Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Gr 17,5-10, Lc 16,19- 31
✠ Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Lu- ca (Lc 16,19- 31)
19 Khi ấy, Đức Giê- su nói với người Pha- ri- sêu dụ ngôn sau đây : “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La- da- rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp- ra- ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp- ra- ham ở tận đàng xa, và thấy anh La- da- rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên : ‘Lạy tổ phụ Áp- ra- ham, xin thương xót con, và sai anh La- da- rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ 25 Ông Áp- ra- ham đáp : ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La- da- rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La- da- rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’
27 “Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La- da- rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !’ 29 Ông Áp- ra- ham đáp : ‘Chúng đã có Mô- sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ 30 Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Áp- ra- ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ 31 Ông Áp- ra- ham đáp : ‘Mô- sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”
Đừng sống vô cảm (29.02.2024)
“Con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.”
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã đạt tới tuyệt đỉnh, nó trình bày cho ta thấy một cảnh bi thảm sống động về những kẻ giàu có ích kỷ bị chúc dữ ghê sợ, những kẻ giàu sang này ăn chơi thỏa thích, bỏ mặc những lời van xin thảm thiết của những kẻ bần cùng đói khổ than khóc. Đây là bản văn nghiêm khắc để cảnh cáo những kẻ giàu với lối sống buông thả, vô cảm và cũng là lời an ủi dành người nghèo khổ.
Khi kể dụ ngôn về người giàu và La-da-rô, trước hết Chúa Giêsu ám chỉ đến quan niệm sai lầm của các biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cái nhìn tôn giáo của họ tin rằng ở trần gian này, ở cuộc sống hiện tại này người lành sẽ được thịnh vượng, kẻ ác gặp bất hạnh.
Thế nhưng đối với Chúa Giêsu, thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa; cũng như nghèo khó không minh chứng sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruồng bỏ. Tất cả nằm trong chương trình của Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa muốn không hệ tại chuyện giàu nghèo mà là sự tương quan giữa người với người.
Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một khu vực nhỏ bé, cách nhau chỉ vài bước chân: kẻ ăn không hết người lần không ra. Một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời khác biệt, từ trong nhà ông phú hộ đến chỗ anh La-da-rô nằm ngoài hiên tuy gần nhau về thể lý nhưng tình liên đới thì ngàn trùng xa.
Chúng ta không thấy ông phú hộ có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính; dụ ngôn không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự vô cảm và dửng dưng với người nghèo. Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu, Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của La-da-rô, nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói.
Điều này nhắm tới mọi người chúng ta là: Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống. Khi chỉ biết tìm kiếm sao cho có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân nữa. Cái tội Chúa cảnh tỉnh chúng ta hôm nay chính là tội thiếu sót, không chu toàn bổn phận yêu người, vô cảm trước những người bất hạnh xung quang chúng ta. Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Có người lại yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình thì khó.
Tiền bạc cũng như vật chất là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng để bảo đảm cho cuộc sống và phẩm giá bản thân, đồng thời còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bần hàn túng thiếu. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ có một giá trị vô song tạo cho chúng ta một kho tàng ở đời sau.
Chúng ta hãy hoán cải ngay từ bây giờ bởi vì giây phút hiện tại mới thực là quan trọng, nó chính là thời điểm duy nhất chúng ta có thể sống như chúng ta muốn và xây dựng cho tương lai vĩnh cửu một cách hữu hiệu nhất, vì ngày mai phải được bắt đầu từ ngày hôm nay. Mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội và nhiều phương thế để hoán cải, qua Lời Chúa, qua lề luật, qua Bí tích và qua những dấu chỉ của cuộc sống; nếu chúng ta không quan tâm, thì đến ngày ra trước mặt Chúa chúng ta không có cớ để viện minh nữa. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng chúng con để chúng con đừng vô cảm trước những mảnh đời khổ đau, xin mở rộng bàn tay chúng con, để chúng con luôn biết san sẻ giúp đỡ những người bất hạnh. Amen.
Joston
Người ăn xin không bằng Chúa ăn xin (09.03.2023)
Có câu chuyện kể rằng: Một bà cố kia rất là keo kiệt, nên mỗi khi có người đến xin bố thí thì đều bị bà mắng và đuổi đi. Con của bà là một linh mục thấy thế mới nói: “Mẹ ơi, mẹ cho người nghèo thì mẹ phải vui vẻ chứ, sao mà mẹ cứ cáu gắt đuổi họ đi thế?” – “Ui, những cái người lười biếng chẳng chịu đi làm mà đi ăn xin.” Bà đáp. “Nhưng mà Chúa nói là cho những người nghèo là cho chính Chúa đó.” Bà liền bảo: “Tao mà thấy Chúa đến là tao cho ngay.” – “Nhưng mà sao mẹ biết Chúa đến được?” người con hỏi mẹ – “Chúa mà đến là tao nhìn tao biết ngay”, bà cố chắc chắn như vậy.
Thế là vào một hôm kia trời mưa lớn, vì linh mục này về thăm bà cố, nhưng trước đó ghé vào nhà hàng xóm để thay đồ và mặc lên chiếc áo mưa rách nát, và chiếc nón là tả tơi. Ông về gặp bà cố giả làm người ăn xin: “Bà ơi, bà cho con chút đồ ăn, con đói mệt quá!”. Bà cố bảo: “Ai đâu mà cho, có cái gì ăn mà cho, đi đi, ông đi đi.” Vị linh mục lại bước vô một bước: “Bà ơi, bà thương con, con đói lả lắm rồi!”. Bà cố la toáng lên “Ông đi ra đi, ông vào nữa là tôi hét làng xóm đến đó nha.
Vậy là vị linh mục mới bỏ nón lá xuống cười như được mùa: “Mẹ bảo mẹ thấy Chúa đến là mẹ biết ngay, đây con của mẹ đây mà mẹ còn không biết thì sao mà biết Chúa đến được”.
Trên đây là một mẩu chuyện vui, nhưng chứa đựng những bài học áp dụng cho Tin Mừng ngày hôm nay. Ông nhà giàu kia cũng đâu có phạm tội gì, ông chỉ ăn uống của ông. Nhưng nào có biết chính người nghèo Ladaro đó lại chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Và cái giá phải trả đó là sa hỏa ngục muôn đời. Sở dĩ như vậy, không chỉ làm điều xấu mới có tội, mà là có khả năng làm điều tốt nhưng từ chối thì cũng là đang từ chối ơn cứu độ.
Đối với chúng ta hôm nay, Việt Nam vẫn là một nước đang trong giai đoạn phát triển, người nghèo vẫn còn rất nhiều ở sung quanh ta. Giữa một gia đình nghèo và một gia đình đói khổ, thì rõ ràng gia đình nghèo vẫn sướng hơn một bậc. Vậy hãy mở lòng chúng ta ra với anh chị em khó khăn quanh ta. Không phải là vì sợ Chúa sẽ đẩy ta vô hỏa ngục, nhưng là vì ta xót thương đến nối đau đớn của người khác. Nào chẳng lẽ khi gặp những đứa trẻ thất học lang thang ăn xin khắp phố, lòng ta không chút nghẹn ngào hay sao?
Xin đừng sợ rằng những người ăn xin là giả vờ nghèo, giả vờ bệnh để lừa tiền mình. Hãy biết là khi cho đi, không cần biết người đó khó khăn thật hay giả, nhưng chắc chắn ta đã có công phúc trước mặt Chúa rồi. Và Thiên Chúa là Đấng Công Minh, chẳng lẽ lại phán rằng vì ta bố thí nhầm người mà không ban nước Thiên Đàng cho ta hay sao?
Ngọn cỏ ven đường.
Còn có sự sống đời sau (17.03.2022)
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó”. Dụ ngôn vẽ lại hình ảnh xã hội thời Chúa Giêsu với hai lớp người.
– Lớp người thứ nhất, những người giầu có: “Có một ông nhà giầu kia mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình…”. Lớp người này họ chỉ biết tin tưởng vào con người. Họ cậy dựa vào của cải, lạc thú trần gian mà hưởng lạc, tiêu thụ và trục lợi. Nếu có tin tưởng vào Thiên Chúa thi họ vênh vang tự đắc là mọi thứ Chúa đã ban cho họ, thưởng cho họ vì những tài đức riêng của mình. Do đó họ chẳng phải nghĩ gì đến bổn phận với những người nghèo khó.
– Lớp người thứ hai, những người khốn khổ: “Có một người nghèo khó tên là Ladarô mụn nhọt đầy mình, năm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm bầy chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta…”. Chúa Giêsu đã dùng ngôn từ nói lên sự khốn cùng cực độ của lớp người này: họ nên bạn hữu với lũ chó và người nâng đỡ họ cũng chẳng có ai ngoài lũ chó. Điều đó càng thấy sự bất công xã hội và mức sống chênh lệch giữa hai lớp người lớn chừng nào.
Nhưng đọc tiếp dụ ngôn cho ta thấy cuộc sống trên đời này chưa phải là tất cả của con người, vì còn có Thiên Chúa, còn có sự sống đời sau nữa. Kết cục thì khi chết đi ông nhà giầu phải xuống âm phủ, còn anh Ladaro được ở trong lòng tổ phụ Apraham. Người rốt hết lại trở nên trên hết và người trên hết lại trở nên rốt hết. Đến đây, tôi nhớ lại mấy câu bổ báng Đạo Chúa trong một cuốn sách tôi đọc trước đây: “ Đạo Công Giáo mê hoặc những người nghèo khổ để bóc lột họ và hứa hẹn một phần thưởng vô vọng Thiên Đàng”. Còn tôi, nhờ đức tin tôi coi Lời Chúa là chân lý, là sự thật.
Dụ ngôn không khẳng định với ta là cứ giầu có thì phải vào hoả ngục, hay cứ nghèo khó là được vào thiên đàng. Vậy người nghèo khó mà trách phận kêu trời thì đâu Chúa chấp nhận, hay người giầu có mà nhận biết Chúa, biết tha nhân mà yêu thương chia sẻ thì lẽ nào Chúa bỏ rơi. Nhưng dụ ngôn dạy cho ta một chân lý sự thật là: Có Thiên Chúa, ông chủ trời đất, có sự sống đời sau nữa, một nơi thưởng công cho những kẻ xứng đáng, một nơi giam phạt kẻ bất nhân. Cả hai nơi đều lâu dài vô cùng vô tận. Chúa cũng không bảo ta hãy sống theo người này hay theo người kia mà để ta tự chọn. Nhưng giờ đây nếu có người hỏi: bạn thích chọn mẫu sống của người nào thì dại gì mà tôi không chọn theo Ladarô. Vì dù phải sống cuộc đời này khốn cùng, nhưng thời gian có ngần có hạn, mà được vào chốn hạnh phúc vô cùng vô tận với Thiên Chúa Đấng dựng nên tôi. Vậy thì còn có thứ hạnh phúc nào đánh đổi được?
Ba năm giảng dạy, bằng những dụ ngôn hay lời trực tiếp, Chúa Giêsu liên tục dạy ta về Thiên Chúa là Cha yêu thương “Người khiến mặt trời mọc lên cho cả kẻ dữ, người lành”(Mt 5,45). Người muốn nhân loại yêu thương mà chia sẻ cho nhau để ai cũng được hưởng mọi thứ mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Chúa còn nhắc những người ích kỷ, tham lam hưởng thụ đời này mà quên tha nhân, quên hạnh phúc đời sau: “Nếu được lời lãi ca thế gian này mà mất linh hồn thì nào có ích chi?”(Lc 9,25).Thánh Phanxicô Xavie (1506-1552), khi suy gẫm lời Chúa này, ngài đã từ bỏ con đường danh vọng là giáo sư trường đại học để xin đi tu, làm linh mục mà đi rao giảng Tin Mừng cho Á Châu.
Lạy Chúa! Xin cho con luôn khôn ngoan mà chọn lựa sống Lời Chúa. Để dù sống Lời Chúa có bị thiệt thòi ở đời này, thì đã có phần thưởng vô tận Chúa dành cho con đời sau- Amen.
Giuse Ngọc Năng
Người giàu cũng khóc (04.03.2021)
Đi trên đường phố gặp những người già cả, người khuyết tật, trẻ em bán vé số, người vô gia cư ngồi vỉa hè… bạn có động lòng trắc ẩn? Trên trang báo Phụ Nữ, vẫn có bài viết về lòng hảo tâm của những người thiện nguyện như nhóm người nước ngoài do tình hình bệnh dịch nên ở lại Việt Nam vui Tết, họ chọn niềm vui là cách chia sẻ vật chất cho mái ấm gồm quần áo, đồ chơi… để trẻ em cơ nhỡ có hạnh phúc đón Tết và các phần bánh tét cho người vô gia cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Hành động ý nghĩa từ lòng nhân đức là cảm xúc ẩn dấu trong trái tim con người khi cảm nhận cảnh cô đơn, nghèo khó… của ai đó. Theo John Wesley: “ Chừng nào bạn còn có thể, hãy làm càng nhiều việc thiện càng tốt, bằng mọi phương tiện có thể, trong mọi cách có thể, tại mọi nơi có thể, vào mọi lúc có thể”.
Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay: “Một ông nhà giàu, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no”. Hình ảnh cuộc sống của người giàu có phủ phê bên cạnh người nghèo đói, người giàu có không hề động lòng thương xót người nghèo nàn bệnh tật trước cổng nhà mình. Cái kết của hai người khi qua đời, người nghèo thì ở trong lòng tổ phụ Abraham, còn người giàu có van nài : “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”. Sự trái ngược của hạnh phúc đời sau, có phải tất cả người giàu có khi chết đều chịu cực hình? ThánhTêrêsa Calcutta chia sẻ: “Hãy yêu thương người nghèo, và đừng quay lưng với họ, bạn cũng đừng khước từ Đức Kitô. Người đã hóa thân thành người đói khát, khốn cùng, vô gia cư, để chúng ta có cơ hội yêu thương Người”.
Sự trả giá bắt đầu từ cuộc sống trần thế, thánh Laurensô Justinaô đã nói: “Thiếu đức thương yêu thì không thể vào được Nước trời”, giả sử người giàu biết tạ ơn Chúa đã ban cho của cải dư đầy? Kẻ ấy không bàng quang thờ ơ đối với người bất hạnh? Biết làm nhiều điều tốt đẹp cho tha nhân, có phải kết quả sẽ khác? “Cuộc đời chúng ta chỉ thành công khi chúng ta không khép kín trái tim, mà mở lòng đón nhận dòng chảy yêu thương. Tình yêu khiến chúng ta không mắt nhắm làm ngơ trước những nhu cầu của người lân cận, mà có khả năng vượt lên chính mình” (Docat 24,15).Trong thông điệp Caritas in Veritate (2009),2 của Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Lòng bác ái mang đến chất liệu tinh tuyền cho mỗi liên hệ của cá nhân với Thiên Chúa và với người thân cận; lòng bác ái là nguyên lý không phải chỉ của các mối quan hệ vi mô (với bạn bè, người thân…) mà còn của các mối liên hệ mang tính vĩ mô (xã hội, kinh tế …). Mọi thứ đều bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, mọi thứ đều được định hình bằng tình yêu, mọi thứ đều quy hướng về tình yêu”.
Lời Chúa là bài học cho mỗi người hãy thức tỉnh, suy ngẫm về cuộc sống hiện tại, xin cho chúng con có tâm hồn nhạy cảm, nhận biết mình đang được yêu thương để chúng con biết yêu thương người khác như Chúa đã yêu chúng con.
Anna Anh
Biết cậy trông vào Thiên Chúa (12.03.2020)
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu gương, một người giàu có và anh La-da-rô, để dạy cho chúng ta biết về số phận của những người đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Ông nhà giàu thì cậy dựa và tin nơi sự giàu có của mình; còn La-da-rô thì đặt tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Chỉ trong ít lời ngắn ngủi, Thánh sử Luca đã lột tả được sự bất công giữa lòai người: một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người, vừa nghèo khó lại vừa bệnh tật, tên là La-da-rô, nằm trước cổng ông nhà giàu. La-da-rô thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Nếu chúng ta nhìn người đàn ông giàu có theo quan điểm trần tục, ông thực sự rất hạnh phúc, và La-da-rô thì thật là bất hạnh. Trên thực tế, tình trạng như vậy cũng rất phổ biến trong xã hội của chúng ta. Có nhiều người giàu sống một cuộc sống giàu có, đầy đủ tiện nghi, ăn chơi thỏa thích. Chúng ta thấy sự thỏa mãn của họ về vật chất vượt quá nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy đầy rẫy những người nghèo khó, khốn khổ, không có gì để đảm bảo cho bản thân mình có thể sống được ngày tiếp theo.
Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta biết, khi người giàu và người nghèo chết, vai trò của họ bị đảo ngược! La-da-rô trở nên rất hạnh phúc, một thiên thần đã đưa anh ta đến vòng tay của Áp-ra-ham để được an ủi. Thay vào đó, người đàn ông giàu có đã xuống địa ngục và chịu đựng trong ngọn lửa. Chúa đã nhìn thấy sự đau khổ của La-da-rô trên thế giới, và do đó, Ngài ban cho anh ta sự an ủi trên trời.
Người đàn ông giàu có đã làm gì sai? Có phải bởi vì anh ta giàu có mà phải sa xuống hỏa ngục? Phải chăng, giàu có là cái tội? Tất nhiên là không! Vấn đề đối với người đàn ông giàu có là vì ông thờ ơ và vô cảm với nhu cầu của La-da-rô; ông không quan tâm và lòng vẫn lạnh lẽo với người anh em khốn cùng đang ở ngay trước mặt và ngay bên cạnh mình.
Tin Mừng không đề cập đến tên của người đàn ông giàu có, anh ta có thể là bạn hoặc tôi ngày hôm nay. Chúng ta có khao khát sự sống vĩnh cửu trong vòng tay của Chúa như La-da-rô, không giống như người đàn ông giàu có không? Vậy chúng ta có nên bắt đầu chia sẻ những gì mình có với những người cần sự giúp đỡ đang ở xung quanh chúng ta không? Chia sẻ những gì mà chúng ta có, đó là thời gian, nụ cười, sự quan tâm, tài năng, tình yêu, kiến thức, niềm tin và nhiều hơn nữa… Khi chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu sẽ đón nhận chúng ta và nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng…” (Mt 25,34-36)
“La-da-rô” trong cuộc sống của bạn là ai? Bạn có thấy nhu cầu của anh ấy không?
Lạy Chúa Giêsu, hãy kích hoạt và khơi dậy trái tim, đôi tay và đôi chân của con để con có thể sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách nhanh chóng và không ngần ngại. Amen.
Bình Minh
Sống biết phục vụ cho đi (21.03.2019)
Ghi nhớ:
“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giầu cũng chết, và người ta đem chôn”. (Lc 16, 22)
Suy niệm:
Vị chủ tọa phiên tòa hỏi nghi phạm:
– Bị cáo có biết cách để cứu một người đuối nước không?.
– Thưa có. Khi còn là một học sinh, bị cáo đã được nhà trường dạy cho kỹ năng để xử lý khi gặp trường có người đuối nước.
– Hôm xảy ra sự việc, khi đi qua chỗ em bé bị đuối nước, bị cáo thấy gì?
– Thưa tòa, khi cho xe chạy qua nơi đó tôi thấy có người đang ở dưới sông và có nghe văng vẳng tiếng la hét của mấy đứa bé đang đứng bên vệ đường. Nhưng bởi vì xe tôi chạy khá nhanh và đang mải suy nghĩ nên không biết đó là tiếng kêu cứu giúp người đuối nước!
Chủ tọa lại hỏi:
– Lúc đó bị cáo đi đâu, và đang mải suy nghĩ về điều gì?
– Thưa, bị cáo có mời bốn người bạn thân đến nhà hàng “ B” để dùng tiệc và chúng tôi đã nhất trí sẽ có mặt tại nhà hàng đúng lúc mười sáu giờ.
Sau khi hội đồng xét xử vào nghị án. Cuối cùng bản án đã được đưa ra:
Chiếu theo điều 132 của bộ luật hình nước Việt Nam quy định: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả là người ấy chết thì phạt tù từ hai đến năm năm, hoặc cải tạo không giam giữ từ ba tháng đến hai năm!
Xét thấy bị can vì vô tâm, vô cảm dửng dưng trước sự việc dẫn đến hậu quả nghiên trọng, vì thế tòa tuyên án bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ thời gian hai năm.
Mặc dầu bị cáo kêu oan nhưng bản án vẫn được thi hành!!!
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại một câu chuyện có hai nhân vật mà cuộc sống trần gian rất tương phản với nhau: Một người thì ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày ăn uống yến tiệc linh đình, trái lại người kia thì mụn nhọt đầy mình, đói khát, lại có mấy con chó luôn “săn sóc” anh ta bằng cách liếm những ghẻ chốc. Đúng là kể thì sung sướng tột cùng người thì lầm than quá đỗi! Thế nhưng rồi cả hai lại có một cái kết thúc giống như nhau; đó là họ cùng chết. Từ điểm giống nhau này lại đưa mỗi người đến một kết quả hoàn toàn trái ngược nhau nữa: Một người được đưa vào lòng tổ phụ Áp-ra-ham, còn ngược lại kẻ kia thì bị đày xuống hỏa ngục! Trước sự việc này chúng ta sẽ đặt ra một câu hỏi: Tại sao lại có sự khác biệt này. Xin thưa vì người phú hộ kia đã từ chối không còn muốn được làm con Thiên Chúa nữa mà cụ thể là ông đã đánh mất hình ảnh Thiên Chúa trong đời sống trân thế của ông!.
Ngay từ đầu, khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa đã xác định Ngài tạo dựng họ người theo hình ảnh của Ngài. Mà hình ảnh đẹp đẽ và dậm nét nhất của Thiên Chúa là một tấm lòng xót thương.
Hàng ngày đi qua đi lại, đi ra đi vô, người phú hộ đã bao lần đối mặt với người nghèo khó La-da-rô. Ấy thế mà hình ảnh khốn cùng của La-da-rô đã không một lần “thâm nhập” vào được trái tim của ông. Ông không mảy may thương xót, ông dửng dưng hay nói cách khác ông vô cảm, ông chỉ lo cho mình ăn mặc và nhậu nhoẹt. Phải chi sau mỗi bữa tiệc còn những thức ăn dư thừa ông bảo người nhà mang ra cho người nghèo túng ở ngay trước ngõ nhà mình thì câu chuyện có lẽ đã đi đến một kết cục khác tốt đẹp cho ông, nhưng đàng này sự vô tâm vô cảm đã làm đui mù đôi mắt của ông. Chính vì thế ông đã đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người của ông và việc ông bị trừng phạt là hậu quả của việc ông đã không còn giữ được hình ảnh Thiên Chúa trong ông.
Thiên Chúa đã ban cho ông rất nhiều ưu ái. Vậy lẽ ra ông phải biết trân trọng sự ưu ái đó và đem ra chia sẻ cho người đông loại đang gặp khó khăn.
Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp và đáng yêu biết bao khi những người giàu có biết nghe lời Chúa sống quảng đại yêu thương và phục vụ giúp đỡ để những người túng thiếu bất hạnh tìm được nơi tựa nương và sự ui an.
Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta sống trên trần gian này phải luôn biết yêu thương và phục vụ và đặc biệt phải quan tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Vì khi thực hiện những nghĩa cử phục vụ đó là chúng ta đang làm cho chính Chúa vậy!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xác tin rằng mình được tạo dựng nên giống hình ảnh của Chúa, nên chúng con phải sống sao cho xứng đáng với hình ảnh tốt đẹp mà Chúa đã xây dựng nơi chúng con để chúng con luôn biết sông yêu thương và phục vụ, luôn biết giúp đỡ những anh em cùng khổ để sau nay chúng con xứng đáng được đón nhận vào Nước Trời. Amen.
Sống Lời Chúa:
Luôn mở lòng ra với mọi người.
Đaminh Trần văn Chính
Vươn lên cùng san sẻ (01.03.2018)
Ghi nhớ:
“Lạy tổ phụ Ap-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-za-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”
Suy niệm:
Trên đường đến nhà thờ, ông Tuất ghé vào nhà ông Thọ.
- Ông Thọ ơi, hôm nay có cha khách đến giải tội mùa chay, ông có đi xưng tội không?
Ông Thọ trả lời.
- Tôi thấy mình chẳng có tội lỗi gì để mà xưng cả!
- Ông cứ nói vậy! Chứ tôi đây thì ngược lại, thấy mình có nhiều tội lỗi, thiếu sót quá, ông à
Im lặng hồi lâu, rồi ông Tuất nói tiếp.
- Ông còn nhớ hôm thứ sáu tuần trước, ông và tôi cùng ngồi trò chuyện trên chiếc ghế đá trước cửa nhà ông không?.
- Tất nhiên là tôi có nhớ chứ.
- Lúc ấy. Ông Tuất nói tiếp. Có một người đàn ông mà chúng ta đoán là bị bệnh tâm thần, đi qua ngang cửa nhà mình, mà trên người chẳng có một mảnh vải che thân.
- Đúng. Ông Thọ nói. Chúng ta đã chẳng thương cảm, xót xa và tội nghiệp cho thân phận một kiếp người như anh ta đó sao?
- Và rồi ông cùng tôi, chỉ dừng lại ở nỗi niềm đó!…Đáng lẽ ra, chúng ta phải lấy quần áo của mình mà chạy theo để mặc vào cho anh ta. Thậm chí chúng ta còn phải cho con người khốn khổ ây ăn uống nữa! Đêm rồi khi xét mình, nhớ về việc ấy tôi thấy hổ thẹn với lương tâm quá ông à! Nhiều khi mình chỉ là những con người đạo đức giả mà thôi , phải không ông?!…
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su dùng dụ ngôn kẻ giầu có và người nghèo khó La-za-rô, để cảnh tỉnh chúng ta về cách ăn ở, cư xử thường ngày giữa người được may mắn có cuộc sống ấm no, khá giả và hạnh phúc đối với những kẻ bất hạnh sống trong bệnh tật đói nghèo và khổ đau. Nhiều khi chúng ta suy nghĩ rằng: tôi sống hiền lành, không trộm cắp, hằn thù, không làm hại ai… là được rồi. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa đòi hỏi chúng ta phải vượt ra khỏi lối suy nghĩ ích kỷ nhỏ nhoi và thụ động đó mà vươn lên cao hơn; nghĩa là phải biết hành động giúp đỡ những người gặp khó khăn, đâu khổ bên mình.
Không những chỉ trong đạo, mà ngay cả ở ngoài phạm vi xã hội, luật pháp cũng qui định truy tố trách nhiệm hình sự với những ai thấy người bị hoạn nạn mà dửng dưng vô cảm không có hành động cứu giúp!
Chúng ta là những người được hưởng bao ơn lành của Chúa thì chúng ta phải có trách nhiệm san sẻ, nâng đỡ và hộ giúp những anh em khốn cùng, đau khổ, nghèo đói, rất cần đến sự quan tâm, giúp đỡ chăm sóc một cách tích cực của chúng ta.
Chúa sẽ không để cho những kẻ thực thi ý Ngài phải chịu thiệt thòi. Ngay khi còn sống trên trần gian này, vì chính Chúa đã hứa: Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con sống phải biết xót thương, xin ban cho chúng con có một trái tim biết nhạy cảm trước những đau khổ, thiếu thốn và những nhu cầu cần thiết của mọi người sống chung quanh. Để chúng con biết ra tay giúp đỡ họ, cho cuộc sống của tất cả chúng con ngày một trở nên vui tươi và hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Amen.
Sống lời Chúa.
Thương người như thể thương thân.
Đaminh Trần văn Chính.
Tin cậy vào Chúa (16.03.2017)
Hôm nay Đức Giêsu kể một dụ ngôn nghe cứ như chuyện cổ tích: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.” (Lc 16,19-21).
Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra, chênh lệch giàu nghèo quá độ! Ở gần nhau, ngay trước cổng thế mà “hố ngăn cách” giàu nghèo như vực thẳm. Vậy mà sau cái chết, số phận vui buồn sướng khổ lại đảo ngược, giờ đến lượt ông nhà giàu kêu cứu: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16,24).
Phải chăng những kẻ nghèo đói khốn khổ bần cùng đều an tâm sau này mình có chỗ “trên đó”, còn những người giàu sụ, ở nhà lầu máy lạnh đi xe “Inova”, tiêu tiền đô la lại phải “nhào xuống âm phủ” hết sao? Ta hãy nghe tiên tri Giêrêmia cảnh báo: “Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tùy theo cách nó sống và việc nó làm” (Gr 17,10). Tin thế nào sẽ sống như vậy. Cách sống biểu tỏ những điều con người tin. Ông nhà giàu đặt niềm tin nơi sự giàu có, sức phàm nhân của mình.
Ngày ngày ông chỉ biết nhắm mắt hưởng thụ như chẳng hề có Chúa. Ông La-da-rô khốn khổ tột cùng nằm trước cổng mà ông như không thấy gì hết. Ông tưởng mình giàu có hạnh phúc mà không biết mình đang bất hạnh nghèo nàn. “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17,5-6).
Còn La-da-rô tin nơi Thiên Chúa. Trong Chúa, ông đang khổ đau mà như chẳng thấy đau khổ , không kêu ca trách móc, không “đói ăn vụng, túng làm càn”. Ông đang bất hạnh đói nghèo mà đời vẫn xanh tươi hạnh phúc. “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,7-8).
Sống đức tin trong từng giây phút trong cuộc đời này, dẫu chúng con có nghèo tình, nghèo tiền, nghèo sức cũng chẳng can chi. Sự giàu có, hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. “Kìa nhìn xem Cha thánh Đa Minh đơn sơ ra đi là người bộ hành hát xướng nghèo nàn vẫn vui…” (Thánh ca). Nếu chúng con đang giàu mà ở trong Chúa chúng con cũng chẳng sợ. Vàng bạc, kho báu của chúng con là chính Chúa, mấy thứ kia giúp chúng con thăng tiến cuộc sống và “mua” anh em thôi. “… Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng.”(Cr 7, 29-31).
Én Nhỏ
Hãy biết yêu thương tha nhân (25.02.2016)
1- Ghi nhớ:
“Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ”. (Lc 16,25)
2- Suy niệm:
Qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu cho chúng ta biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo họ biết yêu thương tha nhân hay không. Ðức Giêsu vạch ra cho chúng ta con đường dẫn tới ơn cứu độ: Biết nghe lời hướng dẫn của Môsê, các ngôn sứ, đặc biệt lời Chúa để sám hối, hoán cải và yêu thương mọi người nhất là những anh chị em nghèo khổ. Thiên Đàng không chỉ dành riêng cho một người nào mà dành cho tất cả mọi người. Chúng ta chỉ có thể tiến vào cùng với anh chị em trong tình hiệp nhất và yêu thương nhau.
Đức Giêsu muốn nhấn mạnh tình yêu thương đối với tha nhân chính là tiêu chuẩn để Chúa phán xét chúng ta được hạnh phúc hay phải đau khổ ở đời sau. Đây cũng là dấu chỉ của người môn đệ Đức Giêsu và cũng là tiêu chuẩn bảo đảm cho được hưởng hạnh phúc trên Nước Trời
Do đó, chúng ta cần phải quan tâm tới những người chung quanh, nhất là những người đang phải đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Đây chính là bổn phận của mỗi người chúng ta mà Đức Giêsu khẳng định trong diễn từ về ngày cánh chung.
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa! Chúa đã dạy chúng con điều kiện để được cứu độ là yêu thương và tin vào Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con được ánh sáng Lời Chúa chiếu soi, để chúng con biết quan tâm, giúp đỡ anh chị em đang sống chung quanh chúng con, vì khi chúng con biết thương xót mọi người thì chúng con lại được Chúa xót thương. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy trở về với Chúa và đồng thời cũng trở về với anh em. Hãy nhận ta rằng tất cả chúng ta đều là anh em với nhau và cùng có chung một Cha ở trên trời.
“Giàu hơn khi biết cho đi”
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,…” (Lc 16,19-20).
Suy niệm: Mười người giàu nhất hành tinh năm 2013 được nêu tên trong tạp chí Forbes, mỗi người sở hữu tài sản nhiều chục tỷ đôla, số tiền lớn gấp hàng trăm triệu lần thu nhập bình quân đầu người tại mười nước nghèo nhất thế giới. Xã hội càng tiến bộ, văn minh thì sự phân hoá giàu nghèo lại càng tăng, “người ăn không hết, kẻ làm không ra”. Trong dụ ngôn, thánh sử Luca cũng vẽ lên bức tranh tương phản đó. Hình ảnh người phú hộ áo quần sang trọng, yến tiệc linh đình tương phản đến phát sốc bên cạnh người nghèo Ladarô, ghẻ lở, đói khát nằm trước cửa nhà ông, “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. Sự tương phản ấy sâu xa đến tột cùng và đảo chiều khi cả hai bước sang cõi đời sau. Ông nhà giàu bị trầm luân trong địa ngục, còn Ladarô có một vị trí thật ấm cúng trong lòng Ápraham trên thiên đàng.
Mời Bạn: Giàu hay nghèo không phải là tội, nhưng tội ở chỗ là không biết quan tâm chia sẻ, tội khi thờ ơ dửng dưng với những người nghèo sống bên cạnh. Bạn có nhận ra và quan tâm đến người nghèo: nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo sự cảm thông, sống bên cạnh bạn chưa?
Chia sẻ: “Người giàu thật là người biết cho đi”. Bạn suy nghĩ gì về câu nói ấy?
Sống Lời Chúa: Tiết giảm chi tiêu để dành phần chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận tất cả những gì Chúa ban với lòng biết ơn, đồng thời cũng biết quan tâm chia sẻ cho những anh chị em thiếu thốn.