Mùa chay: ĂN CHAY VÀ KIÊNG THỊT

Thứ Tư lễ Tro ngày 6.3.2019 vừa qua, các tín hữu được xức tro trên đầu / trán với lời đọc của thừa tác viên “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”(Mc 1,5) hoặc là câu “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi”. Mẫu thứ hai dựa theo công thức truyền thống từ xưa: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19).1

Công thức khi xức tro như thế là một lời nhắc giúp chúng ta: 1] Tập trung vào hành vi tự hiến của Chúa Kitô; 2] Nhận ra sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa; 3] Khao khát được thông dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô; 4] Vâng theo chỉ dạy của Hội Thánh là ăn năn thống hối, thực hành khổ chế / từ bỏ chính mình trong suốt mùa Chay.

Thực hành khổ chế được Hội Thánh yêu cầu ít là giữ chay ngày thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.2 Nhưng giữ chay phải theo lời chỉ bảo của thánh Phêrô Crisologo, nghĩa là không chỉ hướng về mình nhưng còn hướng về Thiên Chúa và tha nhân: “Việc ăn chay là linh hồn của việc cầu nguyện và việc biểu lộ lòng từ bi là sự sống của việc ăn chay, vì thế ai cầu nguyện thì cũng phải ăn chay. Ai ăn chay thì phải có lòng từ bi. Ai trong khi cầu xin mà ước muốn được lắng nghe, thì hãy lắng nghe kẻ nói lên với mình lời cầu xin. Ai muốn con tim Thiên Chúa mở rộng ra với mình, thì không được đóng lòng mình lại với ai cầu xin mình.”3

Về vấn đề giữ chay kiêng thịt, Hội Thánh ngày nay buộc những người có độ tuổi từ 18 cho đến hết 59 phải giữ chay và từ 14 tuổi trọn trở lên thì buộc kiêng thịt.4

Về cách thức giữ chay, luật giữ chay chỉ cho phép ăn một bữa no trong ngày, nhưng cũng không cấm ăn đôi chút vào ban sáng và ban tối, tùy theo phong tục địa phương đã được thừa nhận mà ấn định số lượng và loại thức ăn.5 Trong hai ngày Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, ngoài cách thức vừa nêu, các tín hữu còn tránh ăn vặt cũng như dùng các chất kích thích như rượu, bia… Nhiều người Công giáo còn chọn giữ thêm những kỷ luật khác nữa cho riêng mình như kiêng cữ những thứ khoái khẩu, dành giờ cầu nguyện, làm việc đạo đức, bác ái, bố thí, hy sinh (gẫm đàng Thánh giá, đọc Sách Thánh và sách thiêng liêng, thăm viếng bệnh nhân, người già, người neo đơn)… Tuy nhiên, luật giữ chay kiêng thịt cũng có thể miễn hoặc giảm cho những người già yếu, đau bệnh, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ…

Dù luật chỉ buộc chay tịnh vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh vẫn khuyến khích các tín hữu ăn chay mọi ngày trong suốt mùa Chay chay hay các ngày thứ Sáu thuộc mùa này. Ngoài ra, nhằm mục đích thánh hóa ngày thứ Sáu, tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa diễn ra trong ngày này cũng như kết hợp sự hy sinh từ bỏ với hy tế của Chúa Kitô, Ðấng hiến mình cho nhân loại trên Thánh giá, việc kiêng thịt hay kiêng của ăn nào khác theo quy định của Hội đồng Giám mục phải được tuân giữ mọi ngày thứ Sáu trong năm.6 Tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã cho phép thay thế việc kiêng thịt bằng những thực hành như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội, bố thí, làm một việc công ích…7 Tuy nhiên, việc thay thế như vậy có lẽ không áp dụng cho thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.

Khi so sánh với cuộc khổ hình của Chúa Giêsu và hy tế của Ngài, tất cả những kỷ luật và khổ chế nêu trên thật quá nhỏ bé. Dẫu vậy, nếu được thực hiện theo đúng tinh thần của mùa Chay, chúng sẽ giúp chúng ta tôi luyện xác hồn; học biết Ðức Kitô và dõi theo gương Người; diễn tả cách chân thành tâm tình của chúng ta là muốn đáp lại một chút gì đó tình Chúa yêu thương chúng ta không bờ không bến; cũng như cho phép Chúa Kitô đến để làm thỏa mãn cơn khát sâu xa nhất nơi thâm tâm chúng ta: đó là cơn đói khát Thiên Chúa.

 

Nhớ lại phép Thánh tẩy

Trai tịnh là một trong số những truyền thống Kitô hữu kế thừa từ Do Thái giáo. Vào thời Ngài, Chúa Giêsu đã từng cảnh báo rằng: “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,16-18).

Trong thời Trung cổ, kỷ luật mùa Chay trở nên cực kỳ nghiêm ngặt, ngay cả trứng và sữa cũng ít được ăn hay bị cấm hẳn. Các thực hành mùa Chay bấy giờ được tóm lại trong 3 việc: 1] Chay miệng (khẩu chay): giảm bớt ăn uống; 2] Chay mắt (thị chay): kiềm chế con mắt khỏi ước muốn hay tò mò nhìn xem nhiều thứ; 3] Chay tai (thính chay): không tham dự vào những cuộc ngồi lê mách nẻo, nói hành nói xấu người khác hay những câu chuyện vô bổ.

Ngày nay, Hội Thánh tái khám phá tinh thần và ý nghĩa đích thực của mùa Chay như được truyền thống Kinh Thánh và Kitô giáo trân trọng cũng như đã được tín hữu thuộc các thế kỷ đầu tiên thực hành: đó là cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật thứ III mùa Chay phản ánh chính xác thực hành này: “Lạy Chúa là Ðấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và chia sẻ cơm áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ”. Thêm nữa, vào thời Giáo hội sơ khai, trong mùa Chay, có những người lớn tìm kiếm và học hỏi giáo lý để chịu phép Thánh tẩy trong vị thế của người dự tòng. Họ phải trải qua những kỷ luật nghiêm ngặt trong hai – ba tuần lễ cuối cùng của thời kỳ chuẩn bị trước khi được tiếp nhận hoàn toàn vào Hội Thánh trong lễ Vọng Phục sinh. Ðến thế kỷ IV, thực hành chung của các tín hữu là liên đới với anh chị em dự tòng, còn hàng giáo sĩ thì thúc giục họ tham dự vào những “khóa canh tân cuộc sống”. Chính vì lý do này mà mùa Chay đã kéo dài thêm lên đến 6 tuần.

Ðối với chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, việc thống hối trong mùa Chay cũng như những thực hành khổ chế, từ bỏ mình sẽ giúp chúng ta quay về với phép Rửa mà nhờ đó chúng ta được thanh tẩy tội lỗi, nối lại cuộc đời mình với Thiên Chúa trong Chúa Kitô và tiếp nhận Chúa Thánh Thần; đem lại sự hiệp nhất hồn xác nơi chúng ta; giúp chúng ta tránh xa tội lỗi và lớn lên trong việc sống thân mật với Chúa. Như thánh Phaolô đã nói trong bức thư gởi tín hữu Rôma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

 

Lm Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

_______________________________________

Sách lễ 1975.

2 Xc. Bộ Giáo luật, số 1251.

3 Bài giảng 43: PL 52, 320. 332.

4 Bộ Giáo luật, số 97 và 1252.

5 Xc. Ðức Phaolô VI, Tông Huấn “Hãy thống hối” Paenitemini, III-1&2 (ban hành ngày 17-02-1966).

6 Xc. Bộ Giáo luật, số 1251; Tông Huấn “Hãy thống hối” Paenitemini, III, II-2.

7 Hội đồng Giám mục Việt Nam, khóa họp tháng 04-1991; GL 1253.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *