Cha Cố Phêrô Nguyễn Văn Huấn, O.P.

Sáng thứ Bảy ngày 16.7.2022, một ngày thật đặc biệt và nhiều niềm vui đối với anh em Đa Minh Việt Nam. Đặc biệt vì hôm nay là ngày bế mạc tuần tĩnh tâm năm, đây là dịp tĩnh tâm mà số lượng anh em về tham dự đông đủ nhất từ trước đến nay (quy tụ gần 250 anh em trên khắp mọi miền). Vui vì Thánh lễ Bế mạc Tĩnh tâm đồng thời cũng là Thánh lễ Tạ ơn mừng quý Cha kỷ niệm Kim Khánh – Ngân Khánh Linh Mục và Khấn Dòng trong năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên mà Tỉnh Dòng bội thu nhiều “lễ Vàng – lễ Bạc” như thế: 7 Vị mừng 50 năm Linh mục, 3 Vị mừng 25 năm Linh mục, 1 Vị mừng 50 năm Khấn Dòng và 14 vị mừng 25 năm Khấn Dòng. Sáng hôm nay, toàn thể anh em Đa Minh Việt Nam đều hướng lòng về Tu viện Martin, Hố Nai để cùng quý Cha Anh cất cao lời ca tạ ơn: “Laudare – Benedicere – Praedicare”.

Và cũng 5 giờ 30 sáng cùng ngày, tại ngôi nhà nguyện nhỏ bé của Tu xá Gia Thịnh, nơi vùng đất biên giới Tây Ninh, một người tu sĩ Đa Minh cũng âm thầm dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn kỷ niệm hồng ân 50 năm linh mục của mình và hiệp thông với “các bạn cùng lớp” – Cha Cố Phêrô Nguyễn Văn Huấn, O.P.. Vì lý do sức khỏe không cho phép, dù muốn lắm, nhưng Cha Cố không thể về chung vui với anh em. Vì lẽ đó mà sáng hôm nay, Cha Cố đã dâng Thánh lễ tạ ơn của riêng mình, một Thánh lễ tạ ơn Kim khánh linh mục thật “khác thường”: không lời ca tiếng đàn, không bài giảng lễ, không tiếng vỗ tay, thiếu luôn cả tiết mục “đôi lời chúc mừng và vài phút đáp tạ” và cũng không tặng hoa hay quà mừng… với cộng đoàn tham dự là ba thầy Học viện và một bạn trẻ. Tất cả là đơn sơ, tất cả là âm thầm, tất cả là nhỏ bé… ra như hòa tan trong bể nguồn hồng ân vô bờ của Thiên Chúa.

Nguyên một tuần nay, vì quý Cha trong tu xá đi tĩnh tâm, nên hai anh em chúng tôi được “bổ nhiệm” mỗi buổi chiều tối vào ở với Cha Cố. Khi nghe như thế, chúng tôi cũng có chút lo lắng, một phần vì trước giờ chưa gặp Cha Cố, không biết tính tình Cụ ra sao, có “dễ chiều” không, rồi tu xá lại lạ lẫm, khuôn viên rộng rãi, trống trải… Nhưng sau một tuần ở với Cha Cố, tiếng là vô giúp Ngài nhưng thực tế là ngược lại, Ngài trao tặng cho anh em chúng tôi nhiều bài học đáng để suy gẫm. Trong tất cả mọi việc, Ngài đều tự làm hết mà không cần nhờ đến chúng tôi, lúc nào cũng thấy Ngài quanh quẩn ngoài sân, ngoài vườn, loay hoay làm cái này, dọn cái kia và miệng luôn khe khẽ hát bài thánh ca mà có lẽ Ngài yêu thích: “Kính dâng Cha tình yêu chúng con, vững tin Cha niềm tin sắt son. Đem hết tâm hồn dẫn dắt chiên lạc đường về cùng Cha hưởng bao mối tình thương…”. Với tuổi U.80, tuy mắt đã mờ, tai đã nặng, chân đã yếu nhưng Cha Cố vẫn còn minh mẫn và điều độ trong sinh hoạt hằng ngày. Ngài vẫn giữ đầy đủ các giờ kinh nguyện và Thánh lễ, sống nghiêm túc với những kỷ luật tu đức của bản thân. Chỉ trong một thời gian ngắn sống với Cha Cố, hình ảnh và mẫu gương sống của Ngài đã để lại một dấu ấn đậm sâu trong lòng chúng tôi.

Sáng nay, Cha Cố dâng lễ tạ ơn trong lúc bình minh dần ló dạng. Khoác trên mình chiếc áo lễ đã phai màu, mái tóc điểm sương, đôi mắt mờ dần theo thời gian, với đôi tay run rẩy, Ngài vẫn khát khao dâng hy lễ hiến tế mỗi ngày, cất lên lời kinh tiền tụng như lời tạ ơn cho chính mình, cho anh em cùng lớp, cho toàn thể anh em Đa Minh Việt Nam và trên khắp thế giới.

Nhiều khoảnh khắc trong thánh lễ khiến tôi cảm động. Khi Cha Cố dang tay đọc lời nguyện, Ngài phải cúi xuống thật thấp để thấy rõ hàng chữ. Tôi nhận ra hình ảnh của một người linh mục, một người tu sĩ đang mang trên mình gánh nặng của thời gian nhưng vẫn không ngừng ưu tư, thao thức cho Tỉnh Dòng, cho sứ vụ và tương lai của cộng đoàn, của vùng đất mà Ngài đã dấn thân cả cuộc đời. Một hôm dâng lễ xong Cha Cố nói: “Sáng nay phải cố lắm mới đứng để dâng hết thánh lễ”. Ngài mệt. Vậy mà trên khuôn mặt cao niên, trong ánh mắt không còn đủ tinh anh ấy vẫn phản chiếu một tâm tình tri ân sâu thẳm. Tôi thầm hỏi với chính mình: “Còn gì để tạ ơn nữa nhỉ, khi cuộc đời đâu còn gì để đón nhận? Còn gì để tạ ơn khi cuộc đời đang tàn lụi tiêu hao?” Tôi không hiểu hết, nhưng chính Ngài hiểu. Vì thế mới dâng lời tạ ơn.

Tháng 8 với anh em Đa Minh là tháng của niềm vui và lễ hội, tháng của các “Cha mới” tạ ơn. Khi tham dự thánh lễ mở tay của một tân linh mục, niềm hân hoan dạt dào. Ca đoàn rộn vang tiếng hát. Rước. Quay phim. Chụp ảnh. Tấp nập bước chân. Người linh mục trẻ dang rộng đôi tay trên Bàn Thánh trong nét mặt hân hoan. Chắp tay khấn nguyện và dâng lời tạ ơn thay cho muôn dân. Hàng ngàn con tim tham dự cùng một nhịp rung, như ôm chầm người linh mục trẻ trong lòng yêu thương của Giáo hội. Lễ tan, người người vây quanh chúc mừng, hân hoan. Có cả giọt nước mắt hạnh phúc nữa. Nhiều bạn trẻ hiện diện nơi đó cũng thầm ước mong ngày nào có được phút giây ấy. Phút giây của thần thoại. Phút giây của thiên đường .

Rồi hôm nay, tôi tham dự thánh lễ tạ ơn 50 năm đời linh mục của vị Cha Anh đáng kính. Không rước xách, không tiếng hát, không thân nhân. Nhà nguyện vắng lặng. Trên bàn thờ, ánh nến cháy hững hờ, dường như nó cũng nhạt nhoà theo dòng thời gian. Không gian tĩnh lặng một màu đêm. Tôi thì thầm với Chúa: “Chúa ơi, đời linh mục cuối cùng rồi như vậy hay sao? Con cứ tưởng nó mãi rực rỡ như ngày lễ mở tay chứ!” Không có tiếng trả lời. Chỉ có sự lặng im của thập giá trên gian Cung Thánh, thấp thoáng một bóng hình treo lơ lửng. Dường như đó là câu trả lời cho chính tôi!

Tôi không dám hỏi tiếp, chỉ cúi đầu thinh lặng nhìn bóng thập tự và nhìn từng dòng đời đang trôi qua. Trôi qua nhưng sẽ không bao giờ hóa hư vô. Tất cả như dòng sông đang trôi đi, đi về với biển cả, về với đại dương mênh mông. Hình ảnh các bậc Cha Anh như ánh hoàng hôn đang dần lịm tắt để chờ đợi một buổi sớm bình minh. Vẫn biết rằng giọt nắng chiều là giọt nắng hiu hắt, áng mây chiều là áng mây buồn rũ. Cuộc đời về chiều cũng hiu hắt rũ buồn, nhưng nó có nét gì nhiệm mầu quá đỗi, hứa hẹn một mùa Phục sinh nơi cuối Trời.

Các Ngài đã sống đến tận cùng ơn gọi của chính mình – ơn gọi người tu sĩ Giảng Thuyết. Biết chiếc lá đời mình đang dần rụng về cội nhưng vẫn cất lời tạ ơn. Tạ ơn vì sinh ra một đời để được sống đời đời. Vì thế các Ngài cất lời tạ ơn. Tạ ơn cho chính mình. Tạ ơn cho đời và tạ ơn thay cho muôn người.

Không biết thánh lễ của Cha Cố dâng hôm nay có giống như tâm tình của thánh lễ mở tay đầu đời linh mục của Ngài hay không? Ngày mở tay tràn ngập vui sướng, vì cảm nghiệm tình Chúa quá bao la. Ngày mở tay hạnh phúc, vì dang tay đón nhận ơn Trời. Hôm nay, đôi tay đó không còn sức để dang rộng, nhưng trong tim thì vẫn một lòng cảm tạ mênh mông. Thánh lễ nào mà chẳng mang chiều kích tạ ơn. Nhưng thánh lễ tạ ơn của những cuộc đời tuổi xế chiều hôm nay mang một chiều kích hiến tế trọn vẹn quá. Dâng cả nỗi đau. Dâng cả cuộc đời dần tàn. Đôi tay run rẩy làm nên lễ dâng. Không cần của lễ. Chúa cũng chẳng cần hy lễ, Người chỉ cần “một tấm lòng tan nát khiêm cung”. Bao lâu còn hơi thở, bấy lâu còn dâng lời cảm tạ. Bao lâu còn ý thức mình đang hiện hữu, lúc ấy vẫn còn muốn nói lời tri ân.

Bảy Vị mừng Kim Khánh Linh Mục hôm nay, có vị làm Giám mục, có vị là giáo sư lỗi lạc “tầm cỡ quốc tế” với hai tấm bằng tiến sĩ danh giá, có vị đảm nhận liên tiếp mấy nhiệm kỳ bề trên… còn riêng với Cha Cố Phêrô thì trong 50 năm linh mục thì đã 49 năm Ngài sống và thi hành sứ vụ nơi mảnh đất biên giới này. Có thể nói Ngài là vị “khai quốc công thần”, không chỉ đối với anh em Đa Minh mà còn là của giáo phận nơi vùng Tây Ninh này. Khi nhắc đến Cha Cố Huấn, từ các cụ già đến giới trẻ, kể cả chính quyền cũng đều dành cho Ngài sự kính trọng đặc biệt. Ngồi nghe kể lại câu chuyện cuộc đời cũng như tâm huyết và công sức của Cha Cố dành trọn cho mảnh đất này mà tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên đến thán phục. Người Anh Em Giảng Thuyết là phải thế, không ngừng lên đường, băng mình về phía trước để đem LỜI đến cho muôn dân.

Rồi những ngày sứ vụ hè cũng đã dần khép lại, anh em chúng tôi sắp quay trở về Học viện để bắt đầu một năm học mới, tiếp tục thủ đắc cho mình những kiến thức thánh khoa, nhưng hình ảnh và tiếng hát khe khẽ của vị Cha Anh đáng kính vẫn sẽ còn luôn văng vẳng bên tai, nhắc nhở một lời tạ ơn cuối chiều. Nắng tan dần và lòng cũng chùng xuống như sương tan trong đêm. Tan để hiểu được nguồn nước ân sủng. Tan để biết thân phận được tạo nên là để trở về với đại dương mênh mông. Rồi trong buổi chiều nhạt nắng hôm nay, tôi cũng thầm thỉ dâng lời nguyện:

Chúa ơi, nhớ lại hình ảnh Cha Cố hôm nao, con nghe lòng mình xôn xao và bâng khuâng quá!

Bâng khuâng vì cảm kích những người Anh linh mục yếu đau, già nua nhưng vẫn sống đến tận cùng của đời hiến dâng. Vẫn chan chứa trong tim một tâm tình tạ ơn sâu thẳm. Vẫn tràn trào hy vọng cho dẫu bao rạn vỡ mong manh của kiếp nhân sinh.

Hôm nay, có những bước chân trẻ sẵn sàng lên đường, thì cũng có những hình ảnh đẹp âm thầm hiến tế khi tuổi đà xế bóng.

Các ngài là mẫu gương cho lòng tri ân của con hôm nay.

Xin cho mỗi chiều khi nắng tắt, thì lời tạ ơn của con cũng được dâng cao để tan dần theo nắng.

Xin cho Thánh lễ tạ ơn con dự hôm nao, cũng sẽ là từng lời tạ ơn của đời con hôm nay.

Và lạy Chúa,

“Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,

lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con,

để con tường thuật quyền năng của Chúa

cho thế hệ này được rõ,

và dũng lực của Ngài

cho thế hệ mai sau.” (Tv 70, 18)

 

Gx. Thánh Mẫu Hòa Bình – Tây Ninh, Những ngày sứ vụ Hè 2022

Trọng Tiên, O.P.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *