Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như một số vị tiền nhiệm của ngài, đã đến thăm thành phố cổ kính Pompeii ở miền Nam nước Ý: không phải để thăm tàn tích bị chôn vùi bởi tro của Núi Vesuvius, nhưng để tôn vinh những điều kỳ diệu của Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi, được thành lập vào thế kỷ 19 bởi một người từng là đạo sĩ thờ Satan, nhưng đã hoán cải và đang trên đường được tuyên thánh.
Chân phước Bartolo Longo được coi là người sáng lập thành phố Pompeii hiện đại, một thị trấn phát triển về phía Đông của khu di tích nổi tiếng vào năm 1891, sau khi ngài được ủy thác xây dựng đền thờ Đức Trinh Nữ Maria của Thành phố.
Ngôi đền là nơi có bức ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ Mân Côi, được trao cho Longo bởi cha giải tội của ngài, là Cha Alberto Radente, vào năm 1875.
Ban đầu sinh ra trong một gia đình Công Giáo sùng đạo, Longo đã xa rời đức tin của mình khi học luật ở Naples vào những năm 1860 – thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo phải đối mặt với sự phản đối của một phong trào dân tộc chủ nghĩa đấu tranh cho sự thống nhất của Ý, và coi Quốc gia của Đức Giáo Hoàng và cả chính Đức Giáo Hoàng như những thế lực chống lại chính nghĩa của họ. Hầu hết các nhà lãnh đạo chính của phong trào “Thống nhất” là những Người theo chủ nghĩa Tự do và có tư tưởng bài Công Giáo rất mạnh.
Giáo Hội Công Giáo cũng đang chiến đấu chống lại sự tham gia ngày càng phổ biến vào những trò huyền bí, vào thời điểm đó đã có sự hiện diện mạnh mẽ ở Naples.
Bản thân Longo cũng tham gia vào một giáo phái theo chủ nghĩa Satan, và cuối cùng tuyên bố đã được “tấn phong” làm “đạo sĩ” đạo Satan.
Tuy nhiên, sau khi vật lộn với những lo lắng và trầm cảm, thậm chí có lúc có ý định tự tử, trong vài năm sau đó, một giáo sư đại học từ quê hương anh đã thúc giục Longo từ bỏ Satan và giới thiệu anh với cha giải tội tương lai của mình, là Cha Radente.
Dưới sự chỉ đạo của Cha linh hướng Radente, Longo bắt đầu lần hạt và trở lại đạo Công Giáo.
Anh đã phát triển một lòng sùng kính đối với chuỗi Mân Côi, và trở thành một tu sĩ dòng Ba Đa Minh vào năm 1871, làm việc để khôi phục đức tin của người dân ở Pompeii bằng cách thúc đẩy một lòng sùng kính mới đối với chuỗi hạt.
Anh đã nhận được bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii miêu tả Đức Mẹ ngồi trên ngai ôm Hài Nhi Giêsu và trao chuỗi hạt cho Thánh Đa Minh và Thánh Catarina Siena – là hai trong số những vị Thánh Dòng Đa Minh tiêu biểu nhất – đang đứng dưới chân Mẹ.
Bức ảnh là một bức tranh cũ nát thuộc Tu viện Rosariello ở Naples, được Cha Radente tặng cho anh.
Vài tháng sau khi anh nhận được ảnh Đức Mẹ Mân Côi các phép lạ bắt đầu xảy ra liên tiếp.
Phép lạ đầu tiên diễn ra cùng ngày Longo trưng bày bức ảnh với công chúng sau khi gây quỹ để trùng tu nó. Cô bé 12 tuổi Clorinda Lucarelli đã hoàn toàn khỏi bệnh động kinh, sau khi một số bác sĩ cho là không thể chữa khỏi.
Đền thờ Đức Mẹ đã trở nên phổ biến trong khu vực và bắt đầu thu hút hàng chục nghìn người Ý trong năm đó.
Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục đã đội vương miện cho bức ảnh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, và sau đó đã được các Bảo tàng Vatican trùng tu. Công việc hoàn tất vào năm 2012.
Longo qua đời tại Pompeii vào năm 1926, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 1980. Anh được biết đến với biệt danh “Tông đồ của Kinh Mân Côi”. Những lời cuối cùng của anh ấy là: “Mong muốn duy nhất của tôi là được nhìn thấy Đức Maria, người đã cứu tôi và sẽ cứu tôi khỏi nanh vuốt của Satan.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm thánh địa vào năm 2015, trở thành vị Giáo hoàng thứ ba dừng lại để cầu nguyện. Vị đầu tiên là Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1979, tiếp theo là Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2008.
Source:Catholic News Agency