Bộ Phong thánh đang cứu xét một phép lạ của chân phước Justus Takayama Ukon và nếu được công nhận, Giáo hội sẽ có vị hiển thánh đầu tiên xuất thân từ một kiếm sĩ-Samurai, Nhật Bản.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Theo tin của hãng CBCP News thuộc Hội đồng Giám mục Philippines, Đức Hồng y Thomas Aquinas Manyo Maeda, Tổng giám mục Giáo phận Osaka, Nhật Bản, cho biết như trên, hôm 22 tháng Mười Hai vừa qua, nhân dịp hướng dẫn 30 tín hữu người Nhật tham dự cuộc hành hương hằng năm tại Manila, từ ngày 18 đến ngày 22 tháng Mười Hai vừa qua, tại nơi chân phước Takayama lưu vong và qua đời.
Chân phước Justo Takayama Ukon, cũng gọi là Cao San Hữu Cận, sinh năm 1552, được rửa tội năm lên 12 tuổi và được các cha Dòng Tên hướng dẫn. Ông cũng là một kiếm sĩ Samurai. Đến thời tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh cấm đạo Kitô, các kiếm sĩ khác đều tuân hành, ngoại trừ Takayama Ukon. Ông bị tước hết chức tước và quyền lợi dành cho hàng quý tộc và phải cùng với 300 đồng đạo lưu vong sang Manila, và qua đời tại đây, ngày 04 tháng Hai năm 1615, thọ 63 tuổi.
Ông được tôn phong chân phước ngày 07 tháng Hai năm 2017 tại Osaka, trong thánh lễ tại Osaka, do Đức Hồng y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đại diện Đức Thánh cha chủ sự. Trong bài giảng, Đức Hồng y đã ca ngợi vị tân chân phước là “Người thăng tiến không biết mệt mỏi công cuộc loan báo Tin mừng tại Nhật Bản. Người thực là chiến sĩ của Chúa Kitô, không phải bằng võ khí, nhưng bằng lời nói và gương lành. Chân phước đã được giáo dục về sự tôn trọng danh dự và lòng trung thành, đã trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Giêsu, lòng trung thành này mạnh mẽ đến độ đã an ủi người trong cảnh lưu vong và bị bỏ rơi.” “Tuy nhiên, sự mất mát địa vị đặc ân và lâm vào một cuộc sống nghèo khổ, thầm lặng không làm cho người sầu muộn, nhưng trái lại, làm cho người thanh thản, vui tươi, vì trung thành với những lời hứa khi chịu phép rửa tội”.
Về phần Đức Thánh cha Phanxicô, trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 08 tháng Hai năm 2017, ngài nhận định rằng: “Thay vì chiều theo những thỏa hiệp, chân phước Takayama Ukon đã từ bỏ những vinh dự và cuộc sống tiện nghi sang trọng, chấp nhận tủi nhục và lưu đày. Người trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng, vì thế, người là tấm gương đáng ca ngợi về sự vững mạnh trong đức tin và lòng tận tụy trong đức bác ái.”
(Oss.Rom. 8-2-2017; CNA 23–12-2023)