Sau những ngày thảo luận cùng Chính Quyền của tỉnh Vĩnh Phúc về đời sống tôn giáo của hai họ đạo Ngọc Bảo, Bá Cầu – Gx Hữu Bằng – Gp Bắc Ninh đang nằm trong tâm của đại dịch Corona, đang bị phong tỏa nội bất xuất, ngoại bất nhập. Là một Cha xứ nên phải lo phần hồn, các bí tích, nhất là những bí tích sau cùng của đời một người.
Nhờ sự can thiệp của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, vào lúc 16h00 ngày 16/02/2020, một linh mục trẻ đã tự nguyện hy sinh xông vào chính tâm đại dịch để phục vụ mọi người. Đó là linh mục Giu-se Hoàng Trọng Hữu – Sinh năm 1985 tại giáo xứ Lai Tê, giáo phận Bắc Ninh. Chịu chức thứ Hai ngày 03 tháng 6 năm 2019.
****
Phóng sự: Những giá trị Đức Tin sau phong tỏa cách ly của giáo họ Ngọc Bảo & Bá Cầu – Gx Hữu Bằng – xã Sơn Lôi
Nhật ký Corona Sơn Lôi số 9
Vâng lời trong bình an
Sẵn sàng cho sứ vụ mới.
Anh chị em thân mến,
Như tin đã đưa, hai ngày sau khi DỊCH RÀO cách ly, Đức Cha giáo phận và phái đoàn tòa giám mục Bắc Ninh đã có mặt ở tâm chấn Sơn Lôi, để cùng với anh chị em Sơn Lôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cảm ơn quý ân nhân và tiếp tục cầu nguyện cho những vùng và những người đang chịu ảnh hưởng của virus Corona.
Đối với tôi, đây mà một ngày dài và đáng nhớ.
Nó dài hơn vì nó được đan xen bởi một chuỗi những hoạt động ý nghĩa: Công tác chuẩn bị, tiếp đón, Chầu Thánh Thể, chia sẻ tâm tình, Dâng Hoa Mân Côi, Thánh Lễ Tạ Ơn…
Nó đáng nhớ hơn bởi biết bao con tim đang cùng nhịp đập với tôi, trao gửi cho tôi những lời đầy cảm động, yêu thương.
Nó đáng nhớ hơn nữa bởi nó không chỉ là ngày của những nụ cười nhưng thấp thoáng đâu đó còn có cả những giọt nước mắt lăn vội vì biết rằng tôi sẽ rời xa Sơn Lôi.
Ngày lên đường để tới Sơn Lôi, Đức Cha đã dành thời gian đặc biệt cho tôi thế nào thì ngày lên đường để rời Sơn Lôi, Ngài cũng ưu ái cho tôi như vậy. Ngài đã trao cho tôi “bí kíp” rất riêng để có được niềm vui trong sứ vụ. Ngài đã trao cho tôi “chìa khóa” chính xác của sự bình an. Vì thế, tôi hân hoan vâng lời và sẵn sàng cho một sứ vụ mới.
Nếu ai đó hỏi tôi còn muốn nhắn gửi gì cho anh chị em Sơn Lôi, thì tôi xin trả lời:
1. Chúc mừng anh chị em đã được DỊCH RÀO cách ly. Chúc mừng anh chị em đã tìm lại được bình an sau cơn dịch. Hy vọng anh chị em sớm trở lại những sinh hoạt thông thường cùng với cộng đồng xã hội.
2. DẬP DỊCH thành công không có nghĩa là không còn nguy cơ tái phát. DỊCH RÀO cách ly không có nghĩa là Virus Corona cũng vì thế mà nó đã rời khỏi Sơn Lôi. Cầu mong anh chị em biết tiếp tục bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng việc thực hiện cách biện pháp phòng ngừa cần thiết.
3. Nếu như trong cơn dịch, anh chị em đã được người ta quan tâm, hỗ trợ, cầu nguyện cho thế nào thì đến lượt anh chị em, anh chị em cũng hãy quan tâm, hỗ trợ, cầu nguyện cho những vùng dịch và những người đang phải lao đao, vất vả chống chọi với Virus Corona như vậy.
Dù tôi đã rời xa anh chị em, nhưng sự DỊCH CHUYỂN ấy, không làm cho sự đồng hành của chúng ta bị gián đoạn. Anh chị em vẫn luôn được nhớ tới trong lúc tôi cầu nguyện và dâng lễ.
Cảm ơn anh chị em và hẹn ngày tái ngộ.
Tòa giám mục Bắc Ninh, ngày 06.3.2020
8. Từ tâm chấn Sơn Lôi Covid-19: Tạ ơn, tạ ơn, muôn ngàn đời xin dâng lời tại ơn
Sáng ngày 04/03/2020, đúng 08h00 tại Bá Cầu và lúc 10h00 tại Ngọc Bảo Cha Fx.Nguyễn Đức Đại và Cha Giuse Hoàng Trọng Hữu, cùng với bà con giáo lương đã tổ chức giờ Chầu Thánh Thể để tạ ơn Chúa, tri ân Mẹ Maria, Quý Đấng bậc, Nam nữ tu sỹ, Quý ân thân nhân cũng như hết thảy mọi người.
Có thể nói, một trong những ngôn từ được kể là đẹp nhất trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, từ Á sang Âu, từ đông sang tây, từ bắc tới nam, đó là hai tiếng “cám ơn”. Hai tiếng thật giản đơn, nhưng lại biểu lộ được nhân cách của con người. Nhưng để có thể cất lời cám ơn, trước hết, phải cảm nhận được tình yêu và ân huệ mà mình đã lãnh nhận.
Với Thiên Chúa, thái độ cần có của chúng ta là sống tâm tình tạ ơn: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x Tv 118,1). Vâng lậy Chúa, nhìn vào thế giới, tình trạng dịch bệnh do Virus Corona đang hoành hành thật là nguy hiểm. Nguy hiểm về tính lây lan, nguy hiểm về sự tàn phá quá kinh khủng, nguy hiểm vì nó đã cướp đi bao sinh mênh. Nhìn vào quê hương Việt Nam chúng con, chúng con cũng hãnh diện vì Việt Nam đã khống chế đợt đầu Covid-19 cách hoàn toàn, nhưng lạy Chúa phải chăng nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ý, Hàn quốc… nền kinh tế của họ chẳng mạnh hơn chúng con sao? Khoa học công nghệ của họ chẳng hơn chúng con sao? Điều kiện kinh tế của họ chẳng hơn chúng con sao? Đến như ông cố vấn tối cao của Iran chẳng nhiều tiền bạc, nhiều điều kiện tốt hơn chúng con… vậy mà ông cũng không qua khỏi Virus Corona. Vậy điều gì đã làm nên sự thành công của quê hương Việt nam, của Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Sơn Lôi. Có lẽ câu trả lời đúng đắn nhất là nhờ tình thương và lượng từ bi hải hà của Chúa; nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria như trong kinh của HĐGM cầu nguyện trong cơn dịch bệnh: “Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa nhận lời chúng con”.
Chúng ta đã biết, vào lúc 00giờ ngày 04/03/2020 Sơn Lôi đã hết thời hạn cách ly, tất cả các chốt phong tỏa được gỡ bỏ, toàn dân xã Sơn Lôi trở lại sinh hoạt cuộc sống bình thường.
Đúng 08h00 tại Bá Cầu và lúc 10h00 tại Ngọc Bảo Cha Fx.Nguyễn Đức Đại và Cha Giuse Hoàng Trọng Hữu, cùng với bà con giáo lương đã tổ chức giờ Chầu Thánh Thể để tạ ơn Chúa, tri ân Mẹ Maria, Quý Đấng bậc, Nam nữ tu sỹ, Quý ân thân nhân cũng như hết thảy mọi người. Trong giờ Chầu Thánh Thể, Cha xứ Phanxico Xavie đã thay mặt cho tất bà con lương giáo Sơn Lôi nói chung, hai họ Ngọc Bảo, Bá Cầu nói riêng dâng lên Chúa lời tri ân cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã thương ban cho những tháng ngày qua, đặc biệt những ngày nằm trong tâm chấn của dịch bệnh Virus Corona. Nhờ ơn Chúa thương gìn giữ nên đã vượt qua chuỗi ngày đầy sóng gió thử thách tưởng chừng như đắm chìm giữa biển khởi. Cha cũng dâng lên Chúa lời cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, cho các cán bộ, chiến sỹ, y sỹ, Bác sỹ, Quý ân nhân đã giúp đỡ bằng lời cầu nguyện, góp công, góp của, góp sức trong những ngày qua.
Như thành Ninive nhờ nghe lời giao giảng của tiên tri Giona mà sám hối nên đã được khoan hồng thứ tha, xin cho thế giới cũng như mỗi người chúng con nhận ra tình trạng tội lỗi của mình mà sám hối quay trở về với Chúa để được thứ tha. Ước mong, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi lối, mỗi người biết sống tâm tình tạ ơn Chúa bằng niềm tin vững vàng, sự thờ phượng xứng hợp và nhất là hăng say loan truyền tình yêu cứu độ của Thiên Chúa bằng những hành vi bác ái cụ thể trong cuộc sống hằng ngày.
Nguồn: Facebook Thương Yêu
Hình ảnh: Ngọc Hà
7. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 7
Liệu có không – nguy cơ Corona bùng phát trở lại?
Thưa anh chị em,
Như hầu hết những ai quan tâm đều đã rõ: Ngày 25.02.2020, Thứ Trưởng Y Tế đã công bố trong hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19 trên webside chính thức (https://ncov.moh.gov.vn/) rằng: Bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 duy nhất đang điều trị tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần. Điều này có nghĩa là 16/16 người bệnh Corona đã được điều trị thành công và xuất viện.
Công tác phòng chống dịch cúm tại các tỉnh thành cũng được triển khai triệt để và tích cực. Người ta ghi nhận các trường hợp nghi nhiễm Corona chứ chưa thấy phát hiện được người bệnh Corona mới nào. Các y-bác sĩ và những ban ngành liên quan thì làm việc hết công suất. Thời tiết cũng ủng hộ cho việc phòng chống dịch khi đã có nắng ấm hơn trong những ngày qua.
Tại Sơn Lôi, các công tác phòng dịch như truyền thanh thông tin, cấp phát các vật phẩm y tế và vật phẩm chức năng, nâng cao ý thức và thể trạng người dân về bệnh dịch vẫn được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục. Không ít người đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin vị Thứ Trưởng Y Tế đã công bố ở trên và nhiều người đã háo hức mong đợi ngày chấm dứt cách ly theo như dự tính (03.3.2020).
Tại Ngọc Bảo, bà con giáo dân tìm đến nhà thờ để tạ ơn và cũng là để tham dự Lễ Tro đông hơn bao giờ hết. Người ta không còn sợ chỗ đông người như trước và cũng bớt đi cái cảm giác ngại nói chuyện vì sợ lây nhiễm. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chung, mọi người đều phải tuân thủ các quy định về y tế một cách tuyệt đối:
– Sát khuẩn tay trước khi qua cổng vào nhà thờ
– Luôn đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở nhà thờ.
Ở nhà thờ giáo họ Ngọc Bảo ra sao thì bà con giáo dân ở nhà thờ giáo họ Bá Cầu cũng như vậy. Họ vẫn rải rác đến với Thánh Thể Chúa mỗi ngày; vẫn có các giờ kinh chung; vẫn tham dự thánh lễ đông đảo; vẫn luôn mang chiếc khẩu trang trên mặt và sát khuẩn tay trước khi qua cổng nhà thờ…
Quan sát đời sống thực tiễn của người dân nơi đây và dõi theo các thông tin xã hội liên quan đến đại dịch toàn cầu Covid 19, tôi tự hỏi:
Liệu có không – nguy cơ Corona bùng phát trở lại?
Vũ Hán đã có dấu hiệu tái nhiễm và nguy cơ bùng phát lần hai.
Hàn Quốc đã bất lực trong việc kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch.
Nhật Bản đang loay hoay xoay sở, chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Còn Việt Nam…
Việt Nam vô địch trong việc điều trị?
Việt Nam thành công trong việc khống chế sự lây lan?
Việt Nam đã chuẩn bị và sẵn sàng cho việc đón các du học sinh nghi nhiễm từ Nhật Bản và Hàn Quốc trở về…
Liệu có không – nguy cơ Corona bùng phát trở lại?
Thiết nghĩ câu hỏi ấy, tôi chưa thể trả lời được.
Còn anh chị em, ai biết câu trả lời – xin hãy nói tôi nghe…
Lm. Giuse Hoàng Trọng Hữu
6. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 6
Nếu một ngày nào đó, TÔI nhiễm Virus Corona…
Thưa anh chị em,
Đã có lúc tôi thử tưởng tượng và suy gẫm về mệnh đề này:
NẾU ….. một ngày nào đó, tôi nhiễm virus Corona,
THÌ …….. SAO….?
Chẳng cần giải thích nhiều khi mà hầu như mọi người đều biết: Virus Corona đã và đang gây hoang mang cho không ít vùng trên thế giới. Tính đến 6h00 ngày 24.02.2020, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, thế giới đã ghi nhận: Virus đã xuất hiện ở hơn 30 quốc gia trên thế giới; 78 988 người bệnh cúm Corona, trong đó: 2 470 người đã ra đi mãi mãi; số người nhiễm bệnh và nghi nhiễm vẫn đang tăng lên theo cấp số nhân, siêu tưởng.
Tại sao?
Virus chủng mới, lạ, biến đổi khác thường.
Vác-xin thì chưa kịp sản xuất.
Thuốc chữa thì chưa phát huy hết tác dụng.
Phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu duy nhất nhưng để phòng ngừa thành công, cần xác định:
Ai là người mang virus?
Ai là người nhiễm bệnh?
Ai đã từng tiếp xúc với người bệnh cúm Corona?
Thật khó để mà trả lời chính xác những AI ? AI ? AI?, ngay cả là với các chuyên gia y tế tại tâm dịch hay là với hết thảy những ai đang làm nhiệm vụ ở vùng kiểm soát bệnh dịch tại các quốc gia.
Trung Quốc đã vỡ vụn trong cơn dịch.
Hàn Quốc đã bó tay, kêu mất kiểm soát.
Nhật Bản bắt đầu khốn đốn, nói hết thuốc chữa.
và Việt Nam…. gần như toàn thắng!
(15/16 người bệnh được xuất viện, 1 người bệnh đang được điều trị tích cực)
Thực tế, trong hoàn cảnh của cá nhân, tôi thấy: Trả lời những câu hỏi kể trên còn khó hơn cả “mò kim đáy bể”. Nhìn bề ngoài ai cũng khỏe mạnh, vui vẻ. Họ vẫn đang làm những công việc thường ngày. Họ được đo thân nhiệt thường xuyên. Đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn mỗi khi có việc đi ra ngoài hay lúc trở về. Có thể nói: Hơn 11 000 người dân xã Sơn Lôi ở trong vùng cách ly đã quen với nhịp sống như vậy. Tôi cũng thế.
Virus ở đâu? – nào ai có thấy.
Người bệnh chỗ nào? – chẳng gặp bao giờ.
Từ ngày vào “tâm dịch Sơn Lôi” đến nay, tôi còn chưa cả nghe thấy tiếng ai HO TO, nói chi đến những người bệnh.
Là người chăm lo mục vụ nơi đây, tôi đi lại nhiều nơi hơn; gặp gỡ nhiều người hơn; thăm viếng những người ốm yếu, cô đơn; động viên những người được cho là “khỏe mạnh”, để họ chủ động phòng ngừa nhiễm bệnh cho bản thân, gia đình, cộng đoàn nhưng chính tôi cũng bối rối, không biết làm sao để bản thân được an toàn tuyệt đối giữa vùng “tâm dịch” này và lỡ như có nhiễm Virus thì làm thế nào… vẫn là một bài toán khó giải.
Xin cảm ơn anh chị em đã quảng đại gửi cho bà con Sơn Lôi và cho cá nhân tôi những lời động viên, khích lệ và những vật phẩm hữu ích, cần thiết trong thời gian qua. Những vật phẩm ý nghĩa ấy đã được trao đến từng mái ấm gia đình như là món quà đầy tình yêu thương, chia sẻ của anh chị em giáo dân hai họ Ngọc Bảo và Bá Cầu dành cho bà con trong xã Sơn Lôi.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và toàn thể gia đình.
Lm. Giuse Hoàng Trọng Hữu
5. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 5
Sau khi dập được đại dịch Covid 19 sẽ là chuyện gì?
Anh chị em thân mến,
Trước hết, tôi xin cảm tạ Chúa đã ban ơn soi sáng cho tôi và an ủi tôi cách riêng. Thứ đến, tôi xin anh chị em gửi lời cảm ơn của tôi tới quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh đã luôn cầu nguyện và trợ lực cho tôi. Sau cùng, tôi thành tâm cám ơn quý cụ, ông bà và toàn thể anh chị em đã nâng đỡ và bảo vệ tôi trước những truyền thông sai trái về tôi và anh chị em Sơn Lôi nơi đây.
Thưa anh chị em,
Cho tới nay, hầu hết chúng ta đều đã phần nào cảm nghiệm được những đau khổ và thiệt hại mà virus Corona gây ra cho con người. Dù là bất cứ nơi đâu, hễ virus Corona xuất hiện, thì nơi ấy tràn ngập những sự hoang mang, lo sợ. Nói cách khác, bất cứ nơi nào người ta phát hiện ra người bệnh Corona, thì nơi ấy có sự chia rẽ, cách ly, miệt thị giữa con người với con người.
Tuy nhiên, như tôi đã ghi trong nhật ký số trước và đây đó chúng ta đã thấy có thông tin loan báo: Người bệnh Corona có thể được điều trị và được xem là đã điều trị khỏi bệnh. Đó là một tin vui rất lớn, mang lại phần nào sự an tâm và hy vọng cho những anh chị em đang bị virus corona hành hạ.
Theo quy định của Bộ Y Tế, người bệnh Corona được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, có hai mẫu bệnh phẩm lấy cách nhau một ngày đều xét nghiệm âm tính (tôi thấy nhiều bài báo viết thế mà chưa tìm được bản văn cụ thể).
Như vậy, sau hai lần xét nghiệm và là hai lần kết quả âm tính liên tiếp thì người bệnh được xuất viện. Tuy nhiên, xuất viện rồi, người bệnh vẫn cần được theo dõi sát sao và phải tuân thủ quy tắc cách ly ở một nơi nào đó, để đảm an toàn cho gia đình và cộng đồng. Một số người bệnh được xuất viện ở Việt Nam đang nằm trong trường hợp này.
Tôi muốn dừng lại suy tư để tìm hiểu xem tại sao phải là 2 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính. Hoá ra kết quả xét nghiệm của người bệnh có lúc âm tính, có lúc dương tính, nghĩa là tình trạng bệnh nhân không ổn định. Hoặc là có lúc họ mang virus có lúc họ không có virus trên các dịch tiết; hoặc là việc xét nghiệm chưa thật sự hiệu quả cao và như vậy, kết luận sẽ là gì í nhỉ….. anh chị em có thể suy tư thêm.
Có người đã hỏi tôi: Sau khi dập được đại dịch Covid 19 sẽ là chuyện gì?
Với suy nghĩ cá nhân và theo cách gọi tên của riêng tôi, ngay sau khi tiêu diệt được “vi-rút cô-rô-na 19” thì con người sẽ phải đối diện với một chủng virus mới, siêu to khổng lồ mà tôi gọi là “vi-rút cô-em-la 20”.
Chủng “vi-rút cô-em-la 20” là gì mà tôi lại bảo là siêu to khổng lồ?
Chủng “vi-rút cô-em-la 20” là gì mà tôi dám khẳng định là con người sẽ phải đối diện với nó ngay sau khi dập được dịch?
Có lẽ mấy cha bạn thân của tôi hiểu rõ hơn ai hết. Quý cha ấy là những người anh cả trong một gia đình – một gia đình mà trừ quý cha ra thì còn có cha, mẹ và các cô em gái. Khi còn tu học với nhau, tôi nhận thấy: Hễ có chuyện gì xảy ra cho chúng tôi, dù vui hay buồn, thì việc mà quý cha ấy sợ nhất có lẽ là “cô-em-la”.
Sợ bị la mắng cho dẫu mình có làm đúng hay sai; rất sợ bị la mắng cho dẫu là chuyện vui hay buồn; cực kỳ sợ bị cô-em-la cho dẫu biết rằng: Có thể việc la mắng của các cô ấy chẳng có cơ sở gì. Đó là những triệu chứng tương tự mà chủng “vi-rút cô-em-la 20” gây ra cho người dân vùng dịch hay cụ thể hơn, đó là những gì tôi dự đoán cho anh chị em vùng Sơn Lôi, Vĩnh Phúc này.
Giả như một ngày nào đó không xa, nhờ sự tích cực và tài giỏi của các y-bác sĩ, Sơn Lôi, Vĩnh Phúc được công bố là đã dập dịch Covid 19 thành công thì lẽ đương nhiên, anh chị em Sơn Lôi chúng tôi hoàn toàn tự do và khỏe mạnh như mọi người dân Việt Nam. Chắc chắn khi ấy, anh chị em Sơn Lôi chúng tôi chẳng còn ở trong vùng cách ly địa lý và anh chị em chúng tôi sẽ lại trở về nơi xưa chốn cũ để làm ăn, kiếm sống.
Thiết nghĩ khi ấy, cộng đồng sẽ đối xử với anh chị em như thế nào? Cộng đồng sẽ nhìn nhận chúng tôi ra sao?
Hay chăng “ai đó” lại trở thành những “cô-em-la 20” của người Sơn Lôi, Vĩnh Phúc.
Hàng rào cách ly địa lý vừa tháo gỡ thì liệu rằng ngay sau đó, hàng rào cách ly tinh thần, vô hình có xuất hiện không?
Liệu rằng anh chị em Sơn Lôi, Vĩnh Phúc chúng tôi vừa thoát được đại dịch Covid 19 có phải đối diện với đại dịch “Cô-em-la 20” hay không?
Câu trả lời ấy là của cộng đồng, của anh chị em.
Và tôi, tôi thật sự cầu nguyện và hy vọng rằng: Suy nghĩ của tôi trên đây không trở thành sự thật.
Xin quý cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện và đồng hành với anh chị em Sơn Lôi, Vĩnh Phúc chúng tôi.
Từ Sơn Lôi, tôi nài xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!
4. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 4
Virus Corona thì sao và họ đã làm gì?
Kính thưa anh chị em,
Có lẽ cho tới giờ này, hầu hết chúng ta không còn thắc mắc nhiều về Virus Corona vì những thông tin liên quan đến chủng Virus này tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, để biết chính xác và cụ thể về những thông tin như tuổi thọ, môi trường sống, cách thức lây lan và sự tiến hóa của chủng virus này thì hầu như chưa ai dám khẳng định một cách chắc chắn.
Liệu rằng virus Corona tồn tại được bao lâu trên cơ thể con người? Nó sống ở trong không khí, trong đất, trong các vật dụng khoảng bao lâu? Đúng là nó lây lan trực tiếp từ con người sang con người qua đường các dịch tiết nhưng liệu nó có lây nhiễm vào con người từ các vật trung gian hoặc vật chuyển tiếp hay không thì nào ai đã dám khẳng định.
Đặc biệt hơn, khi bắt đầu có những phương pháp điều trị hữu ích hoặc tìm ra những đơn thuốc đặc trị, người ta lại nhận thấy sự biến đổi hay sự thích nghi của chủng virus này nhưng chưa dự đoán được khả năng biến đổi hoặc thích nghi như thế nào.
Đã có những người bệnh nhiễm virus với thời gian ủ bệnh lên tới 40 hoặc hơn 90 ngày hoặc người ta còn thấy có những người mang virus thể lành, nghĩa là người mang virus mà không phát bệnh.
Do vậy, việc phòng ngừa chủng virus này vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu theo lối nghĩ của tôi.
Tại hai giáo họ Ngọc Bảo và Bá Cầu trong suốt những ngày qua, bà con giáo dân đã rất tích cực trong việc đảm bảo một môi trường sạch hơn và an toàn hơn. Quét dọn vệ sinh từng ngõ ngách, lau chùi, tẩy rửa cả nhà lớn, nhà nhỏ, nhà trong, nhà ngoài, phun thuốc khử trùng đó đây, rồi giữ gìn vệ sinh cá nhân, luôn đeo khẩu trang ở những chỗ có hơn một người…
Nhờ thế, anh chị em giáo dân khá là an tâm và đầy tin tưởng khi đến nhà thờ.
Như đã dự tính, hôm nay (20.2.2020), nhà thờ Ngọc Bảo bắt đầu chầu Thánh Thể hàng ngày từ 5g30-18g00 để cầu xin Thiên Chúa đẩy lui dịch bệnh Covid 19 và ban lại bình an cho anh chị em toàn xã Sơn Lôi cũng như trên toàn thế giới.
Nếu như những ngày trước anh chị em giáo dân rải rác đến nhà thờ và khuôn viên nhà chung để lo công tác chuẩn bị thì giờ đây anh chị em đã bắt đầu sum họp theo nhóm nhỏ để quỳ bên Thánh Thể Chúa.
Ước mong nhờ những giây phút thiêng liêng này, anh chị em không những được chữa lành ngoài thể xác mà còn cả ở trong tâm hồn. Amen.
3. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 3
Chết á?
Ai lại không sợ.
Mình cũng sợ lắm chứ…
… nhưng cái đáng sợ hơn thế là phải chết đời đời.
Anh chị em thân mến,
Những dòng giả tưởng trên đây thấp thoáng xuất hiện trong suy nghĩ của tôi khi tôi đọc lướt những lời động viên, khích lệ và những câu hỏi mà anh chị em đã gửi đến cho tôi qua các phương tiện truyền thông.
Tạ ơn Chúa!
Sau hơn 54 giờ hiện diện ở Sơn Lôi, tôi vẫn bình an.
Sau hơn 2 x 54 giờ sinh sống trong khu vực cách ly, hầu hết anh chị em trong xã Sơn Lôi vẫn bình ổn.
Sau hơn 6,7 x 54 giờ tham gia điều trị tích cực theo hướng dẫn của những y – bác sĩ, các người bệnh Corona Sơn Lôi đã có những dấu hiệu bình phục và khả quan hơn.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 17g00, ngày 18.02.2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus nCoV mà tôi nhận được trên tin nhắn zalo cá nhân như sau: Cả nước có 16 người bệnh; trong đó, 11 anh chị em đến từ tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên trang tin chính thức của tỉnh Vĩnh Phúc (https://vinhphuc.gov.vn/), số ra ngày 18.02.2020, hai người bệnh dương tính với Covid – 19 được điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên đã khỏi bệnh và xuất viện chiều 18.02.2020. – Xin chúc mừng anh chị em người bệnh, anh chị em y-bác sĩ, thân nhân người bệnh và những đơn vị liên quan.
Thưa anh chị em,
Tin vui đã có,
Ánh sáng đã le lói phía cuối “đường hầm”,
Hy vọng đã được thắp lên cho anh chị em người bệnh Corona… …. … nhưng Sơn Lỗi vẫn tiếp tục cách ly.
Anh chị em nơi đây và cả tôi nữa vẫn còn đang ở trong đường hầm, vẫn còn đang ở trong nguy cơ có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Cái chết thể xác không còn đáng sợ như trước nữa, ngay cả là đối với những anh chị em người bệnh vì họ đã có hy vọng được chữa khỏi nếu như nhiễm bệnh nhưng dường như người Sơn Lôi chúng tôi nói riêng hay anh chị em Vĩnh Phúc nói chung đang chết một cách từ từ trong tâm trí của không ít người.
Cảm giác bị xa lánh, cảm giác bị tẩy chay, cảm giác bị chửi rủa hay xúc phạm vì một lẽ thật đơn giản – tôi là người Sơn Lôi – đã xuất hiện trong tâm hồn tôi cũng giống như nó đã và đang lớn lên nơi tâm hồn của anh chị em nơi đây.
Cảm giác ấy từ đâu mà đến và bởi ai mà có?
Làm thế nào để có thể điều trị được?
– là thao thức của tôi và có thể chính anh chị em là người có câu trả lời.
Cái chết thể xác không còn đáng sợ như trước nữa, ngay cả là đối với những anh chị em người bệnh vì họ đã có hy vọng được chữa khỏi nếu như nhiễm bệnh nhưng cái chết đời đời vẫn còn là một mối nguy lớn cho hết thảy những ai chưa nhận biết Thiên Chúa hay đang để đức tin của mình phai mờ theo thời gian.
Làm sao để loan báo?
Làm sao để cứu giúp?
Làm sao để thoát chết đời đời ?
– và làm sao để làm mới lại Đức Tin của anh chị em nơi đây?
– vẫn là những câu hỏi đè nặng tâm hồn tôi.
Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện và có thể một lúc nào đó, chính anh em là những người sẽ chữa lành những cảm giác… kể trên của tôi cũng như của anh chị em Sơn Lôi, Vĩnh Phúc.
Lm. Hoàng Trọng Hữu
2. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 2
Đừng bắt em lên mây khi chân còn chạm đất
Đừng bắt nằm thấp khi chân còn bước đi.
Anh chị em thân mến,
Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi tưởng chừng như là một điều gì đó đầy can đảm.
Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi vẫn được cho là đi vào nơi đầy bóng tối của rủi ro.
Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi cũng có người xem như là đi vào tử địa.
Nếu bạn nghĩ vậy thì tôi cũng đã từng tập xác định như thế trước khi qua hàng rào cách ly Sơn Lôi.
Tuy nhiên, sau hơn 24 tiếng đồng hồ ở trong vùng cách ly Sơn Lôi, thăm hỏi và gặp gỡ anh chị em Công Giáo thuộc hai thôn Ngọc Bảo và Bá Cầu, tôi thấy mình cần đấm ngực và phải cúi đầu.
Tôi thấy mình cần đấm ngực vì những hiểu lầm về anh chị em nơi đây. Tuy nằm trong vùng cách ly, nghĩa là không ai được ra khỏi ranh giới cách ly mà các cấp chính quyền chỉ định, kể cả những ai đã rời khỏi xã kể từ sau tết nguyên đán (những người đã rời quê đi làm ăn từ sau Tết đều được gọi trở về vùng cách ly), nhưng đời sống sinh hoạt thường ngày của anh chị em Công Giáo nơi đây khá bình ổn. Trở về bên gia đình, mỗi người tự đảm bảo an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng bằng việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
Có thể nói: người người tự cách ly, nhà nhà tự cách ly, xóm xóm tự cách ly, thôn thôn tự cách ly. Tuy nhiên, anh chị em vẫn có thể làm những công việc trong gia đình, ngoài sân vườn hay một số đồng ruộng trong khu vực cách ly. Đặc biệt trong số anh chị em khỏe mạnh phải kể đến là những anh chị em cán bộ cơ sở trong xã – anh chị em gần như đã làm việc hết công suất, chạy đôn chạy đáo từ nhà nọ tới nhà kia để kiểm tra, thông báo, hướng dẫn và cung cấp cho từng gia đình và mọi người dân những thông tin cần thiết cũng như những vật phẩm được hỗ trợ.
Ai cũng sợ virus Corona vì chẳng ai nhìn thấy chúng, chẳng biết chúng ở chỗ nào nhưng không phải vì thế mà những người trẻ, những người tự thấy mình khỏe mạnh ở yên trong nhà. Họ vẫn làm những việc vặt, vẫn vui chơi và vẫn tìm đến nhà thờ để cầu nguyện. Tuy ở đây chẳng thể nào mà tụ tập đông người và cũng chẳng nên làm như thế trong hoàn cảnh hiện nay nhưng bà con Công Giáo vẫn lác đác, rải rác đến viếng Chúa, xin khấn hay cầu bình an cho mọi người. Tôi dự định sẽ đặt Thánh Thể hàng ngày tại hai nhà thờ để Thánh Thể Chúa ở đó như nguồn cậy trông và điểm tựa của hết thảy mọi người trong xã, không phân biệt tôn giáo.
Tôi thấy mình cần cúi đầu, cúi đầu thật sâu vì ánh đèn sân khấu truyền thông đã chiếu vào tôi như một ngôi sao nào đó mà thực tế ở đây, bất cứ một linh mục tiền bối nào cũng có thể làm tốt hơn tôi. Thực vậy, tôi chỉ thực hiện những công việc mục vụ thông thường như ở biết bao xứ họ khác. Viết tới đây, tôi nghĩ tới cuộc đời cha cố Giuse Phạm Sỹ An – người vừa ra đi đêm hôm qua 16.02.2020 tại nhà Hưu Dưỡng Bắc Ninh (Miền Nam). Như lời Đức Cha giáo phận chia sẻ với tôi: Cuộc đời tại thế của cha cố Giuse giống như chiếc rễ to, vươn sâu và trải rộng trong lòng đất để âm thầm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho giáo phận Bắc Ninh trổ sinh hoa trái.
Do đó, tôi nài xin cộng đồng truyền thông hãy nhìn đến những y bác sĩ – là những người đang trực tiếp chăm sóc anh chị em người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona. Họ mới là những người đang ở trong vòng phơi nhiễm và cần được động viên, trợ lực.
Thiết nghĩ khi đọc bài viết này, chúng ta hãy cùng dành ít giây tưởng nhớ đến bác sĩ Lý Văn Lượng – người đã cố gắng đưa ra những cảnh báo đầu tiên về virus Corona tại Vũ Hán và đã hy sinh vì bị lây nhiễm trong quá trình thăm khám và điều trị cho người bệnh.
Hãy chiếu ánh đèn soi tới những người bệnh hoặc đang bị nghi nhiễm virus Corona. Chính họ mới là người cần được soi sáng để cả thế giới nhìn thấy những thương đau họ đang gánh chịu, ngoài thể xác hay trong tâm hồn vì ai và do đâu.
Hãy soi vào họ không phải để xua đuổi, xa lánh hay miệt thị người Sơn Lôi nhưng là để cảm thông, để chia sẻ và đồng hành…
Tôi thật sự cảm kích vì anh chị em đã dành thời gian để thăm hỏi, động viên tôi nhưng xin hãy dành thời gian ấy để cầu nguyện cho những người bệnh và các y-bác sĩ.
Tôi thật sự cảm kích khi số tiền mà anh chị em dùng để gọi điện, nhắn tin, lướt web hay comment được dùng vào việc mua khẩu trang hay các dụng cụ y tế cần thiết cho người bệnh, cho y bác sĩ và những người liên quan.
Xin hãy chắp tay cầu nguyện để Chúa chữa lành dịch bệnh và xin hãy mở tay chia sẻ để có đủ trang thiết bị y tế cần thiết cho cho việc điều trị và chữa lành.
Tay tôi đã chắp rồi đó và nhiều người đã mở tay, còn tay bạn đang hướng về đâu?
Lm. Giuse Hoàng Trọng Hữu
1. Nhật ký Corona Sơn Lôi số 1
Trọng kính quý cha,
Kính thưa quý nam nữ tu sĩ.
Thưa toàn thể cộng đoàn dân Chúa.
Cách riêng, thưa quý cụ, ông bà và anh chị em đang chịu đau khổ ngoài thể xác và đang chịu đau khổ trong tâm hồn bởi dịch cúm toàn cầu.
Trong những ngày vừa qua, có lẽ chúng ta được nghe nói không ít về dịch cúm toàn cầu, dịch cúm Vũ Hán Corona hay còn được gọi bằng tên khác là nCoV. Có thể nói: Cho tới hôm nay, số người tử vong do Virus Corona đã lên tới hàng ngàn; số người nhiễm virus và đang chịu đau khổ bởi cơn dịch bệnh này đã lên tới hàng vạn.
Thật là đáng sợ.
Thật đáng sợ vì những con số ấy vẫn có xu hướng tăng lên mà người ta còn chưa tìm ra cách ngăn chặn.
Thật đáng sợ vì mỗi con số ấy chính là một con người đau khổ.
Và còn đáng sợ hơn, khi những con người ấy không chỉ là đang phải chịu đựng những nỗi khổ đau về thể xác do virus gây ra nhưng… họ còn đang phải đối diện với những bóng tối của sự sợ hãi trong tâm hồn.
Ho, sốt hay khó thở và thậm chí là cái chết, người ta có thể chịu đựng được và đón nhận chúng trong bình an nhưng sự xua đuổi, xa lánh, khinh bỉ thậm chí là xúc phạm đến nhân phẩm người bệnh, đồng hóa người bệnh với virus gây bệnh thì thử hỏi mấy ai có thể cam lòng, thử hỏi có mấy ai mà không tủi hổ, buồn sầu.
Trong sứ điệp ngày thế giới các bệnh nhân năm nay 2020, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ chúng ta về khái niệm “người bệnh”.
Trong khái niệm này, chữ “người” cần luôn luôn đứng trước và được đọc lên trước chữ “bệnh”, nghĩa là trước hết và trên hết, chúng ta cần phải quan tâm, để ý và tôn trọng phẩm giá con người, cho dẫu con người ấy có mang trên mình căn bệnh gì đi chăng nữa.
Mọi người bệnh đều cần được chăm sóc, yêu thương và điều trị cho tới khi khỏi bệnh.
Mọi người bệnh đều cần được chăm sóc, yêu thương và điều trị cho tận cuối hành trình của sự sống.
Mọi người bệnh đều cần được chăm sóc, yêu thương và điều trị cho tới những hơi thở cuối cùng.
Những người bị nhiễm virus Corona là những người bệnh. Hết thảy những ai đang chịu đau khổ ngoài thể xác hay trong tâm hồn cũng đều là những người bệnh. Như thế, cách nào đó, ai trong chúng ta cũng là người bệnh.
Những người bệnh cần được chữa lành hay xoa dịu.
Khi suy gẫm như thế, con thấy mình được mời gọi làm một cái gì đó cụ thể, thiết thực cho anh chị em đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm Corola.
Sau khi bàn hỏi và cầu nguyện, con đã tự nguyện xin phép Đấng Bản Quyền và những vị hữu trách cho con được đến và đồng hành với anh chị em xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhận được chấp thuận, con đã lên đường lúc 13g00 ngày Chúa Nhật 16.02.2020 từ Tòa giám mục và hiện tại con đang ở nhà chung giáo họ Ngọc Bảo, nằm trong xã Sơn Lôi.
Con xin chân thành cảm ơn Đức Cha giáo phận, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã thương con cách riêng, cầu nguyện, thăm hỏi động viên con.
Trong những ngày tới, có thể vì công việc bận rộn hoặc có quá nhiều người gọi điện, nhắn tin… con xin các Đấng bậc và cộng đoàn thứ lỗi cho con nếu con không trả lời.
Nếu muốn biết thông tin về con hay về bà con trong vùng dịch, xin liên hệ với Cha xứ Hữu Bằng – Cha Phanxico Xavie Nguyễn Đức Đại – 0984 962 269 – facebook: thuongyeu.
Con xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho con và anh chị em nơi đây!
Lm. Giuse Hoàng Trọng Hữu
Đoạn đầu bài viết chỗ sau những ngày thảo luận cùng chính quyền vĩnh phúc cho đến chỗ giáo phận bắc ninh đang nằm trong tâm của dịch corona. Đoạn đó tác giả phải cách đoạn bằng dấu chấm và thêm chữ ” vĩnh phúc đang nằm trong tâm của ••••••. Chứ viết liền thế mọi người đọc sẽ hiểu nhầm là bắc ninh đang nằm trong tâm dịch ạ. Bài này mình đã chia sẻ lên Facebook nên thông tin nên dc chuẩn ạ.