Xây dựng vườn nho Hội Thánh (05.06.2023 – Thứ Hai Tuần IX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  Tb 1,3 ; 2,1a-8 (năm lẻ), 2 Pr 1,2-7 (năm chẵn), Mc 12,1-12

Bài đọc 1 (năm lẻ): Tb 1,3 ; 2,1a-8

Bài trích sách Tô-bi-a.

Tôi là Tô-bít, tôi đã từng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày đời tôi. Tôi cũng đã từng rộng tay bố thí cho anh em và đồng bào tôi, những người cùng đi đày với tôi qua Ni-ni-vê, ở xứ Át-sua.

Ngày lễ Ngũ Tuần của chúng tôi, tức là ngày lễ thánh mừng các Tuần, người ta dọn cho tôi một bữa ăn ngon, và tôi nghiêng người xuống để dùng bữa.  Người ta bày bàn, dọn cho tôi nhiều món. Tôi nói với Tô-bi-a, con tôi : “Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Ni-ni-vê, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha. Này, con ơi, cha đợi con cho đến khi con về.”  Tô-bi-a ra đi, tìm một người nghèo trong số các anh em chúng tôi. Khi trở về, nó nói : “Cha ơi !” Tôi bảo nó : “Cha đây, con.” Nó trả lời : “Thưa cha, có một người trong đồng bào chúng ta đã bị giết và quăng ngoài chợ, là nơi bây giờ người ấy còn đang bị thắt cổ.”  Tôi liền chồm dậy, bỏ cả ăn, chẳng kịp nếm chút gì. Tôi đem người ấy ra khỏi quảng trường và đặt trong một căn nhà nhỏ, chờ lúc mặt trời lặn sẽ đem chôn.  Trở về nhà, tôi tắm rửa, rồi ăn bánh mà lòng cảm thấy ưu sầu tang tóc.  Tôi nhớ lại lời ngôn sứ A-mốt đã nói về Bết Ên rằng :

“Những ngày lễ của các ngươi sẽ biến thành tang tóc,
mọi bài hát của các ngươi sẽ nên khúc ai ca.”

Rồi tôi khóc.  Khi mặt trời lặn, tôi đào huyệt chôn người ấy.  Láng giềng nhạo cười tôi rằng : “Hắn vẫn còn chưa sợ ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã trốn đi, thế mà hắn lại vẫn chôn cất người chết !”

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 12,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Người nói : “Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ; ông nói : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !”

12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng ; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

Xây dựng vườn nho Hội Thánh (05.06.2023)

Ngày 05.06: Lễ Nhớ Thánh Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo

“Họ đã bắt người con yêu dấu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.”

Tin Mừng Mác-cô tường thuật lại dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” trong bối cảnh những ngày sau cùng của cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Lúc này, Chúa Giêsu đã cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem để bắt đầu bước vào cuộc thương khó. Nhiều lần, những bài giảng dạy, những dụ ngôn và sau hết là các phép lạ của Chúa Giêsu làm chướng tai gai mắt giới lãnh đạo Do-thái thời bấy giờ. Vì thế, họ tìm nhiều cách để loại trừ Chúa Giêsu, như là một cách để củng cố quyền lực, và duy trì sự ảnh hưởng về thế quyền và thần quyền. Họ hỏi Ngài, Ngài lấy quyền đâu mà làm tất cả những điều trên. Và hơn ai hết, Ngài hiểu ý họ muốn gì, nên Ngài đã dùng dụ ngôn này để ám chỉ họ.

Nhìn lại lịch sử Cứu Độ, nhiều lần Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến để cảnh báo dân Ngài, nhưng thế giới cũng chẳng có gì đổi thay. Thế mà, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và gửi đến nhiều ngôn sứ khác nữa. Trong thời đại sau hết, Thiên Chúa gửi đích thân Con Một của Ngài đến, để hy vọng thức tỉnh lương tri và trái tim con người. Nhưng rồi, con người lại tìm cách để giết hại Người Con ấy.

Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn vạch trần những âm mưu của giới lãnh đạo Do-thái đang tìm mọi cách để giết Ngài; đồng thời Ngài muốn gửi đi một thông điệp căn bản, đó là: yêu thương sẽ xóa đi hận thù, còn hận thù sẽ dẫn đến chết chóc, bởi sự hận thù chẳng khác gì cái hố chôn kẻ hận thù trước rồi mới chôn đối phương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương nhau. Khi sống yêu thương, chúng ta đã hành động như chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể biến thù thành bạn; cũng chỉ có tình yêu, chúng ta mới giúp nhau nên thánh ngang qua những yếu đuối, vụng về của thân phận con người. Hãy nhớ lời thánh vịnh mà hôm nay Chúa Giêsu đã lặp lại: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.”

Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục thừa thông minh để hiểu dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể ám chỉ họ, nên họ đã tức điên lên. Họ quyết định bắt Chúa Giêsu, nhưng thánh Mác-cô viết: “Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng.” Không những giới lãnh đạo Do-thái hiểu dụ ngôn ám chỉ họ, mà Chúa Giêsu còn dùng dụ ngôn đó để nói với con người qua mọi thời đại, trong đó có cả chúng ta. Thái độ của người Do-thái cũng có thể là thái độ của chúng ta, khi chúng ta chưa yêu mến Giáo Hội đủ, chưa cộng tác với những người đại điện của Chúa trong cộng đoàn và nhất là khi ta còn sống trong tội lỗi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có được con mắt tinh tường để nhận ra những ơn huệ Chúa ban; đôi tai sâu lắng để nghe được lời dạy của Chúa cùng trái tim nhạy bén để cảm nhận được tình yêu tận hiến đến cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng con. Xin đừng để chúng con trở nên kẻ vô ơn bạc nghĩa như những tá điền bất trung, nhưng trở nên những tá điền trung thành và khôn ngoan để thi hành tốt bổn phận Chúa trao ban, nhằm sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành cho vườn nho của Chúa là bản thân, gia đình và Giáo Hội. Amen.

Joston

Công trình của Thiên Chúa (04.06.2018)

Câu chuyện của ông Giuse (x. St 37, 12-27; 50, 19-20) loan báo cách Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được loan báo bởi dụ ngôn vườn nho, do chính Đức Ki-tô công bố. Nhưng câu chuyện của ông Giuse lại là hậu quả của nọc độc “quên ơn, nghi ngờ, ghen tị và ham muốn”, do ma quỉ gieo vào lòng con người ngay khởi đầu của sự sống (x. St 3). Hậu quả này, như chính chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, tiếp tục lan rộng và lan sâu trong lòng con người, trong thế giới của con người cho đến mầu nhiệm Nhập Thể và sau mầu nhiệm Nhập Thể.
Tuy nhiên, dụ ngôn “Những Tá Điền Vườn Nho” của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, và dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử nhân loại và lịch sử đời mình, không phải để nhận ra “công trình của Sự Dữ”, nhưng để nhận ra “CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA”.

1. Ơn huệ vườn nho (c. 1)

Trước hết chúng ta hãy nhìn ngắm “công trình” của người chủ; và nếu thích, chúng ta có thể diễn tả bằng một hình vẽ.

– Ông trồng một vườn nho; chúng ta hãy hình dung ra tất cả những gì phải làm để gầy dựng được một vườn nho (x. Is 5, 1-2); chắc chắn điều này đòi nhiều công phu và thời gian. Thế mà theo dụ ngôn, dường như ông thực hiện một mình! Thực tế không thể như thế, nhưng trong cách kể chuyện, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh điểm này, vì đó chính là một trong những chi tiết nói cho chúng ta về Thiên Chúa và công trình sáng tạo của Người. Chúng ta đừng quên đi vào tâm tình của ông.

– Sau đó, ông rào giậu chung quanh; đâu là mục đích hay ý nghĩa của việc rào giậu? Như chúng ta đều có kinh nghiệm, điều này có thể có những ý nghĩa rất khác nhau, chẳng hạn để bảo vệ. Nhưng một cách căn bản, đó là cách thức để phân biệt, và phân biệt chính là xác định căn tính (chẳng hạn, việc xác định biên giới giữa hai nước). Rào giậu mang ý nghĩa đặt tên.

– Trong vườn ông đào bồn đạp nho; ông đã nghĩ đến hoa trái và xa hơn nữa là rượu ngon đến từ những chùm nho chín. Ông có cả một kế hoạch mà điểm tới là có được rượu nho, biểu tượng của niềm vui xum họp. Đức Giê-su nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ thầy” (Ga 15, 8).

– Ông xây một tháp canh; nhưng canh điều gì? Canh những nguy cơ đến từ bên ngoài; và đó có thể là những nguy cơ nào? Tuy nhiên, dụ ngôn của Đức Giêsu diễn biến theo một chiều hướng khác: những nguy cơn không đến từ bên ngoài, nhưng ngay ở trong khuôn viên vườn nho (x. St 2, 15). Nhưng những nguy cơ nghiêm trọng này có thể làm thất bại kế hoạch làm “rượu nho” của người chủ không?

– Cuối cùng ông trao vườn nho cho các tá điền với sứ mạng “canh tác”. Các tá điền bây giờ mới được nhắc đến, nhưng là để đón nhận: đón nhận vườn nho đã được chuẩn bị thật công phu, và cũng đón nhận một sứ mạng.

Rồi ông trẩy đi xa. Chúng ta cần nhận ra lòng tin tưởng vô điều kiện ông đặt để nơi các tá điền. Chúng ta có thể nhớ lại ơn huệ sáng tạo trong sách Sáng Thế (x. St 1-3) và ơn hệ sự sống của chúng ta. Loài người được tạo dựng, mỗi người chúng ta được sinh ra, từng người chúng ta khi được tháp nhập vào Hội Dòng hay Tu Hội, tất cả mọi sự đã có sẵn, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: bản thân chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống và sự sống được tái sinh bởi ơn tha thứ mỗi ngày, Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta nhưng không mỗi ngày.

Hơn nữa, tương quan đích thật và trưởng thành không phải là tương quan hiện diện thể lí, nhưng là tương quan vắng mặt ngang qua các dấu chỉ. Khi chủ ở nhà, thì mình đương nhiên là tớ; nhưng khi chủ đi vắng, mình vẫn sống, vẫn ứng xử như là tớ, hay tự biến mình thành chủ? Và khi tự biến mình thành chủ, thì tất yếu sẽ là tai họa; điều này đúng trong mọi cấp độ: cuộc đời của mỗi người, gia đình, cộng đoàn…

2. Quên ơn huệ (c. 2-9)

Chúng ta hãy để mình bị kinh ngạc bởi thái độ của các tá điền, nhất là khi dụ ngôn không cho chúng ta biết tại sao, tại sao họ lại hành động kì dị như thế?

– Với người đầy tớ thứ nhất: họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. “Bắt, đánh đập và loại trừ”, đó là những hành động đặc trưng của sự dữ, mà những người công chính của Thiên Chúa phải chịu.

– Với người đầy tớ thứ hai: họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Mức độ bạo lực gia tăng, vì đó là năng động tất yếu của bạo lực: đánh vào đầu là nguy hiểm đến tính mạng và bạo lực luôn đi đôi với chế diễu trên ngôi vị. Và nhạo báng cũng là một hình thức bạo lực gây đau khổ không kém bạo lực thể lí.

– Rồi ông sai một người khác và nhiều người khác nữa. Trong những lần này, bạo lực của các tá điền đã đạt tới mực cực điểm là giết chết.

– Cuối cùng, từ nhiều người sang một người, nhưng đó lại là tột đỉnh của mọi sự: “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu…”; đó là chi tiết nói về Đức Ki-tô trong tương quan Cha-Con với Thiên Chúa cách trực tiếp và rõ ràng nhất; trước khi hành động, mỗi bên đều có lời tự nhủ: “Chúng sẽ nể con ta”; còn các tá điền thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta”. Cả hai hành động đều là điên rồ (x. 1Cr 1, 17-25).

Chúng ta cần chú ý đến năng động tất yếu của bạo lực, giống như đá tảng rơi từ ngọn núi xuống, càng lúc càng nhanh và mạnh, từ nhân tính chuyển sang thú tính. Nhưng tại sao ông chủ không ngăn cản mà lại để cho nó đi đến cùng như thế? Đó cũng là vấn đề của cuộc Thương Khó. Và tại sao, họ lại có những hành động bạo lực đến kì lạ như vậy? Bởi vì họ muốn tự biến mình thành chủ, muốn chiếm đoạt điều không thuộc về mình; nhưng tại sao họ lại đâm ra như vậy? Bởi vì họ quên đi vườn nho là một ơn huệ, thậm chí sứ mạng canh tác và gìn giữ (x. St 2) cũng là một ơn huệ; ơn huệ vườn nho và sứ mạng canh giữ vườn nho nhắc nhớ sự hiện diện của “Đấng ban ơn”. Quên điều này tất yếu sẽ dẫn đến hành vi chiếm đoạt bằng lòng ham muốn, tất yếu dẫn đến bạo lực. Như thế, dụ ngôn cũng mặc khải sâu xa về con người trong tương quan với Thiên Chúa, không kém mặc khải đã được bày tỏ trong trình thuật Vườn Ê-đen (St 2-3).

Trong khi đó ơn gọi của các tá điền và cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, là nhận ra sự sống của mình, thế giới của mình, vũ trụ mình chiêm ngắm là một ơn huệ; và vì là một ơn huệ, con người được mời gọi sống và xây dựng cuộc sống như một lời đáp trả, một lời biết ơn: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, giờ đây con xin dâng lại Chúa tất cả”. Một trong những ý nghĩa của đời dâng hiến mà chúng ta đang được mời gọi sống đến cùng cách quảng đại, là để làm rõ ơn gọi này của con người. Chúng ta cũng hãy để mình kinh ngạc trước cách phản ứng của ông chủ, vì hành động của ông cũng kì lạ không kém, nhưng theo một năng động hoàn toàn ngược lại: thay vì bạo lực đối lại bạo lực; thì sự hiền lành đối lại bạo lực: sự hiền lành của ông được diễn tả ra cách cụ thể nơi hai nhóm đầy tớ được sai đi và nhất là của người Con Trai yêu dấu. Sự hiền lành này sẽ được Thiên Chúa thực hiện cách trọn hảo trong cuộc Thương Khó của Đức Kitô.

Dụ ngôn diễn tả cho chúng ta nhiều tột đỉnh, nhưng là để dẫn chúng ta đến một tột đỉnh khác ở bên ngoài dụ ngôn: Thiên Chúa lại chấp nhận đến cùng tội của con người và chuyển nó thành ơn cứu độ: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118, 22). Đó chính là “Tin Mừng”, bởi vì diễn tả mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá của Đức Ki-tô; và “Tin Mừng” này gợi nhớ nhiều biến cố trong lịch sử cứu độ, nhất là chuyện ông Giuse (St 50, 18-20), người công chính bị bách hại trong Tv 22, và Người Tôi Tớ Đau Khổ (x. Is 52, 13-53, 12). Đó chính là:

Công trình của Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta.

3. Đó là CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA (c. 10-12)

Câu chuyện ông Giuse và dụ ngôn của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử loài người và lịch sử của từng người chúng ta, dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô ; đọc lại như thế, không phải để nhận ra « công trình » của Tội và Sự Dữ, vốn làm cho chúng ta sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng là nhận ra « CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA ». Và công trình của Thiên Chúa thì khác hẳn với công trình của con người, với lối suy nghĩ của con người. Thật vậy :

a. Tội và sự dữ không làm thất bại thất bại kế hoạch sáng tạo và cứu độ, vì Thiên Chúa chiến thắng sự chết, vốn là hành động sau cùng của Tội và Sự Dữ : “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.

b. Hơn nữa Thiên Chúa dùng chính sự dữ, để cho đi tới cùng, để bày tỏ sự hiền lành tuyệt đối, và đó chính là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa (sự hiền lành của ông chủ vườn nho).

c. Vẫn chưa hết, đó là cách Thiên Chúa vừa tha thứ cho chúng ta, và vừa giải thoát chúng ta khỏi tội và sự dữ:
– Bằng cách bảy tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt thật của sự dữ (chữa bệnh phải thấy được nguyên nhân), khi để cho sự dữ đi tới cùng ; và nhận ra sự dữ có mặt ở khắp nơi trong chúng ta và giữa chúng ta. Thấy Sự Dữ, chúng ta được chữa lành rồi, vì Sự Dữ không “tương hợp” với chúng ta, vốn được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện. Vì thế, ngay cả kẻ dữ, khi làm điều dữ, cũng phải che đậy, phủ lên một lớp vỏ tốt đẹp. Và điều này được thể hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thương Khó.

– Nhưng không phải để « ác giả ác báo », nhưng để nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa vô biên vô tận ; và chính tình yêu và lòng thương xót vô biên vô tận, chứ không phải nỗ lực « đền tội và canh tân » của chúng ta, biến đổi con tim chúng ta và khơi dậy tâm tình biết ơn và lòng cảm mến ; chính sức mạnh tình yêu Thiên Chúa cuốn hút và lòng ước ao ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, ước ao để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu và lôi cuốn, sẽ lôi chúng ta ra khỏi sức hút của sự dữ.

Đó chính là công trình kỳ diệu, là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, khác hẳn với sức mạnh và khôn ngoan của con người, luôn rạng ngời trong trong lịch sử cứu độ và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, từ ơn huệ sáng tạo đầy thách đố đến ơn huệ sáng tạo đầy ánh sáng, niềm vui và sự sống, trong Chúa và cùng nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tấm lòng vị tha (05.06.2017)

1. Ghi nhớ:

Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao?

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường,

Đó chính là công trình của Chúa,

công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! ( Mc 12, 10-12)

2. Suy niệm:

Dụ ngôn ông chủ vườn nho chuẩn bị đi xa, ông cho tá điền canh tác và chăm sóc vườn nho. Khi mùa gặt tới, ông sai thợ để thu lượm hoa trái, nhưng những tá điền bất lương này đã giết chết những người thợ của ông, thậm chí giết cả người con trai của ông nữa. Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Thiên Chúa, và các tá điền làm vườn nho sát nhân là thượng tế. Vườn nho đó là những gì thuộc về dân Ít-ra-en được Thiên Chúa trao phó cho họ. Họ đã ngược đãi các đầy tớ của ông chủ vườn nho, họ đánh đập, hạ nhục rồi đuổi đi, giết chết… Nhân vật cuối cùng được cử đến chính là Đức Giêsu, người con yêu dấu của ông chủ. Họ muốn chiếm đoạt gia tài , nên đã bắt Người, giết chết ở Giê-ru-sa-lem. Vì thế vườn nho được giao cho người khác, là các tín hữu gốc dân ngoại, không phải gốc Do thái.

Trong thời đại ngày nay, hình ảnh “người tá điền bất lương” vẫn còn hiện hữu ở khắp nơi. Bởi trong xã hội đầy dẫy những sự độc ác vô cảm này, con người chúng ta có bao giờ biết sống và đối xử với nhau trong công bằng, bác ái hay bằng trái tim nhân hậu không? Hay chúng ta giết nhau, làm tổn thương nhau bằng danh thơm tiếng tốt, bằng những ganh ghét, vu khống, đặt điều, nói hành nói xấu, hoặc giết nhau bằng tranh gành danh vọng, chức vụ hay tiền tài vật chất. Đặc biệt khi xã hội bị thống trị bởi công nghệ thông tin và truyền thông lan rộng, con người giết nhau không bằng súng đạn nữa, mà giết nhau bằng tư tưởng bí hiểm thẩm sâu bằng những giòng chữ ẩn chứa sắt bén trên các trang mạng xã hội, dễ dàng nhục mạ nhau giữa công chúng, một cách tán tận lương tâm mà không hề cảm thấy ray rứt, y như người tá điền bất lương ngày xưa vậy

Bài Tin Mừng hôm nay dạy cho chúng ta bài học biết tha thứ yêu thương nhau, trong sự an bình công chính. Thiên Chúa muốn ám chỉ, Người là viên đá và là đá tảng góc nối kết hai bức tường lại, làm cho hai bức tường này dính lại với nhau và do đó đảm bảo vững chắc.Thế nên cách nhìn của Thiên Chúa khác hẳn cách nhìn của thế gian. Người là tảng đá góc, con người là những viên đá mà người thợ xây loại bỏ. Nhưng Thiên Chúa đã dùng họ và  biến thành đá tảng góc tường. Tóm lại, tất cả mọi người, anh em tôi, bạn bè tôi, cả tôi nữa là những viên đá của người thợ xây loại bỏ, thế nên cách nhìn chúng ta biết nhận ra, để chia sẻ, cảm thông, tha thứ cho nhau bằng “tấm lòng vị tha”với mọi người.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Chúa đã tử nạn và phục sinh để cứu chuộc nhân loại. Xin dạy chúng con biết nhận ra cách sống của mình, biết biến đổi tâm hồn, canh tân đời sống trong tinh thần Tin Mừng, để mỗi người biết chấp nhận, đối xử nhân hậu với  nhau, như Thiên Chúa luôn dang tay đón nhận chúng ta biết hoán cải quay trở về trong vòng tay yêu thương che chở của Ngài. Amen.

M.Liên 

Viên đá sống động (30.05.2016)

1. Ghi nhớ:

Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng Đá mà thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường (Mc 12,10)

2. Suy niệm:

Qua dụ ngôn của Chúa Giêsu: “có người kia trồng một vườn nho” vườn nho đây ám chỉ Thiên Chúa dành cho dân Israen, một hồng ân Ngài trao ban, nhưng họ không đón nhận, ngoảnh mặt làm ngơ, nên Chúa nói: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa. mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”(Mt 21,43). Trước khi đi xa, ông chủ đã chuẩn bị gởi cho các đầy tớ đến gặp các tá điền, xem xét để thu hoa lợi mà họ phải nộp, nhưng tá điền họ muốn chiếm đoạt vườn nho, nên các đây tớ đều bị họ đánh đập và đuổi về tay không, thậm chí có đầy tớ bị đánh vào đầu, bị hạ nhục, bị giết. Ông chủ đã không nản lòng, cuối cùng, ông chỉ còn có một người con yêu dấu chắc “chúng sẽ nể con ta” nhưng bọn tá điền lại bảo: “nào giết quách nó đi” thế là họ giết chết rồi quăng ra ngoài vườn nho.

Theo lẽ người đời không người cha nào có thể đem con mình làm việc hy sinh, nhưng Chúa muốn minh chứng cho mọi người nơi Thiên Chúa là một tình thương, lòng nhân hậu, lòng thương xót nhẫn nại bao la vô bờ bến, một ông chủ càng hy sinh thì họ càng ghen ghét bấy nhiêu. Đối với công trình Thiên Chúa khác hẳn dự tính con người, tội ác càng tăng, đổi lại tình thương Thiên Chúa càng lan tỏa, một tội lỗi ngập tràn thì Thiên Chúa chỉ án phạt khi tội nhân quyết lìa xa tình yêu của Ngài. Thế nên Thánh Phaolô viết: “nhưng ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Thiên Chúa không ngừng yêu thương nên Ngài kiếm tìm chúng ta một tình yêu vô vị lợi không biên giới, phần còn lại chúng ta có thành tâm ăn năn hối cải không?

Viên đá được thợ xây loại bỏ, ám chỉ hình ảnh Chúa Giêsu, tảng đá này là tảng đá góc nối kết dân ngoại, qua Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết để Ngài đưa mọi người hưởng phúc trường sinh.

3. Gợi ý và chia sẻ:

– Chúng ta kêu trách dân Do Thái tại sao không tin Chúa, sao lại đối xử với Chúa tàn nhẫn vậy?

– Người Đoàn viên Đa Minh chúng ta vẫn làm ngơ trước những nghèo khó, hay làm trước thống khổ về tinh thần hay vật chất của anh chị em quanh ta hay không? Hay có khi nào ta nhận thấy mình là những tá điền bất lương qua những hành động sân si qua quyền lợi, thanh danh, cái tôi của mình đối với anh chị em trong Huynh Đoàn hay không? 

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Dù chúng con tội lỗi ngập tràn, thì ân sủng của Chúa chứa chan, và chúng con không bị loại bỏ ra ngoài tình yêu của Thiên Chúa, Chúa sẽ làm cho chúng con trở thành viên đá sống động trong công trình của Chúa. Amen.

 M.Liên

THỨ HAI .01.06.2015

Ngà 01.06: Lễ Nhớ Thánh Giút-ti-nô, tử đạo

Ghi nhớ: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào ông cho ta điền canh tác rồi trẩy đi xa”(Mc 12,1).

Suy niệm: Người chủ vườn vừa trông nho xong thì lặng lẽ đi phương xa, ông để lại cả vườn nho cho tá điền thuê. Điều này nói lên ông chủ rất là tín nhiệm các tá điền nên ông sẳn sàng trao vườn nho mà không chút nghi ngờ. Cũng vậy Thiên Chúa luôn tín nhiệm mỗi người chúng ta, Ngài đã trao cho chúng ta cả vườn nho của mình đó là: khả năng, địa vị, phương tiên sống…Nếu chúng ta là một tá điền tốt của Chúa thì chúng ta phải sinh lợi với những gì mà Thiên Chúa đã ban. Thiết nghĩ mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ lại xem tôi đang sống như một tá điền nào?

Sống lời Chúa:Hãy sống và làm hết khả năng mình.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng hết những hồng ân Chúa ban để con có thể mưu ích cho mình và cho người khác. Amen 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *