Cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.

1. Một linh mục Công Giáo bị bắt vì những nhận xét chống lại Thủ tướng Modi

Đảng cầm quyền Ấn Giáo cực đoan BJP đang xoay qua bắt bớ các linh mục và giáo dân tại Ấn Độ trong mưu toan hướng sự chú ý và phẫn nộ của dân chúng sang một hướng khác sau những thất bại về kinh tế, và đặc biệt là những thất bại về phòng chống đại dịch coronavirus dẫn đến cái chết của ít nhất là 5 triệu người.

Trong bối cảnh đó, một linh mục Công Giáo đã bị bắt tại quận Kanyakumari vì những nhận xét bị cho là miệt thị Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah và ‘Bharat Mata.’

Cha George Ponnaiah được cho là đã đưa ra nhận xét tại một cuộc họp tại thị trấn Arumanai gần đây.

Một đoạn video về bài phát biểu của ngài đã lan truyền trên mạng xã hội, sau đó các nhà lãnh đạo Ấn Giáo và đảng cầm quyền BJP đã nộp đơn tố cáo ngài và ngài đã bị bắt.

Cảnh sát cho biết ngài đã bị buộc tội theo nhiều điều khoản khác nhau của Bộ luật Hình sự Ấn Độ và Đạo luật Dịch bệnh vì tụ họp đông người, cụ thể là 10 người.

Điều trớ trêu là nhiều thành viên BJP, đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Coimbatore với hàng người, yêu cầu vị linh mục đang bị giam giữ phải bị trừng phạt nặng theo Đạo luật Goondas vì những nhận xét của ngài.

Trái với các thông tin ban đầu liên quan đến việc bắt giữ Cha George Ponnaiah, Bharat Mata không phải là một vị thần Ấn Giáo.

Bharat Mata chỉ là một nhân vật hư cấu có 4 tay, được họa sĩ người Ấn Độ Abanindranath Tagore vẽ vào năm 1905. Tác phẩm này mô tả một người phụ nữ tên là Bharat Mata mặc áo choàng mầu vàng nghệ, bốn tay cầm một cuốn sách, những bó lúa, một mảnh vải trắng và một vòng hoa. Bức tranh là minh họa những lý tưởng của phong trào Swadesh, một phong trào đòi độc lập của Ấn Độ.

Kitô Giáo bị coi là tôn giáo ngoại lai, ý tưởng ở đây là cáo buộc Cha George Ponnaiah chống lại nền độc lập của Ấn Độ hơn là chống lại một vị thần của Ấn Giáo.


Source:The Week

2. Cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 26 tháng 7, đã tường trình câu chuyện hai cha con noi gương lẫn nhau. Kết quả: Cha là phó tế, con là linh mục.

Hai cha con đã truyền cảm hứng cho nhau trên con đường phân định ơn gọi của họ. Năm 2009, ông Michael được phong chức phó tế, và cùng năm đó, con trai của ông, Matthew, đang học năm thứ nhất tại một chủng viện.

Phó tế Michael cho biết đã trở thành một phó tế như thế nào:

“Tôi chỉ đơn giản cảm thấy như Chúa kêu gọi tôi làm điều gì đó nhiều hơn những gì tôi đang làm. Tôi đã tình nguyện làm một số việc khác nhau và đã tham gia vào một số thừa tác vụ và đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Và tôi nghĩ ý tưởng trở thành một phó tế sẽ chỉ đơn giản là một hoạt động khác mà tôi có thể tình nguyện”.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc này sẽ liên quan đến bao nhiêu công việc, bao gồm cả 5 năm đào tạo và phân định. Trên đường đi, Michael đã có những lúc nghi ngờ. Vì vậy, anh quyết định cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn anh trong quyết định của mình. Và Chúa đã đáp lại.

Phó tế Michael không hề hay biết, con trai ông là Matthew đã được truyền cảm hứng từ cuộc hành trình đức tin của cha mình:

“Nhìn thấy cha tôi, với tư cách là một người cha, ngày càng phát triển trong mối quan hệ của ông với Chúa, thực sự có ảnh hưởng đến ước muốn theo Chúa của tôi. Nhìn vào sự can đảm của cha tôi trong việc phân định ơn gọi của chính mình và tuân theo kế hoạch của Chúa trong cuộc sống của ông đã cho tôi sức mạnh và can đảm để cởi mở với điều tương tự trong cuộc sống của tôi… Cha tôi đóng một vai trò rất quan trọng, cho dù cha tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó, và liệu tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó”.

Trong khi đó, nhìn thấy con trai mình ngày càng đến gần với Chúa, người cha tiếp tục ơn gọi của mình, và thầm nghĩ: “Nhìn thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi sẵn sàng đi theo Chúa đến hết đời cũng cho tôi can đảm để tiếp tục trong cuộc hành trình của chính mình.”

Chứng kiến cha mình hoàn thành kế hoạch của Chúa đã tác động tích cực đến mối quan hệ cha con của họ. Vị linh mục đã chia sẻ một khoảnh khắc rất đặc biệt mà hai cha con đã chia sẻ tại bàn thờ, khi cha của vị linh mục gọi ngài là “cha”.

“Đó là một khoảnh khắc thực sự đặc biệt đối với tôi. Ba tôi chắc chắn là cha ruột của tôi và đã nuôi dưỡng tôi. Nhưng sau đó có một điều gì đó khác biệt khi chúng tôi ở trên bàn thờ với tư cách là giáo sĩ – có một sự đảo ngược vai trò kỳ lạ khi chúng tôi cung cấp chất dinh dưỡng tinh thần cho mọi người.”

Nhìn thấy ơn quan phòng của Chúa đã củng cố ơn gọi và mối dây gia đình của họ. Trong khi Phó tế Michael Magee phục vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Loreto ở Foxfield, con trai của ông đã làm linh mục thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila trong vài năm và sẽ sớm nhận chức vụ mới với tư cách là cha sở tại Giáo xứ St. Thomas Aquinas ở Boulder.


Source:Aleteia

3. Giáo phận Paterson hoàn tất tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Thầy Marinus Leonard Larue

Đức Cha Kevin Sweeney, Giám mục giáo phận Paterson cho biết giáo phận Paterson đã hoàn tất tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Thầy Marinus Leonard Larue, người được mô tả là có hai cuộc đời.

Thuyền trưởng Leonard LaRue điều hành chiếc thương thuyền SS Meredith Victory trong một chuyến cứu người tỵ nạn mà Cục Hàng hải Hoa Kỳ cho biết “cuộc cứu hộ của thương thuyền này là một cuộc cứu hộ tỵ nạn vĩ đại nhất trong lịch sử”.

Công cuộc giải cứu tỵ ngày 23 tháng 12 năm 1950, được kết thúc vào ngày Giáng sinh, vì vậy mà cuộc cứu hộ này được gọi là “Phép lạ Giáng sinh”.

Trong số những người được giải cứu có cha mẹ của Timothy Moon Jae-in, đương kim tổng thống Hàn Quốc.

Leonard LaRue sinh tại Philadelphia vào ngày 14 tháng 1 năm 1914, theo học tại Trường Hàng hải Bang Pennsylvania và tốt nghiệp năm 1934. Ban đầu ông làm việc tại cảng New York trên các tàu buôn… Năm 1942, ông gia nhập Đoàn Tầu Moore-McCormack.

Năm 1944, ông được thăng chức thuyền trưởng, chỉ huy một con tàu và cuối cùng, ông trở thành thuyền trưởng của thương thuyền Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên chiếc SS Meredith Victory nặng 7.600 tấn.

Khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, LaRue khởi hành từ Norfolk, Virginia. Ông được lệnh đi qua kênh đào Panama và băng qua Thái Bình Dương để đến một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Ông được giao nhiệm vụ tải đạn dược và xe bọc thép đến cảng Hungnam ở bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên, tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu với các lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Khi LaRue đến gần bờ, ông đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của hàng ngàn người tị nạn tràn vào cảng Hungnam, vì chạy trốn khỏi làn đạn của cộng sản. Khoảng 200 tàu của Liên hợp quốc chở đầy người tị nạn đã sẵn sàng nhổ neo giữa các cuộc đang tấn công dữ dội.

LaRue nói: “Qua ống kiếng nhìn vào bờ, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng đáng thương…

Thuyền trưởng LaRue là một người đạo đức đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giải cứu những người tị nạn Triều Tiên đang bị bao vây. Nhưng sức chứa của con tàu chở hàng dài 139 mét rất hạn chế – không gian cabin chỉ chứa tối đa 47 thủy thủ và một chục hành khách, cộng với năm tầng hầm chở hàng.

Ông ra lệnh dỡ bỏ tất cả những gì không cần thiết, bao gồm hàng hóa và vũ khí, đồng thời cho phép càng nhiều người tị nạn xuống tầu… Khoảng 14.000 người xuống tàu, nằm ngồi la liệt không còn một chỗ trống!

Con tàu đi về phía nam và đến Pusan (nay là Busan) vào đêm Giáng sinh, nhưng nó không được phép cập cảng vì cảng đã quá tải với những người tị nạn ở đó.

Nên con tàu lại phải lênh đênh thêm 80 km về phía tây nam của Pusan và đến đảo Koje Do, nơi tất cả những người tị nạn đã được đưa vào bờ bằng hai tàu đổ bộ của hải quân Mỹ. Cám ơn Chúa mọi sự bình yên, không có sự cố nào xảy ra, dù những người tị nạn lo sợ bị đem con đi bỏ chợ! Hơn nữa, có cả năm em bé được sinh ra trong chuyến cứu nạn kỳ diệu này.

Ông LaRue sau này mỗi khi nhớ lại, ông phải tự thú: “Tôi tin rằng Chúa đã cùng đồng hành với chúng tôi trong ba ngày đó. Chính Chúa đã chèo lái con tàu của tôi”,

Theo tờ Báo Times Catholic thì: Ngày nay, con cháu của những người tị nạn được giải cứu ước tính khoảng một triệu người, theo đạo Công Giáo ở Hàn Quốc.

Trong công cuộc giải cứu vĩ đại này cũng mang lại cho Thuyền trưởng LaRue một tiếng gọi đặc biệt.

Năm 1954, ông gia nhập Dòng Biển Đức và được gọi là thầy Marinus (tiếng Latinh có nghĩa là “biển cả”). Thầy đã dành phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sống ẩn dật tại Tu viện Thánh Phaolô ở Newton, New Jersey, nơi ngài qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2001.

Giám Mục Phụ Tá Elias Lorenzo của Tổng giáo phận Newark, người đã tham dự thánh lễ an táng, nhớ lại: “Nhiều người từ Hàn Quốc đã tham dự để tưởng nhớ và cám ơn Thầy vì những việc anh dũng thầy đã thực hiện.


Source:Net TV New York

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *