Đài CBC News đưa tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm bốn ngày tại Canada

1. Đài CBC News đưa tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm bốn ngày tại Canada

Theo đài truyền hình CBC News, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm bốn ngày tại Canada, vào cuối tháng Bảy năm nay và dừng lại tại ít nhất ba địa điểm, là: Edmonton, Thành phố Québec và Iqaluit.

Đài CBC News trích thuật một nguồn tin riêng cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ được Giáo Hội Công Giáo Canada tài trợ, với sự hỗ trợ của chính phủ Liên bang.

Bà Cassidy Caron, Chủ tịch Hội đồng toàn quốc những người lai ở Canada cho biết một toán từ Vatican đã đến ba thành phố vừa nói để thăm dò với mục đích chuẩn bị cho chuyến viếng thăm. Bà cũng hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ mạnh mẽ xin lỗi về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong vụ các trường nội trú thổ dân dưới thời thực dân ở Canada và bà mong rằng nhân cơ hội này, ngài sẽ viếng Hồ thánh Anna, là địa điểm hành hương lịch sử của các thổ dân, cách thành phố Edmonton 78 cây số về hướng tây bắc. “Đây là một nơi đặc biệt, nơi chữa trị tâm tình cho những người lai và cũng là nơi sẽ có cuộc hành hương thường niên, từ 25 đến 28 tháng Bảy năm nay.”

Ông Natan Obem Chủ tịch Hội đồng Inuit Tapiriit Kanatami, của sắc dân Inuit cho biết Đức Thánh Cha sẽ đến Iqaluit, thủ phủ lãnh thổ của các thổ dân này. Ông Obed nói: “Xét vì Giáo Hội Công Giáo đã hiện diện từ hơn 100 năm tại miền cực bắc Canada, chúng tôi cảm thấy việc Đức Giáo Hoàng đến thăm quê hương của chúng tôi là điều rất quan trọng”.

Về phần Hội đồng Giám mục Canada, trong một thông cáo, cho biết Hội đồng đang tham khảo ý kiến của các tổ chức thổ dân toàn quốc về ngày giờ và địa điểm trong cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, chương trình chưa được ấn định chung kết vì đang còn ở trong vòng thảo luận. Tòa Thánh sẽ quyết định chung kết về chương trình, hy vọng sẽ có thông cáo chính thức trong những tuần lễ tới đây.

Bà Rosanne Casimir, thuộc Hội đồng các thủ lãnh sắc dân đầu tiên cho biết đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm cộng đoàn của bà.

Đài CBC News đưa tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm bốn ngày tại Canada

Một số nguồn tin e ngại rằng quyết định về các địa điểm Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm có thể làm cho một số người không hài lòng. Nhưng vì Đức Giáo Hoàng đã 85 tuổi và đi đứng khó khăn, nên có thể có những trung tâm được chọn để có thể đón tiếp đông đảo những cựu học sinh các trường nội trú thổ dân, đại diện cho các miền bắc, tây và đông Canada.

2. Vị Hồng Y hàng đầu của Vatican nói rằng những quan ngại về Tiến Trình Công Nghị của Đức là chính đáng

Một vị Hồng Y hàng đầu tại Vatican đã xác nhận sự e ngại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “Tiến Trình Công Nghị” của Đức, nói với EWTN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng các nhà phê bình đã nêu ra “những lo ngại chính đáng” về những tranh cãi xung quanh việc các Giám Mục Đức đánh giá lại các giáo huấn của Giáo hội về đạo đức tình dục và các vấn đề quan trọng khác.

“Tôi rất hy vọng rằng các giám mục Đức sẽ không chỉ đơn giản bảo vệ mình mà thực sự tham gia vào một cuộc đối thoại. Bởi vì có những lo ngại chính đáng đằng sau điều này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc,” Đức Hồng Y Kurt Koch nói.

Vị Hồng Y người Thụy Sĩ, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo, đã nói chuyện với Giám đốc Văn phòng EWTN Vatican Andreas Thonhauser cho tạp chí tin tức EWTN “Vaticano.” Cuộc phỏng vấn sẽ đến phát sóng vào Chúa Nhật 24 tháng Tư.

Trong cuộc trò chuyện này, Đức Hồng Y Koch cũng thảo luận về tình hình ở Ukraine, khẳng định quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng bất kỳ lời biện minh tôn giáo nào cho cuộc chiến này đều là một hành động “báng bổ”, xúc phạm đến Thiên Chúa. Đó là một tham chiếu cụ thể đến Thượng Phụ Kirill, người vừa bị Nghị viện Âu Châu chỉ trích vì thái độ bênh vực cuộc chiến tại Ukraine.

Trong nghị quyết, Nghị viện Âu Châu nói rằng họ “lên án vai trò của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo Nga, vì đã cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine.”

Liên quan đến Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Hồng Y Koch đề cập đến một dàn đồng ca quy tụ ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo Giáo hội trên thế giới, trong đó các ngài bày tỏ mối quan tâm về lời kêu gọi thay đổi sâu rộng giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái và các vấn đề khác.

Đức Hồng Y Koch nhắc lại “mối quan tâm của tình huynh đệ” được bày tỏ bởi các giám mục Công Giáo Ba Lan, cảnh báo của Hội đồng các Giám mục Bắc Âu, cũng như “bức thư ngỏ tình huynh đệ” gần đây có chữ ký của bốn Hồng Y và hơn 80 giám mục cảnh báo rằng tiến trình đang diễn ra ở Đức có thể làm suy giảm uy tín của Giáo hội và dẫn đến ly giáo.

Đức Hồng Y Koch kêu gọi một cuộc đối thoại về “những gì Đức Thánh Cha và những gì các giám mục Đức hiểu theo Đường lối Thượng hội đồng,” thêm vào đó là hai ý nghĩa riêng biệt.

“Tôi không thấy những thứ này giống hệt nhau. Đối với Đức Giáo Hoàng, Thượng hội đồng là một sự kiện tâm linh. Ngài mời gọi chúng ta lắng nghe nhau và lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe Chúa Thánh Thần về những gì ngài muốn nói với chúng ta.”

“Ở Đức, tôi có ấn tượng rằng tính đồng nghị bao gồm việc xử lý các cấu trúc. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ vũ mạnh mẽ trong Thư gửi dân Chúa ở Đức, rằng trước hết không phải về cấu trúc mà là về tâm linh. Và thứ hai, tính đồng nghị nói chung phải phục vụ cho việc truyền bá phúc âm hóa, như Đức Giáo Hoàng hiện cũng đã thiết lập trong Tông Hiến cho Giáo triều Rôma”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trực tiếp nói với những người Công Giáo ở Đức trong một bức thư lịch sử dài 28 trang vào năm 2019. Trong đó, đề cập đến điều mà ngài gọi là “sự xói mòn” và “sự suy giảm đức tin” ở đất nước này. Ngài đã kêu gọi các tín hữu hoán cải, cầu nguyện, và chay tịnh – và ngài thúc giục họ loan báo Tin Mừng.

Việc loan báo đức tin là sứ mệnh đầu tiên và đúng đắn của Giáo Hội, và do đó đây cũng phải là mục tiêu của một “cuộc hành trình đồng nghị”, Đức Thánh Cha đã khuyến khích vào thời điểm đó.

Đức Hồng Y Koch nói với EWTN rằng Đức Thánh Cha Phanxicô dành ưu tiên cao nhất cho việc công bố đức tin này.

“Trong bối cảnh đó,” Đức Hồng Y nói, “người ta phải hiểu rõ lá thư của ngài gửi đến Đức, mà tôi không có ấn tượng rằng đã thực sự được xem xét đầy đủ.”


Source:Catholic News Agency

3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức trả lời thư cảnh báo nguy cơ ly giáo trong con đường thượng nghị

Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, hôm thứ Năm đã trả lời một lá thư cảnh báo Tiến Trình Công Nghị của Đức có thể dẫn đến ly giáo bằng cách bảo vệ tiến trình này như một phản ứng đối với sự lạm dụng trong Giáo hội.

Tiến Trình Công Nghị là nỗ lực của chúng tôi ở Đức để đối đầu với những nguyên nhân có hệ thống của sự lạm dụng và sự che đậy của nó đã gây ra đau khổ không thể kể xiết cho rất nhiều người trong và thông qua Giáo hội. Bätzing viết như trên trong lá thư ngày 14 tháng 4 gởi cho Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver. Thư của giám mục Đức được công bố ngày 16 tháng 4 tại trang web của hội đồng giám mục Đức.

Hơn 80 giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã ký vào một bức thư ngỏ ngày 11 tháng 4 do Đức Tổng Giám Mục Aquila gửi đến cảnh báo những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ theo đường lối thượng hội đồng có thể dẫn đến ly giáo.

Phương thức Tiến Trình Công Nghị Đức là một quá trình kéo dài nhiều năm gây tranh cãi, quy tụ các giám mục và giáo dân của Đức để thảo luận về cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.

Tiến Trình Công Nghị này bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân rất có quyền lực của người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, và đại diện của các bộ phận khác trong Giáo hội Đức.

Vào tháng Hai, Tiến Trình Công Nghị đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và thay đổi Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về đồng tính luyến ái.

Gần đây hơn, trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 31 tháng 3, Đức Hồng Y Reinhard Marx đã khẳng định rằng giáo lý của Giáo lý về đồng tính luyến ái là “không có cơ sở” và “người ta được phép nghi ngờ những gì sách giáo lý nói”.

Giám mục Bätzing đã viết trong thư phản hồi về những lo ngại của Đức Tổng Giám Mục Aquila rằng sự lạm dụng trong Giáo hội đã cản trở việc làm chứng của Giáo Hội, và cho rằng “Tiến Trình Công Nghị là nỗ lực của chúng tôi để làm cho việc công bố Tin mừng đáng tin cậy có thể quay trở lại.”

“Sự kiện và bối cảnh này đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi, nhưng tiếc là nó hoàn toàn không được đề cập đến trong thư của Đức Cha,” ông nói.

Giám mục Bätzing tiếp tục cho biết các tai tiếng lạm dụng đòi hỏi phải có các thay đổi đối với các “cấu trúc” của Giáo hội. Ông đã mô tả bức thư ngỏ gần đây của các Giám Mục trên thế giới chỉ là sử dụng “sự tô điểm ngữ học” mà “không thực sự giúp ích” cho vấn đề.

Ông gọi “những lời buộc tội” được đưa ra trong bức thư là “đáng ngạc nhiên” và khẳng định không có lời biện minh nào cho chúng.

Giám mục Bätzing viết: “Tôi có thể trấn an Đức Cha bằng một trái tim rộng mở rằng những lo ngại này liên quan đến Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo ở Đức là không đúng.”

“Tiến Trình Công Nghị không có cách nào làm suy yếu thẩm quyền của Giáo hội, kể cả của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như Đức Cha viết.”

Lý luận của Giám mục Bätzing đầy những ngụy biện. Các thống kê khách quan chỉ ra rằng các vụ lạm dụng tính dục xảy ra ở mọi môi trường trong xã hội. Tội lỗi lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ gây ra không quá 1% trong tổng số các vụ lạm dụng. Nạn lạm dụng tính dục thực tế xảy ra thường xuyên nhất là trong môi trường gia đình. Như thế thì phải thay đổi cấu trúc gia đình à?

Thực tế là, tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ đã được các Giám Mục cấp tiến Đức dùng làm chiêu bài để mở ra Tiến Trình Công Nghị trong đó hô hào thay đổi các giáo lý và kỷ luật truyền thống của Giáo Hội. Lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ thì liên quan gì đến việc chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính. Lạm dụng tính dục thì liên quan gì đến thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, và cho người Tin lành được rước lễ.

Ta cũng cần nhận thức rõ là tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng – mà chắc chắn sẽ là như thế – người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *