2. Trong bối cảnh dịch coronavirus, có thể xưng tội qua điện thoại hay email không?
Tính đến 10 giờ sáng thứ Sáu 6 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Nam Hàn đã lên đến 42 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 6,284 trường hợp. 60% các trường hợp tử vong là các thành viên của giáo phái Shincheonji. Theo báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Hàn, có 28 tín hữu Công Giáo nhiễm coronavirus trong chuyến đi hành hương Thánh Địa Giêrusalem từ ngày 8 đến 15 tháng Hai vừa qua. Hầu hết đã được phục hồi hoàn toàn.
Dù các trường hợp tử vong của người Công Giáo không nhiều, nhưng nhiều người đang phải sống trong tình trạng cách ly và lo sợ.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Nam Hàn đã đặt hai thành phố Daegu và Cheongdo, hay còn gọi là Thành Đô, vào danh sách các “khu vực quan tâm đặc biệt”. Một thành phố gần đó vừa được chính phủ Nam Hàn liệt kê vào danh sách này, vào hôm thứ Năm 5 tháng Ba, là thành phố Khánh Sơn, tên tiếng Hàn là Gyeongsan. Thành phố thứ ba này có biên giới với cả hai thành phố nêu trên.
Cả 3 thành phố đều thuộc về tổng giáo phận Daegu. Đức Cha Tađêô Cho Hwan-Kil, Tổng Giám Mục của tổng giáo phận này, đã lên tiếng kêu gọi các linh mục của ngài chú ý đến các tổn hại tâm lý xuất hiện nơi anh chị em giáo dân trong thời gian dịch bệnh coronavirus, những người bình thường, cũng như các bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm bệnh, và đặc biệt là những người đã được xác nhận nhiễm bệnh.
“Nhiều người đã và đang phải vật lộn với nỗi sợ bị lây nhiễm, trầm cảm và những thay đổi đột ngột khác trong tâm lý của họ trong một tháng rưỡi qua,” Đức Cha nói trong thánh lễ trực tuyến.
Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng kể từ khi Nam Hàn xác nhận trường hợp coronavirus đầu tiên vào ngày 20 tháng Giêng, nỗi lo về căn bệnh truyền nhiễm đã nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng. Những nỗi sợ hãi như vậy có lẽ sẽ còn leo thang hơn nữa, khi con số các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh tiếp tục tăng ở mức chóng mặt.
Một số người cho biết họ liên tục cảm thấy lo lắng về việc nhiễm virus, trong khi những người khác nói rằng họ sợ đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người.
Đặc biệt, những bệnh nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ trải qua các cảm giác lo lắng mạnh mẽ hơn nữa về sự kỳ thị xã hội và sự cô đơn từ sự cô lập kéo dài.
Chính vì thế, Đức Tổng Giám Mục nói người Công Giáo hãy yên tâm, nếu có ai bị nhiễm bệnh, thì trong bất cứ trường hợp nào, các linh mục sẽ tiếp tục ban phát các phép bí tích và chăm sóc mục vụ thích hợp cho họ.
Một cách cụ thể, Đức Tổng Giám Mục cho biết dù các thánh lễ bị đình chỉ theo đề nghị của chính quyền, các nhà thờ vẫn rộng mở đón các tín hữu đến cầu nguyện.
Các linh mục trong tổng giáo phận cũng sẵn sàng nói chuyện qua điện thoại hay qua các cuộc gặp gỡ tại nhà thờ.
Một số các linh mục cho biết trong những ngày qua họ nhận được nhiều cú điện thoại từ các bệnh nhân được xác nhận nhiễm bệnh, những người tự cách ly và những người vẫn đang khoẻ mạnh nhưng phải vật lộn với sự hoảng loạn, sợ hãi, căng thẳng và các cảm xúc khó chịu khác.
Đức Cha ghi nhận “Nhiều bệnh nhân, và những người đã phục hồi sau khi được điều trị ở bệnh viện phàn nàn về nỗi âu lo họ trở thành một gánh nặng cho xã hội, không dám đi ra ngoài và phải sống trong tình trạng cô lập kéo dài ở nhà.”
Đức Tổng Giám Mục khuyên anh chị em có các vấn đề về tâm lý nên gặp gỡ các linh mục, và nhất là hãy đến với bí tích hòa giải.
Vì có nhiều người đặt vấn đề là trong bối cảnh lây nhiễm coronavirus, liệu Giáo Hội có thể cho phép lãnh nhận bí tích hòa giải qua điện thoại hay email không.
Đức Tổng Giám Mục cho biết: “Việc xưng tội là một hành vi gặp gỡ cá vị giữa ta với Chúa Giêsu qua sứ vụ của một linh mục. Điện thoại và email tách rời khỏi khía cạnh thể lý của sự gặp gỡ cá vị này. Việc xưng tội trong mọi bối cảnh cần có sự gặp gỡ trực tiếp linh mục – người đại diện Chúa thì người lãnh nhận bí tích hòa giải mới đón nhận cách hữu hiệu.”
Nhắc lại văn kiện Đạo Đức và Internet được công bố dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Tổng Giám Mục cho biết.
“Thực tại ảo không thể thay thế cho sự Hiện Diện Thật Sự của Đức Kitô trong Thánh Thể, cho thực tại bí tích của các bí tích khác, và cho việc chia sẻ thờ phượng trong một cộng đoàn nhân loại máu thịt. Không có bí tích nào trên Internet cả; và cả những cảm nghiệm tôn giáo, có thể xảy ra ở đó nhờ hồng ân của Thiên Chúa, cũng không đủ để tách biệt khỏi sự giao tiếp trong thế giới thực với những anh chị em cùng đức tin.”
Cuối cùng, ngài khuyên anh chị em tín hữu nên theo dõi các thánh lễ trực tuyến, rước lễ thiêng liêng, “dành thời gian đọc Kinh Thánh, lần chuỗi Mân côi, và suy niệm các bài đọc của Thánh lễ.”
1. Video: Linh mục Hội Thừa Sai Paris cảnh báo: Hủy bỏ các thánh lễ có thể khiến giáo dân xa lìa đức tin
Trên khắp đất nước Phi Luật Tân, nơi đa số dân chúng theo Công Giáo, hàng giáo phẩm đã khích lệ anh chị em đừng nắm tay nhau trong các Thánh lễ Chúa Nhật. Các thực hành phổ biến như nắm tay trong khi đọc kinh Lạy Cha, hay bắt tay khi trao bình an không được khuyến khích vì nguy cơ coronavirus.
Đức Cha Broderick Pabillo, hiện là Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Manila, sau khi Đức Hồng Y Louis Tagle được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết
“Dịch bệnh này là một mối quan tâm lớn đối với chúng tôi bởi vì ở Phi Luật Tân, mọi người tụ tập cùng nhau trong các cử hành Phụng Vụ và rất nhiều người đến nhà thờ đặc biệt là trong thời gian Mùa Chay này.”
Các chính phủ trên khắp Á Châu đang ngày càng hạn chế việc tụ tập đông người ở một số nơi. Các trường học bị đóng cửa, và các sự kiện công cộng bị hủy bỏ ở Hàn Quốc nơi mà sự bùng phát virus corona bị nghi ngờ bắt nguồn từ giáo phái Shincheonji.
Trong một diễn biến thật đau lòng, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ có giáo dân tham dự trên cả nước. Đây là quyết định đầu tiên như thế trong lịch sử 236 năm của Giáo Hội, nhằm hợp tác với chính phủ trong nỗ lực chống lại sự lây lan của coronavirus.
Một quyết định tương tự đã được đưa ra trước đó tại Hương Cảng và Singapore.
Gần 100 trường hợp nhiễm coronavirus đã được ghi nhận tại Singapore. Anh chị em giáo dân phải tham dự thánh lễ tại gia đình qua màn ảnh truyền hình. Một giáo dân cho biết:
“Tôi thích đến nhà thờ hơn vì sự trọng thể và sự hiện diện cụ thể của Chúa Giêsu và vị linh mục ở đó. Với thánh lễ trực tuyến chúng tôi chỉ ngồi thoải mái trong nhà, giống như coi một bộ phim tập.”
Hôm 13 tháng Hai, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám Quản Tông Tòa của Hương Cảng, đã tuyên bố đình chỉ tất cả các Thánh lễ tại tất cả các giáo xứ trong hai tuần.
Cha Nicolas de Francqueville, một nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris tại Hương Cảng, cho biết ngài hơi thất vọng về động thái này.
“Tôi không thực sự hiểu được hiệu quả của biện pháp này. Có những người nói rằng chính phủ đã gây áp lực rất lớn đối với Giáo phận Hương Cảng trong việc đình chỉ mọi hoạt động tôn giáo,” ngài nói.
Tuy nhiên, “điều gây ra sự sợ hãi nhiều hơn là phản ứng đối với virus chứ không phải chính virus,” Cha Francqueville nhận xét.
“Quyết định của giáo phận đình chỉ các Thánh Lễ có giáo dân tham dự là một sai lầm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hoảng loạn giữa các tín hữu.”
“Người Công Giáo Hương Cảng không chỉ chống lại sự lây lan của virus mà còn phải chiến đấu trong một trận chiến tâm linh,” vị linh mục nói. “Họ có hai cảm giác trái ngược nhau: nỗi sợ làm tê liệt họ và niềm tin khuyến khích họ tiến về phía trước.”
Trước tình cảnh hoang mang của các tín hữu, vị thừa sai người Pháp đã quyết định huỷ bỏ một chuyến đi sang Thái Lan. “Quyết định này khiến các giáo dân vui mừng, và tôi cũng rất vui,” ngài nói.
Bất chấp sự nghi ngờ về các biện pháp của giáo phận, vị linh mục bày tỏ sự tin tưởng vào Chúa: “Nếu đôi lúc bạn có thể thất vọng và bạn không hiểu hết sự hữu ích của những quyết định nào đó, Chúa Quan Phòng luôn ở đó và bạn nên tiếp tục cảm tạ mọi hồng ân nhận được.”
Việc đóng cửa các nhà thờ vẫn chưa cần thiết ở Phi Luật Tân, nhưng các hàng ghế trống không còn là một cảnh tượng hiếm thấy ở một số nhà thờ. Nhà thờ ở khu phố Tàu Manila này thường đông chật người vào ngày Chúa Nhật, nhiều người đôi khi phải đứng ngay lối vào trong suốt các thánh lễ. Tuy nhiên, trong những ngày này nhiều người đã chọn ở nhà theo dõi các thánh lễ trực tuyến vì sợ nhiễm coronavirus.