Chết trong tay Chúa

Thảm trạng cuộc đời – Chết trong Chúa

Đứng trước nhiều cái chết kinh hoàng của cơn đại dịch hiện nay, con số nhiễm đã lên quá 4 triệu rưỡi và con số tử vong hơn 300 ngàn, tại nhiều nơi!

Những hình ảnh người nhiễm bệnh bị cách ly không được gặp gỡ người thân và rồi chết trong cô quạnh một mình, không một lời từ biệt tăn trối…

Nhiều hình ảnh cho thấy để giải quyết số người chết quá nhiều, người đã tận dụng tối đa các lò thiêu mà không giải quyết được, đành phải cho xe ủi đất, đào các hố chôn tập thể…

Và rồi ngay cả trước cái chết bình thường của người thân của chúng ta, nhưng vì hoàn cảnh, chúng ta không thể hiện diện vì không gian trắc trở, vì lệnh đóng cửa biên giới và các chuyến vận hành du lịch đều bị hủy hoãn vô thời hạn…

Hoặc trong hoàn cảnh quy luật giới hạn các cuộc tu họp đông người dưới bất cứ hình thức hay lý do nào, chẳng hạn đám cưới hay ma chay số người tham dự bị giới hạn… Làm sao không đau lòng cho những người con, người cháu, chắt hay thân bằng quyến thuộc không thể tham dự các nghi lễ mừng vui trong đám cưới; đặc biệt tiễn đưa người thân trong các tang lễ…

Trước những hoàn cảnh bi thương hiện nay, chúng tôi xin gửi tới quí vị bài viết “Không ai chết mà bị lãng quên trong Chúa Kitô” của linh mục Federico Lombardi, hầu tìm ra một lối vươn lên, một đường tiến tới và một sự an bình cho cuộc sống…

Chết trong Chúa…

Bài viết thứ tư với nhan đề: “Không ai chết mà bị lãng quên trong Chúa Kitô” trong loạt bài “Cuộc sống siêu vượt trên cơn đại dịch” của cha Federico Lombardi.

Một trong những gia sản tinh thần quí báu của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để lại là Ngài làm hồi sinh và sống lại những mẫu gương của các anh hùng tử đạo trong thế kỷ 20 này.

Chắc chắn khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta nhớ đến số phận của vô số các nạn nhân, cả nam lẫn nữ thuộc mọi chủng tộc, thời gian và không gian đã hiến mạng sống qua nhiều thảm trạng cuộc đời như bỏ mình trên rừng sâu hay trong biển cả bao la, qua các cuộc giao tranh, hay trong lúc thanh bình. Nhiều người đã chết trong cô đơn, chết vì bạo lực hoặc vì một thảm họa nào đó…

Có những tiếng kêu than đau đớn thét lên trong cõi thinh lặng từ đất mẹ ở khắp mọi nơi trên thế giới mà những người có tai tinh tế sẽ nghe và nhận ra hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người đã bị lãng quên – tiếng khóc than của bao người bị lãng quên! Nhân danh họ và với họ, chúng ta muốn cất lên tiếng kêu cầu lòng thương xót bao la của Chúa.

Hình ảnh những cỗ quan tài xếp đầy trong các nhà thờ ở Bologna, Ý hay những ngôi mộ tập thể gần New York, Hoa kỳ làm chúng ta suy nghĩ… có rất nhiều người, đặc biệt những người già, đã chết trong sự cô đơn, cô độc trong những tháng qua, đã chạm tới tâm lòng chúng ta một các sâu sắc. Không chỉ trên phương diện cảm tính tự nhiên thương cảm như của những người thân trong gia đình, đã mất những người thân; mà còn trong mầu nhiệm hiệp thông thân mình huyền nhiệm của Chúa Kitô với tha nhân nữa…

Tất cả những thực trạng trên giúp chúng ta, một lần nữa hiểu và trân quí những liên đới gần gũi quý giá và tình cảm chân thành trong những lúc ốm đau, trong tuổi già và bệnh hoạn… Nhưng nó cũng giúp chúng ta nhận chân ra được một thực tại, đó là đứng trước cái chết của chính mình hay của bất luận ai thì chiều kích cô đơn cô độc luôn có đó… Vào cuối đời, giữa lúc cô đơn, thì sự gần gũi của những người thân là điều vô cùng quan yếu!

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị giây phút đó, cho chính chúng ta hay cho người thân yêu của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi nỗi thống khổ nếu bị rơi vào thảm trạng này?

May mắn thay, chỉ vài tuần trước đây, chúng ta mới cử hành lễ Phục sinh của Chúa Giêsu. Chắc chắn, chúng ta có thể sống mầu nhiệm phục sinh đó hằng ngày bằng cách kết hợp một cách bí tích và thiêng liêng với Chúa Giêsu qua việc rước lễ thiêng liêng; đó là sống mầu nhiệm Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh một cách đặc biệt. Cái chết ê chề nhuốc khổ của Chúa Giêsu nói lên cái cảm nghiệm của một con người bị bội phản, bị Thiên Chúa bỏ rơi, như chúng ta thấy lời Thánh vịnh mà Chúa Giêsu đã kêu lên từ cây Thánh Giá “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con!” Rồi những phút giây thân xác đó được chôn vùi cách vội vã trong huyệt mộ! Chúa Giêsu đã xuống xuống ngục tổ tông cho thấy Ngài đã sống trọn kiếp người, liên đới với anh chị em đồng loại qua cái chết. Chúa như nhắn gửi chúng ta một điều là ‘không ai chết, bất kể ở đâu và lúc nào, trong cảnh trạng nào đi nữa như trong cơn đại dịch, sẽ không bị lãng quên. Chúa Giêsu thực sự đã chết, giống như họ, và Ngài chết với họ…

Nhưng sau cái chết, Chúa được mai táng và phục sinh, thì cái chết không còn như trước nữa như thánh Phaolô đã kêu lên: “Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu?”. Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Chúa cho thế gian biết: Tình yêu của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sự chết. Và điều này đã thắng vượt mọi nỗi cô đơn cô độc. Cho nên trước cái chết, chúng ta hãy tín thác và trao phó mọi sự vào vòng tay yêu thương của Cha chúng ta.

Vài ngày trước đây, một trong các Thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta, Đức Phanxicô đã suy niệm về cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với ông Nicodemô và Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy nhìn lên Đấng bị đóng đinh, chính Ngài là trung tâm của đức tin và của đời sống Kitô hữu chúng ta.

Những ai đã từng nhìn thấy hình ảnh Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đứng ôm cây gậy Thánh giá trong Vương cung thánh đường vài ngày trước khi Ngài qua đời, hay trong các cuộc đi đàng Thánh giá tại hí trường Colosseum, hay trong các nghi thức suy tôn Thánh giá vào các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì không thể quên được các hình ảnh đó. Không có cách nào chuẩn bị cho mình sống chết tốt đẹp hơn là nhìn vào Đấng bị đóng đinh, Người chết vì chúng ta và cho chúng ta. Với trọn vẹn trái tim, chúng ta hãy phó thác mọi sự trong vòng tay nhân ái của Thiên Chúa. Vì vậy, dù sống hay chết, với Chúa Giêsu chúng ta không còn lo sợ, vì chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm tình yêu và lòng thương xót của Chúa… Có thế chúng ta mới cảm nghiệm được như thánh Phanxicô, không còn run sợ trước cái chết, mà còn coi cái chết như người em gái rất thân thương của cuộc đời mình.

Trong cơn đại dịch coronavirus hay bất luận cảnh trạng nào, sự chết có đến với chúng ta, chúng ta đừng quên rằng, nhờ Chúa Giêsu mà sự chết không phải là phán quyết cuối cùng… Mọi sự trong cuộc sống chúng ta, ngay cả giây phút biệt ly tang tóc và cái chết ê chề đi nữa… Tất cả sẽ không bị quên lãng và không bị rơi vào hư vô, nhưng tất cả đều nằm trong vòng tay từ ái của Thiên Chúa, Cha chúng ta.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *