Bí mật nghề nghiệp và bí mật tòa giải tội khác nhau như thế nào?

 

Bí mật tuyệt đối của xưng tội không bao gồm các trao đổi mục vụ không xảy ra trong khuôn khổ chính thức của bí tích.

 

Xưng tội có những luật rất chặt chẽ trong Giáo hội công giáo

Sau khi Tòa án hình sự Bruges kết án linh mục Alexander Stroobandt một tháng tù treo và bồi thường một âu kim tượng trưng vì không can thiệp cho một người đang gặp nguy hiểm. Vụ án này đã làm cho Hội đồng giám mục Bỉ phản ứng. Trong một bản thông báo dài ngày 18 tháng 12-2018, Hội đồng nhắc lại các luật lệ căn bản về bí mật nghề nghiệp và bí mật tòa giải tội.

Trong vụ này, Tòa án hình sự Bruges xem linh mục tuyên úy nhà hưu dưỡng Bruges đã sai khi không báo để cứu cấp cho một người điện thoại cho cha biết họ có ý định tự tử. Theo Tòa án, bí mật tòa giải tội có thể xem là bí mật nghề nghiệp nhưng không tuyệt đối vì “đây là bổn phận của một công dân phải cứu cấp người khác”. Luật sư của linh mục Stroobandt không đồng ý lập luận trên và ông sẽ kháng cáo.

Người tuyên úy phải giữ bí mật nghề nghiệp

Các người làm tuyên úy có thể là linh mục, thầy phó tế, tu sĩ hay giáo dân được giám mục ủy quyền theo giáo luật. Bản thông báo của các giám mục cho biết, khi có người muốn nói chuyện với một tuyên úy, thì chung chung họ nói về các kinh nghiệm đời sống riêng hay các vấn đề hiện sinh. “Rõ ràng tất cả các trao đổi này được bảo vệ bởi bí mật nghề nghiệp. Những gì một tuyên úy nghe khi làm mục vụ thì họ không được nói ra.” Ai vi phạm bí mật này là họ phạm lỗi nghề nghiệp. Họ phá hoại uy tín của chức vụ, làm tổn hại đến người đã thổ lộ cho mình và làm suy yếu trật tự công cộng. Các giám mục cho rằng, chính vì vậy sự vi phạm này kéo theo các biện pháp trừng phạt dân sự và giáo luật. Vì thế, với sự quan tâm tối đa, các tuyên úy có tất cả lý do để tôn trọng bí mật nghề nghiệp của họ.

Các thông tin các tuyên úy có được thông qua các con đường khác trong khuôn khổ mục vụ của họ, chẳng hạn qua gia đình hay qua xã hội thì không được bảo mật qua bí mật nghề nghiệp. Dù thông tin này có thể rất hữu ích cho công việc mục vụ nhưng các tuyên úy sẽ xử lý nó một cách rất thận trọng. Vì thế các giám mục Bỉ nhắc lại, cần phải phân biệt rõ giữa đời sống cá nhân và đời sống nghề nghiệp. 

Các tuyên úy không phải là bác sĩ, cũng không phải là cảnh sát

Các giám mục xin các tuyên úy tôn trọng các giới hạn của khả năng và hiệu năng của họ. Họ không thể và cũng không được đảm trách nhiệm vụ của người khác: không là bác sĩ, không là bác sĩ tâm thần, không phải là cán sự xã hội hay tham vấn gia, không phải cảnh sát hay quan tòa, không phải là đối tác hay gia đình. Nhiệm vụ đầu tiên của người tuyên úy là khuyến khích đương sự tự lấy quyết định tốt và biện pháp tốt. Ngay cả khi người tuyên úy muốn bảo vệ một ai đó chống lại chính mình hay người khác, thì người tuyên úy cũng không hành động một cách công khai với danh mình, nhưng có thể hướng dẫn người kia để họ được hỗ trợ một cách thích đáng.

Các ngoại lệ của bí mật nghề nghiệp

Có những tình huống qua đó một tuyên úy có thể hay phải thông báo không? Các giám mục Bỉ thừa nhận, đây không phải là một vấn đề dễ dàng. Theo các giám mục, các trạng huống đặc biệt qua đó một người – trẻ vị thành niên hay một người mong manh – thực sự có nguy cơ với sự toàn vẹn về tinh thần hay thể xác. Nếu một tuyên úy chứng minh họ có thể chận được nguy cơ này nếu họ vi phạm bí mật nghề nghiệp thì khi đó họ có quyền thông báo. Trong trường hợp này, họ không vi phạm bí mật nghề nghiệp. Loại tình huống này có liên hệ đến các vụ lạm dụng tình dục.

Trong trường hợp nghi ngờ, người tuyên úy có thể hỏi lời khuyên của người khác mà không vi phạm bí mật nghề nghiệp. Tương tự với “bí mật nghề nghiệp chia sẻ” giữa các bác sĩ và y tá, giữa các luật sư, một tuyên úy có thể hỏi đồng hữu, người có trách nhiệm trong hàng giáo sĩ hay giám mục của mình, những người không bị ràng buộc cùng một bí mật nghề nghiệp. 

Bí mật tòa giải tội là tuyệt đối

Bản thông báo của các giám mục Bỉ giải thích, bí mật tòa giải tội là một hình thức đặc biệt của bí mật nghề nghiệp. Nó liên hệ đến bí tích giải tội và như thế thuộc phạm vi của các linh mục và giám mục. Bí mật này chỉ bao gồm thông tin mà linh mục nghe khi giáo dân xưng tội. Theo giáo luật, bí mật tòa giải tội là bất khả xâm phạm. “Tuyệt đối cấm cha giải tội phản bội người xưng tội dù bất cứ lý do nào, bằng lời hay bằng một cách nào khác hay với một lý do nào” (CIC, can. 982 – §1). Giáo luật không có luật trừ. Sự bất khả xâm phạm bí mật giải tội áp dụng trong quan hệ với chính quyền dân sự hay với Tòa án.

Trong trường hợp thú nhận tội lạm dụng tình dục

Trong trường hợp các vụ lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên hay trên những người yếu đuối, một linh mục có thể yêu cầu đương sự ra trình diện trước tòa hay những người có trách nhiệm. Linh mục cũng có thể đưa ra yêu cầu đó như một điều kiện để xá tội. Linh mục cũng có thể gián đoạn việc xưng tội và hoãn lại việc xá tội cho đến khi các điều kiện này được đáp ứng. Nếu người đi xưng tội là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, thì linh mục phải dùng tất cả mọi phương tiện của mình để để giúp nạn nhân có được sự trợ giúp nghề nghiệp và nếu cần thực hiện các bước đầu với họ.

Bí mật tuyệt đối của xưng tội không bao gồm các trao đổi mục vụ không xảy ra trong khuôn khổ chính thức của bí tích. Như thế các linh mục hoạt động như người đáng tin cậy hay cố vấn thiêng liêng phải phân biệt rõ đâu là sự chuyển tiếp của một vụ trao đổi trong vai trò cố vấn được bảo vệ bởi bí mật nghề nghiệp thông thường, và xưng tội được bảo vệ bởi bí mật tòa giải tội.

Tóm lại, các giám mục Bỉ lưu ý, mọi người đều cần một nơi mà họ có thể giao phó tất cả kinh nghiệm sống và các vấn đề hiện sinh của họ. Trong lợi ích của mọi người mà các tuyên úy phải dùng tính bảo mật này để họ có thể thận trọng, và nếu cần thiết, họ xin lời khuyên trong các điều kiện thích ứng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *