Bài hát và Suy niệm (24.07.2022 – Chúa Nhật XVII Thường Niên năm C)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Năm 2022:

NL: NƠI NHÀ CHÚA

ĐC: XIN CA NGỢI

DL: LỜI TRẦM HƯƠNG

HL: XIN DẠY CON

KL: LỜI CHÚA

Năm 2019:

Lời Chúa: St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11, 1-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11, 1-13)

1 Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5 Người còn nói với các ông : “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp : ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ? 8 Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

Người con của lời hứa

Qua các bài đọc tuần này chúng ta có cơ hội chiêm ngắm lòng nhẫn nại và khoan dung của Thánh Tâm Thiên Chúa dẫn tới tình Cha vô biên của Người.

Mở đầu bài đọc một, sách Sáng Thế ghi “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.

Đây chỉ là cách nói của con người, thánh sử muốn diễn tả: trước sự việc quan trọng sẽ tiêu hủy thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, Chúa Ba Ngôi phải thân hành tới nơi, trực tiếp chứng kiến tội ác của con người mới đi tới quyết định tiêu hủy tất cả, để mọi sự được công minh sáng tỏ. Nhưng trong thực tế, tất cả thụ tạo ở trong Chúa, một cách siêu việt bởi quyền toàn năng, Người biết rõ tận lòng người và biết cụ thể từng người một. Cũng như biết tường tận từng quốc gia hay vùng miền mà không cần phải thân chinh ngự giá.

Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.” (Tv 139,1-4))

Đây là điểm mà con người chúng ta hay vấp phải trong đức tin, khi phạm tội cứ in trí rằng điều mình làm kín đáo không có ai hay biết. Nhưng không phải thế, ngay cả tư tưởng xấu vừa xuất hiện trong đầu chúng ta Chúa đã biết. Ngoài Thiên Chúa, các thiên thần, các thánh, các đẳng linh hồn và các cháu thai nhi thật nhỏ bé, kể cả ông bà cha mẹ, người thân thuộc hay quen biết chúng ta đã qua đời cũng đều có thể thấy cả. Chỉ cần các ngài chủ ý nhìn là thấy. Và các anh, những kẻ dụ dỗ chúng ta phạm tội, dù có ở cách ta hàng mấy trăm cây số cũng đều thấy biết ngay. Không những vậy, sau khi phạm tội, tội lỗi của chúng ta in đậm dấu nơi linh hồn, được thể hiện ra trên gương mặt hay nơi con người mình. Ngay cả người còn đang sống, có ơn thánh ở bậc cao vẫn có thể nhìn thấy được những tội lỗi ngỡ đã giấu kín mấy mươi năm của mình. Như trường hợp cha thánh Piô được năm dấu thánh thấy tội của vị giám mục đến thử thách mình.

Trở lại với chủ đề bài đọc, cuộc thương lượng của tổ phụ Áp-ra-ham với Chúa Cha về người công chính có thể còn sót lại nơi hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Cho ta thấy tấm lòng nghĩa hiệp, rất nhân hậu cùng thương xót của Tổ Phụ, nhưng cũng phơi bày rõ giới hạn của phận người nơi ông. Áp-ra-ham thầm nghĩ với hai thành đông đúc dân, mười người công chính là chắc chắn có. Thương lượng với Thiên Chúa được đến đó là thành công rồi, Chúa hết cơ hội để phạt tiêu hủy hai thành ấy. Đằng khác Tổ Phụ cũng nghĩ rằng dưới mười người công chính, con số rất ít so với số người của hai thành, nên họ có đồng chung số phận cũng không thể trách Chúa được. Bởi vậy, tổ phụ Áp-ra-ham đã dừng lại sau khi thương lượng từ năm mươi người lành xuống còn mười người.

Đối lại với tâm trạng của tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta thấy Thiên Chúa thật giàu lòng thương xót và nhẫn nại với con người tội lỗi. Trước đông đảo dân hai thành mang tội ác tày trời (x. St 19,4-26), song chỉ với mười người lành Chúa cũng đành bỏ qua không hủy diệt. May mắn thay! Vị thế của người lành, người công chính ở trước mặt Chúa thật cao trọng dường nào!

Tinh thần của bài đọc một đặt móng nền cho bài đọc hai, đưa tới một chân lý cao hơn, chân lý của lòng thương xót và ân phước. Tỏ bày với cả nhân loại lòng thương xót vô biên của Thánh Tâm Thiên Chúa Ba Ngôi, thay vì trừng phạt nặng đến mức phải tiêu diệt hết tội nhân như ngày nào. Giờ nhờ thập giá Chúa Ki-tô, Thiên Chúa nâng con người mang tội vong thân dậy cho làm một cuộc hoán đổi thần kỳ. Từ thân phận tội nhân sau khi được đi qua bí tích Rửa Tội, là được tắm hồn trong giá máu tình thập tự của Chúa Giê-su, đồng nghĩa chôn liệm vào huyệt mộ con người cũ ấy. Để sống một đời sống mới, đời sống mà lề luật và tội lỗi chịu đóng đinh vào thập giá, còn con người đã tin được nâng lên làm con Thiên Chúa, được thông phần với bản tính Thiên Chúa. Một phần phúc mà không có thụ tạo có lý trí nào dám mơ tưởng, hay đã từng mơ tưởng trước khi Chúa ban ơn.

Từ nền tảng chân lý độc đáo và tuyệt hảo với phận người ta vừa nói ở trên, thánh Phao-lô mạnh mẽ khẳng định lời đúc kết đức tin “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.”

Tất cả những chân lý đức tin vô vàn vinh phúc này dẫn người tin Chúa tới tương quan mới với Thiên Chúa. Người tín hữu Ki-tô, chứ không phải tất cả mọi người, được nâng lên đến thượng đỉnh sủng ân. Chúa Giê-su dạy Kinh Lạy Cha cho người đã chịu phép rửa, tức là nhân danh Chúa Ki-tô, nhờ công nghiệp của Người, từ nay những người tin được phép gọi Thiên Chúa là Cha và sống tương quan tình nghĩa thiết phụ tử với Người – một Thiên Chúa có Thánh Tâm vô cùng thương xót phận người. Chân lý và đức tin này mở ra khung trời mới ngập đầy hy vọng cho phận tội nhân, chắc chắn chúng ta được cứu độ. Hạnh phúc này gắn liền với bí tích Rửa Tội, và không dừng lại ở đó, con người còn được rửa bởi Thánh Thần chân lý cho nên thật tinh tuyền, trong sạch xứng với địa vị con Thiên Chúa. Là quà tặng cao trọng nhất, quý giá nhất mà Chúa Giê-su đề cập đến ở phần sau.

Phần mà Người nhắc nhở chúng ta hãy tin tưởng sống thân tình với Chúa Cha, mạnh dạn cầu xin Người khi thấy cần thiết cho sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên. Đừng nản lòng tin tưởng khi phải chờ đợi Chúa Cha nhậm lời, dù cho Người có không muốn ban cho điều chúng ta xin, vì chúng ta không giữ đủ mối thâm tình Cha con với Người đi nữa. Thì Chúa Cha cũng sẽ ban bởi chúng ta nhẫn nại quấy rầy Người, tức là thể hiện một chút đức tin và lòng trông cậy còn sót lại nơi con tim và tâm hồn tội nhân của chúng ta. Bởi thế Chúa Giê-su dạy rằng “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Phúc Âm của thánh Lu-ca đẩy mạnh con người về phía Thiên Chúa, giúp cho con người dạn dĩ tiến tới tương quan mật thiết với Chúa Cha, mà sau Chúa Giê-su, Chúa Thánh Thần là cầu nối tuyệt vời. Đây là lý do làm cho Chúa Giê-su chân thành nói “phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?

Tình Cha vô biên của Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta điều chúng ta xin chính đáng, mà còn sẵn lòng ban thêm Thánh Thần cho chúng ta. Tức là được thêm ơn thánh hóa, thêm dồi dào bảy ơn Chúa Thánh Thần để vững bước trên hành trình đức tin, hoàn tất bổn phận người con Chúa ở trần gian. Và trở về thiên quốc trong vinh quang của người chiến thắng phận người, thắng tội lỗi và cả cái chết đời đời.

Chúc tụng và ngợi khen Thánh Tâm Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Tình Yêu Hoa Cỏ

8. Kiên nhẫn trong cầu nguyện

1. Cầu nguyện

Người Âu Mỹ vốn có lòng quý trọngt súc vật. Người ta đã thiết lập những hội bảo vệ súc vật, xây những dưỡng đường để điều trị cho súc vật và có cả những nghĩa trang dành riêng cho súc vật. Phải chăng lòng quý trọng này có cái chi bất ổn và thái quá? Mặc dù con vật thì thấp kém hơn con người rất nhiều, nhưng nó cũng có những điều đáng làm cho chúng ta suy nghĩ. Chẳng hạn một con chó vẫy đuôi chào mừng khi chủ nó trở về; trong khi đó, nhiều người lại chẳng biết mở miệng chào hỏi bề trên và những bậc ân nhân của mình. Dĩ nhiên sự trung thành và biết ơn của một con chó phần lớn la do thói quen và bị hạn chế nhiều lắm.

Từ đó, chúng ta đi vào mối liên hệ với Thiên Chúa. Lòng trung thành và biết ơn của chúng ta đối với Ngài là như thế nào? Buổi sáng khi thức dậy, khởi đầu cho một ngày mới với những ơn huệ Chúa ban, chúng ta có biết cầu nguyện và thân thưa với Chúa hay không? Nhiều người đã đưa ra 1001 lý do để khước từ việc làm tốt đẹp này. Nào là còn biết bao nhiêu công việc phải làm, nào là có biết bao nhiêu tin tức phải lắng nghe và ghi nhận, không còn đủ thời giờ để suy tư và cầu nguyện nữa. Có những người mặc dù còn cầu nguyện, nhưng lại chỉ làm vì thói quen, như một cái máy với một vận tốc hết sức mau lẹ.

Thiên Chúa, Đấng cho mặt trời mọc lên, để khởi đầu một ngày mới, phải được chúng ta ca tụng và chào kính với những tình cảm chân thành nhất, xuất phát từ trái tim. Mặc dù không có trí khôn, nhưng con chó còn biết cách biểu lộ sự biết ơn của minh. Trong khi đó, con người là tác phẩm tuyệt vời nhất của Thiên Chúa, thì lại chỉ biết đón nhận hết điều nọ đến điều kia, mà lại chẳng tỏ ra biết ơn một chút nào cả.

Sở dĩ như vậy là vì con người đã quên mất những kỷ niệm và sự nương nhờ của mình vào Thiên Chúa. Cuộc sống với những tiện nghi và dễ dại đã làm cho chúng ta quên mất những hồng ân của Thiên Chúa và dường như không còn cần đến Ngài nữa. Suy nghĩ và hành động như vậy, nên con người thời nay luôn cảm thấy khắc khoải và bất hạnh hơn lúc nào hết.

Với chúng ta thì khác. Trước khi khởi đầu một ngày mới với những công việc bận rộn, chúng ta hãy tìm gặp Chúa trong những tâm tình cầu nguyện. Đây là một việc làm xuất phát tự con tim, chứ không phải chỉ là một việc làm hoàn toàn máy móc. Bởi vì lời cầu nguyện là tiếng nói của một con tim nghèo nàn trước Đấng Tối Cao: Lạy Chúa, con cần đến Chúa như cần đến khí trời để thở.

Có kẻ lại bảo: Cầu nguyện cũng chẳng ích lợi chi! Chúng ta nên nhớ điều này: Cầu nguyện không phải chỉ là cầu xin, mà trước tiên phải là ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Ngài không cần đến chúng ta, trái lại chúng ta luôn cần đến Ngài. Cho dù có quên đi mọi lời kinh, thì ít nữa cũng còn đọng lại kinh Lạy Cha, một lời kinh kiểu mẫu, đơn sơ và xâu xa.

Con người luôn cần đến Thiên Chúa, cho nên hãy tìm gặp Ngài trong những tâm tình cầu nguyện của mình.

 

2. Thưa chuyện với Thiên Chúa

THƯA CHUYỆN VỚI THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG

a. Sống thân tình với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.

Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông. Câu đề nghị mà một người môn đệ hỏi Chúa Giêsu, cũng có lẽ là câu đề nghị mà chúng ta đặt ra cho nhau và cho chính mỗi người trong cuộc sống đức tin hôm nay.

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ mỗi chúng ta tự hỏi lòng mình: Chúng ta tương quan với Thiên Chúa như thế nào? Chính đời sống tương quan của mỗi người với Chúa sẽ quyết định thái độ cầu nguyện. Nếu ta sống với Thiên Chúa là ông chủ, chúng ta có nhiều khả năng cầu nguyện trong tư cách là tôi tớ. Nếu ta tương quan với Chúa là Đấng ban phát ơn, những lời cầu nguyện nhiều khả năng là những lời xin ơn về lợi lộc trần thế. Nếu ta sống yêu mến Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Đấng ban ơn cứu độ, chúng ta dễ dàng biểu lộ tâm tình cầu nguyện trong tư cách là người con hiếu thảo.

Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy hình ảnh Apraham sống thân tình với Thiên Chúa. Nhờ đời sống gắn bó mật thiết với Chúa, lời cầu nguyện của ông dâng lên Chúa toát ra từ một đời sống đầy tin tưởng và thân tình. Ông đã tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hằng lắng nghe lời ông khẩn cầu.

Thật vậy, khi biết được ý định Thiên Chúa sắp phá hủy thành Sôđôma và Gômôra, nơi có gia đình người cháu là ông Lót ở đó, Ápraham đã kêu xin Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ không tiêu diệt người tội lỗi cùng với công chính. Vì thế, ông đã mượn sự hiện diện của những người công chính để xin Thiên Chúa tha thứ cho những người tội lỗi cùng sống trong thành Sôđôma và Gômôra. Từ 50 người công chính hiện diện trong thành, sau 5 lần xin bớt, ông đã xin Thiên Chúa tha thứ cho thành chỉ với 10 người công chính. Sự kèo nài của Ápraham như một cuộc trả giá trong buôn bán đã cho thấy, ông rất gần gũi và thân thiết với Thiên Chúa, cách riêng, ông rất bền bỉ và kiên nhẫn trong lời cầu nguyện. Những lần ông xin bớt, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã nhận lời ông.

b. Thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha nhân lành.

Như thế, Apraham đã sống thân tình trước mắt Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của ông dâng lên Thiên Chúa như là một cuộc trò chuyện đầy cởi mở và thân thiện giữa hai người bạn thân, nhưng vẫn có sự tôn kính Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta một cách cầu nguyện trong tương quan mới, tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là những người con của Ngài. Nhờ Chúa Giêsu và tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi Kitô hữu có thể kêu Thiên Chúa là Abba, nghĩa là cha ơi. Tiếng xưng hô: cha ơi,thật đẹp làm sao. Những lời thân thưa trong kinh Lạy Cha lại càng ý nhị và thân tình biết mấy.

Trong tâm tình con cái yêu mến cha mình, người con không xin những gì ngoài ý muốn của cha nhưng luôn thao thức nên một với Cha và làm đẹp lòng Cha. Mọi sự Cha muốn, người con cũng ao ước, mọi sự Cha cần, người con cũng ước ao nên trọn. Vì thế, Lời nguyện đầu tiên của Người con ngoan là xin cho danh Cha cả sáng, xin mọi người đều tin nhận và suy phục Cha mình.

Cuộc sống của người con ở trần gian này là cuộc lữ hành đi về với Thiên Chúa là Cha. Vì thế, người con không tìm vinh danh trần thế này, cũng chẳng mong tích lũy của cải chóng qua nhưng là tìm vinh danh Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Vì thế, người con không xin sang giàu, cũng chẳng ước ao chức tước trần thế, nhưng xin đủ lương thực hằng ngày để có thể chu toàn bổ phận là con cái của Thiên Chúa.

Khi cùng nhau tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, người con cũng nhận thật, mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, người con khao khát sống hòa thuận với mọi người. Muốn thế, người con xin với Thiên Chúa cho mình biết thứ tha và thông cảm cho nhiều người khác để có thể sống yêu thương hết mọi người. Người con xin cho mình có khả năng tha thứ cho tha nhân để có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa là Cha nhân lành.

Cuối cùng, hạnh phúc của người con là luôn sống thân tình với Cha mình. Muốn thế, người con không chỉ dựa vào cố gắng của bản thân nhưng rất cần sự trợ lực của Thiên Chúa là Cha. Vì thế, người con xin với Cha gìn giữ để khỏi sa vào chước độc của ma quỷ. Có thế, hoàn tất cuộc đời này, người con đều tràn trề hy vọng sẽ được người Cha là Thiên Chúa cho hưởng gia nghiệp gia tài của những người con hiếu thảo.

Ước mong, Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta luôn sống tâm tình của người con hiếu thảo, để mọi lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa là bao tiếng thân thương của người con hiếu thảo dâng lên cha mình: Abba, cha ơi!

 

3. Kinh Lạy Cha, đọc xuôi đọc ngược

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ và là lời kinh căn bản của Kitô giáo. Lời kinh này là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tâm điểm của Thánh Kinh như Thánh Augustinô nói: “Cứ đọc hết các kinh nguyện trong sách Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy những điều được thâu tóm trong lời kinh Chúa dạy. Với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của chúng ta nữa…Dù chúng ta có đọc lời nào khác, những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng, chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều đã có trong kinh Lạy Cha, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp”(x. Thư thánh Augustinô giám mục gửi cho Pơrôba về kinh Lạy Cha, trong Kinh Sách, IV, tr. 335).

Kinh Lạy Cha độc đáo vì chính là lời kinh “của Chúa” và cũng là lời cầu nguyện của Hội Thánh. Lời kinh này đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ. Trong Thánh lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung, hướng về ngày Chúa Quang Lâm “cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11,26).

Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất Chúa Giêsu để lại, lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.

“Kinh Lạy Cha chẳng những là một lời cầu nguyện, mà còn là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa Cha vừa là nguồn gốc mọi sự, vừa là cùng đích mọi loài. Đó là niềm tin căn bản nhất, bao trùm cả lộ trình đi và về của con người. Vì vậy kinh Lạy Cha vừa có thể đọc xuôi, vừa có thể đọc ngược” (x. Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).

a. Đọc xuôi Kinh Lạy Cha

Đọc xuôi, bắt đầu từ việc tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, cầu xin cho danh Người cả sáng, cho Nước Người trị đến, cho thánh ý Người được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tiếp đến chúng ta xin Người những ơn cần thiết cho cuộc đời kitô hữu của chúng ta, như được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của cuộc sống, được ơn tha thứ những lỗi lầm thiếu sót, được gìn giữ khỏi sa chước cám dỗ và được giải thoát khỏi quyền lực của ác thần.

Đọc xuôi, Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa, hai lời nguyện ước và ba lời cầu xin.

  • Lời thân thưa

Thiên Chúa được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau: Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa thánh thiện… Mỗi danh hiệu nói lên một ưu phẩm, một đặc tính của Thiên Chúa.

Nhưng không một danh hiệu nào lại đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, hy vọng cho bằng danh hiệu Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ là mỗi khi cầu nguyện hãy thân thưa: Lạy Cha chúng con ở trên trời.

Lời mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lời diễn tả một chiều kích thiêng liêng, các môn đệ được đi vào đời sống thân mật, liên kết với Chúa Cha và Chúa Con.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ Cha gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm vô cùng.

Từ đây, lời thân thương “Lạy Cha” luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kitô hữu. Lời gắn kết họ với Thiên Chúa. Lời nối kết tương quan cha con trong tình yêu. Hồng ân thật cao quý Chúa muốn ban cho con người. Được gọi Thiên Chúa là Cha, được làm con cái của Thiên Chúa. Đó là tư cách rất riêng của những ai là môn đệ Đức Giêsu. Ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản nhất, ơn gọi cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Vì thế chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha và huynh đệ với tha nhân là anh chị em. Vì chưng toàn thể nhân loại chỉ có một Cha và tất cả đều là anh em chị em của nhau.

  • Hai lời nguyện ước

“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” và “Triều đại Cha mau đến” là hai lời nguyện ước của những người con thảo hiếu hướng về Cha mình.

Thiên Chúa không cần đến lời chúng ta cầu nguyện để nhờ đó danh Người và triều đại Người mới được hiển thánh, được tôn vinh. Tự bản chất, Thiên Chúa không cần đến những lời cầu xin của chúng ta, có hay không, danh Người mãi mãi vẫn rạng ngời vinh hiển.

Vậy thì chúng ta cầu nguyện như thế để làm gì? Chắc một điều đó là vì phần ơn ích cho chúng ta.

Hai lời nguyện ước là xin cho danh Thiên Chúa được hiển thánh nơi chính con người chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Là con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, người con xin Cha thánh hoá, xin Cha kiện toàn mỗi ngày để con được nên thánh, được tham dự vào cuộc sống thần linh với Cha. Người con cần sống hiếu thảo. Biết quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về Cha của mình. Là con của Cha trên trời thì chúng ta phải làm cho Danh Cha được cả sáng và Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện. Cha rất vui, hài lòng khi có những người con biết sống hiếu thảo như thế.

  • Ba lời cầu xin.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Xin cho những nhu cầu chính đáng phần xác phần hồn: lương thực hằng ngày, ơn thứ tha tội lỗi, ơn vượt thắng cám dỗ và ơn thoát khỏi sự dữ. Thân xác cần cơm bánh lương thực. Linh hồn cần ơn thánh. Ba lời cầu xin rất thiết thực đối với sự sống của nhân loại. Lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày, thiết thực và hữu ích cả trên bình diện thiêng liêng lẫn cuộc sống đời thường. Bởi ngoài nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh ra, người Kitô hữu cần đến một thứ thần lương tuyệt vời khác chính là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô.Ơn tha thứ thật cần thiết. Trước mặt Thiên Chúa, con người là tội nhân. Tha thứ cho nhau là điều kiện cần và đủ để chúa tha thứ cho mình. Được Cha yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, con noi gương Cha sống yêu thương tha thứ cho anh em của mình. Như thế mới trọn vẹn tình con thảo hiếu.

Cạm bẫy và cám dỗ vẫn bủa vây tư bề. Cần tỉnh thức trước mọi cơn cám dỗ. Ơn Chúa là nguồn trợ lực là sức mạnh để con người vuột thắng mọi cám dỗ.

bĐọc ngược Kinh Lạy Cha

Đọc ngược kinh Lạy Cha để đi lại lộ trình đức tin của dân Do thái ngày xưa và để bày tỏ niềm xác tín mới đối với Thiên Chúa vì những gì Người ban cho chúng ta qua kinh Lạy Cha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng:

  • Thiên Chúa là Cha quyền năng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.

Cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ bên Ai cập, thì nay qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của Satan là đầu mối của mọi sự dữ.

  • Thiên Chúa là Cha yêu thương không để chúng ta sa chước cám dỗ.

Sau khi được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, dân Do thái đã đi qua hoang địa tiến về đất hứa, đã gặp rất nhiều cám dỗ và thử thách. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải những chước cám dỗ như người Do thái ngày xưa. Nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và Người đã gìn giữ chúng ta.

  • Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Mặc dù đã nhiều lần phản bội, quay lưng lại với Thiên Chúa, thử thách Thiên Chúa, cứng đầu cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, nhưng dân Do thái đã được Chúa tha thứ, nhờ lời chuyển cầu của ông Môsê. Cũng vậy, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chúng ta luôn được Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót và những xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em là hình ảnh của Người. Được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng tha thứ cho nhau, để cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa.

  • Thiên Chúa là Cha quan phòng luôn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta.

Trong suốt hành trình 40 năm trước khi tiến vào đất hứa là nơi chảy sữa và mật, mỗi ngày dân Do thái đã được Thiên Chúa ân cần ưu ái ban cho manna, thịt chim cút và nước sạch từ tảng đá chảy ra. Ngày nay Thiên Chúa quan phòng cũng luôn lo liệu cho chúng ta mọi nhu cầu vật chất, để chúng ta có thể sống xứng đáng và phát triển các khả năng. Hơn nữa Người còn ban cho chúng ta bánh hằng sống là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cùng với dòng nước ơn thánh vọt ra từ tảng đá là Đức Kitô đang hoạt động qua các bí tích, giúp chúng ta có sức đạt đến đất hứa đích thực là nước thiên đàng, nơi tràn trề sữa và mật thiêng liêng, khiến cho chúng ta không bao giờ đói khát.

  • Thiên Chúa là Cha khôn ngoan đã mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người và giúp chúng ta thực hiện.

Cùng với manna, chim cút và nước từ tảng đá vọt ra, Thiên Chúa còn ban cho dân Do thái các huấn lệnh bày tỏ ý muốn của Người, để họ tuân giữ và được sống. Ngày nay, chúng ta cũng nhận được thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo Hội. Đời sống của mỗi người chúng ta hệ tại việc thực thi ý Chúa. Khi kết hiệp sự vâng phục của chúng ta với sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý Cha, tức là chúng ta làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

  • Thiên Chúa là Vua uy quyền đã làm cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel đất hứa làm gia nghiệp, ở đó họ sống hạnh phúc dưới quyền cai trị của Người. Sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta cũng sẽ được đưa vào Nước Trời, nơi Thiên Chúa hiển trị, để Người mãi mãi là Vua của chúng ta và chúng ta sẽ là dân của Người đến thiên thu vạn đại, và trong Nước Người không còn đau khổ, khóc than và tang tóc, nhưng chỉ có sự sống dồi dào trong hạnh phúc vô biên.

  • Thiên Chúa là Cha, đó là thánh danh mà chúng ta ca tụng đến muôn ngàn đời.

Sống trong đất hứa Thiên Chúa đã ban, những người Do thái đạo đức không ngừng tôn vinh danh Chúa, vì chính nhờ danh Người họ đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, được giúp đỡ để vượt qua các chước cám dỗ, được tha thứ mọi tội lỗi, được nuôi dưỡng chăm sóc, được biết thánh ý của Thiên Chúa, được sống dưới quyền cai trị của Chúa. Mai ngày trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không ngừng ca tụng thánh danh Thiên Chúa và chúng ta có thể khởi đầu kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha, giờ đây chúng con được ở với Cha trên trời”. (trích từ: Kinh Lạy Cha của Linh Mục trong Năm Đức Tin, ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi; Gpquinhon.org).

c. Kinh Lạy Cha, lời kinh tuyệt vời

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.

Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.

Lạy Cha,

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con chưa nhận thấy được.

Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.

 

4. Cầu nguyện của tôi, điều gì còn thiếu?

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một nét gì đó rất mới mẻ và rất đặc trưng. Nét này không thấy có trong thói tục của người Do Thái nói chung, và của nhóm Biệt Phái nói riêng; khác cả với lối cầu nguyện mà Gio-an tẩy giả, nhóm Ét-sê-ni và các môn đệ ông thường làm. Người Do Thái nói chung cầu nguyện dựa trên việc cất cao giọng đọc các thánh vịnh, các lời ngôn sứ hay sách luật… Chính vì thế mà một vài đại diện trong nhóm môn đệ Đức Giêsu khẩn khoản xin Người dạy cho họ biết cầu nguyện, và cầu nguyên theo cách thức riêng của Người. Lời thỉnh cầu đó quả là chính đáng, và Đức Giêsu sẵn sàng đáp ứng vì nó liên quan tới điều quan trọng nhất mà người đang muốn khảng định: Cầu nguyện chính là đi vào tương quan phó thác với Chúa Cha nhân ái.

Điều mà các môn đệ mong đợi chắc hẳn không phải là được Thầy dạy cho một công thức cầu nguyện, mà chúng ta ngày nay quen gọi là kinh đọc. Người Do Thái thời đó vẫn quen sử dụng các thánh vịnh như công thức nền tảng. Tuy nhiên rất có thể khi quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một điều gì rất khác lạ, một kiểu cách cầu nguyện không giống ai. Nét này khác xa lề thói các Pha-ri-sêu vẫn thường cầu nguyện nơi công cộng, hoặc các tu sĩ Et-sê-ni làm tại Qum-ram. Nét đặc sắc nhất các ông nhân ra chính là tâm tình con thảo thâm sâu chưa từng thấy bất cứ nơi đâu. Xét cho cùng thì Thánh Vịnh cũng không phải là những ‘kinh’ theo nội dung mà bổn đạo chúng ta vẫn hiểu ngày nay. Tự nó Thánh Vịnh là những tâm tình rất chân thành, nhưng trong tinh thần của ‘Cựu Ước’, mà mỗi người Do Thái diễn tả tương quan thường ngày của mình với Đức Chúa Gia-vê. Tất cả các tâm tình đó đều dựa trên một nền tảng duy nhất được các luật sĩ và Biệt Phái nhấn mạnh, đó là lòng trung thành kiên vững đối với giao ước đã ký kết. Sau này vào thời Đức Giêsu, qua ảnh hưởng của phái Ét-sê-ni, thái độ thống hối để lãnh phép rửa được nhấn mạnh. Nếu vậy thì nét cầu nguyện đặc trưng của Thầy Giêsu, đồng thời cũng là của từng người Ki-tô hữu chúng ta cụ thể là gì?

Đức Giêsu không đơn thuần dạy một công thức diễn đạt mới, cái sau này được đặt tên là ‘kinh Lạy Cha’ (tiêu đề quen thuộc luôn được gán cho đoạn văn này). Ngay trong câu Đức Giêsu nói: “Khi cầu nguyện anh em hãy thưa (thay vì nói hoặc đọc) thế này: ‘Lạy Cha, nguyện ( thay vì cầu xin) cho danh Cha vinh hiển…’, ta sẽ thấy ngay nổi cộm một tâm tình, tâm tình tín thác. Ngay cả các điều ‘xin’ của phần sau cũng toát ra niềm tin tưởng sâu đậm nhất. Chính cái tâm tình này mới là chất tố cốt lõi của lối cầu nguyện mà Đức Giêsu đang muốn thông truyền.

Đương nhiện là bất cứ lời cầu nguyện nào cũng đều ít nhiều mang tâm tình này. Trong mọi tôn giáo, khi tín đồ khấn vái, họ cơ bản tin tưởng sẽ được thần thánh phù trì. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, dựa trên cơ sở nào mà họ đặt niềm tin tưởng phó thác. Người Do thái có cơ sở của Cựu Ước: một giao ước sòng phẳng giữa Đức Chúa Gia-vê với dân riêng của Ngài. Gio-an nhấn mạnh trên nền tảng thống hối và lãnh phép rửa để được tha tội (xem Lc 3, 3-18). Tín đồ các tôn giáo khác nói chung, dựa trên qui luật ‘có đi có lại’ của giao tế xã hội. Họ thờ cúng dâng hương để mong được thần thánh phù trì… Thế còn Ki-tô hữu chúng ta cầu nguyện dựa trên cơ sở nào?

Đức Giêsu dùng hai hình ảnh để quảng diễn cơ sở của lòng tín thác Ki-tô hữu trong cầu nguyện: người bạn và người cha. Hai hình ảnh này có tác dụng trước hết là triệt tiêu cả ba cơ sở nói trên. Nếu là ‘nguyện xin’ với bạn và cha, thì sẽ không còn sự sòng phẳng của giao kèo ký kết, không còn sự cách biệt trên dưới, và cũng chẳng cần lễ vật quà cáp lót đường. Chỉ còn một điều duy nhất quan trọng là tin tưởng hầu như mù quáng, cố chấp tới độ không ngại gây phiền hà. Câu chuyện gõ cửa nhà bạn vay bánh giữa đêm khuya, hay xin ‘bố’ của ăn, phải chăng là để nêu rõ thái độ rất ‘độc’ này của cầu nguyện Ki-tô hữu?

Và điều này không chỉ đơn thuần là một khảng định trên lý thuyết. Có lẽ vào thời điểm lúc Đức Giêsu trả lời câu hỏi của mộn đệ, nó còn có vẻ lý thuyết xa vời thật, ngược ngạo nữa là đàng khác: Thiên Chúa mà là cha và là bạn sao được! Thế nhưng sau biến cố thập giá và phục sinh, thì đã trở thành một thực tế quá rõ ràng và hiển nhiên. Thực vậy, niềm tin vào thập giá và phục sinh trở thành cơ bản trong tương quan (giao ước mới) giữa người môn đệ với Thiên Chúa của Đức Giêsu Ki-tô. Họ đã nắm bắt được bằng chứng không thể chối cãi về một Thiên Chúa từ nhân tới độ không tiếc bất cứ điều gì đối với những ai kêu cầu Người, ngay cả hy sinh tới Người Con yêu quí nhất Người cũng chẳng từ. Do vậy bất cứ ai tự cho mình là môn đệ Đức Giêsu, mà không biết chất tố này khi cầu nguyện, thì chưa thể được kể là Ki-tô hữu chân chính.

Nếu như thế ta có thể khảng định được chăng: tin tưởng phó thác trong cầu nguyện chính là thước đo chính xác nhất của niềm tin Ki-tô hữu? Thánh Phao-lô xác quyết: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ, nếu Thần Khí không rên siết trong ta (xem Rm 8,18-27). Phải chăng Đức Giêsu cũng có ý tưởng tương tự khi nói ‘Cha trên trời ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người’? Thế thì, một chút chiêm ngắm thập giá, một chút vào sâu hơn trong tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, là điều tối cần thiết để mọi Ki-tô hữu có thể tiến hành cầu nguyện của mình. Tuy nhiên thật không may, ‘cái chút’ này trên thực tế xem ra vẫn còn thiếu trầm trọng trong cầu nguyện của nhiều Ki-tô hữu chúng ta. Chính vì lẽ đó mà lời khẩn cầu của các môn đệ: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con biết cầu nguyện!” vẫn tiếp tục phải là điệp khúc khởi đầu cho mọi cầu nguyện chân thành của mọi Ki-tô hữu chúng ta.

Lạy Thầy Giêsu, xin dạy con cầu nguyện! Xin hãy dạy con cầu nguyện với một Thiên Chúa không tiếc xót con bất cứ điều gì, kể cả phó nộp Người Con yêu quí nhất của Người. Xin cho con biết dành một chút thời giờ cho việc chiêm ngắm tinh yêu nhân ái và lòng thương xót bao la của Chúa trước khi tiến hành cầu nguyện. Xin Thần Khí Chúa hãy luôn nhắc nhở con rằng: dấu Thánh Giá mà con làm đầu giờ cầu nguyện chính là để giúp đưa con vào tâm tình cơ bản và thiết yếu này, là trọn vẹn tin tưởng phó thác nơi lòng Chúa xót thương và cứu độ. Chỉ như thế lời cầu nguyện của con mới có được tâm tình như Chúa muốn. A-men .

 

5. Cầu nguyện

Giữa đêm khuya, một căn nhà ở nơi hẻo lánh bỗng bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái đều thoát ra ngoài và bất lực đứng nhìn ngọn lửa. Rồi mọi người sực nhớ đứa con trai út mới lên năm vẫn còn bị kẹt trên gác. Phải làm gì đây? Không ai có thể đi vào được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé thò đầu ra và kêu la thất thánh. Từ phía dưới, người cha nói với cậu: Con hãy nhảy xuống đi. Nhưng làm sao cậu bé dám làm theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: Làm sao con dám nhảy xuống vì không thấy ba. Thế nhưng người cha đã trấn an: Con không thấy ba nhưng ba thấy con. Con cứ nhảy xuống đi. Thế là với tất cả tin tưởng, cậu bé nhảy từ trên gác xuống và nằm gọn trong cánh tay của người cha.

Là con cái của Thiên Chúa, cho dầu chúng ta có rơi vào hoàn cảnh nào chăng nữa, chúng ta vẫn luôn rơi vào vòng tay của Thiên Chúa, đó là tất cả Tin Mừng Chúa Giêsu đã đem đến trong thế gian.

Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dù con người không biết Ngài, dù con người có khước từ và phản bội tình yêu của Ngài, Ngài vẫn một mực yêu thương. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua cuộc sống của Ngài. Cách cư xử và cái chết của Ngài đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách thức đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đó là hãy chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Lời kinh Lạy Cha Ngài để lại cho Giáo Hội chính là chương trình sống của Ngài, chính là tiếng xin vâng của Ngài đối với Chúa Cha. Từ sáng đến chiều, xuyên qua những giao tiếp và giảng dạy, Ngài luôn để lộ một cử chỉ duy nhất, đó là thuộc trọn về Chúa Cha, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha. Để lại cho chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ truyền lại một công thức, mà là cả cuộc sống xin vâng của Ngài.

Do đó, cầu nguyện không có nghĩa là đọc lại một câu kinh, mà chính đi vào tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu. Một người tín hữu luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa và luôn sống với hai chữ xin vâng hằng sẽ không ngừng kêu lên: Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm những điều vĩ đại, thế nhưng Chúa lại ban cho tôi những bệnh tật để tôi làm những việc tốt hơn. Tôi đã xin giàu sang để được hạnh phúc, thế nhưng Chúa đã ban cho tôi sự nghèo khó để tôi được khôn ngoan hơn. Tôi đã không nhận được điều tôi kêu cầu, nhưng tôi nhận được niềm hy vọng. Những lời cầu xin mà tôi chưa từng thốt lên, tất cả đều được nhận lời. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.


6. Cầu xin – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chúng ta không thể quán xuyến mọi sự trong tầm tay vì còn có nhiều nguyên nhân tùy thuộc. Có ba điều cần để thành công trong mọi công việc là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Con người sống chung thì trăm người, trăm ý. Môi trường chung quanh thì thay đổi như mây bay gió thổi. Chỉ có một điều là chúng ta thuận theo ý trời. Chúng ta sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc. Trong hạnh các Giáo phụ có kể lại: Một người nông dân hạnh phúc hơn bạn bè xóm làng. Được hỏi lý do tại sao, ông ta trả lời: Các ông đừng ngạc nhiên. Chính vì tôi luôn được thời tiết theo lòng tôi ước muốn. Người kia đáp lại: Không thể được. Người nông dân đáp: Không bao giờ tôi ước muốn thời tiết khác thời tiết Thiên Chúa gởi cho. Vì thế, Chúa luôn ban cho tôi mùa màng như lòng tôi ước nguyện.

Câu truyện của ông Abraham cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho dân thành Sôđôm và Gômôra và xin đừng đoán phạt. Sự đối thoại trả giá diễn tả tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ông Abraham lý luận theo cách suy tưởng của con người. Ông biết rằng trong đời sống con người, có kẻ tốt, người xấu và kẻ lành, người dữ. Thiên Chúa yêu thương mọi người. Chẳng lẽ Chúa phạt cả kẻ dữ lẫn người lành sao: Abraham lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? (Stk 18, 23). Ông Abraham ước muốn Thiên Chúa tha phạt cho cả thành, vì nghĩ rằng có một số người lành đang chung sống giữa họ. Ông thưa: Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? (Stk 18, 24). Thiên Chúa ban ơn mưa móc xuống cho cả kẻ lành, người dữ. Người lành thánh có thể giúp người tội lỗi hối cải và người tội lỗi cũng có thể giúp cho người lành phấn đấu sống thánh thiện hơn.

Ông Abraham đã trả giá với Thiên Chúa, từ 50 người lành xuống tới chỉ còn 10 người. Cả thành không kiếm được mười người lành, nên thành Sôđôm phải chịu hình phạt. Chúa nhân từ trong mọi lời Chúa phán và thánh thiện trong mọi việc Chúa đã thực hiện. Chúa sửa phạt rồi Chúa lại tha thứ và đón nhận trở về. Lịch sử ơn cứu độ là một cuộc phấn đấu không ngừng để tinh luyện con dân nên thánh thiện. Ông Abraham hết lời: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá hủy Sôđôm” (Stk 18, 32). Nhân loại tồn tại và Giáo Hội tiếp tục sống còn là nhờ đời sống nhân đức của các bậc thánh nhân, những tín hữu nhiệt thành và những con người thành tâm sống gương mẫu giữa đời. Giáo hội luôn luôn cần những gương sáng để soi dọi cho những ai ngồi trong bóng tối sự dữ và sự chết.

Trong đời sống đạo, chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng vô cùng. Người ban phát ân sủng cho mọi loài thọ tạo. Thế nên, chúng ta rất quen thuộc với những từ ngữ như cầu nguyện, cầu xin, nguyện xin, cầu bầu, xin ơn, phù trợ và nâng đỡ chở che. Trong tâm tình khiêm hạ và nhận biết thân phận yếu hèn, chúng ta cùng cúi đầu thờ lạy và vâng phục Đấng Tạo Hóa chí công. Chúng ta nên thành tâm cầu xin những ơn cần thiết cho đời sống và phần rỗi của chúng ta. Cầu nguyện là chúng ta nối một nhịp cầu tới Thiên Chúa bằng những lời nguyện xin. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện luôn: Thế nên Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11, 9). Một điều quan trọng mà Chúa Giêsu dạy là anh em cứ xin, thì sẽ được. Chúng ta xin Chúa điều gì bây giờ?

Chúa Giêsu đã dậy các tông đồ cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha. Phần đầu của Kinh là nguyện sáng danh Thiên Chúa, nhưng phần sau là bốn lời xin: Xin cho chúng con lương thực hàng ngày và xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ (Lc 11, 4). Thiên Chúa không phải là ông chủ giầu có ngồi chờ chúng ta đến xin để phân phát. Hào bao của Thiên Chúa luôn rộng mở. Tùy thuộc chúng ta có xứng đáng lãnh nhận hay không. Nếu tâm hồn của chúng ta không rộng mở thì ơn Chúa không thể tuôn đổ. Nếu lòng chúng ta chất đầy của cải thế gian thì đâu còn chỗ để nhận lãnh thêm. Khi chén của chúng ta đã đầy tràn những thứ lỉnh kỉnh, làm sao ơn Chúa thấm nhập vào lòng. Khi cầu nguyện, chúng ta có thật lòng cầu xin, hay chỉ đọc ruổi một số những kinh kệ và kể lể một số nhu cầu cần thiết trong cuộc sống và nghĩ rằng Chúa sẽ ban phát mọi ơn.

Ước vọng của con người thì nhiều vô kể và cao sâu. Hầu như không khi nào chúng ta ước muốn cho đủ. Nhu cầu đòi hỏi của tâm linh cũng như thể chất luôn réo gọi vươn tới. Sức lực và khả năng của con người thì giới hạn. Mong ước thì to lớn. Khi chúng ta đã có, lại muốn có thêm. Đường nên thánh còn dài và nhiều chông gai. Đường đời thì cặm bẫy giăng giăng. Đường nào cũng phải phấn đấu không ngừng. Người ta thường nói: Lòng tham vô đáy. Không những lòng tham mà mọi khao khát đều không có cùng. Làm sao chúng ta có thể: Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Biết đủ là đủ. Bao nhiêu mới là đủ chứ? Cuộc sống quá hấp dẫn gọi mời chúng ta tiến thân. Sống một ngày, mong thêm một bước. Cuộc đời là dòng chảy luôn luôn có cái mới. Điều mới mẻ giúp chúng ta hy vọng và sống vui. Nên chúng ta cứ phải cầu xin hoài.

Mấy ai trong chúng ta khi cầu nguyện mà không xin ơn. Ngay cả những người không tin có Thượng Đế hay quyền lực nào bên trên, họ vẫn cầu xin khấn vái cho được mọi sự lành. Người ta chỉ chối từ sự hiện hữu của thần linh, thiên thần, linh hồn trong lý thuyết, nhưng nơi cuộc sống thường ngày, họ cũng vẫn mong cầu thần phật gia hộ cách này hay cách khác. Có khi còn rơi vào sự mê tín dị đoan, tin vào bói khoa, bói toán, bói quẻ, chim kêu, gà gáy, xem tướng, chỉ tay vận số, xin sâm và cả cầu thần dữ để chế ngự. Ngày tư ngày Tết, ngày Rằm, Lễ Hội, vố số người, dù không tin thần linh, họ cũng say mê cúng vái hoa qủa, nhang hương, lẩm rẩm nguyện cầu và xin cho người an bình thư thái và làm ăn phát tài phát đạt. Hằng ngày chúng ta cũng thường cầu nguyện với rất nhiều ý cầu xin. Cầu xin cho sự tốt lành trong gia đình, mọi người khỏe mạnh, làm ăn may mắn và mọi sự bình an xác hồn.

Đôi khi chúng ta cầu xin theo kiểu trừ hao. Xin mười Chúa sẽ ban cho một. Với lòng thành, chúng ta xin những ơn cần thiết cho sự sống và phần rỗi. Chúa bao dung độ lượng sẽ không quay mặt làm ngơ. Thánh Luca viết: Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?(Lc 11, 13). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy bền tâm và tỉnh thức cầu nguyện. Chúa đã nêu gương cầu nguyện luôn để kết hợp với Chúa Cha. Chúng ta cùng cầu nguyện như Chúa dạy và xin những ơn cần thiết nhân danh Chúa Giêsu Kitô.

Trong thơ gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô đã xác tín về hồng ân ơn cứu độ của Chúa Kitô: Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, số nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá (Col 2, 14). Chúa Kitô đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha qua sự hiến tế của Ngài trên thập giá. Máu Thánh đã xóa sạch lỗi lầm và ban cho chúng ta được phúc làm con và cùng đồng chia sẻ vinh quang sự sống.

Lạy Chúa, Chúa là chủ tể mọi loài. Chúa cho mặt trời soi chiếu trên kẻ lành người dữ. Chúa tiếp tục ban phát hồng ân cho mọi loài. Xin cho chúng con biết tỏ lòng trông cậy vào Chúa là nguồn mọi phúc lộc. Chúng con thờ lạy, cảm tạ và hát ca danh Chúa đến muôn muôn ngàn đời.

 

7. Lời kinh tuyệt vời – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Nhà thần bí Hồi Giáo tên là Farid, đến kinh đô Delhi để xin hoàng đế Akbar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akbar đang đắm mình cầu nguyện.

Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi: “Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào?”

Nhà vua đáp: “Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu.

Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói: “Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một kẻ ăn xin, không khác gì những hạng người khác!”.

Thật vậy, cầu nguyện không chỉ là cầu xin, cũng không phải là bảng liệt kê ước muốn mà cầu nguyện chính là tôn thờ, thống hối, cảm tạ và xin ơn. Trong kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay bao gồm bốn tâm tình đó.

Chúng ta thờ phượng, ca ngợi, tôn vinh Chúa trong câu đầu tiên: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến” (Lc 11,2).

Sau đó chúng ta bày tỏ tâm tình thống hối bằng lời xin lỗi: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11,4).

Rồi chúng ta cảm tạ Chúa ngay trong tâm tình thờ phượng, vì khi ca ngợi tôn vinh Chúa thì đồng thời chúng ta cũng mặc nhiên cảm tạ những hồng ân Người ban.

Cuối cùng, tâm tình cầu xin được biểu lộ trong câu: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” (Lc 11,3), và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,4).

Như thế, Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì đã đặt sự cao trọng, vinh danh, và thánh ý Chúa trên hết, sau đó mới xin cho các nhu cầu của chúng ta, nên rất được Chúa Cha ưa thích.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, còn chúng ta là con cái của Người; chúng ta xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; chúng ta xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai, nên chắc chắn sẽ được Chúa Cha đón nhận.

Sau khi đã dạy chúng ta lời kinh tuyệt vời đó, Người còn khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn và trông cậy mà cầu nguyện.

* Phải kiên nhẫn trong khi cầu nguyện là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Người sẽ ban. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Người muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy tình nhân ái.

* Phải trông cậy trong khi cầu nguyện vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Mẹ Têrêxa Calcutta đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi có hơn một ngàn tu sĩ, và còn phải nuôi ăn hàng chục ngàn người. Thế mà, chưa bao giờ chúng tôi phải từ chối bất cứ một ai đến xin giúp đỡ. Chúa luôn can thiệp kịp thời để cho chúng tôi thấy rằng Người không bao giờ làm ngơ trước lời cầu nguyện của chúng ta”.

Lạy Chúa, xin nhắc chúng con siêng năng dùng Kinh Lạy Cha mà cầu nguyện với Cha trên trời. Nhất là xin Chúa mở rộng tâm hồn hẹp hòi ích kỷ của chúng con, để biết cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, những người nghèo khổ, những kẻ tội lỗi và những người thân yêu của chúng con. Amen.

8. Kiên nhẫn trong cầu nguyện

Tin Mừng hôm nay kể rằng, một trong các môn đệ “ngắm nhìn” Thầy cầu nguyện ở nơi kia, chắc ông thấy “sốt sắng” lắm mà không biết các ông làm thế nào để cầu nguyện giống như Thầy mình. Đợi Thầy cầu nguyện xong, lập tức ông xin Thầy chỉ dạy cách cầu nguyện. Thầy chỉ ngay một kinh cầu nguyện ngắn gọn mà đầy đủ, đúng nghĩa nhất:Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4).

Kinh Lạy Cha được mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”, diễn tả tâm tình của các con với Cha mình thật đậm đà ấm áp: Cha của chúng con, chúng con là con của Cha, tất cả chúng con là anh em con một Cha với nhau. Con yêu Cha thì trước hết phải cầu mong cho danh Cha được cả sáng bằng cả đời sống thực hành của con. Chúng con mong Nước Cha được hiển trị như Thánh Ý của Cha.

Con được biết Ý của Cha khi gẫm suy Lời Cha để thực hành và sinh hoa trái tốt đẹp trong đời mình. Xin Cha lương thực hằng ngày không chỉ là cơm bánh vật chất, mà còn được nuôi dưỡng bằng của nuôi linh hồn nữa, mà “của trọng nhất” là chính Lời và Thánh Thể Chúa. Chúng con xin ơn tha tội, như chúng con cũng phải tha cho những người làm buồn chúng con, đây là điều kiện để được tha thứ.

Tiếp đến là câu chuyện đi vay bánh đang đêm để tiếp khách, Thầy Giêsu chứng tỏ giá trị của sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, rồi cuối cùng sẽ được thỏa lòng ao ước của người xin. Làm phiền người khác khi họ đang trong giấc ngủ là sự quấy rầy không nên chút nào. Bình thường anh sẽ bị chối từ với lý do làm khuấy động ảnh hưởng cả nhà, vì đang đêm cửa đóng then cài. Nhưng anh bạn này cũng phải dậy giải quyết, không phải vì tình bạn, mà bởi vì… “anh ta cứ lì ra đó”.

Thế nên Thầy bảo: “Anh em hãy xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Nghe lời này ai mà chẳng thích thú? Nhưng muốn thì phải xin, phải “tìm”, phải “gõ cửa”, rồi mới được chứ nhỉ? Để các ông an lòng tin tưởng, Thầy còn giải thích: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? (Lc 11, 11-13).

Cha mẹ thế gian yêu thương con, mà nhiều khi đứa bé đâu hiểu hết, khi cha mẹ cho ăn ngon mặc đẹp, cưng chiều, với nó “bố là tất cả”! Lúc ốm đau cha mẹ ép uống thuốc đắng, đưa đi bác sĩ chích thuốc đau lắm, nó lại thấy cha mẹ như chẳng thương mình. Nó đâu biết rằng khi nó chịu đau, cha mẹ còn xót dạ đau hơn ấy chứ, nhưng vì muốn nó hết bệnh, được khỏe lại và ngày càng lớn khôn.

Thầy ơi! Giữa cuộc đời đầy bế tắc khổ đau hôm nay, nếu chúng con ngu ngơ kém tin chẳng tìm, chẳng gõ cửa để gặp Thầy, thì biết Thầy ở nơi nao? Chúng con mò mẫm rờ rẫm trong giới hạn của loài người. Ngày nay nếu chúng con “tìm đến”, “gặp” và “ở lại” trong Thầy, chúng con được Thầy trao ban cả chính Mình Thầy cho. Ơn tầy trời này chính Thầy rộng mở tay ban chứ chúng con nào dám “xin”?

Trong Thầy chúng con no thỏa không còn thiếu thốn bế tắc, được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Được chìm đắm trong tình yêu Thầy, chúng con lại đem tình yêu (những của tốt lành) múc vợi nơi Thầy mà trao cho anh em, những người chúng con gặp gỡ. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12).

Én Nhỏ