Bài hát và suy niệm (19.06.2022 – Chúa Nhật Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm C)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

Bài đọc 1: St 14,18-20

Bài trích sách Sáng thế.

 Khi ông Áp-ram thắng trận trở về, có ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra ; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.  Ông chúc phúc cho ông Áp-ram và nói :

“Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất,
chúc phúc cho Áp-ram !
Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao,
Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông !”

Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

Bài đọc 2: 1 Cr 11,23-26

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,  dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy ; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 9,11b-17)

11b Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng : “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” 13 Đức Giê-su bảo : “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp : “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” 14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” 15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

Tình Chúa cao vời

Lễ Mình Thánh Chúa, Chúa Thánh Thần dọn cho chúng ta bàn tiệc thần khí thật đặc sắc. Một mâm cỗ đầy cao lương mỹ vị, những món ăn thần khí chứa chan sự sống thần linh đưa con người đến sự no thỏa chân lý và được bước vào cõi sống trường sinh bất tử.

Men-ki-xê-đê một con người thần bí đến kinh ngạc “Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.” (Hr 7,3). Một con người ở trong thế giới tự nhiên lại không có ngày kết thúc, mà được tồn tại mãi mãi với chức vụ tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Nổi bật lên về ông, ý nghĩa hai cái tên thật sáng giá của ông được ghi khắc thành lời huyền diệu Trước hết, ông tên là Men-ki-xê-đê, nghĩa là “vua công chính”; rồi ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “vua bình an”. Cho nên lời sách Sáng Thế ngoài việc diễn tả cuộc gặp gỡ lạ lùng của ông và tổ phụ Áp-ra-ham, còn cho ta thấy Men-ki-xê-đê là họa ảnh trung thực đậm sắc màu của Đức Ki-tô Giê-su. Một họa ảnh với những danh nghĩa đầy vinh dự: vua công chínhvua bình an. Để nói về vị Vua Công Chính và Bình An của mọi thời đại, vinh hiển ngự trên ngai tòa vĩnh cửu.

Kinh Thánh cho biết, thượng tế Men-ki-xê-đê được chọn cách đầy thần bí làm một họa ảnh về khía cạnh thần linh của Đức Ki-tô, để mở dần mạc khải về nguồn gốc đầy thần bí của Chúa Ngôi Hai Nhập Thể. Những con người được sinh ra trong tự nhiên, nhưng lại có nguồn gốc siêu nhiên mà thế gian không thể nào lý giải nếu như không được Chúa mạc khải cho. Thân phận của Đức Ki-tô so với tổ phụ Áp-ra-ham, thì tổ phụ không đáng để đem ra so sánh. Bởi vì ngay với hình bóng, họa ảnh của Người, tổ phụ Áp-ra-ham vẫn còn kém xa “Anh em hãy coi xem: ông Men-ki-xê-đê cao trọng biết bao!… Còn ông Men-ki-xê-đê, tuy không thuộc dòng tộc Lê-vi, lại thu một phần mười chiến lợi phẩm của ông Áp-ra-ham và chúc lành cho ông là người đã nhận được lời hứa.  Điều không ai chối cãi được là chỉ người dưới mới nhận lời chúc lành của người trên.” (St 7,4a.6-7) Thì rõ ràng, thụ tạo làm sao có thể đặt ngang bằng với Chúa mà so sánh!

Vậy, đoạn sách Sáng Thế trích đọc hôm nay cho chúng ta hai ý nghĩa chính:

Qua tư tế Men-ki-xê-đê

– Cho thấy thân phận thần bí đặc biệt của Đức Ki-tô. Hay nói rõ hơn, thần tính nơi Đức Ki-tô điều mà con người tự nhiên không sao hiểu thấu hay hình dung được. Nhờ đoạn Thánh Kinh về tư tế Men-ki-xê-đê này chúng ta có thể nâng khả năng hình dung, chiêm ngắm được phần nào. Định hướng được chiều kích của chân lý đức tin mà không phải ngỡ ngàng, nghi hoặc.

Nghĩa thứ hai

– Vai trò thượng tế của ông Men-ki-xê-đê cho ta thấy rõ hơn về vai trò Thượng Tế cao cả của Chúa Giê-su. Đấng sẽ tế lễ chính mình làm thần lương nuôi sống linh hồn con người, giao hòa nhân loại với Chúa Cha.

Từ những ý nghĩa nêu trên, Thần Khí chuẩn bị cho tâm tư của chúng ta có thể tiếp cận với mầu nhiệm được khai mào ở bài đọc hai. Chỉ với một đoạn văn ngắn “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”, thánh Phao-lô đã vừa giới thiệu với chúng ta về mầu nhiệm Thánh Thể, vừa đưa chúng ta đến chạm vào tính thần linh của Chúa Giê-su.

Mầu nhiệm Thánh Thể ẩn trong mầu nhiệm Chúa Giê-su là vị Thượng Tế tối cao của Thiên Chúa, đã dâng lễ tế bằng chính bản thân mình. Tức Con Thiên Chúa Nhập Thể dâng hiến chính mình cho Chúa Cha trên bàn thờ Thánh Giá, đồng thời cũng dâng hiến chính mình cho kẻ dữ hầu cứu lấy nhân loại. Công trình cứu độ của Người vượt xa hơn việc hiến mình qua cuộc thương khó, bằng cách lấy Máu Thịt mình để nuôi sống sự sống vĩnh cửu của linh hồn và thân xác chúng ta, là những tội nhân bằng mầu nhiệm Thánh Thể. Mầu nhiệm này vừa bộc bạch cho chúng ta biết về quyền toàn năng của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên trời đất từ hư vô. Giờ Người dùng quyền toàn năng đó, hiện hữu trong Mình Máu Thánh dưới hình bánh miến với rượu nho qua lời truyền phép. Vừa ngỏ với chúng ta tình yêu lạ lùng quá xót thương con cái loài người của Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên của Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt là của Đấng đã chịu thương khó đến tận cùng sự sống của Người. Cuộc hiến trao tình ái đến “rứt từng tế bào để nuôi sống những kẻ mình yêu” (Tình Khúc Can-vê, Lời Tình Can-vê), làm nên lịch sử huy hoàng tình yêu cứu độ, nối kết hai huyền nhiệm siêu nhiên và tự nhiên trong phụng vụ thánh.

Nội dung hai bài đọc trên liên kết với ý nghĩa của bài Phúc Âm. Đầu tiên, Thần Khí cho ta thấy tấm lòng yêu thương người thế của Đấng Cứu Thế và quyền năng tối thượng của Người qua việc cứu chữa các bệnh nhân cách thần kỳ “Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.” Người nói với họ về Nước Thiên Chúa, ngày đó, với dân Ít-ra-en Nước Thiên Chúa là một điều hoàn toàn xa lạ, mới mẻ đến khó hiểu và đầy huyền bí. Nhưng với chúng ta ngày nay, lại là một mầu nhiệm đã và đang trải rộng trước mắt mình. Trải rộng qua thiên niên kỷ thứ ba mà vẫn chưa thấy thật rõ được bến bờ, chưa tỏ tường trong hiện thực nhiều tính chất thần thiêng của Nước Chúa. Bây giờ Nước Thiên Chúa không còn lạ lẫm với rất nhiều người, nhưng để gọi là thực sự hiểu về Nước Thiên Chúa, sự hiểu biết của một đời sống thuộc hẳn về Nước Thiên Chúa thì thật ít. Đó là chưa nói đến những người hiểu được sâu rộng và từng bước thâm sâu đi vào Nước Thiên Chúa. Than ôi vẫn còn quá ít!

Trong ý nghĩa chính của bài Phúc Âm, việc Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người đàn ông ăn no nê, không kể đàn bà trẻ con. Không chỉ nói riêng về mầu nhiệm Thánh Thể, về sau sẽ nuôi sống vô số linh hồn, đem lại lợi ích dồi dào cho sự sống đời đời. Mà còn khéo léo nhắc đến mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, mầu nhiệm làm nền tảng để xây lên mầu nhiệm Thánh Thể. Cả hai mầu nhiệm này đều cho thấy ơn cứu độ được sinh hoa trái từ tình yêu và lòng khiêm hạ của Đấng Thần Nhân. Là Thiên Chúa Nhập Thể, Người hạ mình xuống tận cùng cõi nhân gian ở dưới tất cả mọi người, dưới cả các tội nhân. Trong chiều hướng này Chúa Giê-su ở trong hình bánh rượu, mong muốn đến tận cõi lòng của mỗi người để ở lại trao ban sự sống thần linh “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10b). Nhờ đó, Người nâng con người lên tột đỉnh vinh quang là cho được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

Nhưng để thực hiện được Ý Muốn cao cả của Thiên Chúa Tình Yêu dành cho con người. Chúa cần con người cộng tác thực hiện ý muốn của Người qua mầu nhiệm Nước Thiên Chúa nơi Hội Thánh “Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Nhưng với bản chất con người tự nhiên, những tông đồ, những cộng tác viên của Thiên Chúa thật sự bất lực “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”. Và các thánh Tông Đồ cũng nhận ra điểm bất lực này nơi bản thân mình “Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6,37b). Đây là ý nhiệm, Chúa muốn cho chúng ta biết rằng khi phụng sự Chúa, phục vụ các linh hồn, chúng ta chỉ có thể đi tới thành công khi luôn liên kết với Chúa, tin tưởng và cậy trông ở Người. Bởi vì “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5c). Nhờ gắn kết với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho, cho dù đó là một sự cộng tác rất nhỏ như “năm chiếc bánh và hai con cá” so với số lượng người quá đông kể trên, thì Thiên Chúa cũng có thể làm thỏa dạ, thỏa bụng con người và nuôi sống được sự sống đời đời nơi chúng ta.

Trở lại với mầu nhiệm Thánh Thể, một mầu nhiệm làm đăng quang tình yêu vĩnh cửu. Máu nước nơi Trái Tim Chúa Giê-su chảy đến giọt cuối cùng, đã sản sinh ra nhiệm tích tình yêu rực rỡ ánh huy hoàng, sáng ngời sắc màu thập giá của tình cứu độ. Lòng khiêm hạ thẳm sâu hơn mầu nhiệm nơi Thánh Tâm Chúa Giê-su, đã đưa Người đến việc chọn lựa một phương thế tỏ tình với người thế cách diệu kỳ, chân thành đến vỡ cả mạch máu tim, và chan chứa tình tha thiết biết bao. “Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.” Nghi thức Chúa Giê-su cầm lấy bánh và cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ khi hóa bánh ra nhiều. Đồng nhất với nghi thức “Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Làm cho chúng ta phải suy nghĩ rằng phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh, là tiềm ẩn mầu nhiệm Thánh Thể: mầu nhiệm Thiên Chúa tự nguyện trao nộp chính mình làm lương thực nuôi sống những người tin. Những người được chọn bởi tình yêu nhiệm mầu đầy xót thương và tha thứ, đầy nhân hậu và nâng đỡ phận người quá đỗi hư vô và yếu hèn của Thiên Chúa. Trong những người thật diễm phúc ấy có chúng ta. Bởi thế, các con ơi! Trong nhiệm mầu tình yêu Thánh Thể tình yêu thương xót được tỏ lộ cách cạn cùng và yếu tố thần linh trong việc truyền ban sự sống bất biến và vĩnh hằng cũng được thực hiện cách hết sức linh nhiệm…

Chúng ta chỉ còn biết đêm ngày tạ ơn và chúc tụng Chúa Giê-su, vì mầu nhiệm Thánh Thể đậm dấu ấn của tình thương xót vô biên. Nên tri ân Người đến mỗi khi rước Chúa đều đem hết khát khao đáp lại tình yêu của Người cho vẹn vẻ tấm lòng con thảo. Cùng dốc lòng trút cạn tâm lực để tôn vinh và phụng thờ Người qua cuộc sống mở mang Nước Thiên Chúa, lo lắng cho phần rỗi các linh hồn.

Tình Yêu Hoa Cỏ

Bánh Hóa Nhiều

Đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Đức Giêsu, bởi họ được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những kẻ đau ốm. Thấy đám dân đông đảo theo mình mệt mỏi đói khát, Ngài chạnh lòng muốn nuôi sống họ, Ngài chuẩn bị thực hiện một phép lạ cả thể. Các môn đệ của Ngài lúc bấy giờ chỉ chứng kiến Ngài rao giảng, dạy dỗ, cắt nghĩa chuyện tâm linh, chứ đâu Thầy Giêsu lại đi lo nuôi ăn đám đông ngút ngàn. Nên các ông muốn Ngài giải tán cho xong. Các ông thì nại lý do không có tiền, xem lại “tầm tay” chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, thấm gì khối người đông ùn ùn thế kia? Không cầm lòng trước cơn đói khát của dân chúng, Đức Giêsu “biết mình sắp làm gì” nên vẫn ra lệnh bảo cho họ ngồi xuống “đồng cỏ” thành từng nhóm khoảng năm mươi người một mà chuẩn bị giờ ăn. Đó là hình ảnh thật đẹp trong tình thương yêu, đoàn chiên được vị mục tử nhân lành cho nghỉ ngơi, nuôi ăn trên đồng cỏ xanh tươi. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều, với cử chỉ “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá,, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra cho môn đệ để họ dọn ra cho đám đông.” (Lc 9, 15).

Đây là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sẽ lập Bí tích Thánh Thể để ở lại và nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Ngài là Đấng ban bánh, chính Ngài là bánh trao ban cho mọi người. Dưới cái nhìn của các môn đệ và dân chúng ngày xưa, chỉ nhìn vào thực lực sẵn có, họ không ngờ Đức Giêsu thực hiện được phép lạ bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê, lại còn dư mười hai thúng, nên cứ nại vào những khó khăn trước mắt. Ngày nay cũng vậy, sự Hiện Diện của Chúa, làm của ăn nuôi dưỡng các Kitô hữu mỗi ngày mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể là điều khó tin. Một khi Thiên Chúa muốn, thì chẳng có điều gì là không thể, và thật diễm phúc cho những ai không thấy mà tin.

Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm cho ngàn ngàn người ăn dư thừa. Với Bí tích Thánh Thể, Ngài nuôi mọi người mọi thời cho đến tận thế là điều hoàn toàn có thể với cặp mắt đức tin, chỉ cần tôi biết tìm đến mà tận hưởng thần lương cao quý này. Cũng cử chỉ hôm nay Đức Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly và truyền hãy làm như vậy để nhớ đến Người: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. (1Cr 11, 23-24).

Chúa ơi! Chính Chúa đã dâng hiến chính mình làm hy tế trên Thập Giá cho nhân loại. Chính Chúa đã trở thành của ăn nuôi sống con từng ngày. Xin cho con biết tìm đến, mãi “đi theo” Chúa, để được tận hưởng no say, được dưỡng nuôi, được lớn lên, được tăng sức mà vượt qua hành trình trần thế đầy khó khăn vất vả hôm nay.

Én Nhỏ

“Các con hãy cho h ăn đi”

Suy niệm:

“Các con hãy cho h ăn đi”. Đây là câu Ngài trả lời khi các môn đệ trình bầy những khó khăn về lương thực cho số người đông mà lại đang ở nơi hoang địa, phải chăng đây là lời nhắc nhở những người có trách nhiệm. Các con hãy cho h ăn đi đúng là một thách thức cho các môn đệ.

Đây là bài tường thuật của Lu-ca về phép lạ hóa bánh ra nhiều cho những người đến nghe lời Ngài. Số người đến nghe rất đông, chỉ tính nguyên đàn ông đã có tới trên năm ngàn. Thế mà chỉ có 5 cái bánh và hai con cá!  Một lượng lương thực ít ỏi chỉ đủ cho vài người dùng. Nhưng Chúa Giê-su đã đã làm cho năm ngàn người được ăn uống no nê và còn dư những mười hai thúng bánh và cá vụn.

Sống Lời Chúa: “Các con hãy cho h ăn đi”.

Trong cuộc sống giữa đời chúng ta cần nhớ lời của Đức Giê-su: hãy cho h ăn đi , có  thể chính Ngài muốn nóí với chúng ta  sự sống là khởi đầu cho mọi sự.

Ghi nhớ: “Các con hãy cho h ăn đi”

Cầu nguyện: Xin cho những người đoàn viên chúng con luôn biết cách sống theo Lời Chúa, biết sẻ chia những nhu cầu cấp thiết cho anh chị em đang sống bên cạnh mình. Amen

***

1. Mình Máu Chúa – Veritas

2. Bánh Hằng Sống – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

3. Thánh Thể – Mầu nhiệm Đức Tin – Hy Tế Tình Yêu

4. Tình yêu tột cùng – Cố Lm Hồng Phúc

5. Không thể cho gì hơn nữa

1. Mình Máu Chúa – Veritas

(Trích trong ‘Hãy Ra Khơi’)

Hôm nay, tôi bỗng chợt nhớ đến một kinh nghiệm sống trong gia đình và thường được lặp đi lặp lại mãi trong thời gian tôi 57 tuổi. Cứ mỗi lần mẹ tôi làm bánh hay cha tôi tát các mương đìa quanh nhà bắt cá thì tôi thèm thuồng ngồi bên nồi bánh vừa chín hoặc tiếc nuối những rổ tôm cá. Thèm thuồng vì rổ bánh chín mà mình muốn ăn nhưng mẹ tôi lại cứ lấy đi phân chia, bảo tôi đem cho người này người nọ, hoặc hối tiếc những con tôm, con cá mà mẹ tôi bắt đem cho các gia đình hàng xóm, những người cần đến. Mỗi lần bảo tôi mang đi cho người khác thì tôi không muốn cho đi, bấy giờ mẹ tôi lại bảo: “Con ạ, mình giữ lại ăn thì hết mà cho người ta ăn thì còn mãi”. Tôi không bao giờ quên lời nói đơn sơ này đi kèm với chính hành động chia bánh, chia cá cho những người xung quanh.

Hôm nay đọc lại đoạn Tin Mừng của lễ Mình Máu Thánh Chúa, kinh nghiệm gia đình tôi đã trải qua và nhất là lời giải thích của mẹ tôi: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”. Một lần nữa lại xuất hiện và giúp tôi phần nào hiểu thêm kinh nghiệm mà các tông đồ đã trải qua ngày xưa trong biến cố được kể lại trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa đọc qua. Vào thời điểm của biến cố, chắc chắn các tông đồ đã được nhìn thấy nhiều việc làm của Chúa Giêsu để thực hiện tình thương đối với con người. Những lời nhắn nhủ dạy bảo của Chúa đã đánh động các ngài là sẽ không được sống ích kỷ, không được mơ ước vinh quang, danh vọng, địa vị cho bản thân khi theo Chúa. Thế nhưng, khi phải đối diện với một nhu cầu cụ thể của muôn người đang theo Chúa mà bị đói thì các ngài có phản ứng tránh né, thoái thác, không muốn hy sinh làm một cái gì đó để giúp vào. Các ngài đã nhắc khéo Chúa cho đoàn người ra về để họ tự lo giải quyết lấy vấn đề ăn uống. Chúa Giêsu đã làm ngược lại, Ngài ra lệnh: “Các con phải cho họ ăn”. Làm đồ đệ của Chúa, nhất là trong địa vị các tông đồ thì càng không thể chối từ trước lời mời gọi của tình bác ái liên đới. Và không để các tông đồ sống trong một thái độ tiêu cực lâu hơn nữa. Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông cộng tác vào công việc cho đi của Ngài. Trước hết, bằng việc chịu cực một chút, dấn bước hơn một chút để ra khỏi cái tôi ích kỷ, để tổ chức đám đông ngồi xuống bãi cỏ thành từng nhóm cho có trật tự.

Chắc chắn, đây cũng là một công việc khá phức tạp so với phương tiện thời đó. Phức tạp hơn là việc rửa chén quét nhà, rót cho người khách một ly nước, dù chỉ là một ly nước lã, nếu phải ly nước trà lại càng phải hy sinh nhiều hơn nữa: “Con ạ, mình ăn thì hết, người ta ăn mới còn”. Không biết mẹ tôi đã học được lẽ khôn ngoan này nơi đâu? Chắc chắn không phải nơi sách vở, vì mẹ tôi chỉ học xong tiểu học, như vậy có thể là từ Chúa. Tôi không biết. Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ cầm lấy bánh và cá mà Ngài vừa chúc phúc để đem phân phối cho dân chúng. Như mẹ tôi đã bảo tôi đem bánh, đem cá đi cho người xung quanh để họ cũng được hưởng một bữa ăn ngon như nhà tôi lúc tát đìa hoặc làm bánh. Cử chỉ Chúa Giêsu thực hiện và được mô tả trong đoạn Phúc âm của thánh Luca hôm nay loan báo cho các môn đệ là Chúa sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể sau này. Chắc chắn sau kinh nghiệm sống với Chúa, các tông đồ hiểu được bí quyết sâu xa của Bí tích Thánh Thể, hy sinh chính bản thân mình như Chúa để nên của ăn đem lại hạnh phúc vui mừng cho anh chị em.

Chúng ta có thể nói, mừng lễ kính Mình Máu Chúa hôm nay như là ôn lại một kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm đại gia đình Giáo Hội của chúng ta. Bí tích Thánh Thể là trung tâm trong đời sống của mỗi người chúng ta cũng như là trung tâm của sinh hoạt Giáo Hội. Mỗi người chúng ta cũng như toàn thể Giáo Hội đều được mời gọi ôn lại kinh nghiệm gia đình mà Chúa Giêsu đã thực hiện với các tông đồ ngày xưa, Ngài mời gọi các tông đồ hãy cộng tác với Ngài để cho đi, cho đi chính Ngài, cho đi chính bản thân của họ. Mỗi người chúng ta hôm nay cử hành lễ Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được mời gọi cho đi chính mình như Chúa đã cho đi. Chúng ta tôn thờ sự hiện diện của Chúa không đủ, chúng ta còn phải để cho Chúa sống trong chúng ta, để Chúa cho đi trong chúng ta và chúng ta được mời gọi cho đi như Ngài. Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta, để chúng ta cho đi trong tình thương bác ái, để chúng ta được sống như Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày như Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính. 

2. Bánh Hằng Sống – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Ông tổ Abraham đi cứu người cháu là ông Lot bị bắt giữ, khoảng 1850 năm trước khi Chúa Giêsu giáng trần. Trên đường trở về đi qua Salem, ông Abraham đã gặp ông Melchizedek vừa là vua và là tư tế. Melkizedek đã dâng bánh và rượu cho Abraham. Bánh và rượu là biểu tượng của Bí tích Thánh Thể sau này được hiến dâng bởi tư tế theo dòng Melkizedek: Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao (Stk 14, 18). Từ thuở xa xưa, con người đã biết biến chế hạt miến, hạt mì thành bánh và ép những trái nho ủ lên men thành rượu. Đây là một tiến trình hòa lẫn biến đổi bánh rượu thật tuyệt vời. Tất cả mọi loài vật khác trên địa cầu đều ăn tươi nuốt sống theo luật tự nhiên. Riêng con người, bánh và rượu là căn cốt thực phẩm được chế biến để đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người mọi thời và mọi nơi.

Trong ba năm rao giảng, phúc âm kể lại hai lần Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Trước khi Chúa làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều, Chúa đã dạy dỗ và an ủi chữa lành bệnh tật cả tâm linh lẫn thể xác. Chúa yêu thương đoàn dân như chiên không có người chăn dắt. Người ta mải mê nghe lời Chúa quên cả ngày giờ. Chúa cảm thông mọi nỗi khát khao của họ. Chúa cho họ các món ăn cả tinh thần lẫn thân xác. Hôm nay, Chúa muốn các tông đồ lo liệu thức ăn cho đám đông. Thật là bối rối, của ăn đâu cho đủ để nuôi cả mấy ngàn người: Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” (Lc 9, 13). Chúa muốn thử thách các các tông đồ một chút. Với lòng cảm thương sự đói khát của đoàn dân, Chúa đã sẵn sàng dùng bánh và cá như dấu chỉ của trời cao trao ban: Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông (Lc 9, 16).

Có thể chúng ta cũng cảm thấy hơi lạ, dân chúng ăn bánh với cá. Bánh là thức ăn chung của nhiều dân tộc nhưng với cá khô nướng hay cá kho. Mỗi dân tộc có những món ăn riêng biệt làm nên căn tính con người. Thức ăn nuôi dưỡng con người cả tinh thần lẫn thể chất. Thức ăn đi đôi với suy tư, quan niệm và triết sống. Đại khái thức ăn biểu trưng của người Việt Nam là cơm gạo, người Căm Bốt có mắm Bồ hóc, người Ấn Độ có món Cari, người Đại Hàn có Kim chi, người Trung Hoa có Mì phở, người Ý có Pizza, người Hoa Kỳ có Hamburger và người Mễ Tây Cơ có Taco, đỗ đậu…Thức ăn làm nên căn tính của mỗi dân tộc. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt trong vấn đề văn hóa thực phẩm. Món ăn của các Kitô Hữu trên toàn thế giới, không phân biệt mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chúng ta cùng ăn chung một thứ bánh và uống chung một chén rượu. Bánh và Rượu của Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã chọn lựa. Khi chúng ta được ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta trở nên chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Khi hoàn tất việc rao giảng Tin Mừng, trước khi Chúa Giêsu từ giã thế gian, Ngài đã để lại cho Giáo Hội một gia bảo quý giá vô cùng. Cũng bánh đó, rượu đó mà chúng ta được dưỡng nuôi hằng ngày. Chúa Giêsu đã chọn lựa bánh rượu trong muôn ngàn loại thực phẩm để hiến thánh. Trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu đã cử hành một nghi thức hết sức nhiệm mầu: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy ( 1Cor 11, 24). Và Chúa đã chọn rượu nho để thánh hiến trở thành Máu Chúa. Chất rượu trong chén thánh là giá máu của giao ước mới. Chúa Giêsu dùng cả bánh và rượu biến đổi thành thịt và máu thánh Chúa: Cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”(1 Cor 11, 25).

Đây là mầu nhiệm đức tin. Các tín hữu tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Niềm tin vượt trội trên tất cả mọi việc cử hành phụng vụ. Người không thuộc trong đạo Công Giáo, không thể nào hiểu nổi, tại sao người tín hữu lại tin vào tấm bánh bé mọn và chén rượu nho đó là Mình Máu Thánh Chúa. Không có một tôn giáo nào trên thế giới có niềm tin vào sự biến đổi bản thể của một sự vật như thế. Trong cử hành thánh lễ, qua lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa. Một sự biến đổi lạ lùng qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mọi người tuyên xưng niềm tin và phủ phục tôn thờ Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh hình rượu. Và khi trao Mình Máu Thánh, linh mục hay thừa tác viên xác tín: Mình Thánh Chúa Kitô, Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta thưa: Amen. Có nghĩa là chúng ta tin thật Chúa hiện diện đó.

Các linh mục thay mặt Chúa và Giáo Hội dâng thánh lễ mỗi ngày. Giám mục và linh mục đều là con người yếu đuối, tội lỗi và mỏng dòn chứa đầy tham thân si. Qua sứ vụ, Chúa đã chọn gọi những con người tầm thường để thi hành việc thánh. Thật ra, không ai là người xứng đáng đại diện đứng trước bàn thánh để dâng thánh lễ. Trong lễ hiến tế, Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa bị lột trần, bị đòn đánh nát thân, mồ hôi cùng vết thương rướm máu chảy lan, chân tay bị đóng chặt vào thánh giá, chịu đói chịu khát, quằn quại đớn đau và máu cùng nước từ cạnh sườn đã chảy ra tới giọt cuối cùng. Vì đuối sức, Chúa bị nghẹt thở và đã chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Chén Máu đã đổ ra lập giáo ước mới không chỉ trong bữa tiệc ly mà là chén máu châu báu đang hứng từng giọt từ châu thân của Chúa trên thánh giá. Chén Máu của nhục hình khổ đau và chết.

Trên gian cung thánh, trước bàn thờ dưới chân thánh giá Chúa, các chủ tế mặc áo lễ thiệt đẹp, có khi rước sách linh đình, chén vàng bát kiểu, bàn thờ đá quí và hoa nến trang trọng. Các linh mục cử hành thánh lễ trong không gian rộng rãi, thoáng mát và chẳng phải chịu nắng nôi đớn đau và khổ sở như Chúa Giêsu trên thập giá xưa. Mỗi linh mục cần ý thức vai trò đại diện quan trọng của mình trong khi cử hành thánh lễ. Các linh mục có trọng trách giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Chúa Giêsu là vai chính. Chúng ta biết rằng thánh lễ hy tế là trung tâm của tất cả niềm tin Kitô Giáo. Cử hành thánh lễ tưởng niệm sự hiện diện của Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Thánh lễ là cử hành Bí tích tình yêu dâng hiến. Thánh Phaolô lãnh nhận giáo lý từ chính Chúa Giêsu phục sinh và truyền lại cho các thế hệ, Ngài nhắc nhớ: Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết (1Cor 11, 26). Chúng ta ăn Bánh và uống Chén hằng tuần, chúng ta tiếp tục loan truyền Chúa chịu chết và sống lại. Mỗi lần lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được biến đổi nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con Bí Tích Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao quí, chúng con cùng phục bái tôn thờ. Chúa hiện diện trong Thánh Thể để an ủi và cảm thông những gánh nặng cuộc đời: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Hơn nữa, Chúa còn dưỡng nuôi chúng con bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa, xin cho chúng con được hưởng nếm tình yêu dịu ngọt trong ân tình Chúa. 

3. Thánh Thể – Mầu nhiệm Đức Tin – Hy Tế Tình Yêu

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Theo truyền thống từ thế kỷ XIII, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa được Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264 và được cử hành vào thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức là 60 ngày sau lễ Phục sinh. Lễ này gồm hai phần: Thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Festum Corporis Christi, và cao điểm Rước Kiệu Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường và hát bài của Thánh Tôma Aquinô: Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê. (Ca nhập lễ)

Cử hành Thánh Thể

Giáo hội long trọng công khai Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.

Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, đức tin chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta: Làm sao Bánh lại có thể là mình Chúa Kitô và Rượu lại là máu Chúa Kitô được?

Chúng ta tin, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, Bí tích cần thiết để dẫn dắt chúng ta trên con đường về tới thiên đàng! Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã hứa không để chúng ta mồ côi: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Nhưng Ngài ở lại với chúng ta thế nào khi trở cùng Cha? Bí tích Thánh Thể là kho tàng cao quí thể hiện lời hứa trên.

Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta. Giáo Hội quả quyết rằng: Sự hiện diện thật của Ngài trong Bí tích Thánh Thể là chân lý cơ bản của Đức Tin Công Giáo. Chúng ta phải tôn thờ, Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.

Thánh Tôma Aquinô cho chúng ta biết: Con độc nhất của Thiên Chúa, muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, Ngài đã làm người thực sự. Để cứu chuộc con người, Ngài đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.

Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là máu châu báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người. Vì thế, Ngài được các tín hữu ăn: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55-56). Từ phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông trong hoang địa. Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta thứ của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta (Lc 9, 11b-17).

Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Ngài đối với chúng ta: “Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn…”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Các con hãy cầm lấy mà uống. Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (1 Cr 11, 23-26). Thật là niềm an ủi cho những người đã buồn vì sự vắng mặt của Chúa,” (Bài giảng của Thánh Thomas Aquinas, Booklet 57).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Ngài lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Ngài kết hợp chúng ta với Ngài, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy.” (Thánh Gioan Kim Khẩu)

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Ngài đã sinh ra thì Ngài nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Ngài làm cho ta vững tin rằng Ngài đã mang lấy chính xác thân của ta”. Ngài tan biến trong chúng ta, “làm một với chúng ta”, “làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là truyền thống rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Rước kiệu Mình Thánh trên các nẻo đường

Khi kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ. Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà dành cho Chúa, đường đời ta là đường của Chúa Giêsu. Xin Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta!

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta.

Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh nuôi sống đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.

4. Tình yêu tột cùng – Cố Lm Hồng Phúc

Ở trong nhà tiệc ly chiều hôm thứ năm thánh ấy, Chúa Giêsu đã cầm bánh và rượu lập nên phép Thánh Thể. Bánh đã trở nên mình Chúa, rượu đã trở nên máu Chúa. Thì cách đó độ 300 thước, trên sân đền thờ người Do-thái cũng giết con chiên lấy máu rẩy lên bàn thờ, họ dâng bánh thánh theo luật Môisen dạy. Ngài cũng làm một nghi lễ, nhưng mặc cho nghi lễ ấy một ý nghĩa sâu xa: Ngài vừa là Thầy cả vừa là của lễ hiến tế dâng lên Đức Chúa Cha, vừa là của nuôi linh hồn ta.

Trong bài đọc I, Kinh Thánh kể lại việc Môisen làm hy lễ giao hòa bằng cách lấy máu bò tơ tưới lên bàn thờ. Người xưa coi máu là sự sống, cấm đổ máu người ta là cấm hại mạng sống người vì mạng sống thuộc quyền của Chúa; người xưa lấy máu để tỏ tình đoàn kết giao hòa. Hai bộ lạc dễ tỏ tình đoàn kết thì cho hai vị thủ lãnh gặp nhau, lấy dao rạch máu ở tay, và đôi bên uống máu nhau. Bằng nghi thức ấy, họ cho rằng hai bên đã uống nguồn sống của nhau và đã trở nên anh em, đã giao hòa mãi mãi với nhau. Môisen đã làm nghi lễ ấy khi lấy máu bò tơ, đại diện cho toàn dân để tưới lên bàn thờ Thiên Chúa: giữa Thiên Chúa và dân đã có một cuộc giao hòa vĩnh viễn.

Khi lập nên phép Thánh Thể, Chúa Giêsu đã hoàn tất việc giao hòa giữa ta với Thiên Chúa. Máu thánh của Ngài chảy trong huyết quản của ta, làm cho ta giao hòa nơi Thiên Chúa, Ngài ở trong ta như ta ở trong Ngài. “Này là chén máu Ta, máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội”. “Nếu các con không ăn thịt và uống máu Ta thì các con không có sự sống đời đời”.

Thánh Thể là một cuộc giao hòa – Thánh Thể là một lễ tế.

Chúa Giêsu biết giờ sau hết của Ngài đã gần đến thì Ngài yêu thương ta đến tận cùng. Ngài đã làm gì? Ngài diễn tình yêu ấy ra trước cuộc tử nạn của Ngài sẽ xãy ra ngày mai; Ngài cầm bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: “NÀY LÀ MÌNH TA”. Bánh ấy đã trở nên mình Ngài, mà ngày mai sẽ bị roi đòn đánh đập, bẻ gẫy như chiếc bánh hôm nay, đã hiến tế dâng lên Đức Chúa Cha và làm của ăn nuôi linh hồn ta. Hai việc ấy là hiến dâng và nuôi sống linh hồn ta, chính là một cuộc lễ hiến tế và Ngài muốn chúng ta phải làm đi làm lại: “Chúng con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

Vậy phép Thánh Thể là cuộc giao hòa chúng ta với Chúa, là việc tế lễ ta với Chúa. Hôm nay mừng mầu nhiệm ấy, chúng ta hãy dâng tất cả để tôn vinh và cảm tạ Chúa, vì đã ban cho chúng ta phép Thánh Thể. 

5. Không thể cho gì hơn nữa

Cách đây không bao lâu, một đám thợ lặn đã tìm ra chiếc tàu Tân Ban Nha bị chìm dưới đáy biển ngoài khơi Bắc Ái Nhĩ Lan. Trong số các báu vật tìm được trong tàu, họ thấy một chiếc nhẫn bằng vàng, trên mặt nhẫn có chạm một bàn tay nắm trái tim với dòng chữ:

– Anh không còn gì hơn nữa để cho em!

Hình ảnh về câu nói trên nhắc chúng ta nhớ đến việc Chúa Giêsu đã chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Trái tim người đã bị đâm thủng vì chúng ta và Ngài còn tự nguyện trở nên thần lương cho đời sống Kitô hữu của chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Nhiều nhà thần học gia nói rằng: việc Chúa Giêsu từ bỏ ngai Trời của mình hoá thân làm người cũng đủ cứu chuộc chúng ta rồi. Thế nhưng, với lòng yêu thương chúng ta quá bội, Ngài còn muốn trao ban cho chúng ta tất cả tình yêu, trao ban cả mạng sống của Ngài. Chính sự hy sinh vô cùng này có sức cứu chữa tất cả mọi tâm hồn tội lỗi, tha thứ mọi hình phạt mà con người đáng phải chịu. Ai yêu mến Chúa hết lòng, và ước ao trở nên một với Ngài trong Bí tích Thánh thể, sẽ được nên giống Chúa và chắc chắn sẽ được phần thưởng Nước Trời.

Thời nay, chúng ta không được gặp Chúa Giêsu, không được nghe Người giảng trực tiếp như các Tông đồ ngày xưa, nhưng chúng ta có Bí tích Thánh thể. Chúa Giêsu không muốn chúng ta thiệt thòi hơn dân Do Thái xưa nên Người đã lập Bí Tích Thánh Thể, để tiếp tục ở với chúng ta, đến với từng người chúng ta như xưa Người đã đến trong dân Do Thái. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ là chúng ta được nghe lại lời Chúa và suy niệm theo sự gợi ý của vị linh mục, sau đó được rước chính Chúa vào lòng như xưa kia Giakêu, Phêrô, chị em Lazarô… đã rước Chúa vào nhà mình. Giáo lý Công giáo dạy rằng: mỗi khi chúng ta rước lễ là được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và hợp nhất với nhau, được tha thứ các lỗi nhẹ, được Chúa thêm sức giúp chúng ta chống trả các cơn cám dỗ… Vấn đề là chúng ta có cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong lòng mình không? Hay chúng ta rước lễ vì thói quen, rước rồi mà không nhớ là Chúa đang ngự trong lòng mình, quên việc tiếp đón và tâm sự với Chúa. Nếu chúng ta rước Chúa cách thờ ơ như vậy thì không chừng đáng bị phạt hơn là được ơn. Vì vậy, phải chuẩn bị tâm hồn kỹ lưỡng trước khi rước Chúa. ước gì mỗi lần rước Chúa, chúng ta đều rước với lòng yêu mến chân thành, cung kính để an ủi trái tim Chúa và nhận được tràn đầy ơn ích thiêng liêng.

Xưa kia, Thiên Chúa ngự xuống núi Sinai và nhắn gởi những lời thương yêu, nhắc bảo, sửa dạy dân chúng mà dân Do Thái cảm thấy rất phấn khởi và đầy lòng kính sợ Chúa. Còn chúng ta rước Chúa thường xuyên với tâm tình nào? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe lời Chúa và vâng theo thánh ý Chúa Cha như Đức Giêsu không? Có lẽ chúng ta chưa được như vậy! Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ngự vào lòng và làm cho long chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Chúa, vui long hy sinh phục vụ cho gia đình, và tha nhân, chu toàn các bổn phận mà mình đã lãnh nhận trong chức vị hiện tại của mình đối với Giáo Hội và xã hội.

Xin Mình Máu Thánh Chúa mà chúng con rước lấy hàng ngày thêm sức cho linh hồn con, cho tâm trí con được chan chứa tình thương và lòng vị tha bác ái, để chúng con thật sự là chứng nhân cho Chúa giữa trần gian này. 

***