Bài hát và Suy niệm (19.02.2023 – Chúa Nhật VII Thường Niên năm A)

NL: VỀ NHÀ CHA

ĐC: ĐẤNG TỪ BI

DL: THÂN LÚA MIẾN

HL: ÁNH MẮT CHÚA XÓT THƯƠNG

KL: MẸ TUYỆT MỸ

ĐÁP CA CHÚA NHẬT 7 TN A

Lời Chúa: Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,38-48)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng.  Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.  Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.  Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.  Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.  Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.  Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ?  Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?  Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Anh em hãy nên hoàn thiện

Lời kết của bài Phúc Âm tuần bảy, áp mùa chay, vừa là một sứ mạng đòi buộc chúng ta phải thi hành, phải sống cho đẹp lòng Chúa. Đồng thời, vừa là một thánh chức thiêng liêng đầy cao quý, được Lời giao cho những người đích thực là con Thiên Chúa “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Lời phán truyền trao cho sứ mạng và thánh chức, đòi hỏi chúng ta phải vươn lên trên phận người, tỏa ra chất thánh từ những linh hồn cao thượng dồi dào ân nghĩa với Thiên Chúa.

Tại sao xem “sự hoàn thiện” Chúa dạy phải làm là một thánh chức?

Bởi vì “sự hoàn thiện” mới nói lên được phẩm giá, chức phận đích thực của một người con Thiên Chúa trong Nước của Cha mình. Có chức thánh mà không hoàn thiện, thì không thể vào thiên đàng. Trái lại, không có chức thánh, mà có thánh chức “sự hoàn thiện”, người tín hữu Ki-tô ung dung vào thiên đàng. Bởi thế, nếu chúng ta không hoàn thiện, chúng ta không thể hiện diện trong thiên đàng. Những ai chưa hoàn thiện phẩm chất con người mình ở trần gian, tức chưa mặc được vào hồn thánh chức hoàn thiện, sẽ phải hoàn thiện bản thân trong luyện ngục. Thánh chức hoàn thiện trong đức tin, đồng nghĩa với chức làm con Chúa trong Nước Thiên đàng.

Thế nên, được tiếng là con Chúa mà chấp nhận mang thân vào luyện ngục, là dấn thân vào cuộc phiêu lưu mất dần đi ơn nghĩa Chúa. Ở trong luyện ngục càng lâu, thì đó là dấu chứng đời đời ta phản bội tình Chúa càng nặng nề bấy nhiêu.

Sau một chuỗi dài huấn từ của Chúa Giê-su dạy về cách sống đầy đại lượng, tràn trề xót thương và cảm thông với các kẻ xấu, kẻ nghịch, kẻ ác, với cả người hèn mọn… Những chân lý đức tin Chúa Giê-su đòi hỏi ở người tin Chúa trong thời Tân Ước phải thực hành, lại được đặt trên nền móng lời Chúa dạy nơi bài đọc một, bài trích sách Lê-vi “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.

Các con có nhớ! Khi Thiên Chúa truyền mệnh lệnh này cho dân Ít-ra-en, Ít-ra-en mới chỉ được chọn làm dân riêng của Chúa, chứ chưa được chuộc về làm con Thiên Chúa. Hai bậc ân sủng giữa dân Ít-ra-en và người tín hữu Ki-tô hoàn toàn chênh lệch nhau rất lớn. Thế nhưng, Thiên Chúa đã đòi hỏi sự thánh thiện cách chung nơi người dân Ít-ra-en, cho xứng hợp với bản tính cực thánh thiện của Đấng Tối Cao, khi con người giữ mối tương quan gần gũi với Người. Bởi vậy, lời truyền của Chúa Giê-su “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”, hoàn toàn nằm trong ý muốn của Chúa Cha. “Con người phải nên thánh” một tinh thần thống nhất mang tính tuyệt đối, được cả hai Ngôi: Cha và Con truyền cho nhân loại trong hai bối cảnh lịch sử thật cách xa nhau.

Những tâm tình Đức Chúa khuyên dạy dân Ít-ra-en qua ngôn sứ Mô-sê “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.” đã xây nền luân lý vững chãi cho lời dạy của Chúa Giê-su được nâng lên một tầm cao mới. Thể hiện ra những cách ứng xử không nằm trong giới hạn phận người, trong tâm lý tự nhiên. Song là cách ứng xử của những người được biến đổi theo bản tính rất thánh của Thiên Chúa “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

Để giải rõ lý do, cho người tin Chúa thỏa nguyện “tại sao phải sống như thế?” Thánh Phao-lô tận tình giải thích cho chúng ta trong bài đọc hai “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.

Con người tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, tin vào ơn cứu độ của Chúa Ngôi Hai Nhập Thể, được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Một sự biến đổi thần kỳ trong ân sủng được làm con Thiên Chúa, một sự nâng nhấc lên vinh quang vĩnh hằng bởi giá tình cứu độ chứa chan bửu huyết của Chúa Ki-tô Giê-su. Bởi vì, Đền Thờ Thiên Chúa là nơi Chúa ngự, là nơi thánh, nơi được Thánh Tâm Chúa coi trọng biết bao. Khi ta phạm tội, là ta làm ô uế Đền Thờ của chính mình, và hữu ý hay vô tình ta cũng làm ô uế Đền Thờ của tha nhân.

Đền thờ nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần nầy, lại được thánh chức hoàn thiện có dồi dào công nghiệp, làm cho trở nên diễm lệ, lộng lẫy, kiêu sa của bậc đế vương quyền quý. Bởi vì họ đã tuân giữ lời Chúa dạy, đã sống như vị Thánh tông đồ dân ngoại hướng dẫn “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.

Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta về đức khôn ngoan.

Khôn ngoan thế gian” là “khôn ngoan vật dục” hay còn gọi là “khôn ngoan thế tục”. Thứ khôn ngoan được thúc đẩy thực hành bởi lòng tham, lòng xấu, lòng ham muốn được thỏa mãn mọi thứ bởi tính kiêu căng. Đây là loại khôn ngoan các anh gieo rắc vào thế gian, để những con người kiêu ngạo sa ngã vào cõi chết muôn đời. Còn “khôn ngoan thật” Thánh Nhân nói, là khôn ngoan thần khí, loại khôn ngoan phát xuất từ ơn Chúa Thánh Thần. Đức khôn ngoan được đặt trên nền móng một tâm linh khiêm hạ, dồi dào ơn nghĩa Chúa. Vượt xa trên khôn ngoan tự nhiên, loại khôn khéo vì mình mà người đời thường áp dụng ứng xử với nhau cho đẹp lòng nhau, hay mang về một chút lợi ích tinh thần hay vật chất, song không hướng tới ơn cứu độ. Vì “Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.”, sự khôn ngoan không hướng tới ơn cứu độ, sẽ qua đi nhanh chóng với cái chết của con người và sự hư ảo của thế gian.

Ngược lại, sự khôn ngoan thần khí, ngỡ như “sự điên rồ” đối với thế gian. Do tinh thần hoàn toàn ngược dòng với khôn ngoan tự nhiên và khôn ngoan vật dục. Người con Chúa không tìm kiếm những sự thế trần, mà hướng về quê trời vĩnh cửu, để đạt được sự hoàn thiện Chúa Giê-su mong muốn nơi con cái của Người.

Sự hoàn thiện Chúa Giê-su mong muốn nơi con cái của Người, là sống thánh nơi trần gian. Tinh tế như Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận “Mỗi dấu chấm nối lại thành một đường dài, từng giây phút sống thánh làm thành một đời sống thánh.” (Đường Hy Vọng).

Tình Yêu Hoa Cỏ

YÊU THƯƠNG THA THỨ ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN

Thầy Giêsu nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng:mắt đền mắt, răng đền răng”. (Mt 5,38). Đây là luật trong sách Lêvi cho phép báo thù, miễn là không vượt mốc đối phương gây hại mà vẫn công bằng. Nghĩa là chỉ được báo oán bằng sự thiệt hại bên kia gây ra. Kinh nghiệm cho thấy càng báo thù bao nhiêu càng gây họa lớn thêm mãi. Càng tiếp tục trả đũa, ăn miếng trả miếng nhau thì lòng hận thù càng bốc cao không dập tắt được, càng gây tai họa không tưởng.

Còn Thầy Giêsu hôm nay lại bảo: “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,39-42). Theo “phương pháp trị liệu” của Thầy là “lấy đức báo oán”, đòi một cho hai, lấy yêu thương khiêm nhường để hạ nhiệt cơn giận trong con người kiêu căng mỏng giòn của mình, nhường phần thắng cho đối thủ… sao khó quá Thầy ơi! Thường khi chúng con bị xúc phạm, khi có “mối hận” với ai, nếu không đùng đùng chống cự lại ngay, thì cũng tìm cách để trả đũa, có dịp sẽ cho “biết tay nhau”! Dại dột chịu thua để đối phương lấn tới đè đầu cưỡi cổ sao? Nhưng nào có hả giận đối phương đâu, mối hận ngày càng loét to và sâu hơn, lòng dạ tim gan nặng trĩu bất an, kéo theo bao tội khác nữa…

Nhìn lên Thầy chúng con thấy rõ: Thầy nắm trong tay mọi quyền uy Thiên Chúa, “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay”. Vậy mà Thầy cứ lặng câm nhịn nhục trước bao kẻ tố cáo, nhục mạ chống báng rủa xả, hành hạ, kinh khủng nhất trong cuộc thương khó trên đỉnh cao thập tự. Lửa Tình trong Con Tim Yêu trong veo, khiêm nhường tự hủy của Thầy đốt cháy mọi oán hận tội nhân gây ra. Vì yêu Thầy “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thầy giơ lưng, giơ má cho đến phút trót mà thốt lên an bình trong Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hy sinh của Thầy trở thành nguồn ơn cứu độ chúng con. Ngày nay nếu chúng con sống trong Thầy, và Thầy sống trong chúng con, lúc đó Thầy sẽ yêu thương, tự hủy, lấy đức báo oán trong con người mỏng giòn của chúng con. Để đời chúng con dù có trải qua nhiều đau khổ, thua thiệt bởi thế trần thì chúng con vẫn bước đi an bình trong bàn tay từng chiến thắng của Thầy.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5,43-44).

Lệnh truyền của Thầy rằng phải “yêu kẻ thù”, nghe sao mà khó! Luật Cựu Ước dạy yêu đồng loại và cho phép “ghét” kẻ thù. Bình thường theo cách người ta đối nhân xử thế cũng vậy, chỉ yêu thương thân nhân, những người yêu thương mình, có thiện cảm với mình. Chọn bạn mà chơi, người ta chỉ bầu bạn với những người đồng chí hướng. Còn những người đối nghịch, khó tính khó ở, người xấu nết, ghen ghét xúc phạm đến mình thì họ sẽ loại trừ, thù oán hoặc tìm cách trả đũa. Đã gọi là “kẻ thù” thì nhìn thấy mặt nhau đã ghét, thậm chí không thèm nhìn, nói gì yêu với thương? Nhưng nếu người ta cứ mãi lấy oán báo oán, ăn miếng trả miếng thì oán thù càng chồng chất thêm nặng, bao giờ mới hết hận thù? Hận thù chỉ bị tiêu diệt khi nào tôi yêu thương họ, lúc ấy sẽ chinh phục và “biến thù thành bạn” của mình.

“Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,45-48). Vượt lên trên cách đối đãi sòng phẳng bình thường của người đời, Thầy Giêsu dạy phải “yêu kẻ thù”, không phải chỉ trên lý thuyết, nhưng chính Thầy đã thực hiện trong suốt cuộc đời nhập thể và còn cho đến hôm nay, khi loài người tội lỗi hằng xúc phạm đến Chúa. Lúc còn tại thế, trong vườn Cây Dầu, ông Phêrô chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt, Thầy dẹp và chữa luôn cho hắn. Dù đầy quyền năng, nhưng khi chịu đòn roi, hành hạ, xỉ nhục trong suốt cuộc thương khó, đối lại Thầy chỉ một niềm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Chúa ơi! làm sao để con yêu thương như Chúa đã yêu thương? Tự sức chúng con không thể yêu thương và nên hoàn thiện như Chúa được. Nhưng khi chúng con sống đời Kitô hữu đích thực, dần dần chúng con được gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được dạy cho biết cách yêu thương của Người. Chúng con sẽ biết cảm thông với người xung quanh đang chê bai, nói xấu, làm hại mình. Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, gắn chặt đời con vào Chúa, thì lúc bị va chạm với người xung quanh, con sẽ tự chất vấn mình rằng, lòng bao dung của Chúa đang ở trong con, khiến con không nổi nóng tức giận nữa, mà nhủ lòng phải yêu thương theo cách của Chúa, ít nhất là nén lòng cầu nguyện cho họ, con sẽ được nhẹ lòng. Nhưng điều quan trọng là con phải nhận ra lòng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con, để từ đó, nhờ Chúa con biết thứ tha cho người làm khổ mình.

Én Nhỏ

HÃY NÊN HOÀN THIỆN NHƯ CHA ANH EM

1. Ghi nhớ:

 “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt.5.48)

2. Suy niêm:

Có hai Thầy dòng, sống trong một tu xá nọ. Công việc thường nhật của các Thầy là suy niệm, cầu nguyện và làm từ thiện bác ái, ngoài ra các Thầy còn được Bề Trên giao cho chăm sóc một khu vườn với nhiệm vụ sưu tầm và phát triển nhiều loài hoa đẹp và quí hiếm.Tuy thế cuộc sống các Thầy  vẫn có vẻ lặng lẽ và êm đềm. Rồi một hôm Thầy Hiền nói với Thầy bạn rằng:

– Hòa ơi, chúng ta đã ở bên nhau nhiều năm rồi mà chưa có lần nào lời qua tiếng lại, nên tôi có một đề nghị này: Để cho cuộc sống thêm “sôi nổi và sinh động” chúng ta sẽ “tổ chức” một cuộc cãi vã để xem ai là người dành chiến thắng, vì có khả năng cãi to, chửi khéo!

Thấy ý kiến có vẻ lạ đời và ngộ nghĩnh nên Thầy Hòa mỉm cười gật đầu đồng ý.

Ngày hôm sau Thầy Hiền sang phòng Thầy Hòa với một cái bao trong tay, không thèm gõ cửa,Thầy đi thẳng vào nhà, chẳng nói chẳng rằng, lấy tất cả những vật dụng của Thầy Hòa  bỏ vào trong cái bao!

Thấy lạ,Thầy Hòa hỏi:

– Làm sao mà Thầy lại lấy những đồ dùng của tôi vậy?.

Thầy Hiền đáp:

– Không đâu, các thứ này nó thuộc quyền sở hữu của tôi mà!

Sau một thoáng lặng im.Thầy Hòa bảo:

– Thầy đã nói thế, thì Thầy cứ việc mang vác nó đi!…

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bài đọc một; kêu gọi chúng ta hãy nên thánh, bài đọc hai; xác định chúng ta là Đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta.Đến bài Tin Mừng  cũng theo luồng tư tưởng trên. Chúa Giê-su dạy chúng ta một bài học rất cần thiết và cũng rất cần kíp. Tuy rằng lời dạy này đã được Chúa nói cách nay hơn hai ngàn năm nhưng cho đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn mang tính thời sự. Thực hiện được những lời dạy bảo này, chúng ta sẽ nên thánh, chúng ta sẽ trở nên Đền thờ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có một đời sống tốt đẹp; là đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho mọi người sống bên cạnh chúng ta. Bài học đó là phải luôn sống trong tâm tình yêu thương, bao dung tha thứ, nhẫn nhục và hiền lành.

Ngoài xã hội thời nay, báo, đài thường đưa tin những vụ án đau lòng, đáng tiếc xảy ra, đôi khi ngay cả trong khu xóm chúng ta đang sống cũng chẳng thiếu những sự cố đau lòng diễn ra mà hậu quả của nó không thể sửa chữa hay khắc phục được, chỉ vì người ta đối xử với nhau thiếu sự yêu thương, bao dung tha thứ …

Trong gia đình cũng thế, cha mẹ, con cái, anh em sống không có lòng yêu thương độ lượng khoan dung khiến cảnh sống gia đình trở nên nặng nề ngột ngạt. Biết bao mái ấm đã bị đổ vỡ, chia ly chỉ vì vợ chồng không biết sống trong tâm tình yêu thương, bao dung, tha thứ và nhịn nhục, thế nên,có khi chỉ vì những lời nói chạm tự ái, chuyện bé xé to. Cuối cùng thì đường ai nấy đi để lại hậu quả đau thương mà con cái là nạn nhân  phải gánh chịu, .

Chúa dạy yêu cả kẻ thù điều này thật khó để chúng ta có thể thực hiện! Thế nhưng hãy nhìn lên tấm gương của Thầy Chí Thánh mà học nơi Người: Chúa là Đấng quyền năng, vĩ đại. Chính nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Ngài là Vua vũ trụ.Vậy mà khi bị người ta xúc phạm, thậm chí xúc phạm cách rất nặng nề nhiều lần, nhiều cách. Vậy mà Ngài vẫn thương xót tha thứ và cầu xin cho họ, những kẻ đã làm khổ, hành hạ mình: “Lạy Cha xin tha cho chúng, bởi chúng chẳng biết việc mình làm.” (Lc.23.34). Vậy còn chúng ta là gì mà không sẵn lòng bao dung tha thứ cho anh em!

Nếu chúng ta sống thực thi những điều Chúa dạy thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được bình an và hạnh phúc ngay ở trên trần gian này và điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ làm hài lòng Chúa vì đã biết nghe và thực hành lời Ngài răn dạy .

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con phải trở nên giống Ngài, có tấm lòng, bao dung, nhẫn nhục, tha thứ và yêu thương. Không những yêu thương những người yêu thương mình mà còn phải  yêu thương và tha thứ cho ngay cả những kẻ làm hại chúng con. Xin cho chúng con mặc vào mình được tâm tình của Ngài, để rồi chúng con biết cư xử tốt với mọi người để ngày càng trở nên hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn. Amen.

4. Sống lời Chúa:

Mỗi khi có ai xúc phạm hoặc làm trái ý mình, tôi sẽ dâng sự bực tức đó lên Thiên Chúa, đồng thời cầu nguyện một Kinh Lạy Cha cho họ. Bởi chính nhờ họ mà tôi rèn luyện được nhân đức hy sinh hãm mình và nhẫn nhục.

Đaminh Trần Văn Chính

***

MỤC LỤC

1. Tha thứ kẻ thù

2. Trở nên con cái Chúa

3. Thiên Chúa là tình yêu – Cố Lm Hồng Phúc

4. Hãy hoàn thiện như Chúa

5. Sống chữ Nhẫn – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

6. Yêu “kẻ thù” như thế nào đây?

7. Hãy nên hoàn thiện

8. Nên hay dừng? – JM. Lam Thy

9. Làm thánh sống – Trầm Thiên Thu

1. Tha thứ kẻ thù 

Đâu là phương thế để làm cho thêm bạn bớt thù trong cuộc sống của mình?

Có một bản du ca tôi rất thích hát, bản du ca ấy có những lời lẽ như thế này: Kẻ thù ta đâu có phải là người giết người đi thì ta ở với ai. Đúng thế, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi của mình. Nhân vô thập toàn là thế. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh là thế.

Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền, như một câu danh ngôn đã bảo: Hễ ở đâu có hai người sống với nhau, thì ở đó thế nào cũng có sự xích mích và giận hơn.

Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy trên đời đâu phải chỉ có một hay hai người làm cho tôi sự mất lòng, làm cho tôi phải nhục nhã và tức giận. Ngay cả đến những người bạn thân tình, ngay cả đến cha mẹ và anh chị em ruột thịt cũng đã nhiều lần làm cho tôi phải bực bội.

Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này.

Hơn nữa, xã hội và ngay chính bản thân tôi, sẽ không thể nào được xây dựng trên sự thù oán và đấu tranh, vì thù oán này sẽ nảy sinh ra thù oán khác, như một thứ bệnh truyền nhiễm làm cho xã hội bị sụp đổ, còn bản thân tôi sẽ phải quay quắt khổ đau. Thế nhưng, điều tệ hại nhất, đó là chính bản thân tôi nhiều khi lại là nguyên nhân cho sự thù oán, vì hơn một lần tôi đã sai lỗi, hơn một lần tôi đã gian tham và bất công. Cho nên người đáng phải giết, đáng phải loại trừ lại chính là bản thân tôi. Vì vậy mà bản du ca trên có những lời lẽ được tiếp nối như sau: Kẻ thù ta tên nó là gian ác, tên nó là điêu ngoa, tên nó là tham tàn…

Phương thế hữu hiệu nhất để làm cho thêm bạn bớt thù, không phải là chết giết những kẻ thù ở bên ngoài, vì sự trả thù chỉ là cái vui của những tâm hồn đê tiện, nhưng là phải lột mặt nạ và tận diệt cho bằng được những thói hư tật xấu, là những kẻ nội thù, nằm sẵn trong cõi lòng chúng ta, như người xưa đã dạy: Kẻ thù đích thực thì ở trong tâm hồn, vì đó là những nguyên nhân gây nên thù oán ngoài xã hội.

Cùng với việc uốn nắn sửa đổi những sai lỗi của mình, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tha thứ, cố gắng đi bước trước tiến đến sự hoà giải cùng nhau. Đừng khoan dung với mình mà gay gắt với anh em, trái lại hãy khoan dung với anh em mà gay gắt với chính mình. Cách tốt nhất để khỏi băn khoăn về kẻ thù là hãy làm cho họ trở nên một người bạn, bởi vì thù oán không thể huỷ diệt được thù oán, chỉ có tình thương mới huỷ diệt được nó mà thôi.

Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói:

– Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.

Tức thì các thực khách cười lên hô hố một cách khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:

– Một miếng ư, được lắm.

Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng như thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:

– Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.

Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta chẳng bao ngờ tới trên cõi đời nham nhở này mà lại có được một người khích phách như vậy. Anh lòm còm ngồi dậy và lắp bắp nói:

– Tôi… tôi sẽ gởi tặng các em.

Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân một số tiền lớn để tạ lỗi.

Hãy tha thứ để rồi bản thân sẽ được Chúa thứ tha. [Mục Lục]

2. Trở nên con cái Chúa 

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khi chúng ta suy niệm bài Tin Mừng này thì Xuân đã về trước ngõ.

Mùa Xuân làm cho lòng người rộn rã, cỏ cây chim chóc cũng reo vui với con người. Người ta chúc cho nhau bao điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp nhất vẫn là sự bình an trong tâm hồn, sự bình an mua được bằng tha thứ yêu thương.

Khi dạy chúng ta đừng chống cự người ác, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ báo thù, ăn miếng trả miếng.

Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, là mở ra con đường để người kia hoán cải.

Có một vị rất tâm đắc với bài Tin Mừng này, đó là Gandhi, người được dân Ấn-độ coi là đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động, để giành lại độc lập cho đất nước từ tay người Anh. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú.”

Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi thấy ta lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của Tình Yêu.

Chính Tình Yêu chứ không phải bạo lực mới có thể làm trái tim con người tan chảy.

Đức Giêsu mời gọi ta yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù để trở thành con cái Cha trên trời.

Chúng ta không chỉ trở thành con Cha vào ngày Rửa tội. Chúng ta trở thành con Cha hơn nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày.

Chúng ta thật là con, vì giống Cha, Đấng cho nắng ấm, mưa rơi trên kẻ lành người dữ.

Chúng ta thường khó quên một xúc phạm đã qua, những chuyện cũ vẫn làm tim ta đau nhói. Cần nhìn lên Cha trên trời, Đấng để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, Đấng mà ta phải nài xin ơn tha thứ mỗi ngày. Chỉ Ngài mới làm ta quên được điều tưởng như không thể quên.

Thế giới hôm nay có nhiều sự ác và người ác. Chúng ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện, hoán cải người ác bằng tha thứ yêu thương.

Kitô hữu là người dám đi lại con đường của Đức Giêsu, chấp nhận bị sự ác vùi dập và nuốt chửng, mà trên môi vẫn nói lời tha thứ. Nhưng cuối cùng là phục sinh, là niềm vui, hy vọng.

Chúng ta có dám tin rằng rốt cuộc chân lý, tình yêu và sự thiện sẽ chiến thắng không?

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn có thấy những lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là những điều không thể thực hiện được? Có phải đó là thái độ của kẻ yếu nhược và hèn nhát không? Theo ý bạn, Đức Giêsu có dạy ta dung túng, bao che cho sự ác không?

Bạn đã và đang có những “kẻ thù” trong đời bạn, những người làm cho bạn phải đau khổ. Bạn có dám sống theo lời Chúa để tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho họ không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha,

Cha đã cho chúng con sống thêm một năm, đi thêm một đoạn đường đời.

Nhìn lại đoạn đường đã qua, chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành, vì Cha vẫn cho chúng con sống, và sống trong tình yêu.

Mọi biến cố vui buồn của năm qua đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.

Tạ ơn Cha vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con, và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.

Xin cho chúng con sống những ngày tết dân tộc trong tinh thần vui tươi, hoà nhã, và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.

Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau là những lời chúc lành xuất phát từ trái tim yêu thương.

Và lạy Cha, năm mới đã đến, trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời, chúng con cũng muốn ở lại trong quỹ đạo của Cha, nhận Cha là trung tâm cuộc sống, và nhận mọi người là anh em. Amen. [Mục Lục]

3. Thiên Chúa là tình yêu – Cố Lm Hồng Phúc 

Thiên Chúa phán cùng Moisê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể Cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của các ngươi”.

Thiên Chúa là Đấng siêu việt, là Đấng Thánh. Không có một tì ố, một vết nhơ, như dòng nước trong veo, bầu trời trong sáng tuyệt đẹp. Và Ngài bày tỏ quyền năng và vinh hiển khi Ngài tạo dựng, giải phóng cũng như khi Ngài sát phạt và tha thứ. Tiên tri Isaia như bị chết ngộp khi được cảm nghiệm sự thánh thiện Thiên Chúa trong đền thờ, và tiên tri Ôsê kêu lên: “Đấng Thánh đang ở giữa anh em”. (11, 9)

Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên thánh, nghĩa là chúng ta phải rửa sạch vết nhơ của Lề luật bên ngoài mà phải thực thi đức công chính, vâng lời và yêu thương (Nhị luật 6, 4-9), một sự thánh thiện trong mọi bối cảnh sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. “Hãy nên thánh như Ta là Đấng Thánh, Thiên Chúa của các ngươi”.

Trong Đạo cũ, người Do thái thường tôn đền thờ, “Đền thờ của Thiên Chúa là Thánh. Ai xúc phạm tới Đền Thánh thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy”. Trong Đạo mới, Chúa Giêsu tự ví mình là Đền thờ hiện diện giữa loài người (Ga 1, 4; 2, 19). Thánh Phaolô trong bài đọc II, còn đi xa hơn nữa, Người nói Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa, một đền thờ thiêng liêng, và Giáo hội cũng là Đền thờ do Chúa Giêsu xây dựng (1Cr 3, 10-17), trong đó người Do thái cũng như dân ngoại đều được mời vào như thành phần nhiệm thể Chúa. Đừng ai cho mình là khôn ngoan, là đồ đệ Phaolô, Kêpha hay Apollô, nhưng, “Anh em tất cả thuộc về Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.

Trên tất cả, Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Giêsu đến để đem lại một tình yêu bác ái gạn lọc mọi dơ bẩn, mọi lớp vỏ bao quanh như tình máu mủ, dân tộc, gia đình, quốc gia, lễ giáo chật hẹp. Người xưa bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, người ta xúc phạm mình mức nào, mình có quyền ăn miếng trả miếng, đối xử với họ như họ đã đối xử.

Còn Chúa, Chúa không dạy lấy sự dữ đối lại với sự dữ. Chúa dạy lấy sự lành đối với sự dữ và hơn thế phải làm sự lành hơn mức đòi hỏi: “Thầy bảo các con: đừng chống cự lại kẻ hung ác, trái lại, nếu ai vả má bên phải của các con hãy đưa má bên kia cho nó nữa… Ai xin, thì con hãy cho, ai muốn vay mượn, con đừng khước từ”. Chúa nói rằng đức bác ái không có biên giới, không phát xuất từ xác thịt mà từ một tâm hồn yêu mến Thiên Chúa, yêu mến đến từ bỏ mình, đến hy sinh.

Việc hy sinh lớn lao hơn cả là hy sinh tính tự ái của mình, là tha thứ cho kẻ làm nhục ta, là tha thứ cho kẻ thù. Xưa nay, chưa có một đạo giáo nào dạy tha thứ cho kẻ thù. Chúa phán: “Các con nghe dạy rằng: ngươi hãy yêu thương anh em ngươi và thù ghét kẻ làm hại ngươi. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương kẻ thù”.

Người Do thái quan niệm anh em là người đồng hương hay người cảm tình với đạo. Đối với Chúa Giêsu, anh em là tất cả, là người Samaritanô, là người ngoại bang, là người lạc đạo nữa (Lc 10, 29-37). Chúa biết trái tim con người có thể vượt tính tự ái, mở rộng trái tim và vòng tay để ôm ấp cả kẻ thù.

Chúa đã tha thứ cho kẻ giết mình, “Lạy Cha, xin tha cho chúng” (Lc 23, 34). Khó thật nhưng Chúa ban cho kẻ thật lòng xin ơn biết tha thứ.

Văn hào Henry Bordeaux kể: Ngày kia, một nhóm thợ thuyền 20 người được Đức Giáo Hoàng Piô XII đến thăm và trò chuyện thân mật. Bỗng có một người thợ quỳ xuống và nói: “Thưa Đức Thánh Cha đây là cuốn sách con đọc điều dữ và đây là… con dao con muốn ám hại Đức Thánh Cha, con xin lỗi Ngài.” Đức Piô trả lời: “Con ơi, Chúa chúc lành cho con như cha”(Images romaines, plon, trang 279).

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương thù địch, làm lành cho kẻ ghét và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống chúng con…, để chúng con trọn lành như Cha trên trời. [Mục Lục]

4. Hãy hoàn thiện như Chúa 

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có câu chuyện kể rằng: Nhà truyền giáo trên hòn đảo nọ rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ mang nắm cát ướt bước vào lều của ông, và nói:

– Ông biết đây là gì không?

– Nó giống như cát.

– Ông có biết vì sao tôi mang nó vào đây không?

– Tôi không hiểu ý bà.

– Đây là tội lỗi của tôi, tội tôi không thể đếm được như cát biển này. Làm thế nào tôi biết chắc được tha thứ tất cả?

– Bà hãy đem cát ra biển và chất thành đụn cát, rồi ngồi nhìn xem sóng biển ập tới, chắc chắn sẽ cuốn đi tất cả. – Thưa bà, đó là cách Thiên Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài dành cho tội nhân. Lòng nhân từ, thương xót và tha thứ của Chúa bao la như đại dương. Hãy thành thật ăn năn để hưởng hồng ân của Thiên Chúa. Đó chính là lòng nhân từ của Thiên Chúa cho những ai có lòng ăn năn và tin cậy Ngài.

Thiên Chúa là Đấng rất mực yêu thương con người. Tình yêu đã thôi thúc Ngài thể hiện qua muôn ngàn cách dành cho con người. Ngài tạo dựng con người giống hình ành Ngài. Con người phản bội. Ngài vẫn thứ tha và hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc lỗi lầm con người. Con người sa đi ngã lại trong lầm lỡ. Ngài vẫn chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Con người thì bất trung. Ngài thì trung thành mãi với tình yêu dành cho con người. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì vô bờ.

Tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể qua Đức Giê-su. Đấng hiện tại hóa tình yêu ấy nơi dương gian. Một tình yêu nhân từ nhẫn nại trước sự dữ bủa vây. Chính Ngài không chỉ nói: “Khi người ta vả má này thì đưa má kia cho người ta tát” mà Ngài đã dám sống điều đó trong cuộc tử nạn. Chính Ngài đã để quân dữ lột áo ngoài của Ngài để chia nhau với thái độ bình thản đầy nhân từ. Chính Ngài vẫn một lòng nhân từ cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Ngài còn chúc phúc cho mọi người như chính Chúa Cha đã làm khi cho mưa thuận gió hòa trên kẻ lành người dữ.

Có một em học sinh trong lớp giáo lý đã hãnh diện nói về niềm tin mình rằng: “Khi con đặt Chúa Giê-su làm trọng tâm cuộc sống mình, thì con mới thấy ngày hôm nay vui hơn, con tử tế với mọi người hơn, và dễ tha thứ với mọi người”.

Quả thực, theo lẽ thường con người thường “ăn miếng trả miếng”, nhưng nếu mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su, con người sẽ sống tha thứ và nhân từ với nhau. Nếu biết đặt Chúa Giê-su làm trung tâm con người sẽ thôi chiến tranh hận thù nhưng luôn biết vì Chúa mà làm hòa với nhau, vì Chúa mà đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ. Đó cũng là lời mời gọi mà Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà sống cao thượng hơn lẽ thường. Lẽ thường chỉ yêu thương kẻ yêu mình nhưng còn là ky-tô hữu thì phải yêu thương cả kẻ thù mình nữa. Lẽ thường chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì chưa đủ mà còn phải thân thiện với tất cả mọi người.

Ước gì chúng ta biết hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Hoàn thiện trong cách yêu mến tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Hoàn thiện trong cách sống phục vụ như Chúa đã quan phòng gìn giữ chúng ta. Amen. [Mục Lục]

5. Sống chữ Nhẫn – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền 

Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.

Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:

Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.

Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: “Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!”

Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: “Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?

Hàn Tín ôn tồn bảo: “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban”.

Lối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.

Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng ta hãy làm hoà trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn. Đây là một lời khuyên quan trọng: chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải đi trước một bước mà làm hoà. Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây cho ta: như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo gian… Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng chúng ta như muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn. Chúa muốn chúng ta tha thứ và làm hoà. Tha thứ và làm hoà là điều kiện phải có để đến với Chúa. Không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần phải biết tha thứ cho nhau. Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung và tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được vời mình. Đây cũng là điều mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình yêu tha thứ. Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình. Không chỉ quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình. Bởi vì, oán báo oán thì oán chập chùng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Chính Chúa đã sống tình yêu đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài, thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành cũng như người dữ. Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống tình thương bao dung đó cho anh em của mình. Hãy quên đi những xúc phạm của nhau. Hãy làm hoà để thêm bạn bớt thù. Hãy tha thứ để tìm được sự bình an tâm hồn cho bản thân và cho những người chung quanh. Xin Chúa là Đấng hằng thương xót và tha thứ, xin giúp chúng ta biết tha thứ lỗi lầm của anh em, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Amen. [Mục Lục]

6. Yêu “kẻ thù” như thế nào đây? 

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Quả thật đã từng có nhiều ý kiến khác chiều, thậm chí có khi là trái chiều liên quan đến những lời dạy của Chúa Kitô về việc không chỉ “đừng chống cự lại kẻ ác” mà còn “giơ má kia cho người ta đánh” hoặc “phải yêu kẻ thù” (x.Mt 5,38-44).

“Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Lời một bài ca khá phổ biến này dường như được cảm hứng từ những lời Tin Mừng trên đây. Nếu nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình thì hẳn sẽ không có chuyện giết hay ghét bỏ. Chỉ có ma quỷ mới là kẻ thù đích thực của chúng ta.

Trước hết chúng ta cần phân định rõ lời dạy của Chúa Kitô qua đoạn tin mừng Mt 5, 38-48 mà giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật VII TN A. Nội dung chính lời dạy của Chúa Kitô là cần phải vượt qua cái giới hạn của đức công bình cũng như giới hạn của đức yêu thương theo luật Cựu ước.

Thiết tưởng cần nhìn nhận mặt tích cực của luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng, sưng đền sưng, bầm đền bầm…”. Luật này giúp hạn chế sự gia tăng mức độ báo thù mà thường theo bản năng người ta khó tự kiềm chế. Chuyện bị đánh gảy một cái răng thì đánh trả lại người ta gảy nguyên cả hàm vẫn còn nhan nhản ngay trong thời đại hôm nay. Nước này phóng vào lãnh địa nước kia mười quả đạn pháo thì nước kia sẽ phóng trả đủa lại không dưới mười quả, có khi là gấp ba, gấp bảy lần. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” dường như vẫn còn giá trị của nó. Tuy nhiên giới luật này không khử trừ sự ác, điều xấu cách tận căn mà nhiều khi dẫn đến tình trạng không lối thoát.

Chuyện thật như bịa theo ý cha Anthony de Mello: Có tay trộm choai choai lẻn vào khuôn viên nhà thờ lúc bốn giờ sáng, định cuỗm thứ gì đó. Chưa thu được chiến lợi phẩm gì thì bị “ông từ” đi đánh chuông phát giác. Hoảng quá cậu nhóc leo đại lên tháp chuông trốn tưởng rằng qua được mắt ông từ già. Nhưng rủi cho cậu nhóc là cặp mắt ông từ vẫn còn tinh. Ông từ kiên nhẫn ngồi dưới tháp chuông chờ có người đến thì la làng. Cậu nhóc đoán được ý ông từ đành làm liều nhảy đại xuống từ độ cao khoảng bốn mét (tầng cuối). Ai ngờ cậu nhóc nhảy xuống vấp phải ông từ khiến ông già trẹo một chân. Dù gảy chân nhưng ông từ vẫn ôm chặt cậu bé và la lớn tiếng. Người ta chạy đến và cậu nhóc bị tóm. Tất cả dẫn cậu nhóc vào cha xứ. Ngài hỏi cậu nhóc đã ăn trộm cái gì. Cậu ta thưa là chưa lấy được gì cả. Ngài phán tiếp: “thế thì theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ông từ được quyền leo lên tháp chuông và nhảy xuống để làm trẹo một chân cậu nhóc!” Mặt ông từ tái xanh.

Chúa Giêsu đã dùng lối nói “ngoa ngữ” dạy chúng ta dùng chính tình yêu, việc lành để giải hoá sự hận thù, diệt trừ sự dữ tận gốc rễ. Cần lưu ý rằng văn phong “ngoa ngữ” thường được sử dụng không phải cố ý dạy những gì được trình bày nhưng để nhằm nhấn mạnh ý tưởng muốn nói. Chẳng hạn khi dạy chúng ta rằng nếu mắt hay tay chân ta gây cớ cho ta phạm tội thì chặt chúng đi, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến việc dứt khoát tránh dịp tội chứ không biểu chúng ta móc mắt hay chặt chân, chặt tay (x.Mt 5,29-30). Hiểu được điều này thì chúng sẽ không thấy có sự mâu thuẩn giữa lời dạy và hành động của Chúa Giêsu. Trước mặt thượng tế Khanan, khi bị một thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt thì Chúa Giêsu đã chất vấn: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”(Ga 18,23). Khi dạy chúng ta “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa” thì Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh điều này: “đừng chống cự người ác”, nghĩa là đừng báo thù, kiểu ăn miếng trả miếng.

Tình yêu thì không có biên giới cả về mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân thì Chúa Giêsu đã long trọng nhắc lại lời Cựu ước và nhấn mạnh thêm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Hạn từ “hết” đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ “như chính mình” làm nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.

Xét về đối tượng, luật Cựu ước đòi hỏi phải yêu thương người đồng bào, người đồng đạo. Luật còn dạy phải quan tâm đến người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, kiểu gặt sạch sành sanh, đừng mót các gié bị vương vải. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng…Tất cả những thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ… (x. Lv 19, 9-10). Tuy nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên tuy không bị ghét bỏ, nhưng thường không được xem là anh em, là người thân cận với người Do Thái. Một vị thông luật đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” Nhân dịp ấy Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” và qua đó khẳng định rằng chúng ta phải làm người thân cận với tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót của chúng ta (x.Lc 10,25-37).

Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt…?

Nếu cho rằng yêu thuơng là một phạm trù thuộc tình cảm thì quả thật rất khó vượt qua tâm lý bình thường của kiếp người. Tuy nhiên cần lưu ý rằng yêu thương trên hết là một quyết định của ý chí tự do được biểu lộ cả bằng tình cảm và hành động. Không chỉ có những tình cảm trìu mến, quyến luyến mới phản ánh tình yêu mà ngay cả khi giận dữ, buồn phiền cũng có thể phản ánh tình yêu. Chuyện thương con cho roi cho vọt là chuyện như hiển nhiên mang tính quy luật. Không chỉ khi xúc động trước đoàn lũ đông đảo dân chúng như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu mới tỏ bày tình yêu, cũng không phải khi Người rơi lệ trước cái chết của Ladarô thì mới là yêu, nhưng cả khi Chúa Giêsu buồn phiền trước lòng chai dạ đá của một số kinh sư và biệt phái cũng là vì yêu hay khi Người xung giận bện dây thành roi đánh đuổi những người đã biến Ngôi nhà Chúa thành nơi chợ búa, thành hang trộm cướp thì cũng là yêu thương vậy.

Yêu thương là không chỉ muốn mà còn phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo thì mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau thì trên bình diện tiêu cực, chúng ta không được phép loại bỏ nhau dù dưới bất cứ hình thức nào. Trên bình diện tích cực thì cần giúp nhau tồn tại, phát triển theo thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Cách thế biểu lộ tình yêu có thể khác nhau tùy từng trường hợp nhưng luôn với ý hướng là để người mình yêu nên tốt hơn, nên hoàn thiện hơn. Có thể nói rằng cách chung đối với những người tội lỗi thuộc hàng bé mọn, yếu đuối, thì Chúa Giêsu thường bày tỏ lòng khoan dung, sự trìu mến, cử chỉ khích lệ, còn với những người tội lỗi thuộc hàng phận cao, quyền trọng mà cố chấp thì Người nghiêm khắc cách tỏ tường.

Với người này thì chúng ta biểu lộ tình yêu bằng cách thế này, người kia thì cách thế kia, nhưng xin đừng quên rằng chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho tất cả mọi hạng người. Vâng lệnh Chúa Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho tha nhân, cho xã hội… Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu thương “kẻ thù”, yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở về nẽo chính, đường ngay. Ngôn sứ Êdêkien đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (x. Ed 3,18). Có thể có nhiều cách thế yêu thương, nhưng thiết tưởng dù yêu bằng cách thế nào đi nữa cũng không thể thiếu hai động thái trên đây.

Phải chăng đang có đó nhiều Kitô hữu, thậm chí là nhiều tu sĩ, linh mục, giám mục những tưởng rằng mình đã yêu “kẻ thù”, đã làm ơn cho người “làm hại mình”, nhưng thực ra chỉ yêu chính mình mà thôi? [Mục Lục]

7. Hãy nên hoàn thiện 

(Suy niệm của Giuse Hồng Ân)

Đối với nhiều người trong chúng ta, hai tiếng “yêu thương” chỉ dành cho các thành viên trong gia đình, họ hàng và một vài người bạn thân cận. Có chăng chỉ là lòng “thương hại” những người nghèo khó, cô đơn và bất hạnh, vì họ là những người không làm gì hại đến mình và gia đình mình. Chúng ta chẳng bao giờ đề cập đến việc yêu thương những đối thủ của mình. Chúng ta còn gán cho họ những cái tên đáng sợ và dạy cho con cháu sống xa tránh họ.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị chi phối bởi những thứ luật có thể nói là “luật rừng”, thứ luật mà chỉ bảo vệ cho một số kẻ có quyền, có tiền, thứ luật không có chút nào là công bằng, cướp nhà, cướp đất của người nghèo, để chia chác, để làm giàu cho những kẻ có quyền có chức, bắt người vô tội, đánh đập đàn áp những người bênh vực cho chân lý. Một thế giới đầy dẫy những toan tính ích kỷ, vì lợi ích của mình, sẵn sàng chà đạp lên công lý, diệt trừ lẫn nhau, có người phải mất mạng, nhiều người thì “thân bại danh liệt”. Anh em lỡ làm thiệt hại một thì bắt đền gấp mười. Có những người chỉ vì cái lợi trước mắt đã cố tình gây ra tai nạn, rồi nằm ăn vạ để bắt người khác phải đền oan uổng.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta không sống theo “luật rừng”, không chỉ dừng lại ở mức độ công bằng. Mà hãy sống theo giới luật Chúa truyền, đó là luật “yêu thương”, một tình yêu bao là rộng lớn, một tình yêu vượt trên sự công bằng, vượt ra ngoài sự giới hạn tình gia đình, tình bằng hữu, tình đồng hương, vượt ra ngoài chủng tộc hay tôn giáo, “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Yêu kẻ thù, là yêu thương cả những người làm hại, khinh bỉ, nói xấu, vu khống mình, không tìm cách báo thù, không lấy ác báo ác, mà ân báo oán, luôn cầu nguyện và mong muốn cho họ gặp những điều may lành. Đavid bị vua Saul thù ghét, săn đuổi để giết, nhưng Đavid vẫn không làm hại người Thiên Chúa xức dầu phong vương khi có thể làm điều đó. Dưới cái nhìn của con người thì Đavid đã hành xử dại dột, bỏ mất một cơ hội “hiếm có” để khử trừ kẻ thù mình, nhưng Đavid đã chọn Thiên Chúa, không chọn lợi ích cho riêng mình mà làm hại đến tha nhân.

Chúa Giêsu dạy yêu thương, chính Ngài đã sống yêu thương, Ngài luôn tỏ tình yêu thương những kẻ thù nghịch với Ngài, mặc dù họ ghen ghét Ngài vô cớ, họ luôn tìm dịp để tố cáo Ngài, xuyên tạc lời Ngài giảng dạy. Đối với Giuđa là kẻ phản bội, Chúa không tố cáo đích danh trước mặt các môn đệ, Chúa còn ngồi ăn cùng bàn và rửa chân cho y nữa. Khi Giuđa dẫn quân lính đến bắt Chúa trong vườn cây dầu, Chúa vẫn ôn tồn nói với Giuđa: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22, 48). Vì yêu thương Giuđa nên nhiều lần Chúa Giêsu nhắc nhở, cảnh tỉnh để ông ta thay đổi việc làm xấu mà được hưởng ơn cứu độ. Trên thập giá, trước khi tắt thở, Chúa vẫn dùng chút hơi tàn lực kiệt để cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Người “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Vì vậy, thánh Phaolô cũng nói: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).

Thánh Tê-pha-nô đã thực hành lời Chúa dạy, noi gương Thầy Chí Thánh yêu thương và cầu nguyện cho những kẻ giết mình: “Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7, 59-60).

Chúa Giêsu căn dặn chúng ta, để trở nên con Thiên Chúa phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Để được làm con Chúa, chúng ta cũng phải đối xử giống như Thiên Chúa đã đối xử tốt với tất cả mọi người không phân biệt người tốt, kẻ xấu. “Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 46). Chúng ta hãy sống lời Chúa dạy, yêu thương hết mọi người, một tình yêu không có giới hạn, không chỉ yêu thương những người thân cận, những người đồng hương, những người cùng tôn giáo, những người cùng quan điểm, những người đem lại lợi ích cho mình… Mà yêu thương cả thù địch, cả những người ghen ghét, hãm hại, nói xấu, phỉ báng mình nữa, yêu thương cả những người tội lỗi. Yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Nếu chỉ là một tình yêu co cụm, ích kỷ hẹp hòi, thì không phải là con Thiên Chúa. Như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi. Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5, 46).

Chúa còn mời gọi mỗi người chúng ta hãy nên hoàn thiện “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Để nên hoàn thiện, chúng ta hãy loại bỏ thứ “luật rừng”, thứ luật luôn diệt trừ lẫn nhau, loại bỏ những toan tính, ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, gian dối, lừa lọc. Chúng ta hãy thực thi giới luật Chúa Giêsu đã truyền dạy là “mến Chúa và yêu người” yêu thương tất cả mọi người không phân biệt bạn hay thù, yêu thương và tha thứ cho những người làm thiệt hại đến mình, dù là vô tình hay hữu ý.

Thật khó để yêu thương kẻ thù, một khi đã ghét nhau, chỉ nhìn thấy mặt, nghe giọng nói đã thấy khó chịu rồi, chưa nói đến yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù, như trong bài thơ “yêu thương” của Lm Giuse Nguyễn Nhân Tài có viết:

“Anh em con đó con chưa thương

Nói chi đến kẻ con chán chường

Ghét cay, ghét đắng, ghét thậm tệ

Làm sao ôm lấy để yêu thương”.

Quả thật, đây là một việc vô cùng khó khăn, nhưng càng khó chúng ta càng phải cố gắng thực thi, vì đây là giới luật Chúa Giêsu đã truyền dạy, muốn trở nên con Chúa, muốn nên hoàn thiện, không còn cách nào khác ngoài cách sống “yêu thương và tha thứ”. Thánh Phaolô dạy cho ta biết: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10). [Mục Lục]

8. Nên hay dừng? – JM. Lam Thy 

Cả chương 5 sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu trỉnh thuật Lời dạy của Đức Giê-su nhằm giúp các môn đệ và những kẻ tin trở nên người công chính: Từ “8 mối phúc” đến “muối, men và ánh sáng cho đời”. Tiếp liền theo đó, Đức Giê-su lại dạy 5 “Đừng”: Đừng giận ghét – Chớ ngoại tình – Đừng ly dị – Đừng thề thốt – Chớ trả thù; và 1 “Nên”: Phải yêu kẻ thù.

Bài Tin Mừng tuần trước (CN VI/TN-A – Mt 5, 17-37) trích Lời Đức Giê-su dạy các môn đệ 4 “Đừng”; đến bài Tin Mừng hôm nay (CN VII/TN-A – Mt 5, 38-48), Người lại dạy thêm 1 “Đừng” nữa: Chớ trả thù. Vì sao con người hay trả thù? Chung quy cũng do tự ái quá cao mà thôi, bởi tự ái là gì nếu không phải là tự yêu mình. Khi chỉ biết yêu mình một cách thái quá thì sẽ cho là mình đúng, lúc nào và trong trường hợp nào cũng đúng hết. Bởi thế nên được người khen thì chẳng nói làm gì, nhưng bị chê thì sửng cồ lên ngay. Bị phê bình trúng tim đen thì bằng mọi giá sẽ tìm cách trả đũa. Nói cách khác, khi con người tự ái quá đáng, sẽ rất dễ giận ghét và từ giận ghét sẽ đưa đến hành động trả thù.

Ngay trong Cựu Ước, Lề Luật cũng dạy: “Luật báo phục tương xứng: Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Đnl 19:21); “Nếu ai làm cho người đồng bào phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng; nó đã làm cho người khác mang tật thế nào, thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy.” (Lv 24, 19-20); “Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21, 23-24). Mới nghe qua những điều khoản đó thì thấy quả thật là Lề Luật quá khe khắt. Và cũng vì thế nên đã có những bài suy niệm cho rằng hành động như vậy là phản Ki-tô giáo. Sẽ có phản biện: Nếu là phản Ki-tô giáo thì tại sao Đức Giê-su không bãi bỏ mà Người lại dạy “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn Lề Luật” (Mt 5, 17)?

Thực ra, vấn đề cũng không đến nỗi nan giải cho lắm. Trước hết, cần phải hiểu Lề Luật của Cựu Ước dù sao cũng chỉ là luật do con người đặt ra, mà đối với con người thì chỉ thích sòng phẳng theo kiểu “ân đền oán trả” (đền ơn trả oán), nên mới đòi “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân”. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là lề luật có tính răn đe: Chỉ có nghiêm ngặt như vậy mới có thể răn đe, ngăn ngừa người ta phạm tội. Coi lại câu chuyện Nguyên tổ phạm tội thì vấn đề sáng tỏ ngay. Thiên Chúa đưa ra giới luật “trái cấm” cũng là để răn đe. Nếu con người biết vâng phục thì đâu có sao. Đã không vâng lời, còn muốn trở nên “những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 5) ngang bằng với Thiên Chúa, nên mới thành cớ sự. Biết là tội mà còn cứ cố tình phạm tôi, rõ ràng Nguyên tổ loài người đã tự xử án mình. tự kết án mình vậy. Đức Giê-su Thiên Chúa cũng đã từng khẳng định: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.” (Ga 12, 47-48).

Không những chỉ khuyên “Chớ trả thù”. Đức Giê-su còn đi xa hơn: “Phải yêu kẻ thù”. Để cụ thể hóa vấn đề, Người lại tiếp tục dùng kiểu nói “Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”, để răn dạy môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5, 38-42). Đã không “ăn miếng trả miếng”, mà lại còn lấy đức độ mà đáp trả oán thù (dĩ đức báo oán), sẵn sàng chịu đựng gấp bội sự tàn độc của ác nhân, thì quả là… thiên nan vạn nan, khó lòng mà chấp hành.

Con người chỉ có thể tự yêu mình (tự ái), khó lòng yêu được người khác, chớ đừng nói đến yêu cả kẻ thù. Mà có lẽ cũng chính vì thế nên mới có vụ “cửa rộng, cửa hẹp” (“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. Mt 7, 13-14). Như vậy thì phải làm sao? Cái đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản thân, bởi “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15, 16-17). Nếu không muốn bận tâm bận trí, không muốn hy sinh này, thiệt thòi khác, con người được quyền tự do chọn cho mình cửa rộng – còn rộng thênh thang nữa kia! – còn ngược lại, sẽ được vào cửa hẹp.

Nói cách khác, con người hoàn toàn tự do khi yêu hoặc ghét, Chúa không hề ngăn cấm hay bắt buộc, Người chỉ khuyên bảo, nhắc nhở thôi. Có lẽ cũng nhờ thế mà trong cuộc sống vẫn còn nhiều thật nhiều những con người sẵn sàng quyết tâm chọn cho mình cửa hẹp. Thế thì tại sao lại cứ đưa cái tự ái lố bịch của mình lên quá cao như thế? Vâng, hãy bình tâm lại mà “xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi”, để thấy được rằng mình đã “nhận” quá nhiều từ Thiên Chúa, kể cả của anh em đồng loại. Vậy tại sao lại cứ khép chặt cửa lòng, bịt chặt miệng túi, mà không biết đem chia sẻ với anh em những gì mình đã được nhận? Hãy nhớ rằng, nếu bản thân có đem “cho” anh em cái gì thì cái đó cũng chẳng phải là của riêng mình, mà là của Thiên Chúa đã ban cho, vậy đâu có mất mát thiệt thòi gì mà cứ phải ca cẩm? Vâng, Lời Chúa còn rành rành ra đó: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10, 8).

Như vậy là đã rõ, Đức Giê-su không bãi bỏ Lề Luật, “dù một chấm một phết cũng không thay đổi”, mà Người chỉ “kiện toàn”. Nói cho dễ hiểu hơn thì Lề Luật vì do con người soạn thảo nên chưa đầy đủ, chưa nêu bật được cái cốt lõi của vấn đề (giữ Lề Luật để phụng thờ, tôn vinh Thiên Chúa). Vì thế, Người mới dùng cách nói “Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” để các môn đệ hiểu được rằng những điều Lề Luật dạy chỉ là những “lý lẽ”, những “tư tưởng của loài người”, và cần phải nhìn vấn đề theo “tư tưởng của Thiên Chúa”, đó là “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.” (Mt 23, 23). Và cũng vì “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín”, nên sau 5 lời khuyên “Đừng”, thì tiếp liền theo đó, Đức Ki-tô lại khuyên “Nên” (“Phải yêu kẻ thù”). Thay vì “lấy oán báo oán (“dĩ oán báo oán”) thì hãy lấy ơn báo oán (“dĩ đức báo oán”).

Cả 6 điều khuyên bảo “Đừng” và “Nên”, xét cho thấu đáo, đều nằm trong luật yêu thương, mà ở đây là Luật yêu thương của Thiên Chúa (vô hạn) chớ không phải của con người (hữu hạn). Nói về luật yêu thương thì chính là nói về nguyên lý tình yêu, nguyên lý ấy xuất phát từ Thiên-Chúa-Tình-Yêu. Vâng, kể từ khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, muôn loài, thì đã vì tình yêu mà Người dựng nên loài người và đặt làm chủ mặt đất. Con người đầu tiên được sinh ra chỉ có một mình, Thiên Chúa lại thương “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18), nên ban cho một người bạn khác giới tính để từ đó có thể sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Sự đối kháng giới tính không nhằm loại trừ nhau mà là bổ túc cho nhau, hỗ trợ nhau nên hoàn thiện. Cũng vì tình yêu, không những Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ, mà Người lại ban cho con người một đặc ân là được tự do đến gần như tuyệt đối. Cũng vì được tự do như vậy, nên con người đã vượt qua giới răn của Thiên Chúa mà phạm tội. Sau khi phạm tội, con người vẫn không bị trách phạt; chẳng những thế, còn được Thiên Chúa ban Con Một xuống thế để cứu chuộc, để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và đem lại đời sống vĩnh cửu. Nếu không vì tình yêu, thì Thiên Chúa có đối xử với con người như vậy không?

Nói tóm lai, bản chất con người vốn dĩ là thích yêu hơn bị ghét, và nếu có yêu thì chỉ thích yêu mình hơn cả. Còn oái oăm hơn nữa là khi thù ghét người khác thì lại không muốn người ta thù ghét mình. Nếu không vì thế, các bậc thánh hiền đã không mất công truyền dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác), “ái nhân như ái thân” (yêu người như yêu mình). Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa, tình yêu Người dành cho nhân loại đã lên tới tuyệt đỉnh: Người đã ban cả Con Một làm giá chuộc muôn người vì tình yêu. Và chính Con Một Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô – luôn luôn day: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12); “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 15).

Ôi! Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con, đã ban cho con một tấm lòng, một trí khôn biết phân biệt thiện ác, biết yêu và ghét, và nhất là đã ban cho con sự tự do tuyệt đối, để con có thể tự quyết định cuộc đời của mình bằng cách lựa chọn một con đường. Con đã sai lầm trong lựa chọn để chỉ biết yêu mình trên hết, co mình vào cái vỏ ốc “ích kỷ” đến độ có thể “hại nhân” (“ích kỷ hại nhân”: lợi mình hại người). Xin Chúa đoái thương, ban cho con một tâm hồn quảng đại, một tấm lòng bao dung độ lượng; xin cho con biết yêu người như yêu chính mình, biết coi tất cả mọi người (kể cả những người thù ghét con) đều là anh em một nhà (“tứ hải giai huynh đệ”), cùng con một Cha trên trời.

Ôi! “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi ghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái! Xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình.” (TCCĐ Kinh Hoà Bình). Amen.  [Mục Lục]

9. Làm thánh sống – Trầm Thiên Thu 

Người ta chết rồi mới được làm thánh, chưa chết mà sao làm thánh? Làm gì có chuyện “ngược đời” như thế chứ? Đúng vậy, nhưng NGHỊCH mà lại hoàn toàn THUẬN đấy. Tại sao? Chết rồi mà làm thánh là “chuyện nhỏ”, sống mà làm thánh mới là “chuyện lớn”. Thật chứ không đùa. Vì Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Nhân vô thập toàn, ngay cả những thánh nhân cũng tìm về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha. Vả lại, làm thánh hay không là dựa vào cuộc sống đời thường, sống sao chết vậy. Như người ta vẫn nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cái “tiếng” ở đây là “tiếng tốt”. Phàm nhân đầy “vết chàm”, phàm nhân mà hoàn thiện thì không phải là LÀM THÁNH SỐNG sao? Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ bảo chúng ta phải làm thánh sau khi chết mà phải làm thánh ngay ở đời này vậy.

Thời đại của chúng ta cũng đã có những vị thánh sống như Mẹ Teresa Calcutta (1910-1997), ĐGH Gioan Phaolô II (1920-2005). Và hiện nay, thế giới đang chú ý tới ĐGH Phanxicô với phong cách “ngược đời” của một thánh nhân giữa đời thường, dám nói thẳng nói thật vì công lý và chân lý. Tất nhiên, chúng ta cũng phải sống như thế – nếu thực sự muốn làm thánh!

Muốn nên thánh thì phải yêu Chúa, mức độ yêu Chúa được chứng minh qua việc yêu tha nhân – yêu người tức là yêu Chúa. Ai yêu Chúa thì phải từ bỏ mình, ngược lại, ai yêu mình thì mặc nhiên từ bỏ Chúa. Rất lô-gích. Phàm nhân chẳng là gì, có là gì thì chỉ là tội nhân khốn nạn, vì con tim của chúng ta là “tro bụi”, hy vọng của chúng ta “hèn hơn đất”, và cuộc đời của chúng ta “tệ hơn bùn” (Kn 15:10). Thế nên phải cố gắng “làm thánh sống”, cố gắng không ngừng, cố gắng liên lỉ.

Tuy nhiên, nếu chỉ nên thánh một mình thì là ích kỷ – mà ích kỷ thì không thể làm thánh, nghĩa là chúng ta phải không ngừng nỗ lực nên thánh mà còn phải giúp người khác cùng nên thánh. Kinh Koran (Kinh thánh của Hồi giáo) xác định: “Người hoàn thiện nhất là người đã giúp ích cho nhân loại nhiều nhất”. Tất nhiên ai cũng có thể nên thánh và phải làm thánh, dù chúng ta chỉ là tội nhân khốn nạn, trừ phi chúng ta không muốn. Đã có những tội nhân “lớn” nhưng đã làm thánh: Vua Đa-vít, Tướng cướp Dismas (tên gian phi tốt bụng, Lc 23:39-43), binh sĩ Longinô (người cầm giáo đâm vào ngực Chúa Giêsu trên Đồi Sọ), Giáo hoàng tiên khởi Phêrô, Tông đồ Phaolô, Người Phụ nữ Tội lỗi (Lc 7:36-50),… và một người ít “bị” để ý là vua Salômôn, dù là người khôn ngoan nhất nhưng cũng đã cãi lệnh Chúa và đã từng sống trong tội lỗi (1 V 11:1-13). Vì yếu đuối và tội lỗi ngập đầu nên mới phải cố gắng hoàn lương để làm thánh, và đừng bao giờ mất niềm tin vào Lòng Chúa Thương Xót. Hoàn toàn hợp lý!

Thế nhưng đôi khi chúng ta vẫn nặng hình thức mà chưa “lột xác” được. Giảng hay, nói giỏi, viết tốt,… khiến say mê lòng người, nhưng chính mình lại vẫn giậm chân tại chỗ, chẳng thay đổi được gì. Vậy thì chỉ là “lẻo mép” hoặc “lẻo bút”, hoàn toàn vô ích! Loài rắn và loài cua phải lột xác để phát triển, nếu chúng ta không “lột xác” thì không thể phát triển về tâm linh được, mà “lột xác” thì phải đau đớn, phải dứt khoát. Càng “lột xác” nhiều thì càng hoàn thiện, càng nên thánh.

Từ ngàn xưa, Đức Chúa đã phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:1-2). Đó là lẽ tất nhiên. Thiên Chúa là Đấng thánh thì con cái Ngài cũng phải thánh, không thể khác được.

Ngài nói rất dứt khoát: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19:17-18). Thấy điều trái tai gai mắt mà làm ngơ thì có thể là bao che hoặc nhát đảm, nhưng dám lên tiếng cảnh báo thì mới là can đảm bảo vệ công lý và yêu mến chân lý. Thật vậy, người bạn thân thiết là người dám phê phán chúng ta cả trăm lần chỉ vì muốn tốt cho chúng ta, ngoài ra không là “bạn” mà chỉ là “bè” mà thôi.

Thiên Chúa chí thánh, thật hạnh phúc khi chúng ta đang biết tôn thờ một Đấng Thánh toàn năng và hết mực yêu thương. Vì thế, chúng ta phải đêm ngày thầm nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103:1-2). Phải hành động như vậy với lý do rất minh nhiên: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:3-4).

Ngài không chỉ là Đấng chí tôn cao cả mà còn giàu lòng thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103:8-10, 12-13). Thật vậy, Người không đành bẻ gãy cây lau bị giập, và cũng chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét (x. Mt 12:20).

Chúng ta phải làm thánh sống vì một lý do khác nữa, như Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3:16-17). Thiên Chúa là Đấng Thánh thì không thể ở nơi ô uế tội lỗi. Chúng ta xấu xa, hèn hạ, khốn nạn và bất xứng như thế, vậy mà Thiên Chúa lại cho chúng ta trở thành Đền Thờ của Ngài. Thật không thể nào tưởng tượng nổi, thế nên chúng ta phải tạ ơn Ngài bằng cách cố gắng làm thánh sống. Hoàn toàn hợp lý!

Thánh Phaolô cũng “ngược đời” khi nhắc nhở chúng ta: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài” (1 Cr 3:18-20). Ít có ai dám “khác người”, vì như vậy sẽ bị người ta cho là “chạm điện”, bị ghen ghét, bị xa lánh, bị trù dập,… thế nhưng như vậy mới là “khôn ngoan thật” theo phong cách của Thiên Chúa. Đúng là “căng” thật đấy!

Cuối cùng, Thánh Phaolô kết luận rất cụ thể: “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:21-23).

Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nhưng cuộc sống cần có luật như dây cương và hàm thiếc để điều khiển ngựa kẻo nó sinh chứng. Luật cũng đa dạng, có luật hợp lòng dân hoặc không hợp lòng dân. Luật hợp lòng dân là luật chứa sự nhân đạo, nhằm hoàn thiện con người – như Luật Tân Ước, nổi bật là chữ NÊN; còn luật không hợp lòng dân là luật chỉ nhắm tới những khung hình phạt – như Luật Cựu Ước, chú trọng chữ CẤM. Luật Cựu Ước xem chừng thoải mái, dễ thực hiện hơn, và ai cũng thích: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Có lý lắm, vì người ta đánh mình thì mình phải “chơi tới bến” chứ không thì người ta chê mình “dở ẹc” hoặc “lép vế”. Thế thì máu tự ái bốc tới chỏm đầu thôi, chịu gì nổi!

Thế nhưng Đại sư Giêsu dạy: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-41). Chu choa, “căng” quá đi! Chúa Giêsu kỳ thí mồ, dạy những điều chi mà khó mần quá chừng. Thế nhưng đó lại là chuyện thật chứ không là chuyện đùa!

Luật Cựu Ước dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”. Chỉ là “chuyện nhỏ”, các loài động vật khác cũng vẫn thực hiện như vậy. Vì thế, Chúa Giêsu dạy những điều mà chúng ta thấy rất khó nghe: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Mèn ơi! Gay go quá đi!

Thế nhưng phải vậy thôi, vì Chúa Giêsu giải thích: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:45-48). Những bí quyết Chúa Giêsu đưa ra thật thú vị, rất “khác người”, rất “ngược đời”, nhưng mà lại rất thú vị và chí lý. Quả thật, có dám “khác người” thì mới khả dĩ nên thánh, có thể làm thánh sống ngay trên thế gian này!

Nhận biết mình chỉ là tội nhân, chúng ta sẽ thấy thích lời truyền dạy của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Khi định hướng rạch ròi như vậy, chúng ta sẽ thanh thản làm mọi thứ chỉ vì Chúa chứ không vì bất cứ lý do nào khác, như vậy chúng ta mới có thể thẳng thắn như Thánh Phaolô đã xác định: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5:14).

Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Chúa vì chúng con nói nhiều mà chẳng làm bao nhiêu. Xin Chúa giúp chúng con biết “khó” với chính mình để biến đổi tích cực từng ngày theo định hướng của Ngài, để nên thánh trong từng nhịp thở, để nên thánh ngay trên thế gian này. Chính Ngài là Đấng Thánh thì chúng con không thể không làm thánh. Xin thương biến đổi chúng con, lạy Thiên Chúa chí thiện. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen. [Mục Lục]

***

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *