Chúa Giêsu chấn chỉnh lề luật (06.10.2024 – Chúa Nhật tuần XXVII thường niên năm B)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: St 2,18-24, Hr 2,9-11, Mc 10,2-16

Bài đọc 1: St 2,18-24

Cả hai thành một xương một thịt.

Bài trích sách Sáng thế.

Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.”  Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì : hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.  Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.  Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.  Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

Con người nói :

“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !

Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”

Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

Bài đọc 2: Hr 2,9-11

Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Thưa anh em, con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.

Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.  Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 10,2-16)

 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?” Họ hỏi thế là để thử Người.  Người đáp : “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì ?”  Họ trả lời : “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”  Đức Giê-su nói với họ : “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.  Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ;  vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,  và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.  Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”  Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.  Người nói : “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình ;  và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.  Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.  Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”  Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Chúa Giêsu chấn chỉnh lề luật (06.10.2024 – Chúa Nhật tuần XXVII thường niên năm B)

Chúa Giêsu chấn chỉnh lề luật (06.10.2024)

Lời Chúa trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay đề cập tới một vấn đề căn bản, then chốt nhất của xã hội loài người, đó là gia đình.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại khi đó Đức Giêsu rời bỏ miền Ga-li-lê là nơi khởi đầu và là địa bàn rao giảng Tin Mừng chính của Người. Chúa Giêsu tiến vào miền Giu-đê, vùng đất của những người chống đối Người. Chúa Giêsu đang trong hành trình tiến về Giêrusalem, nơi đầy những cạm bẫy nguy hiểm bởi lòng đố ky, ganh ghét và hận  thù chờ đón Người.

Khi thấy dân chúng tuôn đến, Chúa Giêsu tiếp tục dạy  dỗ họ.

Ngay lập tức có những người Pharisêu đến tranh luận với Chúa Giêsu. Lần này họ nêu ra một vấn đề liên quan đến điều luật rất quan trọng trong đời sống gia đình. Thực ra khi nêu câu hỏi thì họ đã có sẵn câu trả lời, nhưng họ làm vậy để thử và gài bẫy Người mà thôi, như họ vẫn thường làm như thế với Chúa Giêsu.

“Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?” Câu hỏi bắt người bị chất vấn phải trả lời xác định “có” hay “không”, vì nó vốn đã được luật Môsê giải quyết rối. Cái bẫy giống câu hỏi của nhóm Hêrôđê : Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?” (Mt 22,17).

Vẫn theo cách vẫn thường dùng, Chúa Giêsu hỏi lại những người Pharisêu để họ phải bày tỏ lập trường của họ. Họ đã nại ra điều ông Môsê viết trong sách Đệ nhị luật : Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. (Đnl 24,1).

Cái điều người chồng coi là “không đẹp lòng”“chướng” thì có hai quan điểm. Theo trường phái ông Shammai, chồng chỉ được ly dị vợ khi vợ ngoại tình. Còn trường phái của ông Hillel lại rất rộng rãi, cho phép ly dị vợ chỉ vì những lý do cỏn con, như nấu một món ăn không ngon, làm bể chén dĩa. Rabbi Aqiba còn cho rằng “thậm chí anh ta tìm thấy một phụ nữa khác đẹp hơn”. Thật đơn giản.

Vì những người Pharisêu đã có sẵn câu trả lời theo luật Môsê, nên họ mong Chúa Giêsu sẽ trả lời ngược lại luật.

Chúa Giêsu không tranh luận với những người Pharisêu về chi tiết, tình trạng pháp luật ra sao, nhưng Người đưa ra điều quan trọng hơn tất cả, đó là ý định của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng nên con người. Đi ngược với ý định của Thiên Chúa là điều không bao giờ Chúa Giêsu chấp nhận.

6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

Như vậy đã quá rõ, Chúa Giêsu đã thẳng thừng bác bỏ điều luật mà ông Môsê đã  viết ra chỉ vì sự cứng lòng và do thói ích kỷ, ham hố thống trị của người Do Thái. Con người do Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ bình đẳng. Hôn nhân của con người do chính Thiên Chúa đã sắp đặt nên, vì thế sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”đã là chân lý vĩnh cửu.

Khi Chúa Giêsu và các môn đệ ở riêng với nhau, Người còn giải thích và nâng cao mức độ thiêng liêng bất biến của hôn nhân theo Thánh Ý của Thiên Chúa đến nỗi “chỉ có cái chết” mới chấm dứt giao ước ấy, còn dưới mọi hình thức một người đã kết hôn mà bỏ bạn mình mà đi lấy người khác thì đều là phạm tội ngoại tình.

Tin Mừng Máccô luôn tạo ra bất ngờ, nhưng lại rất hợp lý khi chen những trình thuật có vẻ không ăn nhập gì đến sự việc đang diễn ra, như ở đây là việc “người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng”.

13Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Suốt trong hai chương 8, 9 và bài Tin Mừng Máccô hôm nay, nơi các môn đệ bàng bạc nỗi ám ảnh về quyền lực. Sau một thời gian theo Thầy Giêsu. được nghe những giáo huấn và chứng kiến các việc làm đầy quyền năng Thầy, các môn đệ đã tin Thầy mình chính là đấng Messia được Thiên Chúa sai đến để cứu dân. Nhất là sau khi được chứng kiến Chúa Giêsu tò vinh quang của Thiên Chúa, ba môn đệ thân tín của Chúa càng tin tưởng vào Thầy mình hơn nữa, nên khi Chúa Giêsu lần thứ hai loan báo Cuộc Thương Khó Người sẽ phải chịu, thì các môn đệ càng lo cho tương lai của họ bằng cuộc tranh luận ai sẽ là người lớn nhất.

Chúa Giêsu đã phải chấn chỉnh, dạy cho các ông biết tinh thần yêu thương phục vụ tha nhân mới chính là cốt lõi tâm tình của người môn đệ theo Chúa. Người lớn nhất phải là người nhỏ bé nhất để phục vụ mọi người. Chúa Giêsu đã đem một em bé đến giữa các ông và so sánh việc phục vụ những người nhỏ bé yếu kém nhất như em bé thì chính là phục vụ Chúa Giêsu và cũng là phục vụ Chúa Cha.

Ngay sau đó các môn đệ lại ngăn cản một người không thuộc nhóm các môn đệ mà lại dám dùng Danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Nhưng một lần nữa Chúa Giêsu phản đối thái độ ganh tức, muốn độc quyền Thầy của các môn đệ. Người dạy các môn đệ phải mở lòng bác ái, chia sẻ những quyền năng, những hồng ân Chúa ban cho. Chúa Giêsu gay gắt lên án việc các môn đệ làm là gương xấu cho những người còn kém lòng tin vì thái độ muốn nắm giữ, chi phối quyền lực của các ông.

Vậy mà bây giờ khi người ta đưa các trẻ em đến với Chúa Giêsu thì các môn đệ lại ngăn cản và la mắng chúng. Làm sao Chúa Giêsu lại không giận dữ, không bực mình với các ông cho được ? Các ông đã bỏ ngoài tai hết những lời dạy dỗ của Người. Các ông vẫn mang nặng đầu óc kẻ cả, quyền lực, coi thường những kẻ bé mọn.

Đức Giê-su công bố Nước Trời thuộc về những ai giống như những trẻ nhỏ, và mời gọi phải đón nhận Nước Thiên Chúa như chúng. Đó là những người không có địa vị nào trong xã hội và phải phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa, không tham mê quyền lực và thống trị kẻ khác.

Để đạt đến mục đích cao nhất là vào được Nước Trời, người môn đệ phải tự xem mình là người nhỏ nhất, kẻ không có gì cả và là kẻ phục vụ người khác. Phải biến mình thành những trẻ nhỏ, là con cái của Thiên Chúa, tất cả cậy dựa vào Chúa và đến với Ngài để Ngài chúc phúc.

Suy niệm Lời Chúa hôm nay chắc chắn giúp mỗi Kitô hữu khi kiểm điểm lại bản thân sẽ thấy mình đã có quá nhiều tham lam mong muốn quyền lực, mong muốn thống trị người khác mà chính mình cũng không ngờ. ma quỷ rất khôn khéo ở chỗ đó, nó bày ra những cạm bẫy để con người tình nguyện sa vào mà vẫn tưởng mình là đúng. Cái bẫy hào nhoáng, ngọt ngào nhất ma quỷ thường trình bày là những điều thoả mãn cái tôi của mỗi người. Từ chuyện nhỏ nhất là được chào mời, đến những cái lớn hơn là danh vọng, nhất là quyền lực. Cái tôi ích kỷ và những ham muốn quyền lực để thống trị người khác, bắt người khác phải phục vụ mình là những nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ gia đình trong xã hội ngày nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con hiểu và thấm nhuần Lời Chúa dạy, để chúng con luôn giữ lòng trung thành với Chúa, vì chỉ có thế chúng con mới trung thành với nhau. Chỉ có luôn gắn kết mật thiết với Chúa thì chúng con mới có thể bền vững với nhau. Amen.

Jos. NM Tưởng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *