Có lòng nhân từ và không xét đoán (26.02.2024 – Thứ Hai Tuần II Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Đn 9,4b-10, Lc 6,36-38

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,36-38)

36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Có lòng nhân từ và không xét đoán (26.02.2024)

Ghi nhớ:

 “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. (Lc 6, 38) .

 Suy niệm:

Một hôm, tôi đi giao hàng, sau khi xong việc, trên đường trở về nhà, tôi thấy một người ăn mặc chỉnh tề, song lại đang phải dắt chiếc xe mô-tô nội bội trên đường. Tôi dừng lại và hỏi:

Tại sao anh phải dắt xe. Người ấy đáp:

Hết xăng.

Anh lên xe đi, tôi sẽ đẩy anh đến cây xăng!…

Một tháng sau, trên đường đi giao hàng, xe tôi giữa đường lại cũng bị hết xăng, tôi giận mình vì đã không chịu đổ xăng cho đầy bình để giờ thì phiền phức…Đang khi còn phân vân vì hàng hoá chất đầy trên xe, giờ thì phải dỡ xuống và gửi vào nhà người dân ven đường, sau đó mới dẫn bộ xe đến trạm xăng để đổ rồi mới trở lại lấy hàng để đi giao… Thì bỗng có một người lạ mặt không quen biết, di chuyển xe ngược chiều nhưng thắng xe lại hỏi:

Có phải xe anh hết xăng phải không? Lên xe đi tôi dẩy anh đến chỗ bán xăng  (quãng đường từ đó đến cây xăng khoảng hơn một cây số).

Sau khi xong việc, tôi  cảm ơn người ấy và mời anh ly nước nhưng anh từ chối vì có việc phải đi gấp.

Trên đường trở về nhà tôi rất đỗi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao một người không quen biết, lại cũng không được tôi mở miệng yêu cầu giúp đỡ, thế nhưng vẫn dừng xe và quay lại để giúp mình đưa xe đến trạm xăng. Cuối cùng tôi nghiệm ra rằng: “Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy!”

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su dạy ba điều cần tuân giữ:

Phải có lòng nhân từ:

Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Mà Ngài là Đấng rất nhân từ, khoan dung, vì thế chúng ta  phải phản ảnh khuân mặt tốt đẹp của Ngài bằng đời sống thi hành các nhân đức; nhân từ và yêu thương…

Đừng bao giờ xét đoán, kết tội một ai:

Người ta bảo rằng mỗi một người đều đeo hai cái túi, một ở đằng trước, một ở sau lưng, túi đằng trước là để đeo những lầm lỗi của anh em, túi đằng sau thì đeo những lầm lỗi của chính mình, vì thế chúng ta thường dễ thấy những khuyết điểm, thiếu sót của người khác trong khi những khuyết điểm và sai lầm của chính bản thân mình thì lại không hay! Đây là điều mà chúng ta hay và dễ vướng mắc nhất. Chính vì vậy chúng ta phải tập sống nghiêm khắc với chính mình và luôn tỏ ra độ lượng. khoan dung với anh em.

Luôn luôn sẵng sàng tha thứ cho anh em.

Có nhiều người nói câu này: “ Chúa tha được, chứ tôi không tha được”. Tại sao lại vậy ? Trong khi chính bản thân mình thì có biết bao tội lỗi xúc phạm đến Chúa vậy mà Chúa vẫn thứ tha cho, song mình lại không thể tha thứ cho anh em được thì rõ ràng là mình đã sống trong bất công. Ở đây, Chúa đòi hỏi là muốn được Ngài thứ tha thì trước hết ta phải tha thứ cho anh em, đó là điều kiện đầu tiên và cần thiết, vì nếu chúng ta không tha thứ cho anh em thì Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho chúng ta. Vì chúng ta là những con người ích kỷ và bất công! Không xứng đáng được Chúa thứ tha!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tấm lòng nhân hậu, biết tha thứ và biết xót thương để chúng con trở nên giống hình ảnh của Ngài và để chúng con xứng đáng hưởng những ân lộc Chúa ban. Amen.

Sống Lời Chúa:

Cố gắng sống theo lời Chúa dạy.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Tha thứ để được thứ tha (06.03.2023)

“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Thiên Chúa là Cha nhân từ, nên Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên con cái đích thực của Chúa bằng cách thể hiện lòng nhân từ với tha nhân hoặc ít ra là đừng “tước quyền” của Chúa để mà phán xét họ.

Chúa Giêsu đưa ra cách thức thể hiện lòng nhân từ: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán… Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.”

Ba câu ngắn gọn của Tin Mừng hôm nay là phần cuối trong diễn từ ngắn của Chúa Giêsu (Lc 6,20-38). Lần giở sách Luca ra, ta đọc thấy trong phần đầu của diễn từ, Chúa nói với các môn đệ và với những người giàu có khi công bố bốn mối phúc và bốn mối hoạ (Lc 6,20-26). Trong phần thứ hai, Chúa ngỏ lời với tất cả những ai đang lắng nghe, tức là đám đông – những người nghèo và bệnh tật, đến từ mọi miền. Những lời Chúa nói với những người này và với tất cả chúng ta đều là sự đòi hỏi và khó khăn: yêu kẻ thù, không nguyền rủa, đưa má bên kia cho kẻ tát má bên này của mình, và không phàn nàn nếu ai đó lấy đi những gì là của chúng ta (Lc 6,27-35). Làm thế nào hiểu được lời khuyên khó khăn này? Lời giải thích được đưa ra trong ba câu của Tin Mừng hôm nay, từ đó chúng ta rút ra trọng tâm của Tin Mừng do Chúa Giêsu mang lại.

Trong hành trình Mùa Chay của chúng ta, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đắm mình trong đại dương lòng thương xót của Thiên Chúa, và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, vị Thầy thần linh thúc giục chúng ta hãy có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ. Được mời gọi nên giống Chúa Cha, chúng ta cần phải từ bi và rộng lượng trong việc tha thứ. Chúng ta không xứng đáng để trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, nhưng đã được làm cho trọn vẹn bởi sự tha thứ của Người. Được chữa lành bởi tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta có thể buông bỏ nỗi cay đắng và sự giận dữ. Chúng ta có thể thấy thực tại trong viễn tượng sự tốt lành và lòng thương xót dồi dào của Chúa. Biết thương xót như Chúa Cha thương xót, và biết tha thứ như Chúa Cha tha thứ sẽ làm cho chúng ta có thể thưởng nếm sự phong phú dồi dào của ân sủng Người.

Tuy nhiên, do hậu quả của tội lỗi, nên chúng ta thường làm ngược lại điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta thường muốn xét đoán người khác hơn là xét đoán bản thân mình, muốn kết án người khác hơn là kết án chính mình, muốn được người khác tha thứ hơn là tha thứ cho họ và thích được thu gom vào hơn là phải cho đi. Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, để chính chúng ta được cứu độ và chia sẻ niềm vui cứu độ ấy cho mọi người, ngõ hầu họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, chúng con thường sống theo bản năng tự nhiên: hay xét đoán, thích lên án người anh em, khó khăn khi tha thứ và do dự khi cho đi. Xin Chúa nhân từ tha thứ cho chúng con. Xin cũng giúp chúng con đáp trả bằng cách bày tỏ lòng nhân từ với nhau. Amen.

Joston

Tha thứ – đức tính cao trọng (14.03.2022)

“Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng xét đoán người khác, nhưng phải có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ. Khi xét đoán, chúng ta thường nhìn vào những yếu đuối và sai lầm của người khác, không còn thấy những điều tốt nơi con người họ. Như vậy, xét đoán là hành động của người không biết xót thương.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Nếu bạn xét đoán người khác, bạn sẽ chẳng còn thời gian để yêu thương họ nữa.” Nếu chúng ta không còn thời gian để yêu thương người khác, thì làm sao có thời gian để dành cho Thiên Chúa – Đấng hiện hữu nơi ta và nơi họ được.

Trong xã hội ngày nay, nhiều người thường có khuynh hướng xét đoán, thích soi mói cái xấu của người khác. Chúng ta đã quên mất một điều, mọi sự là của Chúa, ngay cả chính con người của chúng ta. Vì thế, việc xét đoán thuộc quyền của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta.

Có một câu thoại trong một bộ phim dài tập mà tôi rất tâm đắc: “Đức tính cao quý nhất của con người là tha thứ.” Trong mối tương quan với gia đình, với bạn bè, với xã hội, có lắm lúc chúng ta cảm thấy bực tức, giận dỗi, oán trách người khác rất nhiều, đến nỗi không muốn bỏ qua cho họ. Nhưng nếu cứ giữ mối hiềm khích đó trong người, thì tinh thần của chúng ta sẽ ra nặng nề, tâm hồn trở nên già nua cằn cỗi, như vậy vừa gây hại cho bản thân, vừa mất tình liên đới với tha nhân và còn mất ơn nghĩa với Thiên Chúa nữa.

Chúa Giêsu đã nêu gương tha thứ một cách rõ ràng nhất cho chúng ta khi Ngài ở trên Thánh Giá, sau khi đã phải chịu biết bao đòn roi cay đắng nhục nhã, Ngài vẫn xin Chúa Cha tha thứ vì đám đông ấy không biết việc họ làm, để ơn cứu độ được ban cho nhân loại. Hay như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bị ám sát và suýt nữa mất mạng, khi hồi phục ngài đã đích thân vào nhà tù biệt giam tên hung thủ để thăm hỏi và tha thứ cho anh ta, ngài đến để truyền rao lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, hãy cho đi…, đây không chỉ là một khuyến khích, nhưng nếu chúng ta sống như vậy, hẳn sẽ được Thiên Chúa đối xử với chính mình như thế.

“Ai mà không có lỗi? Ai là không có tội? Khi ta mang kiếp con người được dựng nên từ bụi tro? Ta cần ơn tha thứ, nên đừng trách gì nhau. Hãy sống bằng cả trái tim, hãy tha thứ để được thứ tha.” (Hãy tha thứ, sáng tác Quốc Thái)

Joston

Tạ ơn để nhận biết điều tốt đẹp (01.03.2021)

Tạ ơn là một hành động hoặc cử chỉ thể hiện lòng biết ơn của người nhận ơn đối với người ban tặng, trao tặng.

Trao tặng hay tạ ơn đều là những nghĩa cử cao đẹp của người trao và người nhận, nó xuất phát từ tận trong tâm của mỗi người thể hiện ý nghĩa giá trị của một con người.

Dân gian Việt Nam có câu: “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Câu nói gợi lên ý nghĩa của người trao và người trả, người ban tặng và người trả ơn trong bối cảnh bình thường. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn thì việc trao tặng còn giá trị trân quý biết bao, vì “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Đối với con người cần phải biết tạ ơn, tạ ơn Trời đã ban tặng những điều tốt lành cho ta, tạ ơn những người đã giúp đỡ quan tâm đến ta. Tạ ơn những việc tốt lành, những điều hạnh phúc mà ta đón nhận những ngày từng giờ, từ khi ta được cưu mang trong lòng cho đến khi ta từ giã cõi đời.

Khi biết tạ ơn chính là lúc mình nhận ra những điều tốt đẹp từ nơi người khác, vì họ vẫn quan tâm đến mình, vì họ vẫn yêu thương và giúp đỡ mình. Từ lòng biết ơn mà mình nhận ra những điều tốt đẹp luôn ở chung quanh mình. Khi nhận ra những điều tốt đẹp đó là lúc mình nhận ra những điều tốt đẹp trong con người mà cảm thông những điều chưa được tốt đẹp trong con người mà cảm thông, mà chia sẻ chứ không còn lên án hay kết tội ai nữa.

Tôi là thân xác yếu đuối, anh cũng là thân xác yếu đuối như tôi, nếu có mạnh mẽ đó chính là sự mãnh mẽ của Thiên Chúa trong mỗi người. Khi nhận ra thân phận yếu đuối mọn hèn của mình thì không còn dám lên án hay kết tội ai nữa. Vì khi lên án hay kết tội ai chính là ta đã tự coi mình hơn người, đó chỉ là một sự kiêu ngạo, vì ơn khôn ngoan và sức mạnh hơn người đều bởi Chúa bần có, nếu Chúa lấy đi trong giây phút là hết.

Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Luca (6, 36-38) đã dạy cho ta biết cách đối xử với nhau đừng lên án, đừng kết tội ai vì con người chẳng là chi, chẳng gì. Nếu kết tội hay lên án anh em thì nào có ích gì, nào có lợi gì đâu, vì mọi người đều phải chết. Khi chết ra trước toà Chúa Giêsu phán xét mà bị Chúa lên án, mà bị Chúa kết tội lúc này mới đáng sợ khốn cùng, nhưng không còn cơ hội nữa, và ta sẽ bị Chúa phạt đời đời trong hoả ngục. Vì khi còn sống ta đối xử với anh em như thế nào, khi ta chết đi Thiên Chúa sẽ đối xử với ta như thế.

Hãy luôn biết tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả đều là hồng ân của Chúa. Hãy cảm ơn nhau vì tất cả chúng ta đều là anh em con cùng một Cha trên trời. Hãy lấy những đấu nhân lành, những đấu thánh thiện mà đối xử nhau, mà tạ ơn Chúa, thì Chúa nhân từ sẽ trả cho ta những đấu hảo hạng mà trả cho ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết noi gương Mẹ Maria mà đối xử với nhau, như khi ở tiệc cưới Cana, Mẹ thấy hết rượu rồi thì xin Chúa làm phép lạ hoá rượu cho họ dùng. Xin cho con luôn biết đối xử tốt đẹp nhất với anh em con để cuộc đời con trở của lễ Tạ Ơn Chúa.

Hư Vô

Chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau (09.03.2020)

“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha” (Lc 6,37).

Chúa  Giê-su  dạy  chúng  ta  đừng  xét  đoán  người  khác. Bởi sự xét đoán của chúng ta có bao giờ là chuẩn xác đâu. Và hơn nữa, quyền phán xét là của Thiên Chúa. Còn chúng ta, hãy chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau. “Hãy tha thứ, thì các  con sẽ được tha thứ”.

Và hiểu là nếu ta  không  tha  thứ  cho người thì  Chúa  cũng chẳng tha thứ cho ta. Bởi  vậy, không  có gì  vô lý,  trơ trẻn  cho bằng “người không tha thứ cho ai, mà nguyện cầu Thiên Chúa tha thứ cho mình”. Hãy nhớ rằng, mỗi chúng ta đều là tội nhân, như sách tiên tri Daniel nói: “Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa”.

Thế nhưng, lòng thương xót thứ tha của Chúa lớn hơn tội lỗi chúng ta. Thiên Chúa là Đấng khoan dung tha thứ, và Chúa Giê-su Ki-tô là mạc khải lòng thương xót của Chúa Cha. Vì thế, khi sống tha thứ là chúng ta nên giống Chúa Ki-tô, nên giống Thiên Chúa, đấng đã miễn chấp những tội lỗi tày trời của ta, lại còn tha thứ và chuộc lại chúng ta bằng chính cái chết của Người.

Tha thứ là bình an, là hạnh phúc, cho ta và cả cho người. Ai không tha thứ là tự nhốt mình vào trong cái lô cốt đầy âm mưu của ma quỷ ác độc. Và rồi sẽ có ngày đập cái lô cốt ấy mà đi ra và thực hiện điều vô nhân, thất  đức, gieo tội ác  tày trời kinh khủng hơn theo hướng dẫn của thần dữ là ma quỷ. Đừng chất chứa trong lòng những hơn thua tỵ hiềm ganh ghét, những ý tưởng trả đủa cho thỏa lòng thù hận. Hãy dọn sạch cõi lòng tâm trí  mình  những  ý  tưởng  ngu  muội ấy.  Và  hãy  mời  Chúa Giê-su xót thương, cảm thông, tha thứ ngự vào.

Lạy Chúa, chúng con vẫn thường bất an vì còn mãi chấp nhất những xúc phạm của anh chị em, xin cho chúng con biết tha thứ, để được Chúa thứ tha và vui sống bình an. Amen.

Sống bình an trong Chúa (18.03.2019)

Ghi nhớ:

Vì: “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại đấu ấy”. (Lc 6,38)

Suy niệm: 

Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Luca muốn gợi ý ân huệ của Thiên Chúa là lòng nhân từ, lòng yêu thương đến với mọi người, bằng những lời nhắc nhở khuyên bảo chúng ta như sau:

– Đừng xét đoán

– Đừng lên án

Vì cuộc sống hàng ngày biết bao điều xảy ra, thường thì bao người mắc phải những điều xét đoán, lên án, đánh giá, phê bình, chỉ trích, kết tội người khác, thậm chí còn a dua khi không thích người này ghét người kia như tục ngữ có câu: “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông” mà quên rằng Đức Chúa Giêsu không cấm người ta phán đoán sự việc một cách khách quan, nhưng cấm mọi người lên án người khác, vì làm như vậy là cướp quyền thẩm phán của Thiên Chúa, vì chỉ có mình Người mới là Thẩm Phán,

– Hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

– Hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Khả năng tha thứ cho người khác còn tùy thuộc nơi chính mình. Nhìn lại quá khứ, phần lớn mọi người đang hối tiếc về những điều đã nói đã làm. Thời gian giúp mọi người bình tĩnh lại, nhận ra đúng – sai của mình, để có thể tha thứ chính cho bản thân, đồng thời biết nhận ra tha thứ cho người khác, biết học cách tha thứ thì sự oán giận sẽ không đầu độc thâm tâm ta, giúp ta tìm sự bình yên, sâu lắng trong tâm hồn, buông bỏ vai trò thẩm phán hay học làm quan tòa dùm cho mọi người.

Tha thứ để xua tan đi sự cố chấp, chai sạn, lỗi lầm trong con người, học cách tha thứ cho bản thân mình và cho mọi người. Tha thứ dựa trên nền tảng: “ mến Chúa và yêu người” giúp cho tâm hồn chúng ta thoát ra sự tức giận, thù hận hay sầu khổ hoặc than vãn trách bản thân mình, giúp ta tiến về phía trước cùng với sự tha thứ, là sống biết cho đi, để trở người sống an vui tìm được “sự sống bình an trong Chúa”. Thế nên, ai sống trong hận thù là sống không có Thiên Chúa, ai sống trong tình yêu là chính Thiên Chúa ngự trị, hiện diện ngay trong đền thờ tâm hồn mình. Đồng thời Thiên Chúa đã nói: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! xin cho mùa chay Thánh này, chúng con biết trở về trong sự sám hối với bao năm tháng tội lỗi đã vấp phạm, để chúng con sống với lòng vị tha, bác ái, nhận từ, sống biết độ lượng, biết cho đi không xét đoán, biết tha thứ trong yêu thương, để đền bù những tội đã phạm đến lỗi nghĩa  cùng Thiên Chúa. Amen. 

Quyền Thẩm Phán (26.02.2018)

Ghi nhớ:

Vì: “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại đấu ấy”. (Lc 6, 38)

Suy niệm: 

Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Luca muốn gợi ý ân huệ của Thiên Chúa là lòng nhân từ, lòng yêu thương đến với mọi người, bằng những lời nhắc nhở khuyên bảo chúng ta như sau:

– Đừng xét đoán

– Đừng lên án

Trong cuộc sống hàng ngày với biết bao điều xảy ra, con người ta thường mắc việc xét đoán, lên án, đánh giá, phê bình, chỉ trích, kết tội người khác, thậm chí còn a dua khi không thích người này ghét người kia như tục ngữ có câu: “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông” mà quên rằng Đức Chúa Giêsu không cấm người ta phán đoán sự việc một cách khách quan, nhưng cấm mọi người lên án người khác, vì làm như vậy là cướp quyền thẩm phán của Thiên Chúa, vì chỉ có mình Người mới là Thẩm Phán,

– Hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

– Hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Khả năng tha thứ cho người khác còn tùy thuộc nơi chính mình. Nhìn lại quá khứ, phần lớn mọi người đang hối tiếc về những điều đã nói đã làm. Thời gian giúp mọi người bình tĩnh lại, nhận ra đúng – sai của mình, để có thể tha thứ chính cho bản thân, đồng thời biết nhận ra tha thứ cho người khác, biết học cách tha thứ thì sự oán giận sẽ không đầu độc thâm tâm ta, giúp ta tìm sự bình yên, sâu lắng trong tâm hồn, buông bỏ vai trò thẩm phán hay học làm quan tòa dùm cho mọi người.

Tha thứ để xua tan đi sự cố chấp, chai sạn, lỗi lầm trong con người, học cách tha thứ cho bản thân mình và cho mọi người. Tha thứ dựa trên nền tảng: “mến Chúa và yêu người” giúp cho tâm hồn chúng ta thoát ra sự tức giận, thù hận hay sầu khổ hoặc than vãn trách bản thân mình, giúp ta tiến về phía trước cùng với sự tha thứ, là sống biết cho đi, để trở người sống an vui tìm được “sự sống bình an trong Chúa”. Thế nên, ai sống trong hận thù là sống không có Thiên Chúa, ai sống trong tình yêu là chính Thiên Chúa ngự trị, hiện diện ngay trong đền thờ tâm hồn mình. Đồng thời Thiên Chúa đã nói: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho mùa chay Thánh này, chúng con biết trở về trong sự sám hối với bao năm tháng tội lỗi đã vấp phạm, để chúng con sống với lòng vị tha, bác ái, nhận từ, sống biết độ lượng, biết cho đi không xét đoán, biết tha thứ trong yêu thương, để đền bù những tội đã phạm đến lỗi nghĩa  cùng Thiên Chúa. Amen.

Lòng Chúa nhân từ

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Năm 1428 vua Lê Lợi toàn thắng quân Minh; hàng tướng, tù binh bị bắt đến trên 80.000 người đều được tha cả. Chẳng những thế, Lê Lợi còn chu cấp thuyền và ngựa để cho về nước. Nhà vua cho biết: “Phục thù, báo oán là chuyện thường tình, không giết người là bản tâm của người nhân giả” (x. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, nxb VHTT, 2002, tr. 315-6). Tha chết cho kẻ đáng tội chết, đó là nhân từ. Chúa Giêsu còn dạy phải “nhân từ như Chúa là Đấng Nhân Từ”. “Nhân từ như Chúa” không chỉ là tha cho chúng ta là tội nhân đáng chết vì đã chối bỏ Ngài, mà còn là thí mạng sống của chính Con Một Ngài để đền bù tội lỗi chúng ta. Sống “nhân từ như Chúa” đòi buộc chúng ta cũng phải biết “thí mạng sống mình” vì anh em.

Mời Bạn: Trong sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tình yêu Nhập Thể của Thiên Chúa là “một tình yêu không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến”. Để theo chân Chúa Kitô sống nhân từ như Chúa, chúng ta không chỉ dành cho nhau tình yêu thương qua lời nói, cử chỉ tế nhị, cảm thông, những hoạt động chia sẻ, bác ái mà còn dám từ bỏ những ham muốn ích kỷ, chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi để phục vụ anh chị em nữa.

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay, gia tăng những việc hy sinh và thực hành việc bác ái phục vụ để sống lòng nhân từ như Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là Kitô hữu, chúng con đã mang lấy Danh Ngài. Xin Chúa cho chúng con biết ý thức để sống danh xưng Kitô hữu để tình yêu của Ngài được đến với mọi người trong thế giới hôm nay.

Hãy nên giống Thiên Chúa

Đức Giê-su nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. (Lc 6,36).

Suy niệm: Theo Sách Sáng Thế, khi sáng tạo con người, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Như thế, việc con người trở nên giống Thiên Chúa không phải là ý tưởng viển vông mà là kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa. Nếu có viển vông, là ý tưởng con người đòi trở nên giống Thiên Chúa bằng cách loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình chứ không phải hành động theo chương trình của Ngài. Với sự kiêu ngạo này, con người nên giống ma quỉ hơn là giống Thiên Chúa. Chúng đã thành công khi dụ dỗ tổ tông loài người ăn “trái cấm” để trở nên bằng Thiên Chúa trong sự khôn ngoan; và chúng cũng tiếp tục thành công mỗi khi cám dỗ đượccon người chống lại ý muốn của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Đức Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là khuôn mẫu cho những ai muốn nên giống Thiên Chúa. Vâng nghe lời Ngài là vâng nghe lời Thiên Chúa, trở nên giống Ngài là trở nên giống Thiên Chúa. Chính Chúa Cha đã tuyên phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”(Mc 9,7).

Chia sẻ: Ma quỉ đã thành công khi trao cho tổ tông loài người “trái cấm”, vậy những loại “trái cấm” ngày nay chúng trao cho ta là gì?

Sống Lời Chúa: Làm cho người khác điều mà ta muốn họ làm cho ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chỉ muốn chúng con nên tốt, mà còn muốn chúng con nên giống Chúa. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và xin ban ơn nâng đỡ, để mỗi công việc của chúng con đều phản ánh lòng nhân từ của Chúa, hầu giúp mọi người nhận biết Chúa là Cha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *