy vọng chắc chắn và sự an ủi cho dân lữ hành của Thiên Chúa” (Tông hiến Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, VIII, V). Đó là một dấu chỉ, một dấu chỉ Thiên Chúa đã đặt để cho chúng ta.

Nếu chúng ta không theo dấu chỉ đó, chúng ta lạc lối. Bởi vì có một biển báo về đời sống tinh thần, mà chúng ta phải theo. Nó chỉ cho chúng ta, những người “vẫn còn lang thang giữa chập chùng những hiểm nguy và gian nan”, thấy Mẹ, là Đấng đã đạt đến mục tiêu. Còn ai hay hơn Mẹ để đi cùng chúng ta trên cuộc hành trình? Chúng ta còn đang chờ đợi điều gì? Như môn đệ dưới cây thập tự chào đón Mẹ, “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:27), chúng ta cũng vậy, từ ngôi nhà từ mẫu này chúng ta hãy rước Đức Maria về nhà chúng ta, trong trái tim chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể là người dửng dưng hay tách biệt với Mẹ, nếu không chúng ta sẽ mất đi căn tính là con cái và bản sắc của mình như một dân tộc, và chúng ta sống một thứ Kitô Giáo bao gồm các ý tưởng, các chương trình, mà không có lòng tin, không có sự dịu dàng, không có con tim. Nhưng khi không có con tim thì không có tình yêu và đức tin trở thành một câu chuyện thần tiên về những thời xa xưa. Trái lại, Mẹ bảo vệ và chuẩn bị cho con cái mình. Mẹ yêu con cái mình, bảo vệ chúng, và thế giới của chúng. Hãy tiếp rước Mẹ hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, để Mẹ hiện diện thường xuyên trong gia đình của chúng ta, trong thiên đường an toàn của chúng ta. Hãy ủy thác cho Mẹ mỗi ngày. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ trong mọi lúc âu lo. Và đừng quên quay lại để cảm ơn Mẹ.

Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ, chúng ta hãy nhìn Mẹ một cách dịu dàng và kính chào Mẹ như các Kitô hữu ở Êphêsô đã từng kính chào Mẹ. Tất cả cùng nhau chúng ta hãy kêu cầu ba lần: “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”, “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”, “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bức ảnh Đức Mẹ Là Phần Rỗi của dân Rôma vừa được phục chế và hôm nay là ngày ra mắt công chúng. Bức tranh vẽ trên gỗ theo kiểu Byzantine này thường được đặt bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả.

Đức Phanxicô đã rời Vatican vào ngay sáng hôm sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng và cầu nguyện trước bức ảnh này, trong đó vẽ Đức Maria, mặc một chiếc áo choàng màu xanh, bồng Chúa Hài Nhi Giêsu, đang cầm trên tay Ngài một quyển sách trang sức bằng vàng. Trước và sau mỗi chuyến tông du nước ngoài, Đức Thánh Cha Phanxicô đều đến nhà thờ này để cầu nguyện trước bức ảnh và để lại một bó hoa hồng.

Người đứng đầu viện bảo tàng Vatican, là bà Barbara Jatta, cho biết cuộc phục chế đã khám phá ra những sắc màu “tinh tế” trong khuôn mặt của Đức Maria và Chúa Giêsu, và sự sáng chói của áo choàng vàng của Chúa Hài Nhi và của áo choàng màu xanh của Đức Maria.

Việc phục chế cũng giúp các học giả xác định niên đại của bức ảnh. Theo truyền thống, bức ảnh được tin là được tìm thấy ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ 5 và được chính Thánh Luca vẽ. Trong một bài viết trên tờ Quan Sát Viên Rôma của Vatican hôm thứ Năm 25 tháng Giêng, bà Jatta nói rằng niên đại thật sự có thể là trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13.

Ngoài việc làm sạch hình ảnh và sửa chữa các vấn đề có trong các lần phục hồi trước đó, các nhà phục chế đã thực hiện một khung mới nhẹ nhàng hơn và có tay cầm để bức ảnh có thể được vận chuyển dễ dàng và an toàn hơn cho các cử hành khác nhau ở các đền thờ ở Rôma nơi bức ảnh được mang đến trưng bày.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Mỹ châu Latinh có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng, và với tư cách là một giám mục và một Hồng Y, ngài thường đến Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ Là Phần Rỗi Dân Rôma mỗi khi ngài về Rôma. Một bức ảnh Đức Mẹ khác mà ngài cũng mến mộ là bức “Mary Undoer of Knots” – Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt, mà ngài nhìn thấy đầu tiên trong một nhà thờ vùng Bavarian khi ngài theo học ở Đức vào những năm 1980.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *