Chuông ủng hộ sự sống được Đức Thánh Cha làm phép đến Ukraine. Đại hội Giới trẻ Toàn quốc truyền cảm hứng cho người trẻ Bangladesh

Chuông ủng hộ sự sống được Đức Thánh Cha làm phép đến Ukraine

Chuông ủng hộ sự sống được Đức Thánh Cha làm phép đến Ukraine

Chiếc chuông ủng hộ sự sống do ĐTC Phanxicô làm phép đã đến thành phố Lviv của Ukraine để công nhận vẻ đẹp sự sống của con người trong bối cảnh chiến sự căng thẳng.

Cha Tomasz Kancelarczyk, người giao chiếc chuông ngày 24/3 nói rằng chiếc chuông nhắc nhở mọi người về quyền được sinh ra và được sống. Đó cũng là âm thanh cảnh báo.

Cha Kancelarczyk là người đã mang chiếc chuông có tên “Tiếng nói Thai nhi” đến Đền Thánh Gioan Phaolô II ở Lviv. Hành trình của chiếc chuông sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục di chuyển đến các giáo xứ ở Ukraine để đánh động về một nền văn hóa của sự sống.

Sau khi rung chuông, giáo dân đã cùng nhau tham dự Thánh lễ cầu bình an. Ngoài chiếc chuông, công dân của Lviv còn được Ba Lan trao tặng vật tư y tế, thuốc men và thực phẩm.

ĐTC Phanxicô đã rung chiếc chuông cho Ukraine và cho Ecuador tại Quảng trường Thánh Phêrô vào tháng 10/2021. Chiếc chuông là một phần sáng kiến của tổ chức Yes to Life của Ba Lan. Tổ chức ủng hộ sự sống của con người từ khi thụ thai đến khi chết đi một cách tự nhiên.

Đức Thánh Cha thương tiếc sự ra đi của Đức Hồng Y người Ai Cập

 

ĐHY Antonios Naguib

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn sau khi Đức Hồng Y người Ai Cập Antonios Naguib qua đời.

Đức cố Hồng Y Naguib qua đời tại Cairo vào ngày 28/3, gần 10 năm sau khi ngài nghỉ hưu với tư cách là Thượng phụ Alexandria, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Coptic. Ngài qua đời vì lý do sức khỏe, hưởng thọ 87 tuổi.

Trong một thông điệp gửi tới Đức Thượng phụ Ibrahim Isaac Sidrak, ĐTC Phanxicô nhắc lại “đức tin và lòng nhiệt thành” của Đức Hồng Y Naguib và việc ưu tiên đào tạo linh mục của ngài.

Sinh ra ở Samalut, Ai Cập, vào năm 1935, Đức Hồng Y Naguib lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo đức. Ngài gia nhập một trường tiểu chủng viện ở Cairo khi mới 9 tuổi.

Khi còn là một chủng sinh, ngài được gửi đến học ở vào năm 1955 trước khi được thụ phong linh mục ở tuổi 25. Ngài đã mở các trường học mới dành cho giáo dục tôn giáo ở Ai Cập và đưa ra nhiều cải cách.

Đức Bênêđíctô XVI đã phong ngài làm Hồng Y vào tháng 11/2010. Sự ra đi của Đức Hồng Y để lại Hồng Y đoàn còn 119 vị hồng y cử tri và 92 Hồng Y trên 80 tuổi.

Đại hội Giới trẻ Toàn quốc truyền cảm hứng cho người trẻ Bangladesh

giới trẻ Bangladesh
Ảnh: UCA News

Giới trẻ Công giáo đã cùng các Đức Giám mục, các linh mục và tu sĩ tham gia các hoạt động kỷ niệm Đại hội Giới trẻ Toàn quốc được tổ chức tại Bangladesh sau 2 năm tạm hoãn do đại dịch.

Các hoạt động kỷ niệm Đại hội lần thứ 37 do Ủy ban Giới trẻ tổ chức. Sự kiện diễn ra tại Nhà thờ chính tòa Thánh Phanxicô Xaviê, Giáo phận Dinajpur từ ngày 24/3 đến 27/3.

Khoảng 475 bạn trẻ tham gia sự kiện với nhiều hoạt động khác nhau như mít tinh, cầu nguyện, tĩnh tâm và các chương trình văn hóa, giao lưu chia sẻ khác.

Chủ đề của Đại hội năm nay là “Đức Maria vội vã lên đường”, giống với chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, Bồ Đào Nha năm 2023.

Các thông điệp của Đức Giáo hoàng như Laudato si và Fratelli tutti, Thượng hội đồng Giám mục, các vấn đề môi trường, chủ nghĩa tiêu thụ và thói kiêu ngạo đều được thảo luận trong suốt bốn ngày diễn ra sự kiện.

Trọng tâm chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Malta

 

ức Thánh Cha đến Malta
Ảnh: Vatican News

Vào cuối tuần này, ngày 02/4 và 03/4, ĐTC Phanxicô sẽ khởi hành chuyến viếng thăm lần thứ 36 của ngài tới đảo quốc Malta thuộc Địa Trung Hải. Văn hóa chăm sóc và hiếu khách sẽ là trọng tâm của chuyến tông du lần này.

Chuyến thăm của ĐTC Phanxicô tới đảo quốc Malta đã bị hoãn hồi tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19. Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni hôm 30/3 cho biết chuyến thăm kỷ niệm chuyến tông du nước ngoài lần thứ 36 của ĐTC. Malta là một quốc gia nhỏ bé với 90% dân số tuyên xưng là người Công giáo.

Chủ đề của chuyến tông du là câu Kinh Thánh trích từ sách Công vụ Tông đồ: “Họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28,2). Chủ đề nhằm nêu bật hoàn cảnh của những người di cư vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu cũng như thúc đẩy việc truyền giáo ở quốc gia này.

Trong khi ở Malta, ĐTC sẽ đi đến các thành phố Valletta, Rabat, Floriana và đảo Gozo. Ngài sẽ đưa ra 5 bài diễn văn trong suốt chuyến thăm bằng tiếng Ý. Toàn bộ chuyến thăm, ngoài các cuộc gặp gỡ riêng tư, có thể theo dõi trên Vatican Media.

Điểm nổi bật chính của chuyến đi sẽ bao gồm chuyến thăm của ĐTC Phanxicô đến Hang Thánh Phaolô tại Vương cung thánh đường ở Rabat và gặp gỡ những người tị nạn.

Khánh Ly – WTGPHN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *