Bài 4 – Tổng quan các sách Cựu ước

Trong bài học đầu tiên chúng ta đã đề cập đến cuốn Thánh Kinh Công giáo gồm hai phần lớn: Cựu ước và Tân ước. Hôm nay chúng ta cùng nhau tiềm hiểu tổng quan các sách Cựu ước.

1. Tại sao lại gọi là “Cựu ước”?

Toàn bộ cuốn Thánh Kinh là sách Giao ước. Đó là Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Người, một giao ước được lập đi lập lại nhiều lần, và cuối cùng được hoàn tất nhờ máu đổ ra của Đức Ki-tô. Do đó, thuật ngữ “Cựu ước” có ý nói về Giao ước cũ. Và từ “Cựu”, ở đây, không hàm ý là cũ kỹ và phải bỏ đi. Từ “cựu” được sử dụng để phân biệt giữ Giao ước cũ (2 Cr 3,14) và Giao ước mới (2 Cr 3,6). Hai Giao ước nối tiếp với nhau. Tân ước được tiềm tàng trong Cựu ước, và Cựu ước được tỏ hiện trong Tân ước. Thật vậy, “Nhiệm cục Cựu ước được sắp đặt với mục đích chính yếu là để chuẩn bị cho ngày xuất hiện của Chúa Ki-tô, Đấng Cứu độ muôn loài, ngày của Vương quốc Đấng Mê-si-a, được loan báo qua các ngôn sứ và được biểu thị bằng nhiều hình ảnh khác nhau” (Hiến chế Mặc khải, số 14-15). Thế nên, chúng ta phải nhìn nhận giá trị tự thân của Cựu ước, ngay cả khi nó chỉ đạt đến ý nghĩa trọn vẹn trong ánh sáng của Tân ước, và bao gồm việc lời hứa chỉ được thực hiện hoàn mỹ nơi Đức Ki-tô. Cựu ước vẫn luôn là lời thực sự của Chúa, phải được chấp nhận và tôn kính.

2. Tại sao Cựu ước lại có 46 cuốn, và các sách cổ xưa khác lại không được xem là Sách Thánh?

Chúng ta biết rằng Thánh Kinh Do-thái gồm 39 cuốn. Thánh Kinh Cựu ước Công giáo gồm 46 cuốn. Cuốn Cược ước của chúng ta nhiều hơn cuốn Thánh Kinh Do-thái 7 cuốn, đó là những cuốn sách: Ma-ca-bê quyển 1 và 2, Giu-đi-tha, Tô-bi-a, Ba-rúc, Huấn ca, sách Khôn ngoan. Các Giáo hội gọi việc chọn lựa những sách này là quy điển. Quy điển bao gồm những tác phẩm được một giáo hội hay một nhóm giáo sĩ có thẩm quyền công nhận có chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa.

Cựu ước được phân ra thành bốn phần khác nhau:

+ Sách Ngũ thư

+ Sách Lịch sử

+Sách Văn chương

+ Sách Ngôn sứ

3. Bức họa toàn cảnh Cựu ước[1]

a. Ngũ thư

Ngũ thư gồm 5 cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh, đó là sách Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật. Sách Sáng thế mô tả thời kỳ trước khi Thiên Chúa kêu gọi và chuẩn bị cho Người một dân tộc khởi đi từ thuở tạo dựng ban đầu cho đến thời các tổ phụ. Sách Xuất hành phác hoạ những hành động đầy quyền uy của Thiên Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi tay Ai-cập và ban cho họ Giao ước về lề luật. Sách Lê-vi mô tả những điều khoản của Giao ước, trong sách Dân Số thêm vào một số luật lệ khác và tiếp tục câu chuyện của Ít-ra-en thời kỳ sa mạc. Đệ nhị luật được xem như ghi lại những diễn từ của Mô-sê đào sâu và tóm kết ý nghĩa Giao ước cho dân Ít-ra-en sau này trong dòng lịch sử.

b. Các sách Lịch sử

Sau phần Ngũ thư là các sách Lịch sử. Các sách Lịch sử kể lại việc Ít-ra-en khám phá và sống Giao ước ở miền Đất hứa. Sách Giô-suê mô tả cuộc chinh phục xứ Ca-na-an, sách Thủ lãnh mô tả việc định cư và cuộc đấu tranh sinh tồn của Ít-ra-en trên miền đất mới. Sa-mu-en 1 và 2 là thời kỳ Ít-ra-en thèm muốn có vua và sự xuất hiện của hai vị vua đầu tiên là Sa-un và Đa-vít. Sách các Vua 1 và 2 kể lại chuyện Ít-ra-en đã bội tín với Đức Chúa như thế nào từ các triều sau Đa-vít cho đến khi kết thúc thời quân chủ vào khoảng năm 587 tCn. Tất cả sáu cuốn sách này có văn phong và sứ điệp tương tự như Đệ nhị luật. Các sách này đều đưa ra một bài học nhất quan: chỉ ra sự bất trung của Ít-ra-en với Giao ước và cảnh báo sự tàn phá sắp xảy đến.

Sau cuộc tàn phá Ít-ra-en và lưu đầy năm 587 tCn, sách Sử biên niên 1 và 2 nhìn lại lịch sử Ít-ra-en từ quan điểm của các tác giả Tư tế. Truyền thống này tiếp tục được diễn tả trong sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a.

Sách Rút kể chuyện một phụ nữ trung tín vào thời các thủ lãnh. Ét-te thuật lại chuyện một nữ hoàng Do-thái tín trung trong vương triều Ba-tư thế kỷ V. Sách Giu-đi-tha nêu chuyện một vị nữ anh hùng đã cứu người Do-thái trong thời kỳ lưu đầy. Sách Tô-bi-a mô tả người Ít-ra-en trung tín sống giữa những người dân bị lưu đầy vào năm 722 tCn ở Át-sua. Tất cả các trình thuật này là những câu chuyện mang tính giáo huấn nhằm nêu bật những phẩm chất tốt đẹp nhất của những người Do-thái đạo đức. Cuối cùng, câu chuyện hậu lưu đầy kết thúc với sách Ma-ca-bê 1 và 2, kể lại cuộc nổi dậy của người Do-thái để giành lại độc lập từ chính quyền Hy-lạp đóng tại Sy-ri.

c. Văn chương

Phần tiếp theo được biết đến như là các sách Văn chương, chứa đựng những suy tư sâu sắc tuyệt vời của người Ít-ra-en về đức tin và cuộc sống. Sách Thánh vịnh cho chúng ta những lời cầu nguyện và những thánh thi được xướng lên trong các buổi phụng tự cá nhân và cộng đồng. Sách Gióp vật lộn với những vấn nạn về đau khổ và sự tốt lành của Thiên Chúa. Các sách Châm ngôn, Giảng viên, Huấn ca và Khôn ngoan của Salomon cung cấp những châm ngôn và tư tưởng hiền triết, còn Diễm ca là một chuỗi những bài thơ tình, hàm ý mô tả tình yêu Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en, hôn thê của Người.

d. Ngôn sứ

Sau cùng, các sách ngôn sứ nằm cuối bảng danh sách được chia thành hai phần: các ngôn sứ lớn và các ngôn sứ nhỏ. Sự sắp xếp này dựa trên độ dài của tác phẩm. Các cuốn sách dài như I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en là của những ngôn sứ lớn. Phần lớn của sách Đa-ni-en mang văn chương khải huyền, tương tự với sách Khải huyền của thánh Gio-an. Các ngôn sứ nhỏ được gọi là “Mười Hai” trong quy điển Do-thái. Các ngôn sứ này được xếp từ A-mốt, vị ngôn sứ đầu tiên ở thế kỷ VIII tCn, xuống đến Ma-la-khi vào thế kỷ IV tCn.

Tóm lại: Với bức họa toàn cảnh Cựu ước, chúng ta nghiệm thấy một cách rõ ràng công trình cứu độ của Thiên Chúa và đường lối của Người đối xử với chúng ta như lời thánh Phao-lô khẳng định: “Quả thế, tất cả những gì đã được viết ra, đều được viết để dạy dỗ chúng ta, để nhờ kiên nhẫn và được an ủi bởi lời Thánh Kinh, chúng ta có được niềm cậy trông” (Rm 15,4).

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội


[1] Xem Lawrence Boadt, Dẫn Vào Cựu Ước, chuyển ngữ Lm. Simon Nguyễn Phú Cường và J.B. Phạm Đức Sử, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 21-23.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *