Ngày 16/3/2023, Hội đồng Giám mục Á Châu đã đăng Tài liệu Chung kết của Đại hội châu lục của Giáo hội Á châu về tính hiệp hành. Tài liệu dài 22 trang, với 193 số, là kết quả tổng hợp các câu trả lời của 17 Hội đồng Giám mục và 2 Thánh Hội đồng của các Giáo hội Đông phương, cũng như ý kiến đóng góp của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục và các đại biểu trong Đại hội châu lục diễn ra tại Bangkok từ ngày 24-26/2/2023.
Ban phân định và soạn thảo Tài liệu Chung kết gồm có Đức Hồng y Charles Maung Bo của Myanmar, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi của Nhật Bản, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Á Châu, và 9 thành viên khác, trong đó có cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, Dòng Tên Việt Nam.
Bối cảnh Á Châu
Trước hết, tài liệu nói về bối cảnh của Á Châu, một châu lục lớn nhất thế giới cả về khu vực địa lý và dân số. Khoảng 4,6 tỷ người ở Á Châu sử dụng hơn 2.300 ngôn ngữ. Á Châu còn là nơi sinh và chiếc nôi của các tôn giáo lớn như Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, vv. Số tín hữu Công giáo tại Á Châu là khoảng 150 triệu, chiếm khoảng 3,31%, trong khi Hồi giáo có 1,2 tỷ và Ấn giáo có 900 triệu.
Dù là một thiểu số tại các miền của Á Châu, Giáo hội góp phần rất lớn vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và hướng tới những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Đóng góp của Giáo hội tại Á Châu
Trong một xã hội đa nguyên Châu Á, Giáo hội Công giáo tiếp tục truyền bá thông điệp yêu thương bằng cách giúp cho những người bị gạt ra bên lề có được những quyền và khả năng thông qua nền giáo dục chất lượng và hội nhập họ vào đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ, cùng với giáo dân truyền giáo và giáo lý viên đang tham gia vào việc đào tạo đức tin và phục vụ các nhu cầu thiêng liêng và mục vụ của cộng đồng Công giáo khắp Châu Á.
Tiến trình Thượng Hội đồng và Hội nghị toàn thể của HĐGM Á Châu
Tiến trình Thượng Hội đồng ở châu Á trùng hợp “theo cách được quan phòng” với Hội nghị toàn thể kỷ niệm 50 năm của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, được tổ chức vào tháng 10/2022: “Trong khi tiến trình của Hội nghị toàn thể làm nổi bật tình hình hiện tại và những thách thức của các dân tộc châu Á cũng như sứ vụ hiện nay của các Giáo hội tại Á Châu, thì tiến trình Thượng Hội đồng cung cấp phương pháp và thậm chí đôi khi tạo ra các cơ chế lắng nghe để tiến hành các tham vấn của Hội nghị toàn thể.”
Tiến trình Thượng Hội đồng có thể “thu hút nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau ở một số quốc gia trong khi ở những quốc gia khác chỉ có thể tập hợp các nhóm ít người hơn.” Một giới hạn mà Giáo hội Á Châu gặp phải là “không có khả năng dịch Tài liệu cho Giai đoạn Châu lục (DCS) sang nhiều ngôn ngữ bản địa” được sử dụng ở Châu Á. Tuy nhiên, Hội nghị toàn thể kỷ niệm 50 năm của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu là một cơ hội chuẩn bị cho tiến trình Thượng Hội đồng cấp châu lục.
Niềm vui, đồng hành, vết thương của Giáo hội Á Châu
Tài liệu Chung kết cũng nhấn mạnh những cộng hưởng mạnh mẽ mà Tài liệu cho Giai đoạn Châu lục tạo ra đối với kinh nghiệm và thực tế của Giáo hội tại Á Châu. “Tình yêu sâu sắc đối với Giáo hội” được thể hiện qua “những cảm xúc khác nhau như vui, buồn, dễ bị tổn thương và bị thương tổn” được thể hiện như một sự cộng hưởng đầu tiên với Tài liệu Làm việc giai đoạn Châu lục.
Tài liệu nêu lên những kinh nghiệm về niềm vui khi nói rằng “Cuộc hành trình mà chúng ta đã bắt đầu này giúp chúng ta nhận ra bản chất thực sự của Giáo hội và khả năng nhìn thấy tình cảnh của Giáo hội. Kinh nghiệm về niềm vui được nâng cao bởi vì tiến trình thượng hội đồng chắc chắn là một nơi ân sủng, gặp gỡ và biến hình.”
Tài liệu cũng nói rằng “Là người Công giáo ở Châu Á sống trong sự đa dạng, chúng ta tìm cách nâng cao chất lượng tình bằng hữu của chúng ta với người khác bằng cách lắng nghe, tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, để chúng ta có thể là một ‘người mẹ tốt’ và một tấm gương mang lại hòa bình và thống nhất cho thế giới.”
Tài liệu cũng lưu ý về thực tế là nhiều Kitô hữu ở Châu Á “chịu nhiều mối đe dọa vì giữ đức tin của họ” đến mức phải chịu “những hình thức ‘tử đạo’ mới.”
Trong số những vết thương gây tiếng vang đối với Giáo hội tại Châu Á là: “lạm dụng liên quan đến tài chính, quyền tài phán, lương tâm, quyền hành và tình dục,” “thiếu sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào việc quản trị và ra quyết định,” “thiếu hiểu biết và thất bại trong việc cung cấp sự chăm sóc mục vụ đầy đủ cho một số nhóm người là thành phần của Giáo hội nhưng thường khó khăn trong việc cảm thấy được chào đón,” “sự xâm nhập của các ý thức hệ như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa vật chất,” và việc cấm cản tiếng nói của Giáo hội bởi “các chế độ áp bức.”
Con đường mới
Tài liệu chung kết tiếp tục rằng chính những “niềm vui và vết thương” khắp Châu Á này có thể trở thành “cơ hội” khám phá một con đường mới tiến đến một Giáo hội hiệp hành, mời gọi một tầm nhìn mới trong tầm nhìn mục vụ của một “Giáo hội mới”, một Giáo hội hiệp hành.
“Giáo hội phải bắt đầu với tinh thần hòa nhập, nơi mọi người đều cảm thấy được chào đón và cảm giác thuộc về bên trong căn lều Giáo hội. Như là một dân tộc của Thiên Chúa, không ai bị loại trừ; ngay cả khi họ mỏng dòn và yếu đuối, thì tính bao gồm trong Giáo hội là điều bắt buộc đối với Giáo hội hiệp hành.
Một số thực tại Châu Á, chẳng hạn như sự đa dạng của các tôn giáo, “đòi buộc” Giáo hội phải tham gia vào cuộc đối thoại, xây dựng hòa bình, hòa giải và hòa hợp. Trên thực tế, tài liệu lưu ý rằng trong khi có sự tham gia hiệu quả với các Kitô hữu và các tín đồ các tôn giáo khác, “ở một số nơi, việc thúc đẩy đối thoại này chỉ là sáng kiến của Giáo hội Công giáo và có những lúc không có sự hỗ tương.” Đặc biệt việc đối thoại thường được xem là việc của giáo sĩ chứ không phải của giáo dân.
Tiến trình hiệp hành đã kêu gọi sự lắng nghe nhau cách rộng rãi để mang lại sự biến đổi ở tất cả các cấp độ của Giáo hội. Cùng với giáo dân và các nam nữ tu sĩ, những người nói rằng họ không được lắng nghe hoặc không có tiếng nói trong Giáo hội, một số linh mục cảm thấy rằng họ không được lắng nghe đầy đủ, thậm chí đến mức cảm thấy bị bỏ rơi.
Tài liệu cũng ghi nhận một số dè dặt được bày tỏ trong các Giáo hội ở Châu Á liên quan đến đối thoại. Tuy nhiên, có một “ý thức mạnh mẽ” hơn nữa là “Giáo hội hướng nội” ở Châu Á cần hướng tới một “sứ mệnh đi ra” thông qua một “cách tiếp cận có tính truyền giáo, cộng đồng và hội nhập hơn.”
Những căng thẳng trong Giáo hội tại Á Châu
Chia rẽ
Về những căng thẳng trong Giáo hội tại Á Châu, Tài liệu Chung kết lưu ý rằng có một “sự chia rẽ” trong Giáo hội, giữa linh mục và giáo dân, Giám mục và linh mục hay các dòng tu, các nhóm và phong trào thuộc Giáo hội, các giáo phận, các Hội đồng và thậm chí giữa Giáo hội và chính quyền hay các tôn giáo. Tài liệu nói rằng trong tinh thần của một Giáo hội tham gia, kinh nghiệm lãnh đạo trong theo mô hình “phục vụ” cần được quan tâm nhiều hơn để sống tính hiệp hành.
Tài liệu cũng nói rằng sự tham gia này thường bị ngăn cản bởi “các phong cách lãnh đạo ngăn chặn (thậm chí đôi khi loại trừ) những người khác sống theo ơn gọi bí tích rửa tội của họ để trở thành môn đệ đích thực.” “Các mô hình lãnh đạo phục vụ bị cản trở và đôi khi phản tác dụng khi các linh mục có xu hướng thống trị và thậm chí được coi là áp đặt, độc đoán và quyền hành đối với giáo dân.”
Cách khắc phục
Điều này, tài liệu viết, có thể được khắc phục thông qua việc “mở rộng không gian cho khả năng về thừa tác vụ giáo dân như tư vấn và hướng dẫn giới trẻ, chăm sóc người bệnh, giáo dục và bảo vệ trẻ em.”
Thiếu minh bạch và chia sẻ trách nhiệm chung
Tài liệu cũng nói đến sự thiếu trách nhiệm chung trong việc phân định và đưa ra quyết định, sự thiếu trách nhiệm và minh bạch trong việc thực thi quyền lực, tài chính dẫn đến sự chia rẽ trong việc đồng hành trong Giáo hội hiệp hành.
Tài liệu cũng đánh giá lại những hiện tượng như thiếu ơn gọi linh mục và thiếu giới trẻ trong Giáo hội, và kết hợp những người đang sống những kinh nghiệm “nghèo” khác nhau vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Những căng thẳng khác mà Tài liệu đề cập đến liên quan đến các xung đột tôn giáo và chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Hội nhập người di cư
Trong khi thừa nhận một số lượng lớn người châu Á có kinh nghiệm di cư, là những người tị nạn hoặc di tản, Tài liệu thừa nhận rằng nhiều người trong số họ đã “trở thành những nhà truyền giáo Tin Mừng khi họ mang theo không chỉ kinh nghiệm sống mà còn cả đức tin của họ.” Do đó, một cách mà Giáo hội có thể đón nhận họ là “kết hợp và đồng hành với họ trên hành trình này với tư cách là những nhà rao giảng Tin Mừng mới.”
Những ưu tiên của Giáo hội tại Á Châu
Sáu ưu tiên đã được xác định trong Tài liệu chung kết đã được trình bày trước Thượng Hội đồng cho lục địa Châu Á là: đào tạo, hội nhập và đón tiếp, các môn đệ truyền giáo, trách nhiệm giải trình và minh bạch, cầu nguyện và thờ phượng và môi trường. Mỗi lĩnh vực này xác định một khía cạnh cần thiết cho một Giáo hội hiệp hành “tìm cách đổi mới bộ mặt trái đất” theo gương Chúa Giêsu, Đấng “đến để cứu chuộc và hòa giải mọi sự.”
“Hãy cởi giày ra”
Tóm tắt tiến trình Thượng Hội đồng ở Châu Á, Tài liệu Chung kết ám chỉ đến tập quán văn hóa ở Châu Á là cởi bỏ giày dép trước khi bước vào một ngôi nhà hoặc một ngôi đền. Đó là “dấu hiệu của sự tôn trọng” và nhận thức về “những người khác mà chúng ta đang bước vào cuộc sống của họ.”
Bảo vệ trái đất; Bình đẳng, gần gũi với nhau
Việc cởi bỏ giày dép nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta “đứng trên đất thánh”, do đó khiến chúng ta “biết về trái đất” mà “chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và chăm sóc.”
Đối với Châu Á, đây là một “biểu tượng đẹp đẽ” của tiến trình hiệp hành mà Giáo hội tại đây đang thực hiện. Nó nhắc nhở họ về sự tôn trọng cần thiết để lắng nghe mà không có thành kiến, về sự cần thiết phải loại bỏ các biểu tượng về địa vị đang tạo ra sự chia rẽ hơn là sự thống nhất.
“Giày có thể là biểu tượng của địa vị. Bằng cách cởi chúng ra, chúng ta nhận ra rằng chúng ta bình đẳng như là những con người. Đi chân trần, chúng ta trở nên ý thức và cũng đồng hóa mình với những người nghèo nhất giữa chúng ta.”
“‘Cởi giày ra’ khiến chúng ta cũng rất ý thức về đất đai, mảnh đất mà chúng ta đang bước lên. Các bối cảnh chính trị-xã hội của Châu Á đang thách đố và cách Giáo hội hành động trong bối cảnh này là rất quan trọng khi đồng hành với nhân loại. Nó làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với thực tế cơ bản của người dân Châu Á.”
Đồng hành trong sự khiêm nhường và hy vọng
Vì vậy, đối với Giáo hội tại Châu Á: “‘Cởi giày ra’ như một hình ảnh của Giáo hội hiệp hành diễn tả kinh nghiệm của chúng ta về Giáo hội có tính tương quan, theo bối cảnh và truyền giáo, đồng hành cùng nhau trong sự khiêm nhường và hy vọng.”
Hồng Thủy – Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi