1. Con người và lịch sử
Niềm Tin Do Thái Kitô giáo luôn luôn xác tín về tác động của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, đó là một Thiên Chúa của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã dính dáng vào lịch sử của một Dân để qua đó, đi vào lịch sử của cả nhân loại. Thiên Chúa đã can thiệp vào diễn tiến lịch sử của Dân Chúa và lịch sử nhân loại bằng quyền năng và tình yêu lớn lao của Ngài, được soi dẫn bằng những “dấu chỉ” trong dòng lịch sử ấy. Nẻo đường chân chính đưa con người tiếp xúc với Thiên Chúa không phải là xuất thần, nhưng là một sự trung tín từng ngày với những dấu chỉ của Thiên Chúa được biểu lộ trong dòng cuộc sống. Đời sống đức Tin như thế trở nên một lịch sử nghĩa tình và có khả năng dẫn dắt người tín hữu đi vào nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.
Khởi từ Vatican II, có một nỗ lực triển khai trong chiều hướng thần học lịch sử và cụ thể để đưa Giáo Hội thoát khỏi một lối nhìn siêu lịch sử và suy diễn mọi sự từ một nguyên lý trừu tượng; để mở ra cho Giáo Hội sự hiểu biết đa dạng, xuyên qua không gian và thời gian, qua những nền văn hoá và văn minh. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa con người và Thiên Chúa, dưới ánh sáng đức Tin, là ý nghĩa đích thực của tất cả lịch sử và do đó, trở nên “lịch sử cứu độ” hay “nhiệm cục cứu độ”. Chân lý cứu độ không còn là một hệ thống các ý tưởng soi sáng chúng ta từ trên cao, nhưng là một lịch sử hướng tới tương lai đầy tràn ý nghĩa mà con người không ngừng khám phá, xây dựng, thông hiểu và tác tạo nên.
Chắc chắn rằng Nước Trời, trong sự hoàn hảo của nó, là một thực tại đang đến. Nhưng với Chúa Kitô, Nước Trời cũng là một thực tại đã đến rồi. Và khi đó, mầu nhiệm đức Kitô đang thể hiện trong chính thời gian. Lịch sử trở thành thành phần toàn vẹn của Vương Quốc.
“Vương Quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39)
Từ lâu trong Giáo Hội, vẫn có một não trạng “siêu lịch sử” chi phối suy tư thần học và cung cách sống đạo. Khuynh hướng ấy giả thuyết rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa và đạt được ơn cứu độ của Ngài diễn ra hoàn toàn trong một nơi huyền nhiệm nào đó của tâm hồn, một tầm hồn không bị nhiễm bẩn do những thực tại của không gian và thời gian. Do đó, người ta nỗ lực thoát khỏi những biến động của thời cuộc, nhìn những biến cố lịch sử xung quanh mình như một thế giới đi song song hoặc bên ngoài đời sống thiêng liêng. Suy tư thần học trong những thập niên cuối thế kỷ XX, nhờ vào các nhà thần học như Newmann, Teilhard de Chardin, Congar, Chenu, Danielou, Rahner, de Lubac, Schillebeeckx …, luôn ý thức rằng chiều kích thời gian thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người và tạo nên tính chất thiết yếu của mọi kinh nghiệm nhân sinh cũng như kinh nghiệm đức Tin. Kinh nghiệm đức Tin chính là nhận ra “nơi chốn” thực hiện nhiệm cục cứu độ, kinh nghiệm ấy được thực hiện trong chính lịch sử. Theo nghĩa này, không có đức Tin, không có ơn cứu độ, không có thần học nào ở ngoài lịch sử; bởi vì đức Tin là sự trả lời đối với một biến cố, ơn cứu độ cũng chính là một biến cố và thần học chỉ có thể hiện hữu khi dựa vào những sự kiện, từ Abraham cho đến đức Giêsu Kitô, và đến Giáo Hội, một Giáo Hội vốn sống trong không gian và thời gian. Làm thần học không phải chỉ là mở cuốn Denzinger, nhưng còn là suy tư một cách chân chính trên những chất liệu cuộc sống, dựa trên ánh sáng của mạc khải.
Thần học nẩy sinh trong lịch sử, được đọc trong lịch sử và hướng về lịch sử, bởi vì Thiên Chúa đã trở nên Lời và nên một biến cố lịch sử. Kitô giáo không phải là một hệ thống các tư tưởng, nhưng là “nhiệm cục cứu độ”. Chúng ta không thể hiểu được thế giới nếu loại bỏ thời gian và những đặc tính riêng biệt, cụ thể của thế giới. Chính đường nét ấy thể hiện tính mới mẻ riêng biệt của mặc khải Do Thái – Kitô giáo, so với những quan niệm Đông phương cũng như Hy Lạp.
Cuộc sống trong dòng lịch sử không phải là những chướng ngại cho sự hiểu biết chân lý, nhưng đó là nơi chốn duy nhất của mạc khải và là nơi thực hiện chân lý mạc khải. Theo nghĩa này, mạc khải Thánh Kinh dẫn dắt người tín hữu vượt qua mọi quan niệm siêu-lịch-sử, cũng như mọi quan niệm về lịch sử như một chu kỳ tuần hoàn, có tính cách định mệnh và đóng kín.
2. Tích cách hiện sinh của đời sống đức Tin
Sự can thiệp và dẫn dắt của Thiên Chúa đối với dòng lịch sử không phải là một sự cưỡng chế mà bằng một “lời mời gọi” Ngài không luôn bẻ quặt chiều hướng lịch sử nhưng muốn được nhìn nhận và được đón nhận một cách tự do trong lòng tin. Chính vì thế, Ngài ban những dấu chỉ và chính bản thân Ngài trở thành “Dấu chỉ” mời gọi lời đáp trả của nhân loại.
Do đó, vận mạng của con người không phải được đúc khuôn từ trong ý định của Thiên Chúa, nhưng chính là hành trình đáp lại một ơn ban, là thể hiện mình như được Thiên Chúa mời gọi để tiến vào sự hiệp nhất trong tình yêu với chính Ngài. Hồng ân tuyệt diệu của Thiên Chúa sẽ trở thành “vô nghĩa” đối với con người, nếu con người từ chối chính ý nghĩa của niềm Tin.
Như thế, cùng với Thiên Chúa, con người cũng được coi như kẻ tác tạo nên lịch sử đích thực, chứ không phải chỉ là một dụng cụ thuần túy trong tay một số phận vô ngã từ trên cao, cũng không phải là một trò chơi may rủi như một sự “tổng hoà của những mối quan hệ” trong xã hội loài người.
Đời sống đức tin thiết yếu là một sự lựa chọn trên hành trình cuộc đời, một sự lựa chọn trong thái độ căn bản của niềm tin, nghĩa là một sự lựa chọn như lời đáp trả đối với ánh sáng, đối với lời mời gọi của đức tin. Như thế chúng ta hiểu ra được ý nghĩa hết sức quan trọng của sự trung tín. Trung tín không phải chỉ là nhắm mắt thực hiện cho đúng những giới luật đã có sẵn; nhưng sâu xa hơn, đó là một cuộc đối thoại thường xuyên trên hành trình cuộc đời, đó là một sự từ bỏ thường xuyên trong những quyết định của cuộc đời, đó là một sự dâng tặng thường xuyên trong những hy sinh, và hy sinh cả cuộc đời của mình, để cùng với Chúa tác tạo nên lịch sử của ơn cứu độ, nơi chính lịch sử của đời mình và trong dòng lịch sử của thế giới chung quanh mình.
Sự lập lại các bí tích Kitô giáo như là một sự triển khai nền tảng bí tích Rửa tội cũng cho thấy tính cách hiện sinh trong giao ước của Thiên Chúa với con người. Trong các bí tích, Thiên Chúa lại tái hiện lại sự chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, để khẳng định một cách hiện sinh lòng trung tín của Thiên Chúa. Con người đón nhận các bí tích như là một lời nhắc lại giao ước bản thân của bí tích Rửa Tội, đồng thời kết hiệp vào đó dòng đời của mình, những sự kiện xẩy ra trên dòng đời của mình.
3. Trong Chúa Kitô, con người tìm được khả năng bắt đầu lại
Đời sống con người được đặt vào trong sự biến chuyển tuần hoàn của vũ trụ. Ngày, tháng, năm… của vũ trụ dành cho con người biểu lộ một sự mới mẻ nào đó là điều hết sức cần thiết. Cần có ngày mới, tháng mới, năm mới để con người có thể bắt đầu lại hành trình lịch sử của mình.
Tuy nhiên, trong khi sự xoay vần của vũ trụ là một chu kỳ tuần hoàn khép kín của thiên nhiên, thì con người lại nương vào vòng chu kỳ ấy để thể hiện lịch sử đời mình như “một vòng xoắn ốc”, nghĩa là một sự vươn lên, một sự đổi mói thật sự trở nên khác, chứ không phải chỉ là vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại. Con người thể hiện đời mình trong dòng lịch sử cần cái những khởi đầu mới.
Thực sự, con người là huyền nhiệm không dễ gì toát lược được. Thân xác con người thôi, đó đã là một điều gì quá huyển diệu; rồi linh hồn con người… lại càng có biết bao điều huyền diệu mà đến nay người ta hiểu ra rằng không một học thuyết nào có thể toát lược được toàn vẹn bản chất của con người. Tuy nhiên, điều làm nên những bất ngờ huyển diệu nhất của con người chính là lịch sử, chính là thời gian. Trong thời gian, con người này với bản chất này, con người kia với bản chất kia… có thể đổi mới một cách không ai có thể tính trước được. Lịch sử đời người, lịch sử nhân loại, tự nó, đã bao hàm một sức sống mới kỳ diệu.
Tuy nhiên, điều còn kỳ diệu hơn rất nhiều, đó lịch sử ơn cứu độ, nghĩa là lịch sử đầy bất ngờ ấy lại được nhân lên gấp bội trong sự bất ngờ của Thiên Chúa được thông ban cho lịch sử con người.
Đức Kitô là một khởi đầu mới cho Nước Trời, Nước Trời như men, như hạt. Chính sự gắn bó với Chúa Kitô, hành trình lịch sử của con người trở nên phong phú, bất ngờ, vượt qua trí năng suy tính của con người. Ai có thể ngờ một tên trộm, cho đến giờ phút cuối của cuộc đời, chỉ với một lời cầu nguyện duy nhất trong cuộc đời, lại là người chiếm được Nước Trời “ngay hôm nay” ? Ai có thể ngờ được một con người như bà Maria Madalena đi đến một kết thúc như một vị thánh ?….
Thật sự, trong đức Giêsu Kitô, con người luôn có thể bắt đầu lại, luôn có thể đưa đời mình vào một hành trình mới, siêu việt cách triệt để … và chính trong ý nghĩa ấy, sự trung tín lại trở thành mấu chốt mang tính quyết định cho vận mạng một đời người.