Chuyến bác ái đến với Người Khuyết Tật của đoàn “Bác Ba Phi”: Tám năm gắn bó với người khuyết tật

 

Cứ mỗi năm một lần, nhà thờ Long Phú thuộc giáo hạt Sóc Trăng, Giáo phận Cần Thơ lại mở rộng cửa đón đoàn “Bác Ba Phi” đến với người khuyết tật. Năm nay là năm thứ 8, từ rất sớm tôi vượt gần 50 cây số đến để kịp tham gia hoạt động “ Đến với Người Khuyết Tật” của đoàn.

Tôi đứng nép vào vạt cây phía trước nhà xứ dõi theo từng bước chân đi khập khiễng, từng chiếc xe lăn nặng nhọc của vợ đẩy chồng, con đẩy cha mẹ, anh đẩy em lăn vào phía bên trong nhà thờ. Những khuôn mặt ngơ ngác, ánh mắt vô hồn nhìn tôi mà như đang lạc hướng về nơi xa xôi, từng nụ cười méo mó trên đôi môi khô héo, trái tim tôi đang run lên bần bật những nhịp đập đầy biểu cảm khi chạm phải nỗi đau đầy đặn hình hài trên thân phận những con người gắn vào nhau, gánh chịu nhau một cách nhẫn nại đầy đau khổ.

Tôi mon men lại gần một bà mẹ già gần 70 đang chăm chút cho đứa con gái cũng ngoài năm mươi mẫu bánh mì khô đét. Tôi ngồi xuống lắng nghe câu chuyện của họ mà sóng trong lòng cứ dâng. Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào, nỗi đau nào cũng gai góc, cũng cố tình đâm chọc xoáy sâu vào tận cõi lòng nơi sâu thẳm nhất cất giữ tồn trữ niềm cảm mến. Bà mẹ có 5 người con thì đã ba đứa con gái nằm một chỗ dở dở ương ương không tự chăm sóc được cho mình, hai người còn lại thì có thể đi đứng nhưng dại dại khờ khờ. Sống nương tựa vào nhau, những chiếc lá tả tơi chụm lại che chắn phủ ấm cho nhau, người qua kẻ lại thương tình cho ký gạo, bó rau, nỗi đau quá lớn mọc rễ tua tủa quanh đời bà mẹ, chỉ cần chạm nhẹ vào là nó nhức nhối, vừa kể chuyện mà chút nước mắt còn sót lại âm ỉ bứt ra trên khóe mắt. Tôi như sờ được nỗi khổ của họ, cảm giác đau nhói truyền qua trong lồng ngực mình. Lạy Chúa! nhìn kìa họ đau khổ đến mức như không còn đau khổ nào hơn nữa?!…

Chuyện của những người mẹ tuổi đời còn non choẹt mà gánh đời thì oằn xuống làm thân hình còm cõi, bồng bế trên tay núm ruột dị dạng mà mình đã được trao ban, ôm riết vào lòng mà không muốn lìa ra, đứa bé 15 tuổi chỉ bằng hom hem đứa trẻ lên ba, hoặc 11 tuổi nhùng nhằng như một nhúm thịt không xương. Tôi đưa máy lên, nuốt giọt nước mắt khô khốc đang trốc ra khỏi tâm hồn cằn cỏi của mình rồi nén lại, tôi chụp vội, rồi bật lại tấm hình mà không dám nói câu gì. Tôi đã lén lút nhấn nút thật nhanh để ghi lại những khoảnh khắc kiếm hoi ánh mắt giương lên hướng về tôi đầy lạc quan, cái lạc quan của những mảnh đời như không còn gì để lạc quan.

– Đoàn đến rồi kìa cô ơi… Ông lão tất tả gọi tôi, vì lúc nãy tôi có hỏi chuyện và dặn ông khi nào đoàn đến thì gọi dùm tôi, cớ là vì tôi muốn ghi lại những bước chân vừa chạm đất nơi này và những cảnh khuân vác nghĩa tình mang chia sẻ, lúc nào tôi cũng hứng thú với những khuôn mặt mới toanh mà gặp nhau như đã quen từ thuở nào, cái bắt tay thân thương nụ cười ngoác nở trên môi, và trái tim hôi hổi nhựa lòng xót thương chảy tràn lan tràn ngập qua tim tôi. Chỉ cần thế là tôi thấy đủ ấm áp để vượt chặng đường xa xôi tìm đến và ở cùng, vui với niềm vui sẻ chia ngắn ngủi rồi quày quả ra đi mà khắc mãi vào tim.

Họ làm việc rất chuyên nghiệp, vừa chuyển đồ xuống xe là ai nấy vào việc của mình, trong lúc Cha giới thiệu và ổn định vị trí cũng như thay mặt các anh chị em khuyết tật, người già neo đơn và các học sinh nghèo khổ vượt khó học tập nói lời tri ân, thì đoàn phân chia các phần quà. Hơn 300 phần quà gồm gạo, mền, sữa, thuốc và tiền để bà con phụ vào việc chuyên chở được chuẩn bị tươm tất.

Để bà con được vui vẻ, ca sĩ Phương Dung, còn giúp vui văn nghệ cho bà con qua trích đoạn tuồng cải lương, nghệ sĩ Phương Dung đã in đậm vào lòng bà con với giọng ca vừa hung vừa oai. Gian phòng phút chốc im lặng chỉ có tiếng lòng đang rung lên vì giọng giai điệu chìm lắng của bài “Tình Cha” do ca sĩ Hoàng Minh gửi đến cho mọi người bằng cả tấm lòng chân tình của người nghệ sĩ. Tiếng vỗ tay rền vang, đôi mắt ngơ ngác, nụ cười chưa tròn mà niềm vui tỏa rạng.

Tôi thấy mọi người đang vui, từ trong lòng họ vui vì được nghe lại giọng nói ấm nghĩa tình của “ Bác Ba Phi” người đã tiếp nối nghiệp của chồng dang rộng cánh tay ra kết nối mọi người để đưa nhau về tận nơi xa xôi này đã tám năm nay để chia ngọt xẻ bùi cho những người có hoàn cảnh vô cùng khổ đau.

Quà trao tận tay người nhận, nỗi đau được xoa dịu, niềm hạnh phúc ngập tràn trên môi, trong lòng. Tôi thấy lòng Chúa Thương Xót đang rưới xuống mát mẻ và hồng ân Chúa như mưa đang tuôn xuống phận con người nghèo đói bệnh tật, Thần Khí Chúa đang bao quanh nâng họ lên, mạnh mẽ, dẻo dai, can đảm chịu đựng chung phần với thập giá Chúa Con.

Tôi dõi mắt trông theo đoàn người dần dần ra về với niềm vui mang vác trên vai, nghĩa tình đong đầy trong tim, tôi thấy các em nhỏ cầm học bổng trên tay, ánh mắt sáng ngời vụt chạy về phía trước. Tôi thấy ánh mắt gửi gắm yêu thương của người mang vật chất đi cho mà thực ra họ cho cả nguồn vui sống, gieo vào mảnh đất này hạt giống nghĩa ân. Tôi lân la theo bước chân họ thì ra đoàn gần cả trăm người mà chỉ có chừng 5 người là người công giáo.

Tôi thầm ngưỡng mộ người phụ nữ mà mọi người gọi với cái tên dễ thương “ Bác Ba Phi” – một người công giáo đã dang tay ra nắm lấy tay mọi người không cùng tôn giáo để cùng nhau giúp đỡ nơi nào cần họ, không cần biết là ai, chỉ cần biết là họ cần tình thương sự sẻ chia là đoàn sẵn sàng dấn bước. Nhà thờ, chùa chiền, nơi nào có nguồn Lòng Thương Xót là họ khơi dậy và chuyển suối nguồn đấy đến nơi cạn khô.

Tôi tự hỏi duyên may nào đưa họ đến nơi vùng đất xa xôi này và câu trả lời mà họ tự bộc bạch không cần biết rằng cái mà ai cũng muốn biết: – Đó là duyên may gặp nhau ở đời, họ gặp Cha sở Ant Lý Thanh Việt, từ cái thuở nhà thờ còn nhỏ xíu, lặn lội đi xin ân nhân giúp đỡ để xây cất và họ kết cái nét hiền lành mộc mạc rồi duyên may ấy rủ họ đến với Người Khuyết tật nơi này và ở mãi trong lòng nhau đã đến năm thứ 8 và còn hứa hẹn những lần sau và lần tiếp…

Tôi nói lời tạm biệt ra về mà trong tôi vẫn đong đầy những nghĩ suy, tôi suy ngẫm điều nhiệm mầu mà mắt tôi đã ràn rụa đau rát, tim tôi thổn thức khi nghĩ về câu chuyện của những con người và những mảnh đời mang hình hài dáng dấp Đức Ki- tô chịu đóng đinh vì những đớn đau thân xác, cần sự xoa dịu từ lời cầu kinh miệt mài…Từ vòng tay khép lại nắm lấy ân ban và sẻ chia cho nhau. Những chi thể thân thể của Đức Ki-tô đang nhẫn nại chờ đợi sự thăm viếng, lời cầu xin, sự yêu thương không những cho họ mà cho chính người biết quảng đại cho đi để được hiệp thông liên đới với mầu nhiệm cứu chuộc.

Tôi bước đi chầm chậm theo lời bài thánh ca du dương…Lạy chúaThánh giá nào Ngài vác trên vai đau thương nào phủ kín tâm tư đường tình đó Ngài giành cho con. Lạy chúa xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy chúa xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang…

 

Tiểu Hổ.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *