Bảy sự kiện đáng lưu ý nhất về Đức Phanxicô năm 2020

Ngài vừa mừng sinh nhật thứ 84 vào ngày 17 tháng 12 vừa qua. Ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài cho bạn bè thân thiết hay ngài có cảm giác rất rõ ràng rằng triều Giáo Hoàng của ngài sẽ rất vắn. Nay thì cảm giác ấy chứng tỏ đã sai. Các giới chức thân cận của ngài tường trình rằng sức khỏe của ngài rất tốt và ngài tiếp tục hưởng được sự bình an trong tâm hồn, điều mà ngài cảm nhận lần đầu khi vừa được bầu.

Năm vừa qua mang đến những thách thức đặc biệt khi Đức Phanxicô cung cấp sự lãnh đạo tinh thần hoàn cầu qua đại dịch coronavirus. Tuy nhiên, giữa những hạn chế và biến động, Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục các nỗ lực cải tổ giáo hội và củng cố lòng nhiệt thành truyền giáo của giáo hội. Dưới đây là một thoáng nhìn lại bảy phương thức chỉ đạo Giáo Hội Công Giáo vào năm 2020 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

1. Hy vọng cho một thế giới đau khổ

Một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của triều đại giáo hoàng này chắc chắn là lúc Đức Phanxicô đứng một mình trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, vào buổi tối ngày 27 tháng 3 trời mưa mù mịt, lạnh giá, tối đen – ở cao điểm đại dịch ở Ý – nhắc nhở nhân dân thế giới rằng “Không ai được cứu một mình” và bảo đảm với họ rằng Chúa Giêsu đang ở với chúng ta trong con thuyền giữa biển khơi gió bão này.

Qua lời nói và cử chỉ của ngài, Đức Phanxicô đã mang lại niềm an ủi và hy vọng cho vô số người đau khổ khắp thế giới — và không phải chỉ cho những người Công Giáo. Trong ít tháng, ngài đã cử hành thánh lễ hàng ngày trong nhà nguyện của nhà khách Tòa Thánh Santa Marta nơi ngài cư ngụ, được truyền hình trực tiếp bởi hệ thống truyền hình quốc gia Ý.

Hàng triệu tín đồ khắp thế giới đã theo dõi trực tuyến. Ngài chỉ thị cho Vatican gửi mặt nạ bảo vệ cho người dân Vũ Hán, nơi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid, đồng thời gửi thiết bị bảo hộ và máy thở đến một số nước nghèo. Đức Giáo Hoàng đã nhờ người phát chẩn của ngài, Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajweski, yêu cầu tất cả các Hồng Y và giám mục ở Vatican đóng góp vào một quỹ để giúp đỡ người nghèo, và ngài đã sắp xếp để Caritas ở Rome tham gia với các cơ quan dân sự của thành phố trong việc thành lập một quỹ để giúp những người thiếu thốn nhất ở đó.

Ngài thành lập một toán đặc nhiệm để giải quyết đại dịch và hậu quả của nó, chủ trương rằng trật tự thế giới sau đại dịch phải giải quyết nhu cầu của người nghèo, những người bị hắt hủi và những người có công việc bấp bênh và bảo đảm cho họ sự an toàn lớn hơn về việc làm, nhà ở, săn sóc sức khỏe và giáo dục.

2. Cải tổ Giáo triều Rôma

Kể từ khi trở thành giáo hoàng, Đức Phanxicô đã làm việc để cải cách Giáo triều Rôma, tìm cách thay đổi văn hóa và thiết kế lại cấu trúc của nó. Ngài chỉ là vị giáo hoàng thứ tư cố gắng cải cách như vậy kể từ khi Đức Sixtô V tổ chức lại cơ quan hành chính của Tòa thánh vào năm 1588.

Dự thảo tông hiến mới của Giáo triều hiện đã gần như hoàn tất. “Predicate Evangelium” (“Rao giảng Tin Mừng”), tựa đề tạm thời của nó, cho thấy chiều kích truyền giáo mà Đức Phanxicô đã ưu tiên cho nỗ lực cải cách này. Đức Phanxicô có kế hoạch công bố tông hiến vào nửa đầu năm 2021 và đi kèm với nó là một loạt các cuộc bổ nhiệm cấp cao nhất, thay thế một số quan chức cấp cao của Vatican lần đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bổ nhiệm bằng những người do chính ngài lựa chọn. Ngài đã thực hiện những thay đổi đầu tiên như vậy vào ngày 9 tháng 12 năm 2019, qua việc bổ nhiệm Đức Hồng Y người Phi luật tân Luis Antonio Tagle làm bộ trưởng Bộ Truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc.

3. Hai bản văn huấn quyền — và một cuốn sách

Đức Phanxicô đã công bố hai bản văn quan trọng có tính huấn quyền vào năm 2020. Bản đầu tiên, “Querida Amazonia,” là tông huấn được viết sau Thượng hội đồng về toàn vùng Amazon. Được công bố vào tháng 2, nó đã mở cửa cho những cách thức mới, có tính sáng tạo để trở thành một Giáo Hội truyền giáo biết lưu tâm đến người bản địa và môi trường ở bảy quốc gia trong khu vực. Bản văn khuyến khích các vai trò lãnh đạo cho giáo dân và dự kiến một nghi thức Amazon.

Vào ngày 3 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký thông điệp “Fratelli Tutti” tại mộ của Thánh Phanxicô ở Assisi. Ngài lấy cảm hứng không những của vị thánh mà còn của Đại Giáo Sĩ của Al Azhar – lần đầu tiên một vị giáo hoàng lấy cảm hứng từ một người Hồi giáo để viết một thông điệp. Bản văn tập hợp giáo huấn xã hội Công Giáo vốn nằm ở tâm điểm huấn quyền giáo hoàng của ngài.

Hai tháng sau, ngài công bố cuốn sách mới nhất của ngài, Let Us Dream (Ta Hãy Mơ Ước), được ngài viết với sự cộng tác của nhà báo người Anh Austen Ivereigh. Nó đề cập đến đại dịch coronavirus và phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng hoàn cầu này có thể giúp nhân loại ra sao để thoát ra “tốt hơn” so với trước đây. Nó cung cấp những hiểu biết sâu sắc về những gì Đức Phanxicô cố gắng thực hiện trong tư cách giáo hoàng, đặc biệt việc ngài cổ vũ việc thực hành đồng nghị, “không chỉ vì lợi ích của giáo hội,” mà còn “như một sự phục vụ cho một nhân loại thường bị bế tắc trong những bất đồng tê liệt”.

Trong đó, ngài nhắc lại rằng trong 19 tháng sống lưu vong ở Cordoba, Argentina, điều mà ngài gọi là một trong ba “trải nghiệm giống như covid” có tính bản thân, ngài đã đọc tác phẩm Lịch sử các Vị Giáo hoàng gồm 37 tập của Ludwig Pastor. Nhìn lại, ngài nói: “Tôi không khỏi thắc mắc tại sao Chúa lại truyền cảm hứng cho tôi đọc các cuốn sách này. Cứ như thể Chúa đang chuẩn bị cho tôi một loại vắc-xin. Một khi bạn biết lịch sử ấy về các vị giáo hoàng, sẽ không có nhiều điều xảy ra ở Vatican và Giáo Hội ngày nay khiến bạn bị sốc. Nó rất hữu ích đối với tôi!”

4. Tai tiếng sinh đôi: Tài chính và Giáo sĩ Lạm dụng

Đại dịch không phải là thách thức quan trọng duy nhất mà Đức Giáo Hoàng phải đối đầu trong năm 2020. Như những năm trước, Đức Phanxicô đã đối đầu với cả những vụ tai tiếng về tài chính ở Vatican lẫn việc lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của hàng giáo sĩ, điều mà ngài mô tả là ba thứ lạm dụng quyền lực, lương tâm và tình dục.

Tiếp tục nỗ lực ngài đã bắt đầu từ năm 2013 để bảo đảm tính trung thực, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tất cả các khoản tài chánh của Vatican, Đức Phanxicô đã chỉ thị cho các thẩm phán của Vatican điều tra và truy tố mọi hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực này và theo dõi bất cứ nơi nào có bằng chứng, bất kể ở cấp cao bao nhiêu. Năm 2020, điều này đã dẫn tới một cuộc điều tra quốc tế về khoản đầu tư gây tranh cãi của Phủ Quốc Vụ Khanh để mua một bất động sản cao cấp ở số 60 Đại lộ Sloane, London, trị giá hàng triệu đô la, khiến Vatican thiệt hại hàng triệu đô la. Cuộc điều tra này bắt đầu bằng việc ngưng chức năm nhân viên của Vatican và khiến Đức Phanxicô cách chức Hồng Y Angelo Becciu, chánh văn phòng cũ của ngài, khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ Phong thánh, và tước các quyền Hồng Y của vị này. Cuộc điều tra gần hoàn tất và các nguồn tin hy vọng các thẩm phán sẽ sớm đưa ra các cáo buộc.

Đức Phanxicô đã thông qua luật mới vào ngày 1 tháng 6 đề cập đến việc ký các hợp đồng ở Vatican. Vào ngày 5 tháng 11, ngài đã tước quyền quản lý và điều hành các quỹ và tài sản bất động sản khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh. Cả hai biện pháp đều nhằm ngăn chặn sự lặp lại các vụ tham nhũng và tai tiếng trong những thập niên gần đây. Tháng 12, ngài đã chấp thuận quy chế mới của Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican để bảo đảm “tính minh bạch và tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực kinh tế-tài chính”.

Kể từ khi được bầu, Đức Phanxicô cũng đã tìm cách chống lại điều có thể gọi là đại dịch bên trong Giáo Hội: việc các linh mục, giám mục và Hồng Y lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Nó vẫn là một công việc đang được tiến hành và không phải không có sai sót. Năm 2020, đối đầu với sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ Vatican, gồm cả của các vị Hồng Y, Đức Phanxicô đã ra lệnh cho công bố “Phúc Trình McCarrick”, một cuộc điều tra thấu suốt về sự thăng trầm của cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Nó được công bố vào ngày 10 tháng 11, theo yêu cầu của các giám mục Hoa Kỳ.

Trong những tháng gần đây, Đức Phanxicô đã bắt đầu đối đầu với một làn sóng tiết lộ các lạm dụng và che đậy đã có từ lâu cũng như mới đây hơn trong Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan. Ngài đã ra lệnh điều tra, cách chức một số giám mục khỏi giáo phận của họ và xử phạt vị Hồng Y lớn tuổi Henryk Roman Gulbinowicz. Các cáo buộc đã xuất hiện, cho rằng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã che đậy sự lạm dụng và vị chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan đã yêu cầu Đức Phanxicô ra lệnh điều tra những cáo buộc này để minh oan cho vị Hồng Y.

5. Thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc

Trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, với mục đích truyền giảng tin mừng, Đức Phanxicô đã tìm cách thiết lập quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Ngày 22 tháng 9 năm 2018, ngài đã cho phép Tòa Thánh ký một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh về việc đề cử các giám mục. Ngày 22 tháng 10 vừa qua, ngài đã quyết định gia hạn thỏa thuận đó thêm hai năm, bất chấp sự phản đối nội bộ của các Hồng Y và những người khác trong Giáo Hội, cũng như sự phản đối bên ngoài từ chính quyền Trump. Đức Phanxicô biết mình đang mạo hiểm nhưng hy vọng việc cải thiện liên hệ giữa Vatican và Trung Quốc sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Giáo Hội mà còn khuyến khích các mối liên hệ hòa bình hơn giữa các quốc gia.

6. Trao quyền cho các nữ Giáo dân

Đức Phanxicô tin rằng giáo dân – nhất là phụ nữ – nên có các vai trò ra quyết định trong Giáo Hội vốn không đòi truyền chức linh mục. Ngày 15 tháng 1, ngài đã bổ nhiệm Francesca Di Giovanni, một nữ giáo dân người Ý, vào vị trí quản trị cấp cao tại Phủ Quốc Vụ Khanh: Phó tổng thư ký thứ hai với trách nhiệm chuyên biệt trong bộ phận đa phương. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao cấp như vậy trong Tòa thánh. Tháng 8, ngài đã bổ nhiệm bảy giáo dân có trình độ cao vào hội đồng kinh tế của Vatican, sáu trong số đó là phụ nữ.

7. Lập các tân Hồng Y

Giống như các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô đã cẩn thận lựa chọn những người ngài phong làm Hồng Y, với hy vọng vị mà các ngài chọn làm người kế vị ngài sẽ tiếp nối các diễn trình mà ngài đã khởi sự để bảo đảm Giáo Hội có tính hướng ngoại, truyền giáo và thương xót, không phán xét hay đối đầu — một Giáo Hội gặp gỡ và đối thoại biết quan tâm đến người nghèo và môi trường. Ngài đã lập các tân Hồng Y hầu như mỗi năm, và thêm 13 vị nữa vào ngày 28 tháng 11. Chín vị trong số này dưới 80 tuổi có quyền bỏ phiếu tại mật nghị bầu Giáo Hoàng, bao gồm cả Hồng Y người Mỹ gốc Phi đầu tiên, Wilton Gregory. Ngày đó, 73 trong số 128 Hồng Y cử tri đã nhận được chiếc mũ đỏ từ Đức Phanxicô, trong khi 39 vị nhận từ Đức Bênêđíctô XVI và 16 vị nhận từ Đức Gioan Phaolô II.

Nhìn về phía trước

Đầu năm 2020, Đức Phanxicô đã có kế hoạch đi thăm một số nước trong năm, bắt đầu với Indonesia, Đông Timor, Singapore và Papua New Guinea. Đại dịch coronavirus đã ngăn cản ngài làm việc này. Tuy nhiên, vào cuối năm, Vatican thông báo rằng Đức Giáo Hoàng có kế hoạch thăm Iraq từ ngày 5 tháng 3 đến ngày 8 tháng 3. Các nguồn tin cho Tờ America biết ngài cũng hy vọng sẽ thăm Nam Sudan. Nhưng với những lo ngại về an ninh và sự kiện đại dịch chưa được kiểm soát, nên người ta vẫn còn phải đợi xem liệu ngài có thể thực hiện được hai giấc mơ này vào năm 2021 hay không.

Vào những ngày cuối năm, bất chấp sự chống đối của một thiểu số nhỏ, Đức Phanxicô vẫn nổi tiếng khắp giáo hội hoàn cầu. Thí dụ, một cuộc khảo sát toàn quốc gần đây ở Ý, do Demos & Pi thực hiện cho mhật báo La Repubblica, chứng tỏ 91% những người đi nhà thờ thường xuyên tin tưởng Đức Phanxicô, cũng như 70% những người không thường xuyên đi nhà thờ và 50% những người không đi nhà thờ.

Đó là dấu hiệu cho thấy khi bước sang tuổi 84, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục là nguồn hy vọng và sự khích lệ quan trọng cho vô số người trên thế giới nơi đang thiếu những điều này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *