Chứng nhân giữa đời (25.04.2016 – Thứ Hai sau Chúa Nhật V Phục Sinh năm C)

Thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng – Lễ kính

Lời Chúa: Mc 16,15-20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

1. Ghi nhớ: Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15)

2. Suy niệm:

Theo thống kê những năm gần đây, số lượng người công giáo chiếm khoảng 1/5 dân số trên thế giới – một con số còn quá khiêm tốn so với lượng dân số ngày càng bùng nổ như hiện nay. Điều đó cho thấy còn rất nhiều người trên thế giới chưa nhận biết và theo Chúa. Hơn nữa, khi xã hội càng văn minh và hiện đại con người càng lệ thuộc vào đời sống hưởng thụ vật chất trên thế gian và dễ dàng rời xa Thiên Chúa. Việc thờ phượng đọc kinh cầu nguyện kính mến Chúa ngày càng mai một dần đối với thế hệ trẻ sau này. Điều này được nhận thấy rõ nét trong sự khác biệt giữa thành thị và thôn quê.

Ở thôn quê, các gia đình vẫn còn quây quần bên nhau và duy trì giờ kinh tối. Ngược lại, sự hấp dẫn của ánh đèn màu thành phố cuốn hút người ta vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, còn đâu thời gian để nhớ đến Chúa mà đọc kinh cầu nguyện. Có mấy ai nhận ra rằng: 1 tiếng ngày chủ nhật là quá ngắn ngủi để hẹn hò ăn uống cùng nhau, nhưng lại quá dài lê thê để ngồi tham dự Thánh lễ. Hay ta chẳng đắn đo khi tiêu vài trăm ngàn cho một bộ quần áo đẹp, nhưng  lại lưỡng lự đồng 10 ngàn, 20 ngàn khi quyên góp thùng bác ái ở nhà thờ… Có mấy ai nhìn thấy, cánh đồng truyền giáo ở xa chưa kịp khai phá, mà cánh đồng ngay bên cạnh mình cũng đã mai một và héo úa dần…

 Vì thế, lời mời gọi trong bài Tin Mừng hôm nay vẫn thực sự rất cấp bách  và thiết thực giữa đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Là người Kitô hữu, hẳn mỗi chúng ta  luôn cảm thấy thao thức trước thực tại khủng hoảng đức tin trong xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống. Những thao thức đó phải được ươm mầm, định hình và nuôi dưỡng để trở thành công cụ giúp chúng ta mạnh dạn ra đi sống “ chứng nhân giữa đời”. Trong năm Thánh lòng Thương xót Chúa, Giáo Hội luôn kêu gọi mọi người tín hữu thao thức sống ơn gọi chứng nhân Tin Mừng trên mọi phương diện như:

  • Thao thức về tình yêu bao la và lòng thương xót của Chúa Cha đối với mọi người trên trần gian.
  • Thao thức về Chúa Giêsu Đấng cứu chuộc nhân loại. Chúa đã cầu nguyện “ Lạy Cha, nếu có thể , xin cho Con khỏi uống chén này, xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha” Đấng yêu thương thế gian “vào Thầy đã đến, ném lửa mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 51)
  • Thao thức là truyền giáo nên chúng ta luôn đồng hành với Giáo Hội “ Tự bản chất là truyền giáo” (TG 2)

Từ đó, sứ mệnh truyền giáo của mỗi tín hữu trên hết hãy ưu tư cho việc “loan báo Tin Mừng” là chân tính, cội rễ thiết thực và sống động nhất và truyền giáo cũng là thao thức của “ lệnh truyền” là đức ái. Đức ái cũng là kim chỉ nam thiết yếu cho toàn bộ cuộc đời Kitô hữu. Ngày nay việc truyền giáo hay nói đúng hơn cách “chứng nhân giữa đời” không còn như xưa như cha ông ta để lại, Tin Mừng khó được đưa vào nơi công sở, trường học, chợ búa, đầu tư kinh doanh, người tàn tật, khổ đau không nơi nương tựa vẫn còn đâu đó sự thờ ơ lãnh đạm, hay nhiều bậc Ông Bà Cha Mẹ đau khổ than phiền sự dửng dưng cách sống đức tin vào Thiên Chúa, hoặc tuân giữ lề luật của Hội Thánh, hoặc giới trẻ viện mọi lý do giữ đạo tại tâm, xã hội lại càng văn minh phồn thịnh, con người, lớp trẻ đua nhau tìm hưởng thụ, tục hóa chỉ muốn chối bỏ Thiên Chúa, hay không tin vào sự sống đời sau, chết là đi vào cõi hư vô, nên toàn tâm toàn ý sống cho đời này.

 Quả thật,  sự thao thức của người Kitô hữu là truyền giáo là “chứng nhân giữa đời” rất khó, tuy nhiên sứ mạng Kitô hữu là tham dự vào sứ mạng Chúa Kitô để thi hành các chức vụ: tư tế, ngôn sứ và vương đế trong Hội Thánh. Chúa Thánh thần là tác nhân thúc đẩy và hướng dẫn mọi người thi hành sứ mạng của mình. Đồng thời là một người Đoàn viên Đa Minh, sứ mạng người Giáo dân Đa Minh cũng vậy là “ loan báo Tin Mừng”. Đây cũng là sứ mạng của Dòng, của Hội Thánh mà Chúa Kitô đã ủy thác. Thế nên mỗi người với tấm lòng tự nguyện trong việc truyền giáo là “ loan báo Tin Mừng” theo từng hoàn cảnh của mình mà phục vụ – còn mọi khó khăn hãy tin tưởng trao lại cho Thiên Chúa, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm việc, Ngài hằng che chở và thúc đẩy để hoàn thành chính sứ vụ Ngài đã trao: “Tôi trồng, Anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).

Theo bạn, muốn xuất phát từ Đức Kitô người Tín hữu phải làm gì? Cách ta truyền giáo như thế nào? Kết quả ra sao? Và kinh nghiệm truyền giáo nào thiết thực bạn muốn chia sẻ?

3. Sống lời Chúa: Hãy quyết tâm “ loan báo tin Mừng” vì đó là ơn gọi và sứ mạng người Kitô hữu và người Giáo dân Đa Minh

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! xin cho chúng con được nghe và mau mắn  đáp lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” để chúng con biết tự nguyện dấn thân, hy sinh trao hết những gì trong con, cho Chúa, để Chúa cũng trao hết tất cả những gì Chúa có, cho con và cho mọi người, để cùng đích là nguồn hạnh phúc, và chân thiện mỹ là chính Đức Kitô luôn hiện diện trong chúng con. Amen.

M.Liên