Con người mới (09.04.2024 – Thứ Ba Tuần II Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 4,32-37, Ga 3,7b-15

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 3,7b-15)

7b Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” 10 Đức Giê-su đáp : “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông : chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

Con người mới (09.04.2024)

Tâm thức hôm nay – Nhiều người rất sợ người khác đánh giá thấp vì nghèo hèn; xe cộ ộp ẹp, rớt đời; điện thoại rẻ tiền; áo quần lỗi thời hay nhà cửa nhỏ bé, cũ kỹ… Đây là một nghịch lý thường thấy trong cuộc sống. Con người – Trong đó có các Ki-tô hữu – Hãy tự hỏi chúng ta đang sống với những giá trị nào là ưu tiên ? Đời này hay là đời sau ?

Chắc hẳn ai ai cũng từng đau đáu, cuộc sống đời sau không lệ thuộc vào những vật chất tầm thường, những giá trị hảo huyền dựa trên những phương tiện hoặc sự đánh giá của người khác. Mục đích sống hôm nay, không phải nhắm vào những tài sản vật chất, sự nghiệp chóng tàn ở cõi thế này. Nhưng quy hướng về trời cao là nơi – Con người mới, tin vào Chúa Phục Sinh – Sẽ được ở cùng Chúa trong hạnh phúc Nước Trời.

Tin Mừng theo thánh Gio-an hôm nay, đã chỉ cho mọi người phương thế như thế nào để trở thành con-người-mới (x. Ga.3,7b-15)

Ông Ni-cô-đê-mô là vị thầy của người Do-thái, một nhà thông thái. Với khả năng trí khôn của mình; ông đến với Chúa Giê-su để muốn hiểu biết về Sự Thật, cũng như muốn biết rõ hơn nữa về con người của Chúa Giê-su. Qua đó, Chúa Giê-su mời gọi: Ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên; đừng chỉ dựa vào khả năng trí khôn và hiểu biết của mình mà thôi, nhưng hãy nhờ đến sức mạnh từ trên cao của Chúa Thánh Thần. Cụ thể là phải sinh ra lại và sinh ra từ ơn trên và tin vào Thiên Chúa: “Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Cũng vậy, qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã cho con người được sống lại với Chúa. Chúa đã biến đổi họ thành con người mới. Chúa đã cho con người một cuộc sống mới – Cuộc sống của Chúa – Để một khi con người hướng lòng về trời, thì chúng ta sẽ sống cuộc sống có ý nghĩa dưới đất để chờ đợi ngày Chúa quang lâm.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (x. Cl.1,1-2). Amen.

CÁT BIỂN

Tái sinh (18.04.2023)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho biết ông Ni-cô-đê-mô – một thủ lãnh của người Do-thái – chọn thời điểm yên tĩnh nhất trong ngày (vào ban đêm ) đến gặp Đức Giê-su để giải quyết nỗi bất an thắc mắc trong lòng ông làm sao để nhìn thấy Nước Thiên Chúa và làm sao có thể vào Nước Thiên Chúa ?

Đức Giê-su đã trả lời ông: “Không ai có thể thấy được Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh (sinh ra một lần nữa) bởi Ơn trên” và “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí”.

Đối với thánh Gio-an Tông đồ theo bản văn Tin Mừng thì được tái sinh do bởi Ơn trên chính là Tin.

Tin là nhìn nhận Đức Giê-su chính là Con và là sứ giả của Chúa Cha (x. Ga. 17,21-25)

Tin là đến với Đức Giê-su và gặp gỡ Người (x. Ga. 6,35-37)

Tin là nhận biết Đức Giê-su và cùng với Người biết Chúa Cha (x. Ga. 10,38; 14,7.20)

Do đó,

Tái sinh bởi Ơn trên là được các dấu lạ khơi động tâm thức bản thân và nhờ lời chứng của Thiên Chúa nâng đỡ cho ai được tái sinh.

Tái sinh bởi Ơn trên là cởi bỏ con người cũ trở thành như trẻ thơ.

Tái sinh bởi Ơn trên là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa hành động, là khước từ tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.

Lạy Chúa, xin cho con được tái sinh bởi Chúa Thánh Thần. Xin cho con mãi mãi là một trẻ thơ để dễ vào Nước Chúa hơn. Amen. 

CÁT BIỂN 

Sứ mạng làm ngôn sứ

Hẳn chúng ta đã biết, Nicôđêmô là một người vị vọng trong dân Do thái. Ông kính phục và dành cho Chúa Giêsu nhiều cảm tình tốt đẹp. Ông muốn tìm hiểu thêm về giáo lý của Ngài nhưng vì sợ người Do thái dị nghị, ông không dám tìm gặp Chúa vào ban ngày, nên đã tìm gặp Chúa vào ban đêm. Và trong cuộc trao đổi thân mật ấy, Chúa Giêsu đã đề cập tới sự cần thiết phải lãnh nhận bí tích Rửa tội để được ơn cứu độ. Ngài nói với ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.

Thánh Augustinô đã diễn tả một cách rất ý vị về vấn đề này như sau:

Ðối với chúng ta, có hai ngày sinh nhật. Một ngày chúng ta được sinh ra cho trần gian, còn một ngày chúng ta được sinh ra cho Nước trời. Một ngày chúng ta được sinh ra cho xác thịt, còn một ngày chúng ta được sinh ra cho tinh thần. Một ngày chúng ta được sinh ra bởi người cha và người mẹ, còn một ngày chúng ta được sinh ra bởi Thiên Chúa và Giáo hội. Một ngày chúng ta được sinh ra làm con cái sự chết, còn một ngày chúng ta được sinh ra làm con cái sự sống. Một ngày chúng ta được sinh ra dưới gông cùm tội lỗi, còn một ngày chúng ta được sinh ra dưới sự giải thoát khỏi gông cùm ấy.

Người Kitô hữu được tái sinh bởi nước và Thần Khí qua bí tích Rửa Tội. Nước ân sủng, nước từ trái tim Con Chúa đổ ra tẩy rửa tội nguyên tổ và tội riêng trong quá khứ. Được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong mầu nhiệm vượt qua. Đồng thời tham dự quyền lợi và bổn phận thi hành ba chức năng của Đức Kitô (Ngôn sứ, Tư tế, Vương đế). Còn Thần Khí tiếp tục thánh hóa, thúc đẩy linh hồn sống Chân lý cho thăng hoa đến mức hoàn thiện trong nước trời.

Quý ông bà và anh chị em, có thể tham khảo thêm về Bí tích Rửa tội tại Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo từ các số 1213 đến 1284.

Làm người Ki-tô hữu được nhận lãnh thiên chức ngôn sứ từ khi chịu phép thanh tẩy. Nhưng trong chúng ta được mấy ai khắc sâu vào lòng mình ơn trọng này, và hiểu biết nó cho thấu đáo. Để làm cho nén bạc hồng ân sinh lợi dồi dào. Sự thờ ơ bê trễ đức tin, đáng buồn như một thứ bệnh dịch truyền đời từ dòng máu nhiễm tội nguyên tổ để lại, dẫn tới đời sống kém đạo đức, khô khan hay cuồng nhiệt đi tìm mình trên đường về với Chúa. Những ai có hồn tông đồ và khát vọng trọn lành không thể chối cãi thực trạng này nơi chính mình và nơi một số đông anh em. Không hiểu biết thiên chức – ơn gọi – sứ mạng được trao ban có giá trị và quan trọng như thế nào, làm sao biết trân trọng và quý hóa nó. Nói chi đến việc thi hành nó cho sinh ra hoa trái nước trời! Hãy học để biết mình là một ngôn sứ! Hãy khát vọng dấn thân trở nên một tông đồ đích thực cho: Lời tình đã ngỏ được tỏ với nhân gian. Cho ân ban không còn bị chôn dấu dưới lớp vỏ yên hàn vốn có. Hãy thao thức ra đi tự cõi lòng!

Đức tin đòi buộc người tín hữu xem việc thực hiện thiên chức ngôn sứ như một sứ mạng cao cả. Đã được Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban qua lời dạy của Chúa Giê-su: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28. 18-20). Ý thức vai trò của mình trong sứ mạng được trao ban này, thánh Phao-lô đã khẳng khái tuyên bố “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9. 16). Cùng chung hưởng dòng máu thanh tẩy, cùng nếm trải tình yêu vô bờ của mối tình thập giá Chúa Ki-tô. Mỗi tín đồ Công giáo có trách vụ xem sứ mạng ngôn sứ như màu cờ sắc áo linh thiêng mà chính mình đã thề hứa dấn thân.

Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,

Kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,

Cho mọi nước hay những kỳ công của Người (Tv 96).

Sứ mạng làm ngôn Sứ thiêng liêng và cao quý biết bao!

Làm ngôn sứ ta nói về Thiên Chúa. Một Thiên Chúa Độc Tôn uy danh lẫy lừng, chủ thể các thần minh. Thiên Chúa tác sinh nên vạn vật hữu hình và vô hình, nắm trong tay Ngài sự sống chết mọi loài với quyền toàn năng tuyệt đối. Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng duy nhất. Nhân hậu yêu thương lạ lùng mà cũng công thẳng đến kinh sợ. Ngài ngự trên cao vời vợi cõi nhiệm mầu song lại hiện diện tại lòng người.

Làm ngôn sứ ta rao giảng lời Chúa, đem ánh sáng chân lý xua đi bóng tối tăm phủ trùm nhân loại tự ngàn đời. Ta truyền thông Lời ánh sáng, Lời sinh lực làm rạng ngời lên những đôi mắt tâm linh mù loà. Mở những đôi tai còn phong kín cho tâm hồn hớn hở đón Tin Mừng cứu độ, và nghe yêu thương rót vào lòng.

Làm ngôn sứ, đem lời quyền năng giải phóng những linh hồn chịu xích xiềng giam hãm trong ngục tù tội lỗi đưa đến sự chết của Sa-tan. Cho vinh quang  phục sinh mang niềm hạnh phúc thoả lòng bừng lên giữa cõi đời đau khổ, vô vọng, nơi phận người từng cúi đầu khuất phục trước lưỡi hái của tử thần. Chúng ta rao truyền lời phân cách tâm với linh cho lý trí kìm cương xác thịt, tinh thần phúc âm thống lĩnh và thăng hoa những dục vọng đê hèn.

Làm ngôn sứ, chúng ta đem lời tha thứ xua tan lầm lỗi, nói lời tình yêu hàn gắn những con tim tan vỡ bởi đau thương hận thù. Có lúc ta nói lời chẳng phát thanh âm, song hương thơm thánh thiện huyền bí dậy men tình cứu độ. Đem lại an bình và hạnh phúc cho muôn triệu linh hồn . . .

Mang thiên chức ngôn sứ ở nơi mình, thi hành nó ta lại biến đổi chính mình. Hoàn thiện hoà tan đời mình vào nguồn ơn cứu chuộc. Từ thân phận con người mang án tử, ta có quyền hy vọng reo vang khúc hát phục sinh vinh hiển khải hoàn. Từ địa vị:

“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng

Một cơn gió thoảng là xong,

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103. 15-16).

Ta trở nên bất tử. Ngời vinh quang, tràn trề hạnh phúc được chuộc về nhờ giá máu Chiên Con. Thân tù bị xích xiềng bao năm trong tội, ta ngỡ ngàng cất tiếng hát vang:

“Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,

Ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

Vang vang ngoài miệng câu cười nói,

Rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:

“Việc Chúa làm cho họ vĩ đại thay!”

Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.  (Tv.126).

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh! Xin Thần khí biến đổi chúng con thành khí cụ bình an mang lời Chúa đến tha nhân. Amen.

Ngộ… (26.04.2022)

Hán ngữ có chữ 悟 (ngộ), nghĩa là hiểu thấu, biết rõ. Gồm bộ Tâm (忄– tâm lòng) và chữ Ngô (吾 – cái tôi – ngôi thứ nhất). Vậy thì Ngộ có ý diễn tả mức độ thấu hiểu của một con người; bởi lẽ muôn sự muôn việc đều do lòng người nghĩ suy rồi mới nói ra.

Cái thâm thúy của chữ Ngộ (悟) đó là: Một người đã tự nhận thức và hiểu rõ tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác thì không còn sự gì trên đời này mà không hiểu được nữa.

Tin Mừng Gio-an hôm nay khai mở cái “ngộ” của ông Ni-cô-đê-mô qua cuộc đàm đạo của ông với Chúa Giê-su trong khung cảnh của một đêm thanh tĩnh chỉ có hai người. Chúa Giê-su đã trả lời ông bằng một câu chất vấn: Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết việc phải sinh ra một lần nữa bởi nước và Thần Khí à ? Tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? (x. Ga. 3, 5-15)

Thế mới biết, con người cần phải có sự chân thành, khiêm tốn đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình sẽ giúp ta mạnh dạn hơn, cởi mở hơn, cũng như sẵn sàng đón nhận chân lý cuộc sống để vượt qua “cái tôi” của mình trong cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng mến yêu nhiều để “ngộ” ra được mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và xin cho con thêm sự khiêm nhường để “ngộ” ra chính bản thân mình, để con ngày càng lớn lên trong tin yêu nhờ ơn Thần khí Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Hướng cuộc đời mình tới sự Phục Sinh (13.04.2021)

Suy niệm: “Đầu đội trời, chân đạp đất” là tinh thần sống của người Ki-tô hữu. Tuy đang ở trần gian, người Ki-tô hữu đã hướng lòng lên Đấng Phục Sinh, đồng thời hướng cuộc đời mình tới sự Phục Sinh sau này. Đây không phải là một lối sống hão huyền, hay một niềm hy vọng vô căn cớ. Chính Đức Giê-su là Đầu đã khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh, thì chúng ta là chi thể của Thân Mình Đức Giê-su cũng sẽ theo Đầu đi vào trong vinh quang Phục Sinh với Người. Nhưng làm sao có Phục Sinh nếu không kinh qua thập giá? Đầu đã chịu giương cao trên thập giá nên cũng được giương cao trong vinh quang Phục Sinh. Tương tự như thế, chúng ta cũng đi theo con đường thập giá đến vinh quang.

Mời Bạn: Cuộc đời người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai là sự phục sinh hay Nước Trời, và vì tương lai phục sinh mà chấp nhận đi vào con đường tự hủy. Định luật: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24) là một lời kêu mời thiết thực cho những ai muốn được phục sinh với Đức Giê-su.

Chia sẻ: Bạn đã nối kết những hy sinh thập giá đời mình với thập giá Đức Giê-su thế nào?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ thánh giá đời bạn cho một người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh la niềm hy vọng cho chúng con, xin hướng tâm lòng và cuộc đời chúng con tới Chúa, để dù đang sống trong những thực tại với nhiều hy sinh thập giá, chúng con vẫn tìm được niềm vui.

Cần phải tái sinh để được hưởng ơn cứu độ của Chúa (22.04.2020)

Qua cuộc đàm đạo với Nicôđêmô trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết về nguồn gốc và vai trò của Người trong việc cứu độ con người. Để được sự sống đời đời, ngoài điều kiện được sinh lại bởi ơn trên nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải can đảm dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc chấp nhận những thử thách, gian nan, khốn khó ở đời này với lòng tin tưởng vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Chúa ơi! Con đã chọn Ngài

Tâm –  tình dâng hiến, không phai lời thề

Tình thương của Chúa tràn trề

Cứu chuộc nhân thế, đưa về cùng Cha

*

Tình thương của Chúa bao la

Dành cho con đó, chính là ơn thiêng

Đời con vẫn mãi triền miên

Chăm lo phục vụ, thường xuyên giúp người

 

Con người cần phải được “tái sinh bởi ơn trên”. Đó là phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhưng ở đây còn có những ý nghĩa khác nữa. “Sinh ra lần nữa bởi ơn trên” nghĩa là chúng ta vui mừng đón nhận ơn lành từ phép Rửa Tội như là một nguồn sống mới cho cả nhân loại.

Lòng con luôn thấy vui tươi

Vì Chúa hiện diện, mỉm cười với con

Chúa luôn chúc phúc ban ơn

Cuộc sống thánh thiện, đẹp hơn từng ngày

*

Quá khứ, hiện tại, tương lai

Con luôn theo Chúa, xin Ngài đoái thương

Lời Ngài minh bạch tỏ tường

Dìu con tiến bước trên đường dương gian

 

Cuộc sống ở trần gian này chỉ mang tính chất tạm thời, qua mau. Đức Giêsu cũng đã trải qua cuộc sống đời này, Ngài biết tất cả những gì của thân phận con người và chấp nhận chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, trước khi về với Nước Thiên Chúa là sự sống vĩnh cửu. Do vậy, chúng ta cũng phải biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Đó chính là Quê hương Thiên Đàng mà Chúa đã dành sẵn cho những ai tin tưởng và cậy trông tín thác vào Ngài.

Chọn Ngài con thấy hân hoan

Cuộc sống tốt đẹp đầy tràn thánh ân

Ngày mai chung hưởng phúc phần

Nước Trời vinh hiển tinh thần hỷ hoan

 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn can đảm và mạnh mẽ, để chúng con dám dấn thân sống cho sự thật, mặc dù nhiều khi việc sống theo sự thật gây cho chúng con những khó khăn và đau khổ. Lạy Chúa! Xin hãy ở cùng chúng con luôn mãi. Amen.

HOÀI THANH

Sự sống vĩnh cửu… (30.04.2019)

Ngày 30.04: Lễ Nhớ Thánh Piô V, Giáo Hoàng (1504-1572)

Con người thời nay vừa lo sợ bệnh tật, chết chóc… vừa an tâm bấu víu vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc sống đời này. Bởi lẽ, cuộc sống hôm nay cho mọi người nhiều tiện nghi thoải mái. Nó mời con người ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng tùy thích. Thế nhưng, bên cạnh sự tiện nghi sung sướng, thì con người ta cũng mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu của cuộc sống. Và con người vẫn kiếm tìm và khát khao một hạnh phúc đích thực sau kiếp đời hiện tại.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su khẳng định:

Ai muốn vào Nước Thiên Chúa thì phải được tái sinh bởi Thần Khí và phải tin vào Đấng được giương cao như Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc khi xưa vậy (x Ga 3, 7-15).

Nước Thiên Chúa hay Sự Sống Vĩnh Cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao. Đức Giê-su được giương cao khi bị treo trên thập giá, và khi Người phục sinh.

Nước Thiên Chúa hay Sự Sống Vĩnh Cửu chính là hạnh phúc đang chờ đợi người Ki-tô hữu sau cái chết. Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đến đâu.

Lạy Chúa, xin cho con được tái sinh, đổi mới nhờ Thần Khí để con được nhận lãnh Sự Sống Vĩnh Cửu từ nơi Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Sự sống đời đời…

Sự sống đời đời là một chủ đề nhân sinh lớn tầm cỡ. Vấn nạn này khiến cho con người ở mọi thời đại không ngừng suy tư và đổ xô đi tìm vị thuốc trường sinh bất tử, mong sao tuổi thọ con người sánh ngang trời biển ! Kết quả đều thất bại, đều chết; thậm chí chết trước tuổi thọ nữa kia !

Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhớ các Ki-tô hữu hãy chú trọng một dạng thức sự sống mới – Sự sống thần linh, sự sống đời đời – hơn là chỉ chăm bẳm lo lắng cho sự sống tự nhiên, sự sống chóng qua đời này. Qua đó, Chúa cũng đòi buộc mỗi người phải được “tái sinh” vào đời sống thần linh diệu huyền đó.

Sự sống cụ thể mà Đức Giê-su đòi hỏi chính là sự sống từ ơn trên. Nghĩa là cần  phải được tái sinh, cần phải được đổi mới nhờ Thần Khí.

Trong Cựu Ước, hình ảnh con rắn đồng được ông Môi-sê treo lên là dấu hiệu cứu độ: Hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng với niềm tin vào Thiên Chúa thì được cứu. Cũng vậy, để được cứu khỏi ách nô lệ tội lỗi và quyền lực sự chết, nhân loại cũng phải nhìn lên Ðức Giê-su – Con Thiên Chúa được giương cao trên thập giá – Nghĩa là phải tin vào Người (x. Ga 3,14-15)

Sự sống đời đời trao ban cho nhân loại, được phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải do kiến thức của mỗi người có được. Vì thế, mỗi người cần phải sám hối để đón nhận ơn của Chúa, và trung thành đi theo đường lối ấy thì mới mong được cứu độ.

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sẵn sàng đi trên đường lối cứu chuộc mà Chúa đã chỉ ra cho chúng con. Amen.

CÁT BIỂN

Tái sinh 

Chúa Giêsu giải thích cho ông Nicôđêmô hiểu rõ hành động của ông Môsê trong Cựu Ước, để ông hiểu rằng không phải con rắn đã ban lại sự sống cho dân Chúa, mà quyền phép chữa lành chính là ở việc tin nơi Thiên Chúa. Con rắn đồng chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng, để quy hướng cho con người ta hướng tư tưởng của mình về Thiên Chúa, và khi họ nghĩ đến Người thì được chữa lành.

Chúa Giêsu khẳng định với ông Nicôđêmô: Không ai có thể nhìn thấy và vào được Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa nhờ bởi ơn thiêng (x. Ga 3,5-7). Sinh ra một lần nữa, cũng có nghĩa là tái sinh vậy.

Chúa Thánh Thần được sai đến để thánh hóa Giáo hội luôn mãi, để các tín hữu Chúa có thể đến với Chúa Cha qua Ðức Kitô trong Chúa Thánh Thần (x. Ep 2:18). Giáo hội luôn dạy rằng mỗi người chúng ta được thông chia sự sống của Thiên Chúa, khi được nhận lãnh Chúa thánh thần qua bí tích Thánh Tẩy. Chính bí tích Thánh Tẩy cứu thoát mỗi người chúng ta, cho chúng ta sự sống mới nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô (x. 1Pr 3,21).

Chúa Thánh Thần thông ban đức tin, đức cậy, và đức ái; làm cho chúng ta có thể phát triển trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Qua bí tích thánh tẩy, Chúa Thánh Thần đã tái sinh chúng ta. Ngài cho chúng ta một đời sống mới, đời sống thật sự làm con cái Chúa. Từ đó, sự sống của Thiên Chúa bắt đầu đến với cuộc đời của mỗi người, và làm cho chúng ta trở nên “Con của Thiên Chúa” và trở thành “người thừa kế của Ðức Kitô”.

Thế nhưng, để được tái sinh, thì mỗi người cần phải sám hối, và nhận lãnh phép rửa, để được ơn tha tội, và được nhận lãnh ân huệ là Thánh Thần và hoa trái của Ngài đó là: yêu thương, vui vẻ, bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. (x. Cv 2,37-38; Gl 5,22-23).

Lạy Chúa, xin cho con được tái sinh bởi Chúa Thánh Thần và những hoa trái của Ngài để cuộc đời chúng con trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Chúa cho mọi người trong lòng thế giới hôm nay. Amen.

CÁT BIỂN

Sinh ra bởi Thần Khí

“Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)

Suy niệm: Mặc cho cái định nghĩa “khô như ngói” của các nhà khoa học rằng “gió” là hiện tượng chuyển động của không khí trên diện rộng, gió vẫn còn nguyên sức hấp dẫn huyền bí của nó như J.R.R. Tolkien (Ton-kin), tác giả cuốn tiểu thuyết thời danh “Chúa Tể những chiếc nhẫn”, đã ca ngợi: “Không tiếng nói, vẫn kêu gào; không đôi cánh, vẫn bay cao.” Chúa Giê-su cũng sánh ví hoạt động của Chúa Thánh Thần như ngọn gió thần linh: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, không ai biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (x. Ga 3,8). Người ta chỉ nhận ra gió hoạt động chứ không thấy gió là gì. Cũng thế, Chúa Thánh Thần hoạt động cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, hữu hiệu nơi những người “được sinh bởi Thần Khí”. Các tông đồ là chứng nhân về những điều ấy cũng được tràn đầy Thánh Thần trong ngọn gió thần linh của ngày lễ Ngũ Tuần để nhờ đó các ngài đã làm biến đổi thế giới.

Mời Bạn: Giờ đây, nhờ bí tích Rửa tội, bạn “sinh ra bởi Thần Khí” nên bạn cũng “sống theo Thần Khí”, đó là biết từ bỏ những đam mê xác thịt và làm trổ sinh những “hoa quả của Thần Khí” để nhờ đó thế giới này được tốt đẹp hơn.

Sống Lời Chúa: Đọc thư thánh Phao-lô (Rm 8,1-13; Gl 5,16-24) để hiểu bạn phải làm gì để “sống theo Thần Khí”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đừng để cho ngày nào qua đi mà chúng con không kêu cầu Chúa, không cảm tạ Chúa, không thờ lạy Chúa, không mến yêu Chúa, không sống như những đồ đệ chăm chỉ của Chúa. Chúng con xin Chúa ban ơn ấy cho chúng con. (Chiara Lubich)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *