Bài 12: Sách Dân số || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài hai bài học trước chúng ta đã lược qua sách Lê-vi với việc tìm hiểu ý nghĩa của chức tư tế, các hy tế và ngày lễ của người Do-thái. Hôm nay, chúng ta chuyển sang cuốn sách thứ tư trong bộ Ngũ thư, đó là sách Dân số.

Thuật ngữ “dân số” bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp arithmoi, nghĩa là “những con số”. Thuật ngữ này được sử dụng nhằm mô tả hai cuộc kiểm tra dân số trong những chương đầu và chương 26 của tác phẩm. Tuy nhiên, theo truyền thống Do-thái, cuốn sách thứ tư này không mang tựa đề Dân số. Người Do-thái có thói quen lấy những từ đầu tiên của tác phẩm để đặt tên cho chính tác phẩm. Thế nên, sách Dân số được người Do-thái gọi là bemidbar, nghĩa là “trong sa mạc”. Tựa đề này nhắm đến việc diễn tả cuộc hành trình của Ít-ra-en trong sa mạc. Trong sa mạc, Ít-ra-en được diễn tả như một cộng đoàn di chuyển. Ít-ra-en bước vào một cuộc hành trình của sự vâng phục tuyệt đối, đan xen vào đó là sự bất tuân. Nó là một cuộc hành trình trong sự hiện diện đầy nhân từ và nghiêm khắc của Chúa. Đó cùng là một cuộc hành trình mở ra một tương lai mới.

II. BỐ CỤC

Trước hết, chúng ta đến với phần bố cục của sách Dân số. Dựa vào những cuộc di chuyển của Ít-ra-en trong sa mạc, chúng ta có thể chia sách Dân số thành các phần chính sau:

– Phần I: Từ chương 1-10 nói về sự chuẩn bị một cuộc hành trình trong sự vâng phục tuyệt đối tại Xi-nai

– Phần II: Từ chương 11-12 nói về một cuộc hành trình của sự bất tuân từ Xi-nai tới Ca-đê

– Phần III: Từ chương 13-19 nói về một cuộc hành trình đong đầy tình thương và sự nghiêm khắc Chúa tại Ca-đê

– Phần IV: Từ chương 20-36 nói về cuộc hành trình từ Ca-đê tới đồng bằng Mô-áp, một cuộc hành trình mới mở ra một tương lai mới cho một thế hệ mới.

III. NỘI DUNG

1. Một cuộc hành trình trong sự vâng phục tuyệt đối (chương 1-10)

Phần mở đầu nói về tầm quan trọng của sự vâng phục tuyệt đối của Ít-ra-en trong việc “thi hành tất cả mọi điều y như Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê” (Ds 1,54). Sự vâng phục được trình bày qua cuộc kiểm tra dân số, qua việc đóng trại (2,34), qua việc dâng tiến hy tế (Ds 7), và qua việc nhổ trại (Ds 9,23). Tất cả những điều Chúa muốn Ít-ra-en thực thi là hướng Ít-ra-en đến với Người như một dân thánh, tách biệt khỏi sự ô uế của thế gian. Chính vì thế, tất cả những gì là không thanh sạch thì không thể tiến lại gần Người. Sự vâng phục tuyệt đối của Ít-ra-en là phương thế cho Ít-ra-en bước đi trong sự thánh thiện mà tiến về miền Đất hứa.

2. Một cuộc hành trình của sự bất tuân (chương 11-12)

Sự vâng phục của Ít-ra-en kéo dài chẳng được bao lâu thì họ lại sớm rơi vào tình trạng phải chết của sự bất tuân. Sự bất tuân của Ít-ra-en được diễn tả qua thái độ phàn nàn, kêu trách: “Thế rồi dân bắt đầu kêu ca thấu tai Đức Chúa vì những khổ cực của họ, và Đức Chúa đã nghe được. Cơn thịnh nộ của Người bừng lên và lửa của Đức Chúa bốc cháy nơi họ ở và thiêu hủy đầu trại” (Ds 11,1). Sự phản loạn của dân còn được trình bày một cách rõ ràng trong chương 13 và 14. Dân cho rằng Mô-sê và A-ha-ron không còn đáng tin cậy để dẫn dắt họ nữa. Thế nên, họ bảo nhau: “Chúng ta hãy đặt lên một người cầu đầu và trở về Ai-cập” (Ds 14,4). Họ sợ tiếp tục cuộc hành trình vì chính Chúa đã thề: “Không một ai trong những người đã thấy vinh quang của Ta và những dấu lạ Ta đã làm bên Ai-cập và trong sa mạc, nhưng đã thách thức Ta cả mười lần và đã không chịu nghe tiếng Ta, không một ai trong những người ấy sẽ được thấy những miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng, tất cả những ai khinh thị Ta sẽ không được thấy đất ấy”. Quả thực, tất cả những người ra khỏi Ai-cập từ tuổi 20 trở lên đều bị chết trong sa mạc, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lếp. Chính sự phản loạn và tội lỗi của con cái Ít-ra-en khiến họ phải hành trình 40 năm trong sa mạc trong khi đoạn đường họ phải đi trên thực tế chỉ mất 11 ngày. Tuy nhiên, trong 40 năm này, Chúa kiên nhẫn sửa dạy Ít-ra-en với lòng nhân từ và sự nghiêm khắc. Người vẫn yêu thương họ với một giao ước chung thuỷ.

3Cuộc hành trình đong đầy lòng nhân từ và sự nghiêm khắc của Chúa (chương 13-19)

Cuộc hành trình bất tuân của Ít-ra-en không bao giờ thiếu vắng sự hiện diện đầy lòng nhân từ và sự công chính của Chúa. Sự hiện diện của Chúa vừa mang tính phán xét vừa mang tính cứu độ. Ở giữa một một dân phản loạn, Thiên Chúa vẫn tiếp tục khẳng định: Ít-ra-en là dân của Người. Thiên Chúa nhân từ tiếp tục cung cấp cho Ít-ra-en thức ăn và nước uống. Thiên Chúa chỉ định những người lãnh đạo, đặc biệt là nhà Lê-vi và gia đình A-ha-ron trở nên những người lãnh đạo và những người làm trung gian giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. Chính nhờ lời chuyển cầu của các nhà lãnh đạo giúp cho Ít-ra-en tránh khỏi những cơn thịnh nộ của Chúa. Thiên Chua một cách kiên nhân đã dẫn một dân lầm đường lạc lối trở về chính lộ.

4. Một hướng đi mới cho một thế hệ mới (chương 20-36)

Sau khi dừng chân tại Ca-đê, Ít-ra-en nhổ trại tiến tới Mô-áp (xem Ds 20-21). Tại đồng bằng Mô-áp, theo lệnh của Đức Chúa, Mô-sê thực hiện cuộc kiểm tra dân số lần hai với con số 601.730 (xem Ds 26). Con số nay cho thấy một thế hệ mới tương đương với thế hệ đã rời khỏi Ai Cập trong cuộc kiểm tra dân số đầu tiên với con số 603.550. Để lãnh đạo thế hệ mới này, Chúa đã chọn Giô-suê tiếp nối sứ mệnh của Mô-sê để đưa họ tiến vào miền đất Ca-na-an (27,12-23). Đồng thời, Chúa đã ban cho họ những quy định mới để họ có thể sống như là dân thánh của Người trong miên đất Người ban.

IV. KẾT

Chúng ta vừa lược qua những phần chính của sách Dân số. Qua đó, chúng ta, trước hết, chiêm ngắm một Thiên Chúa vừa nhân từ vừa nghiêm khắc. Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ không chỉ ban phát cho Ít-ra-en của nuôi thân mà còn bảo vệ và gìn giữ họ khi họ phạm tội. Mặt khác, Thiên Chúa cũng là Đấng rất nghiêm khắc. Người đánh phạt khi con cái Ít-ra-en phạm tội. Người cất đi quyền thừa hưởng nếu như họ bất tuân.

Thứ đến, sách Dân số là một bài học quý giá cho con cháu nhà Ít-ra-en cũng như cho tất cả chúng ta để chúng ta học cách kính sợ Chúa và thực thi thánh ý Người, ngõ hầu chúng ta không bị rơi vào cảnh diệt vong trong “sa mạc” của thế trần hôm nay.

Cuối cùng, sách Dân số không có phần kết. Điều này cho thấy Chúa mở ra cho Ít-ra-en một niềm hy vọng mới, một tương lai mới. Tương lai này có thành hiện thực hay không tuỳ thuộc việc Ít-ra-en có vâng phục Chúa hay không. Đây là thử thách mà mỗi thế hệ Ít-ra-en phải đối diện. Nó cũng là thách đó cho mỗi chúng ta hôm nay. Chúng ta có sẵn sàng bỏ con đường của mình để bước vào con đường của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô không?

Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta.
Nguyện xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến chúng ta và dủ lòng thương chúng ta.
Nguyện xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho chúng ta
 (x. Ds 6,24-26).

Trong bài học tuần sau chúng sẽ tìm hiểu cuối sách Đệ nhị luật, cuốn sách cuối cùng của bộ Ngũ thư.

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *