Lối hẹp vào dự tiệc Nước Trời (26.10.2022 – Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  Ep 6,1-9 (năm chẵn), Rm 8,26-30 (năm lẻ), Lc 13,22-30

Bài đọc 1: Ep 6,1-9

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Hỡi anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.  Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa :  để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.  Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Ki-tô.  Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.  Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta.  Anh em biết đấy : ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do.  Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa : anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 13,22-30)

22 Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người : “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Người bảo họ : 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói : ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào !’, thì ông sẽ bảo anh em : ‘Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !’ 26 Bấy giờ anh em mới nói : ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng ông sẽ đáp lại : ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !’

28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Lối hẹp vào dự tiệc Nước Trời (26.10.2022)

“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”

       Chúa Giêsu nói: “Nhiều người được cứu độ”, “ nhiều người sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”, hay nói cách bình dân của người công giáo Việt Nam là “ nhiều người được vào nước thiên đàng, được hưởng nhan thánh Chúa”.

Lời Chúa thắp lên trong chúng ta niềm hy vọng vĩnh cửu: cuộc đời của chúng ta không đi vào ngõ cụt là sự chết muôn đời, nhưng bước qua sự chết mà vào cõi sống đời đời với Chúa.

Chúa Giêsu cho biết lối vào thiên đàng là một “ Lối hẹp”, vì thế chúng ta phải thu nhỏ cái tôi lỉnh kỉnh cồng kềnh những thứ tham lam danh lợi dục của mình, phải theo con đường thánh giá của Chúa Giêsu là yêu thương và hy sinh đến chết vì yêu người.

Bài hát “ Con sẽ vì yêu người”, suy niệm về “lối hẹp” như thế này:  Con sẽ vì yêu người, mà thu nhỏ mình lại, để người được lớn lên. Con sẽ vì yêu người, mà trở nên nghèo khó để người được giàu có. Con sẽ vì yêu người, nhận về mình đau khổ, để người được an vui. Con sẽ vì yêu người mà đi vào, mà đi vào lối hẹp, để người hạnh phúc tuyệt vời. Đi vào lối hẹp, con mở rộng long ra.Đi vào lối hẹp con trao ban tình mến. Đi vào lối hẹp, con bước theo chân Ngài đã chết treo đỉnh đồi, vì xót thương con người.

Vâng lối hẹp là lối yêu của Chúa Giêsu đã đi, là hiến mình phục vụ cho người được sống vui, là lối liều thân chịu chết cho tha nhân được sống và sống dồi dào, hôm nay, và mai sau. Ước gì tất cả chúng ta biết vui mừng và khám phá ra: cuộc sống chính là ân sủng Chúa ban, để mọi người chúng ta biết đi vào “ Lối hẹp” của Chúa Giêsu, để được ơn bình an vui sống hôm nay, và mai sau, sẽ cùng đoàn viên hạnh phúc trên thiên đàng, cùng hân hoan dự tiệc trong nước Trời.

       Lạy Chúa, xin cho tất cả mọi gia đình chúng con, biết sống yêu thương và hy sinh cho nhau, để từng thành viên trong mỗi gia đình được hạnh phúc, và nên chứng tá Tin Mừng. Amen.

BCT

Ơn cứu độ cho người tin vào Chúa Ki-tô (27.10.2021)

“Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”. (Lc 13, 29)

Người Do Thái vẫn luôn tự hào mình là dân riêng của Thiên Chúa. Họ nghĩ rằng khi họ giữ lề luật cũ của Do Thái cách hình thức bên ngoài, là đã đủ chuẩn để được cứu độ. Vì thế, họ không đón nhận lời mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng của Chúa Giê-su. Họ không muốn hiểu rằng: Ơn Cứu Độ không phải do lề luật, nhưng là do lòng tin vào Chúa Ki-tô.

Vì thế, Chúa Giê-su nói: họ sẽ không được cứu độ vì họ không tin. Bấy giờ, dẫu cho họ có nói: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi”, thì họ cũng bị từ chối và bị ném ra ngoài. Người còn cho họ biết: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Lời Chúa một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng: muốn được cứu độ, phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối là từ bỏ lối bước rộng rãi kiêu căng cao ngạo theo đam mê dục vọng trần gian. Sám hối là vui mừng bước vào lối hẹp khiêm hạ khó nghèo, theo Tin Mừng của Chúa Ki-tô.

Chưa từ bỏ lối rộng bất chính là chưa sám hối. Sám hối mà chưa sống Tin Mừng Chúa Giê-su là nguy cơ “ngựa quen đường cũ”. Hóa ra, ơn cứu độ không dành cho người quen biết hay đồng hương, từng ăn uống với Chúa Giê-su, cũng không hẳn sẽ dành cho người có vốn hiểu biết, có học hàm học vị bằng cấp về môn học Giê-su, nhưng ơn cứu độ dành cho những ai có lòng “sám hối, tin vào Chúa Giê-su, lắng nghe và thực hành Lời Người dạy”. Vì thế, Chúa nói: “Có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

 Lạy Chúa, xin cho các gia đình chúng con tin vào Chúa Giê-su, yêu mến Người, lắng nghe và thực hành Lời Người trong gia đình, và trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng con. Amen.

BCT

Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào (30.10.2019)

Tin Mừng hôm nay có một người hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Ngài những người được cứu thoát thì ít có phải không?”. Đây là câu hỏi có tính soi mói có lẽ  của người Do Thái. Họ tự tin rằng, họ là một dân riêng của Chúa, nên số người được cứu thoát sẽ chủ yếu là dân của họ, ngoài ra sẽ không có là bao. Chúa Giêsu đã không trả lời người ấy là ít hay nhiều, mà Người lại dạy cho họ một điều quan trọng là phải làm sao để đạt được sự cứu rỗi ấy: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”. Vậy cửa hẹp là làm sao? Trong Tin Mừng Mátthêu Chúa đã nói rõ hơn: “Vì cửa rộng và đường thênh thang thì đi đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó, còn cửa hẹp và đường chật thì đi đến sự sống”. (Mt 7,13-14). Vậy là đã rõ ràng, vào “cửa hẹp” mà Chúa nói  ấy  chính là dẫn ta đến sự sống. Có lần Chúa đã công bố: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.(Ga 14, 16).

Vậy làvào cửa hẹp là đến với Chúa Giêsu, tin theo Chúa Giêsu và làm theo lời Chúa dạy.

-“Vào cửa hẹp là kính mến một Thiên Chúa là Cha trên hết mọi sự và yêu thương tất cả mọi người kể cả kẻ thù như chính mình vậy.

-“Vào cửa hẹplà không ngừng tự tôi luyện mình hàng ngày bằng việc thực thi các nhân đức Tin Mừng: đức tin, đức cậy, đức mến và các nhân đức nhân bản: lòng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; là kiên quyết cắt tỉa những cành sâu, cành xấu không ra hoa trái đó, là những tính mê nết xấu cản trở ta thành người con yêu của Chúa. Vì Chúa đã nói: “Anh em phải nên thánh vì Cha anh em ở trên trời là Đấng thánh”. (Mt 5, 48).

– “Vào cửa hẹp là vui vẻ, hăng say vác thánh giá đời mình mà theo Chúa. Đó là thánh giá khổ đau, bệnh tật, thánh giá bổn phận nơi bản thân, gia đình và xã hội.Vì những thập giá đó chẳng  bao giờ hết được mà chính Chúa cũng đã phải vác đến đồi Calvê và dạy mọi người: “Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi.” (Mt 16,24).

Ở xóm tôi có một nhóm người cứ bốn giờ họ đã dậy và say sưa đi dạo quanh nhà thờ rèn luyện thân thể. Nhóm công giáo cùng xóm hàng ngày cũng giờ ấy đều đặn đến nhà thờ dâng lễ. Có lần cả hai nhóm cùng ngồi trên sân. Một chị công giáo tươi cười nói: “Giá mà các anh các chị cùng vào nhà thờ cảm tạ, Thiên Chúa với chúng em nữa thì còn khỏe hơn nhiều. Bọn công giáo chúng em sáng tối nào cũng “dạo tới dạo lui” từ nhà đến nhà thờ, lại còn được hưởng niềm vui bình an của Chúa ban cho nữa…”  Tôi nghe chị nói thật có lý.

Lạy Chúa! Xin cho con say sưa yêu mến tìm kiếm vào cửa hẹp Chúa dạy. Cái cửa ít người vào nhưng cửa ấy đưa con đến sự sống đời đời. Amen.

Gs. Ngọc Năng

Cửa Hẹp (31.10.2018)

Mở đầu đoạn Tin mừng hôm nay, ta thấy một câu hỏi mà xưa nay người ta vẫn coi đó là não trạng của những người Do Thái. “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?”. “Số ít” đó có thể họ tự hào coi đó là chính dân tộc Do Thái của họ, một dân riêng Chúa chọn, được ưu đãi đặc biệt.  Chúa Giêsu đã phớt lờ không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ. Rồi như đã nhìn thấy tâm hồn còn khiếm khuyết ấy, Chúa đã dạy họ điều thiết yếu: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”,  để đạt được sự cứu rỗi .

Nói đến “cửa hẹp”, tôi nhớ đến ngay thánh đường Phát Diệm, một kiến trúc tôn giáo nổi tiếng của cha Trần Lục xây dựng ở cuối thế kỷ 19 ở tỉnh Ninh Bình. Một lần hướng dẫn viên thuyết trình: “Ngày xưa để đi vào khuôn viên ngôi thánh đường nguy nga rộng lớn này chỉ có 2 lối vào là hai chiếc cửa rất nhỏ ở hai bên phương đình cuối nhà thờ. Nay đã xây lấp lối nhỏ ấy  mà thay bằng những lối đi lớn, nhưng vẫn còn dấu vết xưa. Nhìn lối vào chỉ đủ từng người đi một, tôi khoái quá và thầm nhận ra ngay ý tác giả. Ngài đã muốn dùng cửa hẹp vật chất này để nhắc nhở con cái Chúa hàng ngày mỗi khi bước vào thánh đường, lời dạy về “cửa hẹp”của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay.

Vậy  “cửa hẹp” là gì, Chúa không nói rõ, nhưng chỗ khác Chúa lại nói rõ thêm: “Vì cửa rộng và đường thênh thang thì đi đến diệt vong” (Mt7, 13). Như vậy vào  “cửa hẹp” Chúa muốn chính là làm những việc Chúa dạy. Đọc Tin mừng hôm nay, nói đến “vào cửa”, “đóng cửa”, “ăn uống”, làm ta nhớ đến dụ ngôn  “Khách được mời dự tiệc nhưng xin kiếu” (Lc14,15). Chúa muốn mời gọi chúng ta tham dự tiệc cưới Nước Trời, chúng ta có nỗ lực, mau mắn đúng giờ, y phục đầy đủ hay chúng ta lại bị ông chủ từ chối đóng cửa hay bị lôi ra ngoài. Vào “cửa hẹp” là hy sinh như Chúa đã dạy. “Ai theo ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta” (Lc 9,23) hay “Hãy mang lấy ách của Ta…”. Những “thập giá”, những “ách” là việc phải gắng sức để giữ luật Chúa, luật Hội thánh và  chu toàn bổn phận hàng ngày của mỗi người, là sống lề luật nhân bản: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín;  khôn ngoan, công bằng, dũng cảm, tiết độ.

Vào cửa hẹp vật chất thì phải nép mình, so đo, còn “cửa hẹp” Chúa dạy phải tránh xa những gì ma quỷ, thế gian, xác thịt quyến rũ làm ta xa Chúa. Như sống cải tội bảy mối: khiêm nhường, rộng rãi, giữ mình trong sạch, hay nhịn chớ hờn giận, kiêng bớt chớ mê ăn uống, yêu người chớ ghen ghét. Vào “cửa hẹp” là gắng phấn đấu để trở nên những mẫu người Chúa muốn mà Người đã chúc phúc trong tám mối phúc thật: Người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, trong sạch, thương yêu, xây dựng hòa bình, không sợ bách hại vì lẽ công chính. Cách riêng người giáo dân Đa Minh quyết thực thi 3 lời khuyên Tin Mừng là: sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời mà ta đã khấn hứa.

Ngày nay muốn sống mạnh khỏe và kéo dài tuổi thọ trên 100 năm trên dương thế, người ta đã phải thức khuya dậy sớm tập tành, kiêng cữ… Còn chúng ta, để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời, lẽ nào ta không cố gắng thực thi lời Chúa hôm nay? Chúng ta cũng cần tránh những não trạng của người Do Thái xưa hay tự hào về dòng tộc, công lao… mà quên đi cái bổn phận hiện tại của chính mình mà Chúa đang cần. Nên có thể chúng ta cũng trở thành những “con cháu thầy đồ”, lại đang đốt những cuốn sách nho quý giá.

Xin Chúa luôn nâng đỡ con trên đường đời này, để con kiên tâm tiến bước theo con đường đến “cửa hẹp” mà Chúa đã dạy con. Cửa ấy sẽ vào được “bữa tiệc” vĩnh cửu Nước Trời. Amen.

Ngọc Năng (BC)

Cửa hẹp (26.10.2016)

Trên đường đi, có người tò mò hỏi Đức Giêsu xem có nhiều người được vào nước trời hay không. Người không trả lời thẳng mà vừa cảnh báo vừa giục giã: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24).

Một luật chung trong cuộc sống, mọi thành đạt không đến một cách ngẫu nhiên, nhưng là kết quả của những cố gắng kiên nhẫn lâu dài. Cuộc sống đức tin cũng được ví như cuộc chiến đấu cam go. Thánh Phaolô ví cuộc hành trình này như một cuộc chạy đua. Muốn đạt được chiến thắng, người lực sĩ nào cũng phải dày công luyện tập. Con đường Đức tin là con đường chật hẹp, trong cuộc chiến đấu đòi hỏi phải có nhiều hy sinh, từ bỏ những đòi hỏi của thân xác, phải chiến đấu một cách anh hùng. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo ta” (Mt 10, 38).

Con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, mà nhiều người lại thích đi theo con đường đó. Đường hẹp là lối đi của Đức Giêsu, sẽ dẫn đến sự sống. Nếu tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời, sống gắn bó mật thiết trong Ngài, tôi sẽ nhận ra những “cồng kềnh” khó qua cửa hẹp ấy của mình. Nhờ Ngài tôi được Ngài uốn nắn cho xứng, cho cân, dù có hẹp nữa tôi vẫn có thể vượt qua. Nếu tôi không qua bằng con đường của Ngài mà sống buông thả theo ý riêng, thì dù có… nới cửa cũng vẫn khó mà vào nổi được.

“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 25-27).

Đức Giêsu cảnh báo những người Do Thái không trung tín, thì chính họ sẽ bị chối từ như những người chưa bao giờ quen biết Người, mặc dù hôm nay Người đang hiện diện và giảng dạy trên đường phố của họ. Bấy giờ họ sẽ phải ngỡ ngàng, khóc lóc khi thấy các tổ phụ và các ngôn sứ được ở trong nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong nước ấy. Mọi sự như bị đảo lộn, bởi vậy mới có chuyện những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.

Thánh Phaolô cũng căn dặn tín hữu Êphêsô trong bài đọc I: “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta.  Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng dọa nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6, 7-9).

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là cửa dẫn đến sự sống! Cửa Giêsu, đường của Chúa là con đường tuyệt vời nhất. Xin Cho chúng con biết đi vào cửa, đi trên con đường của Chúa. Khi sống gắn bó mật thiết với Chúa,  chúng con sẽ được giải gỡ khỏi những ràng buộc níu kéo của dễ dãi thế trần, mà được tự do thanh thoát bay vào khung trời rộng mở của Chúa. Vượt qua những khuynh hướng tự nhiên, chúng con sẽ biết làm cho nhau những điều tốt lành như Chúa đã làm cho chúng con. Amen.

 Én Nhỏ

Trở nên nhỏ bé để vào qua cửa hẹp

Có người hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,23-24)

Suy niệm: Trong thiên nhiên có một qui luật: Sống là chiến đấu. Phải vượt qua được những điều kiện khắc nghiệt nhất của cuộc đấu tranh sinh tồn, người ta mới có thể tồn tại được. Và đó cũng là qui luật chung: con đường sống dễ dãi làm cho người ta mất đi sức đề kháng cần thiết, lại là con đường dẫn đến diệt vong. Cuộc sống đức tin cũng được ví như một cuộc chiến đấu thiêng liêng đầy cam go. Con đường đức tin là con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều hy sinh phấn đấu: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun quén cá nhân, tự hào và tham vọng. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi trong con người quá to. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại tới mức huỷ mình ra không, ta sẽ dễ dàng qua được cửa hẹp mà vào.

Mời Bạn: Con đường Chúa Giê-su đã chọn là con đường chật hẹp của thập giá. Để là Ki-tô hữu, bạn không có chọn lựa nào khác hơn là cùng đi với Ngài trên con đường ấy.

Sống Lời Chúa: Để quen đi trên con đường hẹp, mỗi ngày bạn tự nguyện làm một việc hy sinh hãm mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con luôn sẵn lòng đón nhận những hy sinh vì tình yêu Chúa để con được cùng đi với Chúa trên con đường hẹp của thập giá. Amen.

Vào qua cửa hẹp

Chúa Giê-su nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,24)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa đúng là gia sản chúng ta được thừa kế nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đương nhiên được hưởng quyền lợi đó, mà đó còn là kết quả của cả một cuộc đời chiến đấu không ngừng. Mỗi người đều phải góp phần cứu rỗi chính mình bằng những nỗ lực của bản thân mình. Đời sống ki-tô hữu giống như một cuộc leo núi: phải luôn tiến tới và phải luôn hướng lên cao, hướng về một đích điểm chỉ có thể đạt tới ở cõi đời sau. Lối đi vào Nước Thiên Chúa phải qua cánh cửa hẹp, cánh cửa duy nhất, cánh cửa mà chính Đức Giê-su cũng đã đi qua để vào. Thiên Chúa chỉ nhận ra chúng ta khi chúng ta đi qua cánh cửa hẹp ấy. Một khi cánh cửa đó đã khép lại, Thiên Chúa sẽ không nhìn mặt những người theo lối khác mà vào nữa.

Mời Bạn: Thế giới khoa học kỹ thuật vật chất tiến bộ vượt bậc. Những tiện nghi vật chất cũng là những giá trị giúp nâng cao phẩm giá con người. Nhưng chúng lại có nguy cơ phát sinh thói hưởng thụ ích kỷ. Những hy sinh, đau khổ, nhờ kết hợp với mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, được xoá đi ý nghĩa tiêu cực để trở thành những giá trị tích cực có khả năng thánh hoá con người.

Sống Lời Chúa: Nhẫn nại trước những đau khổ tự nhiên trong cuộc sống hay những khó chịu, phiền hà do người khác gây ra, thay vì phàn nàn, bất mãn, để kết hợp với Đức Ki-tô góp phần đem lại ơn cứu độ cho thế giới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “hoàn tất phần còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa” là vui lòng thập giá hằng ngày của con theo Chúa. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *