Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
NL: DẪN BƯỚC CON ĐI
ĐC: ĐEM TIN MỪNG
DL: LỜI DÂNG
HL: TÌNH CA VÔ TẬN
KL: NHÂN CHỨNG PHÚC ÂM
Lời Chúa: Is 66, 18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13, 22-30
Bài đọc 1: Is 66,18-21
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
Đức Chúa phán như sau : Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc : Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tu-van, Gia-van, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc. Đức Chúa phán : giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa – đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà – về trên núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem. Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi – Đức Chúa phán như vậy.
Bài đọc 2: Hr 12,5-7.11-13
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
Thưa anh em, anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con : “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.”
Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ?
Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.
Vinh dự được chọn làm con Chúa
Mở đầu cho ơn gọi được chọn, Thiên Chúa chọn ai đó cho được thuộc về Người và chương trình của Người. Thần Khí linh hứng cho Hội Thánh trích dẫn đoạn cuối cùng của trong Sách Thánh ngôn sứ I-sai-a, một diễn từ cánh chung, nghĩa là lời Chúa hướng chúng ta về thời kỳ cuối cùng của lịch sử nhân loại “Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.” Trong bối cảnh nhân loại đã và đang rạn vỡ các mối tương quan, Chúa nói Người sẽ đến để “tập họp mọi dân tộc và ngôn ngữ”. Điều này làm chúng ta liên tưởng ngay đến chương sách Công Vụ Tông Đồ “Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2,5-8)
Một bước ngoặc lớn lao trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã thực hiện lời Người nói trong sách I-sai-a, được sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay chứng thực “Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,9-11) Thế là cũng đã ứng nghiệm tất cả những lời Chúa dạy đây, nơi Hội Thánh Chúa “người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng ĐỨC CHÚA”? Tòa Thánh Vatican đích thực là nơi quy tụ mọi dân tộc đem lễ phẩm đến tiến dâng lên.
Đến bài đọc hai, qua tín hữu Híp-ri thánh Phao-lô dẫn chúng ta tiến xa hơn trong ơn được chọn làm con Thiên Chúa. Thánh nhân nhấn mạnh đến cách Thiên Chúa đối đãi với con cái của Người, không khác gì cha mẹ trần gian muốn con cái mình nên khôn, thành người tốt. Họ phải nghiêm khắc dạy dỗ và cả sửa phạt, để dẫn dắt con cái ngay từ đầu hướng về nẻo thiện, về đường ngay, lẽ phải. Vì thế, ngay cả trong sự sửa dạy xem ra cứng rắn của Thiên Chúa, Người vẫn trải tình yêu thương vô bờ bến dành cho con người. Quan tâm quan phòng chăm sóc sao cho con người có thể đạt được điều tốt lành, lợi ích nhất cho phần rỗi linh hồn. Tức vươn tới vinh quang và hạnh phúc vĩnh hằng mai sau trong chốn thiên cung. Chủ tâm này được mở rộng và đúc kết nơi tinh thần của bài Phúc Âm: vì nếu không như thế, với sự băng hoại ngay trong bản chất con người, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng”. Ám chỉ đến tình trạng sa hỏa ngục vô cùng đau khổ, mà những ai cứng lòng trong đường tội lỗi sẽ phải gánh chịu.
Thiên Chúa với tình Cha vô biên cùng với sự khôn ngoan thượng trí, Người biết tất cả mọi việc trước thời gian, vượt cả không gian. Cho nên, Thiên Chúa hoàn toàn không muốn con người phải rơi vào cảnh đọa đày bi thảm, sau cuộc phán xét nghiêm minh “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Điều thú vị ở đây, khi có người hỏi Chúa Giê-su “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Chúa đã không trả lời thẳng vào đáp án của câu hỏi là “ít” hay “nhiều”, song lại nói “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Qua câu nói này, Chúa Giê-su cho ta biết thêm về thực trạng được và mất, vào hay không được vào thiên đàng, và tinh thần cần phải có của con người cho được vào nước thiên đàng. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” trở thành chiếc chìa khóa vạn năng, ai sở hữu nó sẽ mở được cửa thiên đàng cho chính mình.
Tuy vậy, trên thực tế, ngay cả những người tin Chúa cũng không dễ sở hữu chiếc chìa khóa vạn năng này. Như lời Chúa đã nói rõ “Hãy chiến đấu” cho qua được “cửa hẹp”, là cả một quá trình đầy cam go so với tính tự nhiên của con người. Hay nói khác đi, lời này của Chúa lại mở ra cho chúng ta một chương lớn, trong đó có thật nhiều vấn nạn cho hành trình đức tin: những điều phải tin, giữ và phải làm. Tuy vậy, trong phạm vi bài tâm sự này, bố chia sẻ với các con một cẩm nang mà ai đó đúc kết được cho con đường nên thánh, sau hơn mười năm tìm kiếm một lối đường nên thánh cộng cả kinh nghiệm sau hơn bốn mươi năm sống tu tâm. Cẩm nang này gom lại trong sáu chữ “Sống với Chúa nhờ Thánh Kinh”. Ý nghĩa của nó giải đáp được cách làm nên chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa thiên đàng, giúp người Ki-tô hữu thực hiện được lời Chúa Giê-su đã dạy ở đây.
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”, chúng ta “chiến đấu” là chiến đấu với điều gì? Có phải
– Chiến đấu với chính mình và những quyến rũ của thế gian, của thọ vật cản đường ta tiến về với Chúa.
– Chiến đấu với các anh (ma quỷ), những thiên thần và con người đã thất sủng, chỉ muốn ta xa rời Thiên Chúa.
– Chiến đấu với chính Thiên Chúa
“Tôi là người đã sống cảnh lầm than
dưới làn roi giận dữ của Người.
Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước,
trong tối tăm, không ánh sáng soi đường.
Suốt ngày Người ra tay
hành hạ tôi đủ cách.
Da thịt tôi, Người khiến phải hao mòn,
xương cốt tôi, Người làm cho rời rã.
Người đắp ụ nhằm tấn công tôi,
vùi dập tôi trong cay đắng nhục nhằn.
Người nhốt tôi trong ngục tù tăm tối,
như những kẻ đã chết tự ngàn xưa.
Người xây tường vây kín lấy tôi, tôi không sao trốn thoát.
Xiềng xích tôi, Người làm cho thêm nặng.
Tôi kêu la cầu cứu, Người cũng bịt miệng tôi,
không để tôi khẩn nguyện.
Người lấy đá hộc chận đường tôi,
xoá lối đi khiến tôi phải lạc hướng.” (Ac 3,1-9)
“Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa” (St 32, 29b)
Cuộc chiến này phải được hiểu, không phải chiến đấu để tính thắng hay thua với Chúa. Nhưng là cùng Chúa chiến đấu với chính Thánh Ý của Người như tổ phụ Gia-cóp, cho được vượt qua những thử thách, thanh tẩy, thanh luyện… mà Chúa quan phòng cho riêng mỗi người chúng ta. Hầu có thể vươn tới sự hoàn thiện và sức mạnh thánh khí của người con Chúa có thể có được ngay trên trần gian.
Bởi thế, người tin Chúa và theo Chúa, phải căng mắt linh hồn để luôn luôn tỉnh thức kết hợp với Chúa, hầu có thể cùng Chúa chiến đấu, cho được vì Chúa trước ba chiến trận tâm linh kể trên. Còn “cho qua được cửa hẹp” là gì? “Cửa hẹp” ấy là tinh thần của Tin Mừng, một tinh thần siêu nhiệm đi ngược dòng đời, trái ngược với tính tự nhiên con người, ngược với tinh thần thế tục. Bởi vì thế sẽ tạo nên nhiều khổ sở, gian nan, vất vả, nhọc nhằn, mất mát hay sỉ nhục cho chính mình khi quyết tâm theo Chúa. Đó chính là “cửa hẹp”. Để rồi cứ mỗi lần trải qua những biến cố như thế mà linh hồn biết vui lòng đón nhận, biết cộng tác với ân sủng. Chiếc chìa khóa vạn năng kia hình thành đầy đủ hơn dần từng nét một, cho đến khi nó hoàn thiện mở được cửa thiên đàng cho linh hồn ngay sau cái chết.
Tình Yêu Hoa Cỏ
Con đường dẫn vào Nước Trời
1- Ghi nhớ:
“Hãy chiến đấu để được qua cửa hẹp mà vào.” (Lc 13, 24)
2- Suy niệm:
Hiện nay tại nước Brazil đang diễn ra một sự kiện thể thao được rất nhiều người quan tâm theo dõi, đó là thế vận hội Rio 2016
Người ta đua nhau tranh tài với rất nhiều bộ môn thi đấu. Thật là hạnh phúc và vinh dự cho những vận động viên dành được tấm huy chương danh giá, không những cá nhân họ được vinh danh, mà cả đến họ hàng, dòng tộc và nhất là họ còn làm vinh quang cho Tổ quốc của họ nữa.
Để đạt được những thành tích vẻ vang đó, ngoài tài năng và sự miệt mài chăm chỉ luyện tập ra, các vận động viên còn cần đến một sự trợ giúp không thể thiếu, đó là các vị huấn luyện viên, những vị này sẽ có những hướng dẫn, phương pháp cũng như những chiến thuật để chỉ bảo trong lúc tập luyện cũng như trong khi thi đấu..
Có thể ví rằng: chúng ta cũng giống như những vận động viên marathon chạy về đích Nước Trời. Chúng ta cũng có một vị huấn luyện viên rất tận tình và tài ba, đó là Đức Giêsu và Ngài đã đưa ra một hướng dẫn: “Hãy chiến đấu để được qua cửa hẹp mà vào”.
Mỗi vận động viên khi qua cửa hẹp này phải biết chiến đấu với chính bản thân mình mà loại bỏ đi những kiêu căng, lòng hận thù, tính ích kỷ, sự tham lam, độc ác, đến cả những thú vui bất chính nữa.
Một khi chúng ta đã tuân thủ cách triêt để “đấu pháp” của huấn luyện viên Giêsu rồi, thì đôi chân của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, tâm hồn được thanh thản để có thể tiến nhanh về đích và chắc chắn sẽ nhận được “huy chương Nước Trời”.
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chế ngự bản thân mà sống tiết độ, hãm mình, hy sinh để chỉ làm theo Thánh ý của Chúa, là mang lại cho mọi người chung quanh những niềm vui, hạnh phúc và bình an trong cuộc sống này và hướng đến Quê hương vĩnh cửu là Nước Trời mà Chúa luôn dành sẵn cho chúng con. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Mỗi ngày cố gắng sửa đi một tính xấu, đồng thời tập một tính tốt, chẳng hạn khi gặp điều gì trái ý, thay vì giận dỗi, chúng ta cố gắng vui cười chấp nhận để đem lại niềm vui cho mình và người gây ra những phiền toái đó.
ĐA MINH TRẦN VĂN CHÍNH
3. Ai sẽ được cứu? – G. Nguyễn Cao Luật.
4. Chọn cách sống phù hợp với Nước Trời
5. Hành trình đi tới niềm vui.
6. Vào khung cửa hẹp – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
7. Hy vọng và cầu nguyện – Achille Degeest
***
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Ở trang trong của một nhật báo xuất bản tại Manila, người ta đã đọc được câu chuyện vui sau đây:
Trước cửa Thiên đàng, linh hồn một nông dân xuất hiện xin Thánh Phêrô cho vào hưởng nhan Thiên Chúa. Thánh Phêrô nghiêm nghị hỏi:
– “Con đã sống như thế nào trên trần gian mà giờ đây con muốn vào Thiên đàng?”
Linh hồn người nông dân trả lời với hết lòng chân thật:
– “Dạ, thưa Thánh Phêrô, 70 năm qua trên trần gian con đã cần cù làm ăn, tuân giữ mọi điều luật Chúa dạy, không bao giờ phạm tội làm mất lòng Chúa. Con muốn vào Thiên đàng để được hưởng nhan thánh Chúa đời đời”.
Thánh Phêrô nghiêm nghị trả lời:
– “Con đợi ta xem lại các bản phúc trình mà thiên thần bản mệnh của con đã gởi về”. Trong giây phút im lặng, với vẻ mặt nghiêm nghị, Thánh Phêrô lần mở ra kiểm soát thật kỹ những phúc trình về cuộc đời của người nông dân. Quả thực, đúng như lời ông khai báo. Thánh Phêrô không tìm thấy bất cứ sai lỗi nào trong các bản phúc trình ấy cả. Sau giây phút suy nghĩ thêm, thánh nhân nghiêm nghị thêm, thánh nhân nghiêm nghị trả lời cho linh hồn người nông dân:
– “Con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng”. Thánh Phêrô ôn tồn giải thích lý do: “Con có biết không, trên Thiên đàng nầy, kể cả chính bản thân ta đây nữa, tất cả mọi linh hồn vào đây đều là những linh hồn tội lỗi, đã làm phiền lòng Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng đã sám hối ăn năn, được Chúa thứ tha, rồi mới vào đây được. Còn con thì thật là khác thường. Con suốt đời không phạm tội gì cả. Vậy con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng. Ta cho con trở lại trần gian sống thêm ít năm nữa xem sao để con có điều kiện mà trở lại đây vào Thiên đàng”.
Thưa anh chị em,
Đây là một câu chuyện vui có thể giúp chúng ta nhìn vào cuộc đời quá khứ của mình dướci ánh sáng của Lời Chúa hôm nay. Nước Trời là của những tâm hồn tội lỗi nhưng đã sám hối ăn năn trở về cùng Chúa. Nào ai dám tự phụ cho mình đã không bao giờ lầm lỗi, không bao giờ làm phiền lòng Thiên Chúa và xúc phạm đến anh chị em xung chung quanh. Chúng ta không nên có thái độ giả hình, tự phụ, cho mình là trong sạch, tốt lành hơn kẻ khác, xứng đáng được vào Nước Trời. Đừng tưởng như những người Do Thái, cứ tưởng là Dâng riêng của Chúa, là con cháu của Abraham là đương nhiên được bảo đảm chắc chắn được vào Nước Trời. Vì không phải bất cứ ai thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời”, cũng không phải tất cả những ai đã được diễm phúc đồng bàn ăn uống với Chúa Giêsu, được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, đều là những người có đủ tiêu chuẩn bảo đảm cho một tấm vé vào cửa Thiên đàng!
Vấn đề là phải phấn đấu “vào qua cửa hẹp”, “phải dùng sức mạnh” mới lọt được cửa hẹp dẫn tới bàn tiệc Nước Trời. Bởi vì, trước cửa Nước Trời, mọi người đều bình đẳng để vào, không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay có gốc gác bự, có ô dù… Cũng không có chuyện dành chỗ trước, cũng chẳng có chuyện chạy chọt đút lót, cậy quyền cậy thế, hoặc dựa vào thành tích quá khứ để đòi hỏi cho mình quyền ưu tiên. Vả lại, cũng đừng quan niệm bàn tiệc Nước Trời như một tiệc chiêu đãi có tính cách phô trương trình diễn. Trái lại, đây phải là một bàn tiệc của những người chiến thắng, mà chỉ có những người đã từng chiến đấu, đã chia sẻ những nỗi gian khổ, đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mới xứng đáng dự phần.
Điều trớ trêu là không phải con cái trong nhà sẽ là những kẻ nhanh chân nhất và được vào bàn ăn. Trái lại, chính những kẻ ở xa, những kẻ lặn lội từ bốn phương trời mà đến. Đối với những người Do Thái đang nghe Chúa Giêsu thì những kẻ từ Đông Tây Nam Bắc mà đến chính là các dân ngoại. Họ sẽ được vào đồng bàn với các Tổ phụ và các Ngôn sứ, trong khi chính những người Do Thái là con cái trong nhà, những kẻ hãnh diện từng ăn uống thường ngày với Chúa, từng được nghe Ngài giảng dạy, lại phải đứng ngoài gõ cửa tuyệt vọng. Vì vậy có sự đảo ngược thứ tự vào Nước Trời: “Những người trước hết sẽ trở nên cuối hết, còn những người cuối hết sẽ trở nên trước hết”.
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước cửa Nước Trời, Ngài không hỏi mọi người: Có chịu phép rửa tội, có theo kitô giáo, có phải là người Công giáo hay không? Có phải là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi, đó là đã có làm và sống như Chúa Giêsu đã làm, đã sống, đã dạy hay không? Vì thế, đừng làm tưởng rằng: hễ có tên là Kitô hữu, là người Công giáo, là đạo gốc, là đương nhiên được bảo đảm vào Nước Trời, để rồi tự đắc đứng trên nhìn xuống thương hại hay loại trừ những người anh em ngoại giáo, những người không chia sẻ một tôn giáo, một niềm tin với chúng ta. Bàn tiệc Nước Trời đón nhận tất cả mọi thành tâm thiện chí. Nếu chúng ta không thực thi Lời Chúa, không đi theo con đường hẹp của Chúa, thì có thể những người anh em ngoại giáo sẽ vào Nước Trời trước chúng ta, đang khi chúng ta, những người được mời gọi trước lại sẽ bị Chúa từ chối, vì chỉ mang cái nhãn hiệu Kitô hữu mà không có một đời sống đức tin, một đời sống Kitô hữu đích thực.
Thưa anh chị em,
Nếu Chúa Giêsu mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa thì chính là để diễn tả sự chia sẻ niềm vui, chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa và với anh em. Bởi thế, Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay phải là dấu chỉ cụ thể của bàn tiệc Nước Trời, nên những gì chúng ta chia sẻ trên bàn thờ, tức là Mình Máu Thánh Chúa, phải được chia sẻ rộng rãi trong cuộc sống. Nói khác đi, chúng ta không thể bẻ Bánh Thánh với nhau mà không biết chia cơm sẻ áo cho nhau, nghĩa là cho anh em trong cộng đoàn mà thôi, nhưng còn là cho mọi người anh em đang cần được chúng ta chia sẻ. Thực hiện sự chia sẻ cụ thể đó, chính là phấn đấu đi qua cửa hẹp để dự Bàn Tiệc Nước Trời vậy.
“Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết, nhiều người sẽ tìm vào mà vào không được”
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Lc 13, 22-30, có người đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” (Lc 13, 23). Chúa Giêsu đã nhìn ra sự kiêu hãnh, tự coi mình là công chính của những người này. Ngài không trả lời trực tiếp. Nhưng một cách gián tiếp Ngài đã ám chỉ rằng có nhiều người đánh mất sự cứu rỗi vì chỉ dựa vào tước vị như là thành phần của dân được tuyển chọn. Ngài lo lắng cho họ (Pl 2, 12). Hãy cố gắng vào bằng cửa hẹp! (Lc 13, 24).
Hình ảnh về cửa hẹp được Chúa Giêsu sử dụng rất quen thuộc với dân chúng vào thời đại của Ngài. Dân chúng thời đó sống ở bên trong thành phố được bao bọc bởi vách tường. Vì không có đèn đường, các cửa và các cổng dẫn vào thành phố phải được đóng chặt chẽ vào ban đêm để tránh trộm cướp, hay kẻ thù cưỡi ngựa xâm nhập, tấn công thành phố. Nếu dân chúng đi ra khỏi thành phố và trở về trễ sau khi các cổng đã đóng chặt rồi thì sao? Có ai mở cổng cho họ vào? Không! Khi cổng đã đóng rồi không ai được mở ra vì sợ bọn cướp hay quân địch ẩn nấp trong bóng tối sẽ có thể tấn công bất ngờ.
Những người trở về trễ phải khép mình chui qua mọt cái cửa hẹp. Những cái cửa hẹp này còn được gọi là “mắt của cái kim” – “the eyey of the needle”. Cửa chỉ vừa vặn cho một người đi qua thôi, và không thể mang theo hành lý!
Trong Luca chương 18, 25: “Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa”. “Lỗ kim” ở đây chính là cửa hẹp. Người đi buôn với hàng hoá cồng kềnh chất đầy trên lưng lạc đà không thể đi qua cửa này được. Phải vứt bỏ tất cả hàng hoá và hành lý xuống. Con lạc đà phải cúi đầu, khòm lưng và quỳ gối xuống may ra mới lọt!
Khi Chúa Giêsu nói về cửa hẹp, Ngài muốn ám chỉ việc từ bỏ hết mọi của cải trần gian. sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật. Và đi qua cửa hẹp thì phải đi qua một mình, cô đơn. Nhưng Thiên Chúa luôn cùng đi với ta. Đó là con đường hy sinh và vất vả. Nhưng lại là con đường của những người khôn ngoan và thận trọng dẫn đến nguồn vui và hạnh phúc đời đời.
Theo thánh Têrêsa Avila, cửa hẹp là nơi nhỏ bé trong trái tim, nơi một người sắn sàng thưa “vâng” hay “không’ đối với điều mà người đó biết là thật. đó là nơi mà không có quyền lực bên ngoài nào có thể xâm nhập hay làm áp lực đến sự chọn lựa của một người được. Đó là “trung tâm của linh hồn’ nơi Thiên Chúa ngự trị
Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, không phân biệt ai. Ngài dự tính chương trình cho mỗi người mà Ngài ban cho mỗi người ân sủng để chấp nhận ý định của Ngài. Chúng ta phải sửa dạy chính mình bằng cách sống theo những lời giảng dạy và hành động của Chúa Giêsu. Sự cứu rỗi của chúng ta không chỉ được bảo đảm hoàn toàn bởi chúng ta thuộc về một tỏ chức giáo hội của những người có lòng tin được gọi là Công Giáo; nhưng nó phải được bảo đảm vì chúng ta sống lời Chúa Giêsu mỗi ngày (Ga 12, 47-50)
“Các người hãy có gắng vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24). Lời của Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta hôm nay cố gắng thực hành điều chúng ta đã tin trong ánh sáng của những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, và không hành động theo những tiêu chuẩn của trần thế vật chất, vô luân và vô tín ngưỡng. Bước qua cửa hẹp có nghĩa là giữ và sống lời Chúa Giêsu và giảng huấn của Giáo Hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian. Bước qua cửa hẹp là nhìn vào chính chúng ta như thể Thiên Chúa nhìn chúng ta và bước đi dưới ánh mắt của Ngài, vì biết rằng Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc sống của chúng ta. Bước qua cửa hẹp là thay đổi quan niệm sống vì không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh,… thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất cứ kẻ nào sống theo lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực vậy, có đạo mà không sống theo lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo, không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy. Giáo thuyết này đưa đến hai quan niệm mới trong nền thần học ngày nay: (1) thứ nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh: đó là những người tuy không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin Mừng nên vẫn được coi là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. (2) Còn quan niệm thứ hai là về những người “Kitô hữu ngoại đạo”, nghĩa là những người tuy có đạo nhưng lại không sống theo tinh thần Tin Mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ có danh hiệu Kitô hữu.
Ta thấy trong Cựu ước, ông Gióp khi dồn dập nhà cửa bị cháy rụi, các vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng phong cùi gớm ghiếc đã biết nói “Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi khen Chúa”. Ông còn khuyên người khác “Mình biết lãnh nhận những ơn lành của Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa”. Đó mới là phản ứng của người có lòng đạo thực. Thế nhưng không thiếu người cho rằng: sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh thần Tin Mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại: Thế thì đạo không có ăn nhập gì với cuộc đời sao? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao: một con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian manh khi cư xử với người đời sao! Không được, con người chúng ta phải là một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ.
Ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo lời Chúa và có những phản ứng hợp với tinh thần Tin Mừng trong mọi tình huống cuộc đời. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy xét lại đời sống của mình, kiểm điểm lại thái độ sống của mình xem: những gì đang là những cái cồng kềnh cản trở chúng ta vào nước trời. Chúng ta hãy lục soát kỹ lương tâm xem: có phải chúng ta đang là nô lệ của rất nhiều ông chủ không? Có những ông chủ rõ ràng như tiền bạc, danh vọng, chưng diện, thú vui không lành mạnh… Có những ông chủ khác như ích kỷ, thói quen xấu, giữ đạo vụ hình thức, thành kiến đối với người này người khác… Nhiều lắm, mỗi người đều có những ông chủ khác nhau. Đó chính là những cái cồng kềnh khiến chúng ta bị vướng ngoài cửa hẹp, và giả như Chúa gọi chúng ta hôm nay, chúng ta có chắc mình được cứu độ không?
Hơn nữa, bản tính con người hay thay đổi, thích mới nới cũ, ưa chuộng hào nhoáng, chạy theo thị hiếu, mà dễ quên mục đích tối hậu của mình: Một đàng thì bị thế gian cám dỗ, luôn luôn đánh bóng lên những thứ trái cấm như tranh ảnh, sách vở, báo chí, thời trang, hình tượng, phim ảnh, nghệ thuật… càng là trái cấm càng quyến rũ mãnh liệt. Đàng khác, con người lại có tật xấu là mau nản, dễ đầu hàng: một lần thất bại là chúng ta mang mặc cảm và không muốn chỗi dậy nữa, buông xuôi.
Tóm lại, thật nhiều và rất nhiều hình thức lôi kéo, thúc đẩy, xúi giục chúng ta tìm con đường thênh thang, dễ dãi, ngại khó, sợ khổ, tránh con đường hẹp. Vì thế, chúng ta phải luôn nhớ bài học của Tin Mừng hôm nay: phải đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào cửa hẹp. Cũng như tất cả chúng ta đều biết bài học: “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thì trên phạm vi siêu nhiên cũng thế, Chúa đã nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo”. “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”. Cũng vậy, nếu ở đời “Có khó mới có miếng ăn”. “Không có hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc nước trời đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm kiếm những giá trị thuộc về Nước Trời. Amen.
3. Ai sẽ được cứu? – G. Nguyễn Cao Luật
Câu hỏi của mọi thời
Ngày xưa, các môn đệ Đức Giêsu đã từng băn khoăn thắc mắc: Ai sẽ là người được cứu? Và theo quan niệm thời ấy, số người được cứu thoát thì ít.
Câu hỏi này phát xuất từ một quan niệm về Thiên Chúa. Người ta cho rằng Thiên Chúa là Đấng nghiêm khắc, luôn đưa ra những đòi hỏi rất cao, và người nào không thực hiện những yêu cầu ấy, sẽ không được cứu thoát. Người ta cũng nghĩ rằng ơn cứu độ là do những cố gắng lập công của con người, ai thực hiện đầy đủ những tiêu chuẩn do lề luật quy định, người ấy sẽ được cứu thoát.
Trước câu hỏi này, chỉ có một giải đáp duy nhất: Giêsu – có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Nhờ Người, với Người và trong Người, mọi kẻ tin đều được cứu thoát. Đây chỉnh là điều mà Đức Giêsu đã nỗ lực bày tỏ trong suốt cuộc đời của Người. Rao giảng, chữa lành, làm phép lạ… tất cả đều cho thấy rằng người ta phải tin vào Người, phải nhờ vào Người mới được cứu thoát. Nhưng đó lại là điều mà người Do-thái không muốn chấp nhận. Họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ. Họ mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng họ không nghĩ rằng vị ấy chính là Đức Giêsu. Họ muốn được cứu thoát, nhưng lại không chấp nhận Đức Giêsu. Trong khi đó, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo: nếu không tin vào Người, họ chẳng được cứu; nếu không đi qua cửa là Đức Giêsu, họ sẽ chẳng vào được Nước Thiên Chúa.
Câu hỏi tưởng chừng rất xưa ấy, ngày nay vẫn còn được nhắc lại. Vẫn có nhiều người của thời đại này cứ băn khoăn thắc mắc về con số những người được cứu, những người được lên thiên đàng. Họ nghĩ ra nhiều điều, thoạt nghe, có vẻ đúng; nhưng xét kỹ, thì không phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Nói cách khác, vẫn có nhiều người quan niệm về Thiên Chúa theo những suy nghĩ cũ kỹ, không dám sống thực với Thiên Chúa. Họ tính toán từng hành vi, từng suy nghĩ, không phải để yêu mến Thiên Chúa hơn, nhưng chỉ là để thực hiện những chỉ tiêu mà họ đề ra, và nghĩ rằng những điều đó đem lại cho họ ơn cứu độ.
Bởi đó, để trả lời cho câu hỏi này, hay hơn nữa, chẳng nên đặt vấn đề như thế này làm gì – điều quan trọng là phải gắn bó với Đức Giêsu, bước đi theo Người. Đức Giêsu đã đi trên con đường hẹp, đã chịu đau khỗ, người ta cũng phải làm như vậy, nếu muốn được cứu. Thiên Chúa không đưa ra những chỉ tiêu, để rổi lấy đó mà xét đoán con người. Chỉ tiêu duy nhất – nếu có thể gọi như thế, đó chính là lòng yêu mến, là bước đi theo Đức Giêsu với tất cả nỗ lực của mình.
Bước qua cửa hẹp
Như thế, vấn đề không phải là xem có bao nhiều người được cứu, nhưng là ai dám bước qua cửa hẹp? Ai dám đi theo Đức Giêsu, bỏ lại tất cả, chấp nhận làm môn đệ của Người cách vô điều kiện? Ở đây, cửa hẹp không phải là một cách thức thi tuyển nhằm loại bớt một số người, dựa theo một số tiêu chuẩn đạo đức. Người ta sẽ không phải chỉ đi qua cửa hẹp một lần trong đời, nhưng là suốt cả đời mình. Người ta không thi tuyển vào Nước Thiên Chúa để rổi sau đó không bao giờ thi lại.
Đó là cả một hành trình dài, hành trình của tình yêu. Người ta sẽ phải thường xuyên theo dõi xem mình có đi đúng đường hay không, có đi theo Đức Giêsu hay đã đi ra ngoài con đường do Người hướng dẫn. Cửa hẹp mở ra một con đường, và con đường đó dẫn tới Nước Trời. Người ta phải đem tất cả nỗ lực ra để sống, để đi. Cũng chẳng cần phải chen lấn, xô đẩy nhau, vì mỗi người có cánh cửa của mình, và cánh cửa ấy luôn mở rộng. Người ta cũng chẳng phải cứ đứng ngoài cửa mà gõ, nhưng là có can đảm bước qua hay không. Muốn như thế, người ta sẽ phải vất bỏ những thứ cổng kềnh, những thứ gì cản trở để có thể đi qua cửa ấy.
Đúng thế, đến với Đức Giêsu, đi với Người, có nghĩa là bước đi trên con đường thập giá, chấp nhận thân phận của người tôi tớ. Đức Giêsu đã không đi con đường nào khác. Chính qua thập giá, Người đã đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại.
Một điều an ủi cho con người là, trên hành trình đó, họ có Đức Giêsu là người hướng dẫn, là bạn đổng hành, là người nâng đỡ. Người Ki-tô hữu không tự mình xoay xở, không cô đơn, nhưng có Đức Giêsu cùng đi với họ. Chính Người sẽ đưa ra những chỉ dẫn cần thiết trong những chặng đường khác nhau.
Tuy vậy, đó không phải là nẻo đường dễ dàng, không phải là con đường trơn tru bằng phẳng. Qua cửa hẹp, đã cần có cố gắng. Đi trên đường, lại cần có sức mạnh. Những người lười biếng sẽ chẳng được vào Nước Trời. Chỉ những ai đem hết sức mình để đi theo Đức Giêsu, mới được tham dự vinh quang của Người.
Niềm tự hào duy nhất
Phải chăng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ đến trước mặt Chúa và thưa: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Chúng ta lấy làm tự hào về những việc đạo đức của mình, và chúng ta tin chắc rằng mình sẽ ở chỗ nhất?
Thế nhưng, câu trả lời không phải như chúng ta mong đợi: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta.” Đang khi chúng ta nghĩ rằng mình sẽ chiếm được địa vị cao, thì lại có những người ở khắp mặt đất, từ đông sang tây, được mời vào dự tiệc, còn chúng ta lại bị gạt ra ngoài. Tại sao thế?
Như Đức Giêsu đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình, người Ki-tô hữu cũng lên đường tiến về quê trời. Trước khi phục sinh trong vinh quang, Đức Ki-tô đã trải qua con đường đau khổ. Cũng vậy, trước khi đạt tới vinh quang vĩnh cửu, người Ki-tô hữu phải sẵn lòng chấp nhận những vất vả, những khó khăn của cuộc hành trình. Và, như đã nói, cuộc hành trình đó là đi theo Đức Ki-tô, tiếp nối con đường Người đã đi. Bởi đó, niềm tự hào của người Ki-tô hữu là mình đã đi theo Đức Ki-tô, gắn bó với Người, bỏ lại tất cả mọi sự, cả những gì đáng yêu quý nhất, để yêu mến Người. Tất cả những việc làm, dù rất đạo đức, của con người, nếu không có lòng yêu mến, cũng trở thành vô giá trị, bởi vì họ chỉ làm những việc đó theo ý mình, chứ không phải vì Đức Ki-tô.
Thật là một điều ghê gớm! Ít khi chúng ta dám nghĩ như vậy. Chúng ta cứ tưởng rằng mình đã “chắc ăn” khi làm điều này, điều nọ; nhưng không, đó không phải là tiêu chuẩn để dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Tiêu chuẩn duy nhất là lòng yêu mến đối với Đức Ki-tô, tin vào Người, phó thác cho Người. Điều này hẳn phải làm chúng ta thay đổi cách sống, cách quan niệm. Theo Đức Ki-tô không còn phải là tin vào mình, nhưng là phó thác vào Người, để Người hướng dẫn, hiệp thông với Người trong tình yêu sâu xa…
Như vậy, đi theo Đức Ki-tô, chúng ta sẽ phải ra khỏi những an toàn của mình, phải phá đổ những giá trị sai lầm mà xưa nay chúng ta vẫn tin tưởng. Và một khi đã bước qua cửa hẹp, chúng ta bước vào đời sống mới với nhiều điều kỳ diệu và cũng đầy khó khăn. Nhưng, lúc ấy, không còn ai là kẻ đến trước hay đến sau, không còn có những ưu tiên, những đặc ân, nhưng là hiệp thông, là tiến bước, là tin tưởng.
Nước Trời được dành cho những người mạnh, những người can đảm. Những người “khơi khơi”, “tà tà” không thể vào được Nước Trời. Chỉ có những người dám liều, dám sống, dám vượt qua. Cửa hẹp, nhưng vẫn mở rộng, vẫn đủ chỗ cho mọi người đi qua. Người ta không phải băn khoăn mình có nằm trong số được cứu hay không, nhưng điều ưu tư là mình đã thực sự đi theo Đức Ki-tô hay không.
Bước qua cửa hẹp – tin tưởng – yêu mến – đi theo. Đó là lời mời gọi gửi đến mọi người. Không thể dựa trên bất cứ điều gì để từ chối lời mời gọi ấy. Tất cả mọi người, dù là ai chăng nữa, dù thế nào đi nữa, cũng phải đứng vào vạch xuất phát, vượt qua cửa hẹp và lên đường.
* * *
Lạy Chúa,
hạnh phúc thay kẻ đi trên đường mà không lo ngại,
luôn an tâm vì có Ngài trợ giúp.
Hạnh phúc thay kẻ sống không quanh co, không sợ hãi,
đi trên đường của Ngài
mà không có ý định quay trở lại.
Hạnh phúc thay kẻ lên đường
mà không hỏi tại sao,
và theo đuổi dự định của mình cho đến cùng.
Hạnh phúc thay kẻ biết ngổi bên chân Ngài,
yên lặng và lắng nghe,
nhưng tâm hổn luôn bừng cháy.
theo P. Aymard.
4. Chọn cách sống phù hợp với Nước Trời
Cuộc sống chúng ta đang sống không trọn vẹn cho bất cứ ai. Điều này thích hợp cho người này lại bất lợi cho người kia. Do đó, cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Người sống bậc tu trì hay gia đình được mời gọi sống sao cho phù hợp với bậc sống của mình. Người sống nơi thành thị hay thôn quê cũng có cách sống phù hợp với nơi họ sống. Cũng vậy người kitô hữu chúng ta cũng được Chúa Giêsu kêu mời sống sao cho phù hợp với tư cách là một công dân nước trời.
Đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh những người Do thái quá ỷ lại vào mình. Họ có cái nhìn hơi cục bộ. Họ nghĩ rằng số người được cứu thoát rất ít. Dường như số đó chỉ dành riêng cho họ. Cho nên, ngày nọ trên đường Chúa Giêsu lên Giêrusalem thì có một người đến hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13, 23). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp mà Người nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13, 24.) Nghĩa là Nước Trời mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người chứ không dành riêng cho nhóm người nào. Những ai có cách sống phù hợp sẽ được gia nhập Nước Trời.
Cách sống phù hợp với Nước Trời mời gọi chúng ta chiến đấu. Chiến đấu không phải với ai mà chiến đấu với chính bản thân của mình. Bản thân chúng ta thường hay ích kỷ, ham mê những sự đời này hơn là những thực tại thiêng liêng.
Lối sống ích kỷ sẽ đưa con người chúng ta đến một con người nghèo nàn, khô khan và ngày càng đánh mất bản chất nguyên thủy của một con người. Vì bản chất nguyên thủy của chúng ta được dựng nên để sống chung, sống với, sống cho và sống vì người khác. Nói cách ngắn gọn con người nguyên thủy là con người biết mở ra.
Cách đây 3 tuần Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12, 15 – 16). Chúng ta hãy biết tích lũy cho mình kho tàng trên trời ngay trong cuộc sống hôm nay.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn được trở thành công dân Nước Trời. Muốn vậy, chúng ta hãy tự chiến đấu với sự ích kỷ của mình, chiến đấu với sự ham thích những thực tại đời này. Chúng ta hãy chọn cách sống mở ra vì người khác và ham thích những thực tại thiêng liêng cao quý. Đó là cách sống phù hợp với Nước Trời.
5. Hành trình đi tới niềm vui
(Suy niệm của Lm FX. Vũ Phan Long)
Thời gian được dành cho chúng ta có giới hạn, nên chúng ta không thể sử dụng như là chủ thời gian. Ngay từ khi ý thức và mỗi ngày, chúng ta phải lên đường tiến về với Thiên Chúa.
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này bắt đầu phần thứ hai (Lc 13,22–17,10) trong hành trình lên Giêrusalem Tin Mừng Luca tường thuật (Lc 9,51–19,28), trong đó có những lời Đức Giêsu tuyên bố về ơn cứu độ và về việc được nhận hay không được nhận vào Nước Thiên Chúa. Riêng bản văn 13,22-30 có sự thống nhất bên trong nhờ những tuyên bố của Đức Giêsu; những tuyên bố này liên hệ rất chặt chẽ với hai dụ ngôn liên hệ đến Nước Thiên Chúa kết thúc phần thứ nhất (dụ ngôn Hạt cải, 13,18-19; dụ ngôn Men trong bột: 13,20-21).
Riêng về hình thức, dường như bản văn này đa tạp, quy tụ nhiều đoạn không cùng chiều hướng. Chẳng hạn, “cửa hẹp” (Lc 13,24) có ở Mt 7,13-14 (Bài Giảng trên núi); “cửa đóng” (Lc 13,25) kết thúc dụ ngôn mười người trinh nữ trong Mt (25,10-12). Câu trả lời của những người bị loại (Lc 13,26-27) lại đưa chúng ta về với Mt 7,22-23 (Bài Giảng trên núi). Còn chi tiết nói về bữa tiệc quy tụ mọi người (Lc 13,28-29) lại chính là cao điểm của truyện chữa lành người đầy tớ của viên sĩ quan có đức tin rất lớn (Mt 8,11-12).
Nhưng dù thế nào, khi đưa vào tác phẩm của mình, tác giả Luca đã làm cho các đoạn văn rời rạc ấy thành một khối có ý nghĩa (chi tiết “cánh cửa đã đóng” trở thành một dụ ngôn, và tất cả bản văn trở thành bài trình bày các đòi hỏi phải đáp ứng để được cứu độ.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Dẫn nhập vào hoàn cảnh địa lý và bài giảng (13,22-23);
2) Những lời đe dọa (13,24-29): Các ý tưởng được liên kết với nhau bằng từ móc “cửa” (cửa hẹp/cửa khóa):
– cửa hẹp (c. 24),
– cửa khóa (cc. 25-27),
– số phận của những kẻ làm điều gian ác (cc. 28-29),
– câu tục ngữ kết thúc (c. 30).
3.- Vài điểm chú giải
– Hãy phấn đấu để qua được cửa hẹp mà vào (24): “Qua được cửa hẹp” nghĩa là qua được cái cửa duy nhất của Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu dùng ngôn ngữ của cuộc tranh tài (agôn) hoặc chiến đấu để nhấn mạnh rằng cần phải cố gắng để vào được Nước Thiên Chúa. Chúng ta ghi nhận rằng ở Lc 13,3.5, Đức Giêsu kêu gọi hoán cải đúng lúc, còn ở đây Người lại diễn tả điều ấy bằng việc đi qua cửa hẹp.
– Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại (25): Dường như khung cửa hẹp lại còn bị chủ nhà kiểm soát. Đức Giêsu đã lưu ý về cửa hẹp, nay lại lưu ý là đừng để đến giờ chót. Ở đây, không rõ chủ nhà là Thiên Chúa hay là Đức Giêsu.
– Ta không biết các anh từ đâu đến (25) = Ta không biết các anh là ai.
– Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy (26): nghĩa là chúng tôi là những người quen biết và cùng thời với Ngài.
– đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (29): Đức Giêsu giới thiệu Nước Thiên Chúa theo kiểu Do Thái: Nước Thiên Chúa giống như bữa tiệc (x. Is 25,6), tại đó những người được chọn quy tụ chung quanh các tổ phụ và các ngôn sứ. Tuy nhiên, so sánh với Mt, ta thấy trong khi Mt gửi lời răn đe này đến toàn thể người Do Thái (Mt 8,12), Lc lại chỉ nhắm đến các thính giả cứng lòng tin mà thôi.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đứng về phương diện phê bình (quan điểm lịch đại), chúng ta thấy bản văn gồm những ý tưởng thuộc nhiều ngữ cảnh được liên kết với nhau một cách giả tạo. Tuy nhiên, về phương diện đồng đại, chúng ta vẫn có thể coi đây là một đoạn gồm những lời răn đe của Đức Giêsu.
* Dẫn nhập vào hoàn cảnh địa lý và bài giảng (22-23)
Tác giả Lc cho thấy Đức Giêsu vẫn rất lô-gích và cương quyết. Người vẫn đang thi hành nhiệm vụ và đi tới định mệnh của Người. Người loan báo sứ điệp từ làng này sang làng khác, đồng thời Người đến gần Giêrusalem, là nơi định mệnh đang chờ Người (x. Lc 13,33). Người không để mình bị lạc hướng trước những đe dọa của vua Hêrôđê (13,31-33). Người trả lời chắc nịch cho những cầu hỏi được đặt ra. Người nói lên cả những sự thật khó nghe. Người không hề muốn lừa dối hoặc đẩy ai vào ảo tưởng.
Câu hỏi “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” chạm thẳng vào tư cách của Người là Đấng Cứu thế (x. 2,11). Vậy có bao nhiêu người sẽ đạt được mục tiêu nhờ trung gian của Người? Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Người không nêu ra con số những người được cứu độ. Người muốn đưa cái nhìn của các thính giả về những gì cần phải làm. Người bảo cho chúng ta biết cách đi vào Nước Thiên Chúa, tức là lúc này phải trở thành môn đệ.
* Những lời đe dọa (24-29)
Chỉ có một cách duy nhất: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (c. 24). Khi nói về cửa hẹp, Đức Giêsu không có ý nói rằng tại “cửa ra vào” đời sống vĩnh cửu, có một đám đông huyên náo, và người ta đang chen lấn nhau. Người muốn nói rằng người ta phải cố gắng nhiều, phải chiến đấu. Không phải chỉ có ý muốn là đủ. Chắc chắn chúng ta không thể tự cứu mình bằng sức riêng, nhưng kết quả này không xảy đến nếu không có phần đóng góp của chúng ta, nếu chúng ta chỉ có một thái độ thụ động. Bởi vì làm thế nào để đi qua một cửa hẹp, nếu không phải bằng cách làm cho mình nhỏ lại? Một người to lớn không thể đi qua một cửa hẹp. Đức Giêsu đang bảo chúng ta rằng chúng ta không thể trở thành môn đệ của Người nếu chúng ta không buông ra cao vọng muốn thống trị kẻ khác. Nếu chúng ta không trở thành tôi tới mọi người, chúng ta sẽ không bao giờ vào được, cho dù chúng ta có cầu nguyện nhiều.
Rồi Đức Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn. Một người tổ chức moat bữa tiệc và mời mọi người, với điều kiện họ phải đi qua khung cửa hẹp. Mọi người cố gắng đi vào, có người thì lọt, có người thì không. Đến một lúc nào đó, chủ nhà cho đóng cửa. Dựa vào Isaia (Is25,6), có thể hiểu chủ nhà là Thiên Chúa. Khi nói về cái cửa đã đóng kín, Đức Giêsu muốn nói rằng chúng ta phải cố gắng đúng lúc. Chúng ta phải ý thức rằng thời gian của chúng ta có giới hạn. Chậm nhất là với cái chết, cánh cửa sẽ được đóng lại và số phận chúng ta sẽ được quyết định. Lúc đó, có muốn vào, có gọi, có gõ cửa, cũng đã muộn rồi.
Ở bên ngoài, có những người muốn được vào, họ nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (c. 26). Ông chủ đã gọi họ là “những quân làm điều bất chính”. Trong thực tế, họ biết Đức Giêsu, họ đã nghe Người giảng, đã ăn uống với Người. Họ không phải là những người ngoại giáo. Như vậy, chúng ta hiểu là chỉ mang tên “môn đệ” Đức Giêsu mà thôi thì không đủ; chúng ta còn cần có những hành vi tốt lành. Chỉ hiệp thông với Thiên Chúa ở bề ngoài mà thôi, thì không đủ. Chỉ đã biết Ngài, nghe các giáo huấn của Ngài, thì không đủ. Hiệp thông với Ngài trước tiên là hiệp thông với ý muốn của Ngài.
Sau đó, Đức Giêsu không nói đến con số những người được cứu, nhưng phác cho biết cộng đoàn những người được cứu độ thì như thế nào. Thuộc về cộng đoàn này là các tổ phụ Israel (Abraham, Isaác và Giacóp), các sứ giả của Thiên Chúa (các ngôn sứ) và những người đến từ bốn phương trời, từ mọi dân tộc. Các tổ phụ và các ngôn sứ tượng trưng tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho Dân được tuyển chọn (Israel); “thiên hạ từ đông tây nam bắc đến” tượng trưng Dân ngoại. Như vậy, trong Nước Thiên Chúa, có sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, thì cũng thể hiện sự hiệp thông với mọi người. Hình ảnh “ngồi đồng bàn” (= dự tiệc) gợi ý đến tính cách vui tươi lễ mừng của sự hiệp thông này. Hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với loài người trong một bầu khí vui tươi và lễ hội là những đặc điểm của ơn cứu độ trong Nước Thiên Chúa.
Ai không cố gắng đúng lúc với hành động công chính, thì tự loại mình, không nhận được ơn cứu độ. Hậu quả là phải “khóc lóc nghiến răng” (c. 28): khi nhận ra những gì mình đã mất, người ấy sẽ cảm thấy đau đớn khôn nguôi và giận dữ khủng khiếp.
+ Kết luận
Tin Mừng của Đức Giêsu không nói với chúng ta những điều làm cho chúng ta vui lòng, cũng không hứa với chúng ta một cuộc sống dễ dàng, không cần cố gắng. Tin Mừng ấy có hàm chứa một số chân lý gây phiền toái. Nhưng chính bởi vì Tin Mừng này không giấu giếm chúng ta điều gì cả, chính bởi vì Tin Mừng này trình bày chân lý trọn vẹn, Tin Mừng này mới chỉ cho chúng ta con đường thật đưa tới niềm vui. Cũng chính vì thế mà Tin Mừng này là Tin Mừng và chúng ta chỉ có thể đón nhận với lòng biết ơn và ngoan ngoãn.
5.- Gợi ý suy niệm
- Tuy Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng ta, nhưng Ngài coi trọng chúng ta là những nhân vị có tự do, có trách nhiệm. Do đó, chúng ta phải cố gắng, phải chiến đấu: Thiên Chúa cứu chúng ta, nhưng Ngài muốn rằng chúng ta cũng muốn chinh phục sự hiệp thông với Ngài. Chúng ta cố gắng có nghĩa là chúng ta ý thức và cương quyết đến gần Ngài, thắng vượt các trở ngại và để tất cả mọi sự khác sang một bên.
- Thời gian được dành cho chúng ta có giới hạn, nên chúng ta không thể sử dụng như là chủ thời gian. Ngay từ đầu, chúng ta phải lên đường tiến về với Thiên Chúa. Chúng ta không thể sống một cuộc đời theo sở thích riêng, rồi chờ đến tuổi già mới lo cho việc cứu độ linh hồn. Bởi vì không phải chúng ta là người đóng cửa, mà là Thiên Chúa; do đó phải luôn luôn sẵn sàng.
- “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”. Đây là lý do khiến chủ nhà không muốn liên hệ gì nữa với những người ở ngoài. Sự cố gắng, định hướng đúng thời đúng buổi về Thiên Chúa phải được diễn tả ra bằng hành động, bằng việc thi hành ý muốn của Ngài. Ai không quy hướng về ý muốn của Thiên Chúa bằng cách hành động thực thụ, ai từ chối hiệp thông lúc này với Ngài, thì đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, khỏi sự hiệp thông vĩnh cửu với Ngài, dù họ thuộc về cộng đồng tín hữu, đã nghe công bố Tin Mừng và chia sẻ bí tích Thánh Thể. Họ quên mất một điều, là đã không làm cho mình nên nhỏ bé đủ để đi qua cửa hẹp!
- Trong Nước Thiên Chúa, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, sự hiệp thông trọn vẹn với loài người cũng được thể hiện. Cuộc sống nhân loại viên mãn và phong phú của chúng ta hệ tại những tương quan viên mãn và sâu sắc của chúng ta với anh chị em loài người. Niềm vinh phúc của cuộc sống trong Nước Thiên Chúa hệ tại cả ở sự kiện các tương quan với loài người không bị cắt xén đi, nhưng lại được mở rộng và đưa đến chỗ thành toàn. Muốn thế, đang khi còn sống tại trần gian này, chúng ta cần nỗ lực. Buông trôi cuộc đời không chút cố gắng là con đường đưa tới tuyệt vọng sau này.
6. Vào khung cửa hẹp – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần. Lý do là các bạn phải học rất nhiều, phải phấn đấu để được vào đại học. Đại học hiện tại là một khung cửa hẹp. Trường lớp có ít mà số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng. Thế nên các học sinh phải hết sức phấn đấu mới được vào.
Cảnh các thí sinh chen chúc trước các cổng trường đại học làm tôi nhớ đến bài Tin Mừng hôm nay. Ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp.
Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.
Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống. Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 14,11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối”(Lc 14,10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ”(Lc 22,26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”(Mc 10,15).
Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”(Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”(Mt 5,3).
Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu.
Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thày, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.
Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ. Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.
Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người phấn đấu hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá mình”mà theo Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Cửa Nước Trời rất hẹp. Bạn có thấy mình còn cồng kềnh không?
2) Bạn thấy mình cần phải từ bỏ những gì để có thể gọn nhẹ tiến qua cửa hẹp?
3) Tuần này bạn sẽ phấn đấu làm gì để từ bỏ mình?
4) Chúa Giêsu đã làm thế nào để đi vào khung cửa hẹp?
17. Hy vọng và cầu nguyện – Achille Degeest
(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Tách rời bài đọc hôm nay khỏi bối cảnh toàn bộ Phúc Âm, người đọc dễ sinh nản chí. Trong bài chỉ thấy nói đến cửa hẹp nhiều kẻ sẽ không qua được, đến sự khai trừ khỏi Nước Trời v.v… Chúa nhân lành trong bài giảng trên núi, từng nói đến Cha với niềm âu yếm, tại sao ở đây lại có thể nói những lời nghiêm khắc đến thế? Chúng ta cần nhớ rằng Phúc Âm là một pho sách nhất phiến, mạch lạc chặt chẽ, đoạn này soi sáng giải thích đoạn kia. Vì thế không nên hiểu tình âu yếm của Cha như một thái độ nhu nhược, không nên giải thích sự đòi hỏi gắt gao của Người như một chủ trương nghiêm khắc. Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta về sự cần thiết phải từ bỏ và bổn phận phải theo đúng chân truyền.
1) Phải từ bỏ.
Không lọt qua được cửa hẹp là những kẻ không muốn từ bỏ những hành trang bề bộn. Về mặt trí thức, họ khư khư bảo vệ những thành kiến, những hệ thống tư tưởng, những chủ nghĩa, những ý kiến của họ. Về mặt luân lý, họ không từ bỏ những thói quen ích kỷ, thái độ tự tại trong vật chất, những lợi nhuận bất công, những hưởng thụ xác thịt. Một số lớn không từ bỏ những thứ cồng kềnh đó nhưng vẫn muốn xưng mình là Kitô hữu, muốn vượt qua cánh cửa Phúc Âm, tuy nhiên trước con mắt Thiên Chúa họ không qua được. Chính ở điểm này chúng ta không được để cho niềm cậy trông của mình bị dập tắt. Đối với Thiên Chúa, không có điều gì Người không làm được. Vả lại Thiên Chúa luôn luôn giúp đỡ kẻ có thiện chí. Nếu ngay tức khắc chưa thể vượt qua cửa hẹp, chúng ta có thể với sự trợ giúp của Thiên Chúa, loại đi một vài thứ lỉnh kỉnh nói trên. Nếu ngay tức khắc chưa thể tuân giữ tất cả những điều giảng dạy của Phúc Âm, chúng ta có thể với sự trợ giúp do Đức Kitô bảo đảm, bắt đầu tuân giữ một vài điều. Chúa không bao giờ từ chối giúp đỡ kẻ thành tâm thiện chí. Mỗi ngày thêm cố gắng, phấn khởi vì chắc tâm được Chúa giúp đỡ, chúng ta hy vọng vượt qua được cửa hẹp, là điều mà bình thường với sức riêng không ai dám mơ tưởng.
2) Phải theo đúng chân truyền.
Một số nào đó có thể dám tự hào được Đức Kitô nhìn nhận là môn đệ nhưng thật ra Đức Kitô không nhận họ là người của Chúa. Đó là những kẻ uốn nắn Phúc Âm theo ý riêng mình. Ngày nay có những kẻ giả mạo Phúc Âm, những kẻ xuyên qua lời phán của Chúa, muốn đưa ra mớ triết lý, những quyền lợi, những chọn lựa lập trường thế tục của họ. Thay vì quy tư tưởng theo Phúc Âm, những kẻ ấy quy Phúc Âm theo tầm cỡ và tiêu chuẩn tư tưởng của họ. Ngỡ rằng Chúa bỏ đi, Chúa khoá cửa rồi, họ gõ cửa xin vào. Nhưng Chúa từ chối, Chúa bỏ mặc họ với thế gian của họ, vì họ không đón nhận Phúc Âm chân truyền bằng một tinh thần tôn trọng sự thật. Chúng ta lấy ví dụ trường hợp một số hành động chính trị nào đó. Hành động chính trị của các Kitô hữu trong quá khứ và nhất là trong hiện tại luôn luôn bị cám dỗ muốn đem Đức Kitô vào đời sống công cộng, muốn viện dẫn Đức Kitô làm hậu thuẫn cho một hoạt động đảng phái; thật ra ai cũng biết, hoạt động đảng phái làm cho Phúc Âm mất đi tính chất chân truyền. Đối với xu hướng ấy, đối với những kẻ có chủ trương ấy, Đức Kitô đóng cửa lại. Chúa mở cửa cho hầu hết mọi chủ trương, đường lối, ngoại trừ sự giả dối.
8. Cửa hẹp
Trên đường đi, có người tò mò hỏi Đức Giêsu xem có nhiều người được vào nước trời hay không. Người không trả lời thẳng mà vừa cảnh báo vừa giục giã: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24).
Một luật chung trong cuộc sống, mọi thành đạt không đến một cách ngẫu nhiên, nhưng là kết quả của những cố gắng kiên nhẫn lâu dài. Cuộc sống đức tin cũng được ví như cuộc chiến đấu cam go. Thánh Phaolô ví cuộc hành trình này như một cuộc chạy đua. Muốn đạt được chiến thắng, người lực sĩ nào cũng phải dày công luyện tập. Con đường Đức tin là con đường chật hẹp, trong cuộc chiến đấu đòi hỏi phải có nhiều hy sinh, từ bỏ những đòi hỏi của thân xác, phải chiến đấu một cách anh hùng. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta.” (Mt 10, 38). Con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, mà nhiều người lại thích đi theo con đường đó. Đường hẹp là lối đi của Đức Giêsu, sẽ dẫn đến sự sống. Nếu tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời, sống gắn bó mật thiết trong Ngài, tôi sẽ nhận ra những “cồng kềnh” khó qua cửa hẹp ấy của mình. Nhờ Ngài tôi được Ngài uốn nắn cho xứng, cho cân, dù có hẹp nữa tôi vẫn có thể vượt qua. Nếu tôi không qua bằng con đường của Ngài mà sống buông thả theo ý riêng, thì dù có… nới cửa cũng vẫn khó mà vào nổi được.
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 25-27). Đức Giêsu cảnh báo những người Do Thái không trung tín, thì chính họ sẽ bị chối từ như những người chưa bao giờ quen biết Người, mặc dù hôm nay Người đang hiện diện và giảng dạy trên đường phố của họ. Bấy giờ họ sẽ phải ngỡ ngàng, khóc lóc khi thấy các tổ phụ và các ngôn sứ được ở trong nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong nước ấy. Mọi sự như bị đảo lộn, bởi vậy mới có chuyện những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
Lạy Chúa Giêsu là Đường, là cửa dẫn đến sự sống! Cửa Giêsu, đường của Chúa là con đường tuyệt vời nhất. Xin cho chúng con biết đi vào cửa, đi trên con đường của Chúa. Khi sống gắn bó mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được giải gỡ khỏi những ràng buộc níu kéo của dễ dãi thế trần, mà được tự do thanh thoát bay vào khung trời rộng mở của Chúa. Vượt qua những khuynh hướng tự nhiên, chúng con sẽ biết làm cho nhau những điều tốt lành như Chúa đã làm cho chúng con. Amen.
Én Nhỏ