Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 Ga 3,22 – 4,6, Mt 4,12-17.23-25
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 4,12-17.23-25)
12 Khi ấy, Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói : 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! 16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ. 25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.
Danh Người là Thánh trên trời (03.01.2022)
Danh tiếng của một con người được thể hiện bởi chính sức mạnh và những việc làm của chính họ, như là đánh đuổi quân dịch, chữa lành bệnh tật, cứu nhân độ thế.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có câu chuyện thuật lại sự việc sợ hãi Trương Phi mà Tào Tháo luống cuống bỏ chạy thục mạng. Truyện kể rằng, Trương Phi đứng trên cầu Trường Bản quát to tới mức làm viên tướng Hạ Hầu Kiệt của Tào Tháo sợ hãi ngã ngựa mà chết, bản thân Tào Tháo cũng sợ luống cuống bỏ chạy rơi cả mão trên đầu. Quân Tào phải rút lui. Chính vì danh tiếng uy hùng võ lực vô song của Trương Phi mà làm cho Tào Tháo khi nghe Trương Phi hét mà chạy rơi cả mão xuống đất.
Trong thời gian vừa qua nổi lên một danh tiếng lẫy lừng vang khắp đất Việt, đó là lương y thần y Võ Hoàng Yên, ông ta bảo có thể chữa bách bệnh, câm nói được, bất toại có thể đi, điếc có thể nghe… nghe đến danh của ông ở đâu thì người ta kéo đến thật đông cầu mong ông cứu chữa. Những ai được ông sờ đến thì hạnh phúc vì được chữa khỏi bệnh. Nhưng rồi cái danh giả dối ấy đã tố giác con người gian dối của ông, ông chỉ là hư danh.
Danh tiếng của Trương Phi, của Võ Hoàng yên chỉ là hư danh, vì danh không có thật. trương Phi chỉ là một con người hư cấu, Hoàng Yên chỉ là một con người lừa đảo, danh tàn lụi, danh phàm trần.
Danh thơm tiếng tốt hay danh hư lưu truyền thì danh của người nổi tiếng luôn ảnh hưởng đến nhiều người, ảnh hưởng đến hậu thế và còn ảnh hưởng đến muôn đời. Những danh xưng trong thế gian chỉ là hư vô qua đi nếu nó không thuộc về Đấng từ trời cao ban cho, hoặc cậy dựa vào những tà thần hay ma quỷ thì cũng không tòn tại.
Trong Cựu ước đã chứng minh như thế trong Sách các 1 Vua (1V 18, 20-39), một cuộc thách đố cậy nhờ vào thần vô minh Ba-an của các ngôn sứ theo thần Ba-an và với ông Ông Êlia Đức Chúa là Thiên Chúa. Cuộc thách thức bằng cách, mỗi bên giết một con bò mộng, đặt trên củi nhưng không châm lửa, đoạn cầu cùng với thần của mình để được giúp đỡ thiêu đốt con bò làm của lễ tế. Sau cả ngày cầu cùng thần Ba-an, các ngôn sứ theo thàn Ba-an đã chẳng được gì, đến lượt ông Êlia cầu cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của ông, thì lửa từ trời xuống đốt cháy củi và thiêu chín con bò mộng làm của lễ toàn thiêu. Lúc này toàn dân đã thay lòng và tin theo Đức Chúa là Thiên Chúa của ông Êlia.
“Danh của Đức Chúa là Khôn ngoan”, trong Sách Huấn ca, (Hc 1, 1-10) miêu tả danh khôn ngoan như sau:
“8 Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người.
9 Đó chính là Đức Chúa.”
Danh Đức Chúa là Thánh. Trong sách Isaia nói về danh Thánh của Đức Chúa là, “2a Phía bên trên Người, có các thần Xêraphim đứng chầu.
3 Các vị ấy đối đáp tung hô:
“Thánh! Thánh! Chí Thánh!
Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!” (Ia 6, 2a-3)
Danh Đức Chúa là sự sống. Trong sách 1 Vua có đoạn, ông Êlia kêu cầu Danh Đức Chúa thì đứa trẻ được sống: “22 Đức Chúa nghe tiếng ông Êlia kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống” (1V 17, 22).
Đó là Danh Thánh của Thiên Chúa đã có từ ngàn xưa, cũng chính là Danh Thánh của Chúa Giêsu, vì Người là Con Thiên Chúa, vì Người chính là Thiên Chúa. Danh Thánh của Chúa Giêsu là Đấng Khôn ngoan, Đấng Chí Thánh, Đấng hằng sống đời đời, là Vua vũ trụ, Vua muôn loài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Các tiên tri, các ngôn sứ và tổ phụ của chúng con đã luôn tin tưởng vào Danh Thánh của Chúa mà làm sáng danh Chúa, làm nên biết bao điều kỳ diệu và được kể là người công chính. Xin cho con luôn biết vững tin và kêu câu Danh Thánh Chúa Giêsu để con được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, và cả trong khi tội lỗi con cũng luôn biết kêu cầu Danh Thánh Chúa.
Hư Vô
Tránh đi để khỏi sa ngã (04.01.2021)
Tránh đi để khỏi sa ngã
Sám hối để được quyền làm con Thiên Chúa
Câu chuyện về mẹ của Mạnh Tử là một câu chuyện đáng phải suy nghĩ về cuộc sống của mỗi con người khi chọn lựa điều tốt hay xấu.
Chuyện rằng: Hồi nhỏ, khi nhà Mạnh tử ở gần chợ thì Mạnh Tử đi chơi với bạn bè chuyên gây gỗ đánh nhau. Mẹ Mạnh Tử chuyển nhà đến ở gần nghĩa trang, thì Mạnh Tử cùng bạn bè chơi trò khiêng người chết đi chôn. Đến khi chuyển nhà đến gần trường học, thì Mạnh Tử cùng chúng bạn chăm chỉ học hành. Sau này Mạnh Tử đã trở thành một nhà đạo đức học nổi tiếng.
Thành ngữ Việt Nam cũng dạy rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Biết chọn lựa môi trường tốt để sống sẽ trở nên con người tốt, chọn nơi môi trường xấu để sống sẽ ảnh hưởng và trở nên con người xấu. Giữa ánh sáng và bóng tối luôn phân biệt, giữa thiện và ác luôn đối nghịch. Cũng vậy, môi trường xấu sẽ không chấp nhận cho những việc làm tốt, vì chính những việc làm tốt sẽ tố cáo nó.
Khi Chúa Giêsu nghe tin thánh Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa đã tránh đi nơi khác để bắt đầu cuộc rao giảng ơn cứu độ (Mt 4, 12-13), vì nơi đó đã không tiếp nhận thánh Gioan thì cũng sẽ không đón nhận Chúa Giêsu nữa.
Khi Chúa Giêsu đến miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, Người bắt đầu cuộc rao giảng ơn cứu độ và Nước Trời. Điều đầu tiên Chúa kêu gọi con người, hãy hối cải (Mt 4, 17).
Từ khi con người lầm lạc phạm tội, con người đã phải sống trong môi trường u tối về tâm trí, hoang mang về thiện và ác, phúc và tội, cuộc sống trở nên lạc loài, vô định, người thì tin có đời sau, kẻ thì bảo con người chỉ là bụi đất chết là hết. Người tin vào đời sau thì có người tin vào thần này, thánh nọ, tin cả những vật thể, hình ảnh hư cấu, cả xúc vật, và cả những điều dung tục… Đó là môi trường sống của con người.
Có rất nhiều giáo phái thờ thần thánh ngẫu tượng, trong những giáo phái Chúa đã mạc khải cho các tiên tri, ngôn sứ, tổ phụ để nói về Thiên Chúa chính là Thần Minh phải tôn thờ, Thần Minh ấy chính là Đấng Tự Hữu duy nhất (Xh 3, 13-15) khi nói với ông Môi sen trong bụi gai. Từ khi phạm tội và phải chết, con người luôn sống trong lo sợ vì phải chết đời đời, và luôn phản bội Thiên Chúa.
Chính vì vậy, Chúa đã kêu gọi mọi người phải biết ăn năm hối cải để được Chúa đoái thương và ban lại cho quyền làm con Thiên Chúa. Vì chỉ khi nào được trở lại quyền làm con Thiên Chúa thì mới được ơn cứu độ.
Chúa Giêsu Kitô đến trong trần gian để phân biệt ánh sáng và bóng tối, phân biệt cho loài người biết đâu là thiện là ác, mở mắt tâm hồn để con người nhận biết Thiên Chúa và ma quỷ. Từ đó, con người chọn lựa môi trường sống mà trở nên thánh thiện, trở nên tốt lành và trở nên con cái của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tránh xa những nơi xấu xa đen tối, những mưu mô cám dỗ, những quyến rũ đam mê, nhưng biết tìm đến với Chúa, với Giáo Hội và Lời Chúa trong kinh thánh, biết tìm đến với giáo xứ, với cộng đoàn đạo đức, biết tìm đến với anh em con, để con được nhiều người nâng đỡ ủi an, con được ơn khôn ngoan hiểu biết của Chúa Thánh Thần, luôn sống thuộc về Thiên Chúa, thực hiện giới răn của Mén Chúa và Yêu người, cho con quyền làm con cái của Chúa.
Hư Vô
Khởi đầu sứ vụ (06.01.2020)
“Nước trời đã đến gần” (Mt 4.17).
Chúa Giê-su đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, với lời kêu gọi: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”. Kèm theo lời kêu gọi ấy là việc chữa lành các thứ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ngày nào, thuở nào, Lời đã Sáng Thế. Chỉ một Lời đã dựng nên vũ trụ nguy nga hùng vĩ, dựng nên con người xinh đẹp lộng lẫy thần thiêng. Giờ đây, Lời phải rảo khắp phố phường, phải lê chân đến tận hang cùng ngõ hẽm, phải cúi xuống tận thương tích cuộc đời, phải rong ruổi ngược xuôi lần theo dấu chân mờ đi tìm từng con người mê muội lạc loài chốn phù hoa bên vực thẳm sầu đau tang tóc.
Giờ đây, Lời không chỉ mời gọi, lời còn phải vỗ về, an ủi, và còn cả việc phải giải thích ngọn nguồn trước bao thái độ bất tín, vô lễ, chống báng, chế giễu, cợt đùa, khinh thường, khai trừ, xua đuổi…. Tất cả chỉ vì yêu. Lời uy quyền thuở nao sáng thế, giờ đã trở thành Lời xót thương, Lời khiêm nhượng, lời khoan dung tha thứ, lời cúi mình cầu xin loài thọ tạo của mình nhận ra lòng yêu của Lời đã đến hồi nồng nàn cháy bỏng, đã đến lúc bất chấp mọi thứ miệt thị, rẻ rúng và bất chấp cả việc phải hy sinh tính mạng của mình. Tất cả chỉ vì yêu con người, và vì khát khao cho con người được lại ơn nghĩa tử với Thiên Chúa thuở uyên nguyên tinh tuyền thanh khiết. Tất cả vì muốn cứu rỗi con người. Đúng như Thánh Augustinô nói:
“Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”.
Lạy Chúa, xin cho con thấu hiểu nỗi lòng của Thiên Chúa là khao khát các linh hồn được cứu rỗi và cộng tác với Chúa bằng việc sám hối và tin vào Tin Mừng, không chỉ để làm thỏa cơn khát của Chúa, mà còn vì phần rỗi cho con. Amen.
Sự sám hối (07.01.2019)
Ghi Nhớ:
Đức Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “ Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời” đã đến gần. ( Mt 4,17)
Suy Niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay, là tất cả sự nghiệp rao giảng của Chúa Giêsu đều hướng đến trọng tâm về triều đại Thiên Chúa, sứ mạng đầu tiên của ngài là gọi các môn đệ tiêu biểu cho mọi ơn gọi, giúp mọi người biến đổi tâm hồn, biết sám hối, sống từ bỏ để được đón nhận nước Trời
Thánh Matthêu ghi lại quyết liệt, nhưng rất giản đơn và nhẹ nhàng: “ Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Thiên Chúa kêu gọi mọi người biết sám hối, để tìm được nước Thiên Chúa, từ muôn thế hệ, ngay cả thời đại chúng ta đang sống, sự sám hối ẫn luôn cấp bách hàng ngày, ngay trong đời sống thực tại của chúng ta.
Trong cuộc sống. sự sám hối giúp con người biết hồi tâm từ bỏ bao xa hoa dục vọng hay sân si,để đi tìm Chúa, theo Chúa trên mọi đường dù nguy khốn, họ vẫn can trường bước theo Ngài, hoặc đôi khi chúng ta biết theo ý Chúa qua những biến cố, có lúc hãi hùng, khiếp sợ, lúc đó chúng ta mới biết dừng lại để đi tìm Chúa, để tìm nơi nương náu vào Ngài. Đó là những người biết sám hối bước theo tiếng gọi, buông bỏ bao thú vui trần thế để đi tìm Ngài.
Tuy vậy, vẫn còn biết bao người vẫn còn ngoảnh mặt, như mũi ni che tai, bao vương vấn trần gian vẫn còn che mờ mắt họ, khiến họ không thể dứt bỏ những thú vui phần xác, mà quên đi Thiên Chúa đang ngóng chờ họ trở về từng giây, từng phút.
Ngày nay Lời Chúa vẫn hàng ngày kêu gọi hay truyền dạy mỗi người, Thiên Chúa vẫn đồng hành và quan phòng mọi người, ngay trên bàn thờ Thánh Thể, hay những biến cố xảy đến với gia đình hay chính bản thân mình, đó là những dấu chỉ hay Thánh ý Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta biết sám hối, thức tỉnh nhận ra đâu là chân lý.
Vì thế, Chúa Giêsu xuống thế làm người, mục đích kêu gọi chúng ta biết sám hối, trở về với Chúa, sự hoán cải, trở về của chúng ta được phát xuất từ ân sủng của Chúa Thánh Thần, ơn Chúa luôn chiếu tỏa trong bóng tối tăm khi con người đi trên con đường lầm lạc. Ơn hoán cải khi chúng ta biết trở về cùng Thiên Chúa, tức là hồng ân của Ngài luôn chiếu tỏa, dìu dắt chúng ta trên bước đường trần gian này. Giờ đây chúng ta có dứt khoát hoán cải bỏ đường tội lỗi để đi theo Ngài không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm về với Chúa bằng sự sám hối, chúng con biết rằng có những lúc cũng chai lì khô cứng với thân phận mỏng dòn, nhưng xin Chúa luôn chờ đợi, quan phòng để chúng con biết ăn năn thống hối, trong sự hối cải và đồng thời chúng con nhận ra đó là hồng ân Chúa đang ban tặng cho mỗi người chúng con. Amen.
Đổi mới tâm hồn (04.01.2016)
1. Ghi nhớ: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “ Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4, 17)
2. Suy niệm:
Sám hối là dọn đường cho lòng mình, loại bỏ đi mọi chướng ngại khúc quanh co làm cản trở tâm hồn chúng ta hướng về Chúa, để tâm hồn mình luôn là đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị.
Tâm hồn luôn có những hố sâu làm ta vấp ngã. Những hố sâu đó có thể là đỉnh kiêu ngạo luôn bảo vệ cái ý riêng của mình, không đưa cái lợi tập thể lên trên, nên không chịu nhường bước cho ai, hoặc nhìn nhận cái sai của mình, hay biết thứ tha cho mọi người, tâm hồn chưa biết tìm cái an, cái tĩnh cho mình, chỉ gây bất hòa chia rẽ, ganh ghét, nghi kỵ nhau. Hố sâu còn là đam mê, tội lỗi, sân si, bước theo danh lợi, rơi vào lạc thú của thói trần tục, tâm hồn giờ chỉ là sự dối trá không những với mọi người mà cả với tâm hồn chính mình, hoặc tâm hồn chỉ toàn những lời cay độc tàn nhẫn làm tổn thương bao người với những lời chỉ trích phê bình v.v…
Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta, hãy nhìn lại tâm hồn mình trong sự ăn năn trở lại hay sám hối là từ bỏ tất cả từ tội lỗi mà trở về, hãy cố gắng khử trừ muôn lối quanh co cuộc đời để tâm hồn được trở nên như một hang đá hay máng cỏ cho Chúa ngự đến. Chính vì thế, chúng ta hãy đến tòa giải tội để được lãnh nhận sự tha thứ giúp cho tâm hồn thanh thản, trong sáng, nhờ đó mà ta biết phục vụ Chúa và tha nhân, biết lãnh nhận và cho đi nhưng không để làm lại cuộc đời mình. Đổi mới nội tâm thật khó lắm nhưng nếu chúng ta có ý chí quyết tâm trở về cùng Thiên Chúa thì Ngài luôn dang rộng tay chờ đón người con trở về.
“Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng tối Cao,
và cực lực gớm ghét mọi điều ghê tởm
Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao,
ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy!” ( Hc 17, 24-29).
3. Sống lời Chúa: Chúng ta hãy chạy đến nơi tòa giải tội để lãnh nhận ơn tha thứ.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa! sám hối không phải dễ dàng. Xin cho tâm hồn chúng con luôn biết điều chỉnh lại, nhìn lại bản thân về lối sống mình, đồng thời thêm sức cho chúng con đặc biệt là ơn hoán cải biết tìm về nẻo chính đường ngay trong bàn tay quan phòng che chở của Thiên Chúa. Amen.
M.Liên
Tiếng gọi sám hối và hoán cải
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17).
Suy niệm: Theo Tin Mừng Mát-thêu, sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gio-an và đi vào hoang địa ăn chay 40 ngày, Ngài bắt đầu rao giảng bằng lời kêu gọi sám hối. Tin Mừng Mác-cô cũng tường thuật tương tự (x. Mc 1,15). Tiếng gọi sám hối ấy cũng chính là trọng tâm lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Và xa hơn nữa, các ngôn sứ thời trước cũng thường xuyên lặp đi lặp lại tiếng gọi sám hối như vậy. Tiếng gọi sám hối tiếp tục không ngừng vang lên trong đời sống Giáo Hội: không chỉ mùa Chay, mà cả mùa Vọng, và ngay cả mùa Giáng Sinh nữa (như hôm nay!) Nói thật đúng thì sám hối là chuyện của mọi mùa. Sám hối và hoán cải là bước quyết định, là cánh cửa mở ra mọi dự án tốt đẹp khác của đời môn đệ, của sứ mạng tông đồ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang cố gắng thúc đẩy một cuộc canh tân đời sống và sứ mạng của Giáo hội – gọi là công cuộc Tân Phúc Âm hóa – và ngài cũng xác định rõ rằng cuộc canh tân ấy nhất thiết phải bắt đầu bằng sự hoán cải mục vụ ở mọi cấp độ của cơ cấu Giáo hội, cách riêng giáo xứ, giáo phận (x. Niềm Vui Tin Mừng, 27– 33).
Mời Bạn: Tiếng gọi sám hối và hoán cải của Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với bản thân, gia đình và giáo xứ của bạn? Nhìn lại chính mình, bạn có thể chân thành nói lên rằng “tôi đã sai, đã đi lạc, đã hư hỏng, đã bế tắc…” trong những cách sống, cách suy nghĩ và cách chọn lựa nào đó không? Bạn cần phải làm gì để cho phép Nước Trời đến với mình và để bảo đảm rằng bạn không dựng bảng ‘STOP’ trước Nước ấy?
Cầu nguyện: Chân thành đọc Kinh Ăn Năn Tội và Kinh Lạy Cha.
Chúa đến cứu mọi người
Khi ấy Đức Giêsu nghe tin ông Gioan bị nộp, người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê. (Mt 4,12-13).
Suy niệm: Các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu lúc Ngài mới sinh ra, nói lên một giai đoạn mới của ơn cứu độ đã khai mạc: ơn cứu độ được ban phát phổ quát chứ không giới hạn ở một địa dư nào. Trong cuộc đời rao giảng của mình, Đức Giêsu luôn trung thành với sứ mệnh cứu độ phổ quát này. Ngài không chọn Giêrusalem làm khởi điểm để truyền giáo, mặc dù nó có vị trí đặc biệt trong đời sống tôn giáo của Israen, nơi có Đền thờ, có tư tế. Nhưng Ngài chọn Galilê, là nơi đời sống xã hội khá phức tạp với đủ loại khách thập phương, và rất nhiều lương dân thuộc nhiều thứ tôn giáo khác nhau. Chúa Giêsu chọn nơi này để rao giảng Nước Trời, kêu gọi sám hối, chọn các môn đệ vì đây là mảnh đất lành để đón nhận Tin Mừng. Ngài ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ, chữa lành.
Mời Bạn: Phải chăng chúng ta thường có cái nhìn thiếu cảm thông, tha thứ, ngược hẳn với thái độ của Chúa? Phải chăng có khi ánh mắt và cách hành xử của ta trở nên như một thứ rào cản vô hình vừa che khuất họ không nhận ra lòng Chúa thương xót, vừa đẩy họ xa Chúa, thay vì lôi kéo họ đến với Chúa?
Chia sẻ: Chúng ta đang có những rào cản nào khiến anh chị em lương dân khó đến với Đức Kitô (cách sống đạo xa lạ với văn hoá dân tộc, đời sống nguội lạnh, tội lỗi…)?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy đến với một người đang sống gần bạn nhưng lại xa Chúa để đưa họ xích lại gần Chúa hơn.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Chúa muốn mượn”
Lạy Chúa, Chúa muốn mượn con mắt của chúng con để tội nhân thấy vẻ nhân từ của Chúa. Chúa muốn mượn đôi tay chúng con để nâng họ chỗi dậy. Chúa muốn mượn trí óc chúng con để tìm ra phương thế giúp họ hoán cải. Chúa muốn mượn con tim chúng con cho họ thấy Chúa đang cảm thông phận người yếu đuối, đang nhói đau vì tội lỗi họ gây nên, nhưng rất yêu thương, sẵn sàng tha thứ chờ họ trở về. Chúng con xin sẵn sàng trao Chúa mượn tất cả.