Tình thương Chúa đầy tràn cho những người tội lỗi (21.09 – Lễ Kính Thánh Mát-thêu, Tông đồ)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Ngày 21.09: Lễ Kính Thánh Mát-thêu, Tông đồ

Lời Chúa: Ep 4,1-7.11-13, Mt 9,9-13

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 9,9-13)

9 Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Tình thương Chúa đầy tràn cho những người tội lỗi (21.09.2023)

“Anh hãy theo tôi. Ông Mát-thêu đứng dậy đi theo Đức Giêsu.”

Thánh Mát-thêu được Chúa Giêsu mời gọi đi theo Ngài, nhưng sau đó Chúa lại đi theo ông về nhà. Ở đó, mọi người dùng bữa và chắc hẳn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì ngoài Chúa và các môn đệ ra thì những người còn lại là “người thu thuế và người tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên chúng ta được mời gọi không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa:

-Ngoài hương vị của bữa ăn, chúng ta hãy cảm nhận hương thơm của tình bạn: tình bạn của mọi người dành cho Chúa Giêsu và của Chúa dành cho mọi người.

-Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ những món ăn ngon, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi mà Chúa dành cho những người tội lỗi.

-Và chúng ta hãy đưa tay đụng vào Chúa Giêsu, như đụng tới được lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Ngài, và để cho lòng mình rung động.

Khi trình thuật lại bữa tiệc này, thánh Mát-thêu muốn chỉ ra đây là lối thực hành rất chân thật của Chúa Kitô hầu giúp chúng ta hiểu rõ về sứ mệnh của Ngài. Nói cách khác, qua việc chia sẻ bữa ăn với tội nhân, Chúa Giêsu cho thấy Ngài hoàn toàn “nên một” với họ vì họ là “lý do” mà Ngài được Chúa Cha sai đến với trần gian. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn khác biệt với những bậc thầy Do-thái thời đó, Ngài không đến để phá huỷ Do-thái giáo, nhưng là để cứu những người bị Do-thái giáo loại ra bên lề. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta xem mình là những người tốt, những người thánh thiện để loại trừ những thành viên khác trong cộng đoàn. Học theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đến với những anh chị em bị loại trừ, chia sẻ cuộc sống với họ, lắng nghe những ưu tư cũng như những thất bại của họ. Hãy mang cho họ niềm tin và sự hy vọng, để họ đứng lên trở về với Chúa và trở về với anh chị em mình.

Phản ứng của những người Pha-ri-sêu cũng là điều để chúng ta suy gẫm vì đây cũng là phản ứng của chúng ta khi nhìn thấy điều chướng mắt: “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?’” Nhiều lần, chúng ta cũng trách hay chê bai Chúa: Tại sao Chúa lại cho những người tội lỗi đến gần Chúa; tại sao Chúa lại cho những người sống ác được thành công? Khi có ý định trách Chúa hay trách người khác, hãy nhìn vào trong tận con tim mình và tự nhủ: Tôi cũng là một tội nhân, tại sao tôi lại chê trách và loại trừ người khác? Tôi cũng cần Chúa như những người tội lỗi.

Đáp lại thắc mắc của những người Pha-ri-sêu, Chúa Giêsu chỉ ra tình trạng của Mát-thêu và của nhóm người đồng bàn tiệc là đang cần một thầy thuốc vì họ là người đau ốm: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” Ngài cũng chỉ ra ý muốn và sứ mệnh của Ngài: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Đây thực sự là tình trạng của mỗi người chúng ta và Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta như đã đến với ông Mát-thêu. Điều quan trọng là chúng ta có nhận mình là người đau ốm cần đến Ngài không hay chúng ta cũng như những người Pha-ri-sêu, là những người xem mình công chính, thánh thiện hơn người khác, không cần đến Chúa Giêsu. Chúa đến để gần gũi những người tội lỗi, đây cũng là sứ mệnh của những người theo Chúa, chúng ta cũng phải gần gũi những người chúng ta xem là tội lỗi, để yêu thương, tha thứ và đem họ về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn bắt chước gương của Chúa: đón tiếp mọi người với tất cả tình thương mến. Xin cho chúng con biết nhìn nhận tội lỗi của mình mà sớm trở về với Chúa, và xin cho chúng con đừng bao giờ loại trừ bất cứ một ai, vì tất cả đều được Chúa yêu thương. Amen.

Joston

Người tông đồ (21.09.2022)

“Anh hãy theo Tôi ” (Mt 9,9)

Nếu thử hỏi xem chúng ta có muốn được làm môn đệ Chúa hay không? Thì có lẽ ai cũng muốn trả lời có, thậm chí có người còn mơ ước. Nhiều người muốn, nhưng chúng ta có ý thức làm môn đệ Chúa thì phải sống như thế nào?

Làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ đến tận cùng, từ bỏ ý riêng ích kỷ của mình, từ bỏ cái tôi không sống theo Lời Chúa dạy trong Tin Mừng. Cụ thể như câu chuyện sau đây:

Có người giáo dân Đa Minh rất siêng năng đến nhà thờ sớm để chuẩn bị sốt sắng dự Thánh Lễ và các giờ kinh Phụng vụ đầy đủ, đi họp nguyệt hội của Huynh Đoàn Đa Minh cũng luôn thường xuyên chăm chỉ tới trước để mở cửa thắp đèn, bật quạt…, thế nhưng lại quá nguyên tắc, hễ thấy ai tới trễ giờ thì tỏ vẻ khó chịu, trách móc anh chị em này nọ, khi chưa rõ lý do tại sao họ lại đến trễ…, dù không phải là trưởng, mà cứ hay đưa ra ý kiến chẳng hợp lý, lại muốn mọi người làm theo ý mình, không được thì bất mãn bằng thái độ lạnh lùng, vô cảm…. Hành động như thế thử hỏi chúng ta có thật là người Tông Đồ hay môn đệ của Chúa không!?

Thánh Mat-Thêu mà chúng ta mừng Lễ kính hôm nay, Ngài đã từng là một người thu thuế và “ Tội lỗi”, nhưng khi được Chúa kêu gọi đi theo Chúa trở thành một tông đồ, thì Ngài đã biến đổi hoàn toàn và trở nên Sứ giả Tin Mừng cho đồng bào của mình, giúp người tội lỗi quay về với Chúa để nhận được ơn tha thứ và hưởng phúc bình an ngay từ đời này.

        Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống đúng tinh thần của một người Tông Đồ, trong vai trò là người giáo dân Đa Minh, mỗi chúng con đều là môn đệ của Chúa, xin dạy chúng con có lòng nhân từ yêu thương như Chúa đã yêu tất cả chúng con, để chúng con được xứng đáng nên môn đệ của Chúa. Amen.

BCT

Theo Chúa như Mát-thêu (21.09)

Trải dài lịch sử cứu độ, ta thấy lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân cũng như những bài dụ ngôn của Ngài. Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác. Với người thu thuế tên là Lêvi, Chúa Giêsu đã kết nạp ông vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài. Với Gia kêu, thủ lãnh của những người thu thuế, Ngài đã đến tận nhà viếng thăm. Với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Ngài đã nói với tất cả tâm tình trìu mến: Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa. Với Phêrô, người môn đệ thân tín phản bội, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến.

Lời mời gọi của Chúa vẫn luôn vang vọng và tha thiết: “Hãy theo Ta”. Tâm tình đáp trả còn tùy thuộc ở thái độ của mỗi người chúng ta.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu rao giảng rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Chúa không thụ động chờ đợi con người ăn năn sám hối, nhưng luôn tìm kiếm những người tội lỗi để mời gọi họ đổi mới đời sống của mình. Chúa gọi Mát-thêu, một người thu thuế, trở nên tông đồ của Chúa. Chúa đồng bàn với những người tội lỗi để thánh hóa cuộc đời của họ.

Mát-thêu là một trong nhóm 12 tông đồ. Ngài là nhân viên thu thuế, được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế. Theo Pa-pi-as (Giám Mục thành Hieropôlis khoảng năm 138) thì Mát-thêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn Phúc Âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.

Nhờ tiếp xúc với Chúa Giêsu, Mát-thêu đã dứt khoát với quá khứ tội lỗi của mình và biết bao nhiêu con người tội lỗi khác cũng nhận được ơn thứ tha để hoán cải. Tất cả đều do tình yêu của Chúa Giêsu đối với các tội nhân. Chúa đi bước trước và đến tìm gặp con người trong vũng lầy tội lỗi. Chúa tạo nên cơ may để tội nhân làm lại cuộc đời. Phần của con người là đón nhận lời mời gọi của Chúa để làm mới lại cuộc sống mình.

Chúa kêu gọi Mát-thêu làm môn đệ khi Người đi ngang qua bàn thu thuế của ông. Mát-thêu đã chỗi dậy và đi theo Người. Sự đáp ứng của Mát-thêu rất mau mắn và quảng đại. Có lẽ ngài đã nhiều lần được gặp Thầy Chí Thánh, và chỉ chờ đợi cơ hội quan trọng này mà thôi. Ngài đã không chần chừ trong việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tại sao Người lại tuyển chọn Mát-thêu, và cũng chỉ một mình thánh nhân mới có thể cho chúng ta biết ngài đã nhận thấy điểm gì nơi Chúa Giêsu đến nỗi đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, Chúng ta thấy vì sự vâng phục mau mắn và trọn vẹn mà Mát-thêu đã tức khắc từ bỏ tất cả tài sản thế gian để đi theo Chúa khi được kêu mời đúng lúc.

Điều Thiên Chúa cần nơi con người là “lòng nhân” chứ không phải là “lễ tế”. Chính lòng mến chân thành làm nên giá trị con người trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng đánh giá cao người đàn bà góa nghèo dâng cúng chỉ có hai đồng tiền kẽm nhưng với tất cả tấm lòng chân thành (Mc 12, 41-44). Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Mát-thêu, một người bị giới lãnh đạo Dothái giáo loại trừ và xem là hạng người tội lỗi, để làm môn đệ của Ngài. Vì Chúa thấu rõ con người ông hơn bất kỳ ai và ông cũng đã biết mau mắn, chân thành đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài.

Nước Trời chỉ dành cho những ai biết sám hối ăn năn. Không ai trong chúng ta dám tự phụ cho rằng mình là người công chính không cần hối cải. Thiên Chúa luôn dủ lòng xót thương những con người tội lỗi. Ngài vẫn dang rộng đôi tay để đón chờ sự trở lại của mỗi người chúng ta. Tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta hãy chân thành nhìn nhận những tội lỗi của mình, can đảm xưng thú tội lỗi và sẵn lòng để Chúa đến biến đổi đời ta. Chính khi có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ trở nên con người mới, nên con cái trong nhà Chúa.

Cuộc sống của người được mời gọi theo Chúa Kitô, như tất cả chúng ta đều thấy, không thể giống như cuộc sống của người anh trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh ta trung thành sống bên cha, làm việc chăm chỉ, và không phung phí tài sản của cha.

Tuy nhiên, anh ta thiếu niềm vui và đức ái đối với em trai mới sám hối trở về của anh. Anh ta là biểu tượng rõ nét của loại người công chính nhưng không hiểu được niềm vui được sống bên Chúa và tình thân với tha nhân. Phụng sự Chúa tự thân là một phần thưởng đúng nghĩa, bởi vì phụng sự Chúa là được cùng Người cai trị. Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự trong vui tươi, chứ không miễn cưỡng, bởi vì Thiên Chúa yêu thương người hiến dâng vui tươi. Lúc nào cũng có rất nhiều lý do để vui tươi, tạ ơn và hạnh phúc khi chúng ta được hiến thân cho Chúa và tích cực đáp lại tiếng gọi của Người.

Chúa Giêsu, Ngài muốn lòng nhân từ của chúng ta dành cho nhau hơn là những hy lễ thiếu tình yêu. Ngài muốn chúng ta có cái nhìn cảm thông với người tội lỗi hơn là cái nhìn khắc khe, kết án. Điều này, chính Chúa đã thực hiện cho ông Lêvi hôm nay. Chúa đã đi bước trước đề ngỏ lời cùng ông. Chúa đã mở ra cho ông một con đường trở về nẻo chính đường ngay. Chúa cũng mời gọi chúng ta hôm nay hãy lấy lòng nhân từ mà đối xử với nhau. Đừng kết án nhau. Đừng xua đuổi nhau, nhưng biết dùng tình yêu để cảm hoá anh em. Ai cũng có lầm lỗi. Ai cũng có thiếu sót. Đôi khi chỉ vì hoàn cảnh mà sa ngã, phạm tội. Hãy giúp nhau làm lại cuộc đời. Hãy tạo cho nhau điều kiện môi trường tốt để tránh xa dịp tội. Hãy dùng tình thương để góp ý xây dựng cho nhau thay vì kết án nặng lời với nhau.

Chúa Giêsu Kitô đến bên từng người chúng ta – cho dù chúng ta đang sống trong độ tuổi hoặc hoàn cảnh nào – và ánh nhìn của Chúa tiếp xúc với ánh mắt chúng ta một cách cá biệt. Người mời gọi chúng ta bước theo. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa để chúng ta lại giữa trần gian, công việc, và gia đình. Hãy suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần đã phán, và hãy để ta biết sợ hãi và tri ân. Người đã tuyển chọn chúng ta trước khi tạo dựng thế gian để chúng ta nên thánh thiện trước mặt Người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình để biết đến với Chúa với cả tấm lòng, để dành cho Chúa chỗ nhất trong cuộc đời mình. Chính Chúa phải vượt lên trên công việc của Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, tôi có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không ? hay tôi còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi của Chúa.

Chúa đã không chê trách người tội lỗi, nhưng Chúa đã cảm thông, tha thứ và còn kêu mời họ đi làm tông đồ cho Chúa. Xin cho chúng ta biết noi gương Chúa, biết tha thứ, quảng đại, bao dung với anh em chúng ta và xin Chúa ban cho chúng ta một tinh thần hăng say để đáp lại lời kêu mời của Chúa bằng một đời

Sỏi đá ven đường

Chỉ người bệnh mới cần thầy thuốc (21.09.2020)

Ghi nhớ:

Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. (Mt 9, 13).

Suy niệm:

Ông rất chăm chỉ, cần mẫn làm việc, ban ngày không đủ ông tranh thủ làm ban đêm, nếu không có ai mướn thì ông quay về nhà, hết hết đục đẽo  chấp vá chỗ này ông lại gia cố bồi đắp chỗ kia!

Thánh Đường chỉ cách nhà ông không qúa năm trăm bước. Vậy mà người ta chẳng thấy ông đến ngoại trừ ngày Chúa Nhật, nhưng thời gian ông dành cho Chúa cũng rất hạn hẹp! Ông đến nhà thờ khi Cha xứ đã ra, và ông vội vàng về khi Cha chủ tế chưa trở vào phòng áo!

Rồi không may cho ông! Một hôm ông leo lên giàn giáo và bị trượt chân té xuống! Phải nằm viện điều trị dài ngày, khi được trở về nhà, người ta thầy ông chống nạng đi tham dự thánh lễ.

Khi lối xóm đến chia sẻ hỏi thăm thì ông nói:

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải cần đến những cơn bệnh. Để rồi khi nằm một chỗ , chúng ta có khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn lại đời sống của mình! Thật vậy, khi còn mạnh khỏe tôi chỉ biết đến công việc, cố gắng làm lụng thu quén vun vén để tích trữ làm giầu mà không biết Chúa là Đấng cho mình sức khỏe, cho mình tài năng, để tôn thờ, cảm tạ và phụng sự  Ngài. Giờ đây qua biến cố này tôi mới tỉnh ngộ ra rằng: “ Phải tôn thờ phụng sự Chúa trước hết đã rồi những việc khác sẽ là thứ yếu thôi. Vì như nếu Chúa không ban cho thì ta có vất vả cũng bằng không mà thôi!”

Ông đã nghiệm ra và nói đúng, rất đúng: “ Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công!” (Tv 127, 1).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su giao tiếp, kết thân với những người bị xã hội đương thời cho rằng là những người tội lỗi, thì  bị những người Pha-ri-sêu trách cứ với các môn đệ là: “ Sao Thầy của các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”. Với câu nói này người Pha-ri-sêu bày tỏ quan điểm lệch lạc, chia rẽ của họ. Đối với họ những người tội lỗi kia phải được cách ly, phải được loại trừ. Nhưng với Thầy Giê-su thì hoàn toàn trái ngược. Ngài bày tỏ một thái độ bao dung, thương xót qua câu nói: Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.

Như vậy đối với Chúa Giê-su người tội lỗi không những không bị Ngài loại trừ xa lánh mà trái lại Ngài còn quan tâm, lo lắng, săn sóc cho họ hơn như là một con bệnh cần đến sự chữa trị của thầy thuốc nhiệt tâm!

Xét lại mình, chúng ta cũng phải nhận rằng : Chúng ta chỉ là những bệnh nhân trước mặt Chúa mà thôi! Bởi đó chúng ta rất cần đến sự chăm sóc, chữa trị của Ngài. Được như vậy chúng ta mới có thể dần trở nên khỏe mạnh để có thể vững bước theo Ngài.

Một bài học khác rút ra từ Bài Tin Mừng hôm nay :  Đó là chúng ta không bao giờ được có thái độ coi thường, khinh khi những người tội lỗi, mà phải noi gương Chúa, tiếp cận khuyên bảo để các tội nhân nhận ra những lỗi lầm của mình mà ăn năn sám hối.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su. Vị thầy thuốc tối cao. Xin chữa lành chúng con mọi bệnh tật trong tâm hồn cũng như những bệnh tật thể xác. Để chúng con ngày được lớn lên hơn trong vai trò làm con Thiên Chúa . Xin cho chúng con cũng trở nên những người điều dưỡng giỏi biết chăm sóc đến những người đang sống bên cạnh chúng con, để tất cả chúng con đều được mạnh sức mà tiến bước trên con đường lữ thứ trần gian này. Amen

Sống Lời Chúa:

Cầu nguyện nhiều cho những người đang đắm chìm trong u mê lầm lạc!

Đaminh Trần văn Chính

Đến với người tội lỗi (21.09.2019)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế tên là Lêvi để đi theo Ngài. Mặc dù bị những người Pharisêu xầm xì bàn tán là tại sao Ngài lại “ăn uống với phường thu thuế và quân tội lỗi”, Chúa Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài đến trong trần gian này là để “kêu gọi những người tội lỗi” . Không có gì bất thường khi vị trí của thầy thuốc là ở bên cạnh bệnh nhân, điều mà bệnh nhân Lêvi mong mỏi bấy lâu thì bây giờ ông gặp được: đó là Giêsu, vị lương y cho tâm hồn ông. Vì thế, khi Chúa Giêsu gọi ông, ông liền đứng dậy đi theo Ngài.

Chúa ơi! Con đã theo Ngài

Tâm –  tình quyết chí, không phai lời thề

Tình thương của Chúa tràn trề

Cứu chuộc nhân thế, đưa về cùng Cha

Chúa Giêsu và ông Lêvi đã có sự đồng cảm với nhau: Chúa thể hiện lòng thương xót, Lêvi có tâm hồn thống hối. Thống hối và thương xót khi gặp nhau sẽ đồng hành như hình với bóng; đây cũng là kinh nghiệm tâm linh của mỗi chúng ta. Do vậy, Ơn gọi của Mátthêu làm chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Khi chúng ta muốn cải thiện đời sống mình, cũng là lúc chúng ta muốn điều Chúa mong mỏi nơi chúng ta. Ngài chỉ mong mỏi nơi chúng ta một điều đó là thái độ chân thành và dứt khoát để hoán cải đi theo Chúa như Mátthêu đã làm.

Tình thương của Chúa bao la

Dành cho con đó, chính là ơn thiêng

Đời con vẫn mãi triền miên

Chăm lo phục vụ, thường xuyên giúp người

*

Lòng con luôn thấy vui tươi

Vì Chúa hiện diện, mỉm cười với con

Chúa luôn chúc phúc ban ơn

Cuộc sống thánh thiện, đẹp hơn từng ngày

Được mời gọi bước đi theo Chúa là một ân huệ lớn lao dành cho chúng ta, nhưng nhiều khi chúng ta sợ sệt, thiếu can đảm hoặc chưa quyết chí, để rồi không dám bước đi trong niềm cậy trông và phó thác như thánh Mátthêu. Chúa luôn ban ơn giúp sức cho chúng ta hiểu rằng, với Chúa không một khí cụ hèn hạ nào của con người mà không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa. Do vây, chúng ta hãy mạnh dạn và vui vẻ bước đi theo Chúa.

Quá khứ, hiện tại, tương lai

Con luôn theo Chúa, xin Ngài đoái thương

Lời Ngài minh bạch tỏ tường

Dìu con tiến bước trên đường dương gian

*

Chọn Ngài con thấy hân hoan

Cuộc sống tốt đẹp đầy tràn thánh ân

Ngày mai chung hưởng phúc phần

Nước Trời vinh hiển tinh thần hỷ hoan

 

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con thấy Trái Tim nhân lành đầy lòng thương xót của Chúa, khi chúa kêu gọi thánh Mátthêu và ngồi đồng bàn với những kẻ tội lỗi. Xin dạy con biết sống quảng đại và bao dung như Chúa đã từng quảng đại và bao dung với chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.

 HOÀI THANH

Một lần gặp gỡ (21.09.2017)

Tình cờ Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy ông Mát-thêu đang ngồi làm việc tại trạm. Người liền rủ ông: “Anh hãy theo tôi!” Duyên chẳng hẹn, không biết ánh mắt và lời gọi của Người lúc ấy hấp dẫn ra sao mà ông đứng dậy mà đi ngay theo Người. Ông đang ngồi cắm rễ với cái nghề bị cho là bất lương, bất công, bất chính, vắt chày ra nước, dân tình khinh ghét. Ông là người bị người Do Thái liệt vào hạng phản quốc, bỏ đạo và không thể ăn năn hối lỗi được. Vậy mà hôm nay Đức Giêsu sẵn sàng “đến” với ông ngay lúc ông còn đang trên bàn làm việc dang dở. Ngay tức khắc ông thay lòng đổi dạ, đùng cái “mãn nhiệm thôi việc”, từ bỏ tất cả trước một lời mời gọi giản đơn.

Đáp lại lòng mến thương của Đức Giêsu, ông tổ chức ngay một bữa tiệc thiết đãi, mời Thầy trò đến cùng ăn cùng uống với đồng nghiệp của ông, toàn những người thu thuế và người tội lỗi. Đối với ông đây là tiệc mừng… “đổi nghề, đổi đời”. Còn đối với bạn bè thu thuế, có lẽ đây là tiệc buồn chia tay. Thực khách hôm nay không phân biệt hạng người tốt xấu, nên những người Pharisêu hỏi xéo qua các môn đệ: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9,11). Nghe vậy Đức Giêsu trả lời cho họ rõ ràng về sứ mạng của Người: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,12-13).

Người Do Thái đạo hạnh đều tránh những cuộc ăn uống như thế vì không phù hợp với lề luật và truyền thống đạo đức. Câu ngạn ngữ Ngài đưa ra trên đây trả lời rằng Ngài thực sự là một “Vị Lương Y”, mà chỗ của thầy thuốc là luôn ở bên cạnh, lo lắng và chăm sóc cho “người bệnh”. “Lòng nhân” được thể hiện qua việc làm như cho kẻ đói ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân… Sự việc Ngài “giao du” với người tội lỗi làm chứng một Thiên Chúa nhân từ, điều đó giá trị hơn những lễ tế thờ phụng. Ngài khẳng định sứ vụ của Ngài không phải là kêu gọi những người “công chính” mà là những người tội lỗi. Ngài vẫn yêu thương lo lắng tìm về và chữa lành hoán cải cuộc đời họ. Bao người tội lỗi được gặp gỡ Ngài, đã làm họ đổi đời từ tội nhân thành thánh nhân. Mát-thêu người thu thuế đã gặp Ngài và trở thành thánh Sử Tin Mừng, Mácđala đã gặp, Phaolô khét tiếng bách hại những người theo đạo đã gặp và trở thành cột trụ Giáo Hội. Tôi đã gặp Ngài chưa? Nếu tôi ảo tưởng mình là người “công chính” sẽ không gặp được Ngài. Nhưng nếu tôi nhận ra mình cần đến Chúa, khao khát kiếm tìm Chúa sẽ cho gặp và chính Ngài sẽ làm mới lại cuộc đời của tôi.

 Lạy Chúa! Chúa vẫn luôn kêu gọi chúng con mỗi phút giây trong cuộc sống này. Nhưng chỉ khi nào con nhận biết mình yếu đuối mỏng giòn, thiếu thốn nghèo nàn và cần đến lòng xót thương của Chúa, con mới khao khát kiếm tìm và chỉ kiếm tìm một mình Chúa cho đến khi gặp được. Để từng phút giây, từng ngày con được Chúa biến đổi nên “tạo vật mới” trong bàn tay yêu thương của Chúa.

Én Nhỏ

Hãy theo Ta (21.09.2015)

1. Ghi nhớ:

“Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).

2. Suy niệm:

Chúa Giêsu là thày thuốc luôn chữa trị nỗi đau của con người, của những tâm hồn thương tích của tội lỗi, của mọi linh hồn đang bệnh tật. Nếu ta đang lâm vào cuộc sống tội lỗi đều được Thiên Chúa dang rộng vòng tay chờ đợi và đón nhận sự quay trở về. Như Thánh Phaolô viết: “nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn để chúng ta được tự do quyết định sự trở về của mình. Trong cuộc sống, chúng ta đã rất nhiều va vấp lỗi lầm nên hãy nhớ rằng hồng ân Thiên Chúa luôn tuôn đổ và bao phủ đến với ta.

Qua lăng kính tình yêu, tâm hồn ta sẽ được điều chỉnh lại bằng tấm lòng vị tha, cởi mở và quảng đại với người tội lỗi. Đừng tự cho mình là người công chính và có quyền lên án kẻ có tội. Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống công chính để trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa mọi người.

3.Sống Lời Chúa:

Lời mời gọi của Chúa luôn vang vọng thiết tha “Hãy theo Ta”.

4.Cầu nguyện:

Xin Chúa ban thêm sức mạnh và lòng can đảm, sự hy sinh từ bỏ, để con lướt thắng ba thù, thân xác tội lỗi và mạnh dạn bước theo Ngài. Amen.

M.Liên

Cao thượng (21.09.2015)

 

1.Ghi Nhớ:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

2.Suy Niệm: Con người trong thời nào cũng vậy, muốn và thích được người khác cung phụng, thích ăn trên ngồi trước hơn là phục vụ người khác. Biết rõ về điều này, nên Chúa Giêsu răn đe trước tiên là với các môn đệ của Người. Đừng mưu tìm quyền lực, danh vọng mau qua, địa vị không vững bền cho mình, mà hãy chuyên chăm phục vụ anh em đồng loại như chính Chúa Giêsu đã nêu gương. Đó cũng là bài học Phục vụ mà Chúa dạy mỗi người chúng ta hôm nay. Sống phục vụ sẽ mang lại cho cuộc sống của mỗi người một giá trị và một ý nghĩa cao thượng, thanh tao cho cuộc đời.

3.Sống Lời Chúa: Hãy phục vụ như Chúa đã phục vụ.

4.Cầu Nguyện:Lạy Chúa, xin cho con ý thức về bài học phục vụ mà Chúa dạy cho con. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *