Đức Bênêđíctô XVI gửi thông điệp sau cái chết của bạn thân: “Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm tham gia cùng họ”

1. Khóc bạn mới qua đời, Đức Bênêđíctô XVI hy vọng sớm được đi đoàn tụ trên thiên đàng

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI nói rằng ngài mong muốn được cùng bạn bè lên thiên đàng trong một thông điệp chia buồn sau cái chết của một linh mục dòng Xitô.

Trong một bức thư đề ngày 2 tháng 10 và được tu viện Wilhering ở Áo công bố hôm thứ Ba 19 tháng 10, vị giáo hoàng đã nghỉ hưu 94 tuổi nói rằng cái chết của cha Gerhard Winkler đã khiến ngài vô cùng xúc động.

“Tin tức về sự ra đi của Giáo sư Tiến sĩ Gerhard Winkler dòng Xitô Nhặt Phép mà bạn đã báo cho tôi, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi,” Đức Bênêđíctô XVI, là giáo hoàng từ năm 2005 đến 2013, viết.

“Trong số tất cả những đồng nghiệp và bạn bè, anh ấy là người thân thiết nhất với tôi. Sự vui vẻ và đức tin sâu sắc của anh ấy luôn thu hút tôi”.

“Bây giờ anh ấy đã đến thế giới tiếp theo, nơi tôi chắc chắn rằng nhiều bạn bè đã chờ đợi anh ấy. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm tham gia cùng họ”.

Cha Bernhard Winkler sinh tại Wilhering, vùng Thượng Áo, gần thành phố Linz, vào năm 1931. Ngài vào tu viện Xitô địa phương năm 1951, đổi tên là Gerhard. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1955, tại Linz.

Sau khi lấy bằng tiến sĩ thần học tại Vienna năm 1956, ngài dạy tiếng Đức và tiếng Anh. Ngài lấy bằng thạc sĩ tiếng Anh tại Đại học Notre Dame ở Indiana, Hoa Kỳ.

Năm 1969, ngài bắt đầu sự nghiệp học tập ở Đức, giảng dạy ở Bochum và Freiburg.

Ngài đã làm việc chặt chẽ với Giáo sư Joseph Ratzinger, hay Đức Bênêđíctô XVI tương lai, tại Đại học Regensburg, nơi ngài giảng về Lịch sử Giáo hội Trung cổ và Hiện đại từ năm 1974 đến năm 1983.

Cha Ratzinger gia nhập Đại học Regensburg năm 1969 với tư cách là giáo sư thần học tín lý và lịch sử tín lý. Ngài giữ chức phó hiệu trưởng của trường đại học cho đến năm 1977, khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Munich và Freising.

Winkler là giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Salzburg, Áo, từ năm 1983 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1999.

Từ năm 2018, ngài sống trong một nhà chăm sóc do các nữ tu ở Linz điều hành.

Đức Bênêđíctô XVI kết thúc thông điệp chia buồn của mình như sau:

“Trong khi chờ đợi, tôi cùng với ngài và cộng đồng tu sĩ của Wilhering cầu nguyện.”


Source:Catholic News Agency

2. Lễ tuyên Chân Phước cho Linh mục Juan Elías Medina, và 126 bạn tử đạo

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã là vị chủ tế chính trong Thánh lễ phong chân phước vào ngày 16 tháng 10.

Cha Juan Elías Medina, và 126 bạn tử đạo, là các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, đã bị giết vì hận thù đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo kinh hoàng nhất vào những năm 1930 ở Tây Ban Nha.

Trong cuộc tuyển cử tháng 2 năm 1936, Mặt Trận Bình Dân giành được đa số ghế trong Quốc hội và tiến hành những cải cách thiên tả. Tháng Sáu năm đó, thủ tướng Casares Quiroga, đã phát lưu các thủ lĩnh quân đội bị nghi ngờ tiến hành âm mưu lật đổ tân chính phủ, trong đó có Tướng Francisco Franco. Điều này đã dẫn cuộc binh biến của quân đội nhằm lật đổ chính phủ của Mặt Trận Bình Dân.

Ngày 17 tháng 7 năm 1936, cuộc nổi loạn của quân đội bùng nổ, bắt đầu từ tín hiệu được lặp đi lặp lại từ đài phát thanh “Trời quang đãng trên toàn Tây Ban Nha”.

Cuộc nổi loạn theo dự kiến sẽ là một cuộc đảo chính chóng vánh, nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy. Trong giai đoạn đầu, phe nổi loạn không giành được một thành phố quan trọng nào cả, tại Madrid họ bị vây hãm trong doanh trại Montaña. Doanh trại này thất thủ ngày hôm sau với rất nhiều máu đổ.

Mặt Trận Bình Dân với sự hỗ trợ của Liên Sô và Mễ Tây Cơ đã thực hiện một cuộc tàn sát người Công Giáo trên quy mô rất lớn vì chủ trương thiên tả của họ và vì cho rằng Giáo Hội Công Giáo ủng hộ quân đội.

Cuộc Nội chiến tại Tây Ban Nha đã kết thúc ngày 1/4/1939 với chiến thắng của Tướng Francisco Franco. Trong cuộc chiến này 13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị.

Tính đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 652 vị tử đạo Tây Ban Nha.


Source:Catholic News Service

3. Đói quá bắt cóc các nhà truyền giáo Mỹ ở Haiti kiếm ăn

Một nhóm gồm 17 nhà truyền giáo và các thành viên trong gia đình đã bị bắt cóc ở Haiti hôm thứ Bảy, tờ New York Times đưa tin lần đầu tiên. Những nhà truyền giáo là một phần của Christian Aid Ministries, có trụ sở tại Ohio, và bị bắt cóc khi đến thăm một trại trẻ mồ côi.

Trong một bản tin cập nhật được đăng trên trang web của mình vào chiều Chúa Nhật, Christian Aid Ministries đã xin các tín hữu Kitô cầu nguyện cho một “giải pháp”. Tổ chức này cho biết những người bị bắt cóc bao gồm năm người đàn ông, bảy phụ nữ và năm trẻ em. Trong 17 người bị bắt cóc 16 người là công dân Hoa Kỳ, và một người là công dân Canada.

Bản tin có đoạn viết:

“Trong tư cách là một tổ chức, chúng tôi dâng tình cảnh này lên Thiên Chúa và tin cậy rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng tôi vượt qua. Xin cho danh Chúa Giêsu được tôn vinh và nhiều người hơn nữa nhận biết tình yêu và ơn cứu rỗi của Ngài”.

Washington Post đưa tin rằng một người quen thuộc với tình huống này cho biết một trong những người bị bắt cóc đã gửi tin nhắn qua WhatsApp. “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi! Chúng tôi đang bị bắt làm con tin, họ đã bắt cóc tài xế của chúng tôi. Cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện. Chúng tôi không biết họ đang đưa chúng tôi đi đâu”.

Một quan chức cảnh sát Haiti cáo buộc băng đảng “400 Mawozo” khét tiếng phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc. Chính băng nhóm tội phạm đó đã đứng sau vụ bắt cóc các linh mục và nữ tu Công Giáo vào tháng Tư.

Theo báo cáo của tờ Times, các nhà truyền giáo có trụ sở tại thị trấn Titanyen và đang trở về sau khi đến đôn đốc việc xây dựng một trại trẻ mồ côi ở Fond Parisien.

Haiti đã bị rung chuyển bởi thiên tai, bất ổn dân sự, và thường xuyên xảy ra bạo lực và bắt cóc băng đảng trong những tháng gần đây. Tổng thống Jovenel Moïse của đất nước đã bị ám sát tại nhà riêng vào tháng Bảy, và một trận động đất 7.2 độ richter đã xảy ra ở đất nước này vào tháng Tám.

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh hôm thứ Sáu đã cảnh báo về những vấn đề an ninh “không thể chịu nổi” trong một tuyên bố tại Hội nghị Công ước Arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại Haiti.

Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Vụ ám sát tổng thống chứng tỏ rằng không ai là bất khả xâm phạm. Tình trạng thiếu an ninh đã trở nên không thể chịu đựng được, dường như không còn hy vọng trong tương lai gần.”

Ngài lưu ý “tình trạng bất ổn dân sự lan rộng” ở Haiti, nơi “bắt cóc đã trở nên phổ biến và bạo lực băng đảng lan tràn đến mức các tổ chức nhân đạo bị cản trở thực hiện công việc quan trọng của họ.”

Ngài nói: “Thường thì những người này bao gồm các nhà truyền giáo và nhân viên của các tổ chức dựa trên đức tin.

Vào tháng 4, 10 linh mục và nữ tu Công Giáo đã bị bắt cóc tại thị trấn Croix-des-Bouquets. Băng nhóm tội phạm tự xưng là “400 Mazowo” đã đòi 1 triệu đô la tiền chuộc trong vụ này. Ba trong số những người bị bắt cóc đã được thả cùng ngày, trong khi bảy người còn lại được thả sau vài tuần; không rõ liệu Giáo Hội có phải trả tiền chuộc hay không.

Vào thời điểm đó, Tổng giáo phận Port-au-Prince đã cảnh báo trong một tuyên bố rằng bạo lực băng đảng ở nước này đã lên đến mức “chưa từng có”.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *