Dự án nghiên cứu 15.000 đơn người Do thái xin Đức Giáo hoàng Piô XII giúp

Một dự án mới nghiên cứu 15.000 đơn của những người Do thái trong thời Thế chiến thứ II xin Đức Giáo hoàng Piô XII (1938-1945) trợ giúp, đã được các đại diện của Giáo hội Công giáo và cộng đoàn Do thái đề ra, trong một hội nghị ở thành phố Munich, nam Đức.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong vòng 10 năm tới đây, chuyên gia giáo sử Hubert Wolf và nhóm của ông sẽ nghiên cứu các đơn xin cứu giúp của những người Do thái trên toàn Âu châu gửi đến Đức Giáo hoàng Piô XII trong thời Đức quốc xã. Kết quả sẽ được trình bày qua một ấn bản phổ biến trên Internet.

Hôm 23 tháng Giêng vừa qua, trong một hội nghị tại thành phố Munich, bà Annette Schavan, cựu Đại sứ Đức cạnh Tòa Thánh, và là Chủ tịch Tổ chức “Tưởng niệm, Trách nhiệm và Tương lai” cho biết bà hy vọng dự án nghiên cứu, với tựa đề: “Xin Đức Giáo hoàng giúp” sẽ khích lệ nền văn hóa tưởng niệm: “Sự tưởng niệm sẽ soi sáng và kêu gọi chúng ta đối xử với những người trở thành nạn nhân, với tiểu sử và những đau khổ của họ, và lãnh nhận trách nhiệm đối với những gì cần thực hiện ngày nay để phẩm giá của mỗi người tiếp tục không bị xâm phạm”.

Dự án này được sự bảo trợ của nhiều tổ chức, trong đó có Bộ Ngoại giao Đức.

Cách đây khoảng ba năm, Tòa Thánh đã mở Văn khố triều đại Đức Giáo hoàng Piô XII (1939-1945) cho các chuyên gia nghiên cứu. Trong tiến trình này, sử gia Hubert Wolf khám phá thấy những thư của người Do thái xin Đức Piô XII cứu giúp. Ông cho biết dự án nghiên cứu này không quy trọng tâm vào Đức Giáo hoàng, nhưng nhắm “cho thấy rõ ký ức về dân tộc Do thái mà Đức Quốc xã muốn xóa bỏ và đồng thời nêu bật số phận của họ trước công chúng”. Để đạt mục đích đó, cũng cần nghiên cứu các thư của họ gửi Đức Giáo hoàng, và để xem Tòa Thánh đã có thể giúp đỡ và xem có sự khác biệt hay không giữa những người Do thái đã được rửa tội và những người không chịu phép rửa.

Đức cha Joerg Michael Peters, Giám mục phụ tá giáo phận Trier và cũng là vị đặc trách trong Hội đồng Giám mục Đức về quan hệ tôn giáo, cho biết những lá thư đó nói lên sự tuyệt vọng trong một tình cảnh không còn hy vọng. Qua đó, các tác giả đã liên kết hy vọng cuối cùng mong tránh được cái chết. Viễn tượng này, cũng như sự nghiên cứu về những cơ cấu trợ giúp được cung cấp hay từ khước, cũng là điều quan trọng để hiểu lịch sử và đây là điều quan trọng để chiến đấu chống lại trào lưu bài Do thái hiện nay.

(KNA 24-1-2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *