Trong cuộc sống của mỗi con người, khi nhắc đến hai từ “Cội nguồn”, thiết nghĩ ai cũng ngậm ngùi và ước muốn được trở về, nơi mà được gọi là cội nguồn. Tính cội nguồn có giá trị hơn khi nó mang tính chất tôn giáo. Bất cứ một tôn giáo, thì việc trở về cội nguồn của Đấng mình tôn thờ là một niềm ao ước không bao giờ nguôi, hành hương là một minh chứng sống động nhất.
Trong xã hội ngày nay, việc hành hương không còn xa lạ đối với những tín hữu nữa, nhưng để nói hành hương đúng nghĩa đặc biệt là về thánh địa, thì hiện tại đại đa số khách du lịch hay tín hữu, cũng như các nhà tổ chức, thì còn bâng khuâng trong vấn đề này, nhiều khi họ còn đánh đồng là du lịch văn hóa.
Trong tiếng Anh, từ “hành hương” (pilgrimage/Anglo – French: pilgrimage; Middle English {1100-1500}: Pilgrimage) vừa có nghĩa: 1- “Cuộc hành trình, đặc biệt là chuyến đi dài ngày, đến một địa điểm thiêng liêng nào đó, nhằm mục đích lễ bái; 2- Và cũng có nghĩa “bất kỳ cuộc hành trình dài ngày nào” {Pilgrimage (n): a) a journey, esp. a long one, made to some sacred place as an act of devotion; b) any long journey}. Có phần xác định rõ hơn tính chất thế tục của hành hương trong thời hiện đại, từ điển Oxford Reference English dictionary (1996) định nghĩa hành hương là “chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm quá khứ hay tình cảm” (Any journey taken for nostalgic or sensimental reasons). [1]
Tại Việt nam thì sau Tết Nguyên Đán, thường bắt đầu từ mùng 7 Tết đến hết tháng giêng Âm lịch, thì các hãng lữ hành trên cả nước lại bận rộn chuẩn bị cho mùa du lịch hành hương, chủ yếu họ đi lễ chùa và các lễ hội diễn ra trong thời gian này, tuy nhiên nó không mang đúng nghĩa là du lịch hành hương, nói đúng hơn là du lịch tâm linh. Đối riêng với các tín hữu tôn giáo thì quả thật là một du lịch hành hương đúng nghĩa. Chẳng hạn đối với tín hữu Hồi giáo thì hành hương là một nghĩa vụ, mà điều luật bắt buộc. Nó nằm ở điều cuối cùng trong 5 điều căn bản quy định cho mỗi người Hồi giáo (Muslim). Thánh địa Makkah (Saudi Arabia) là nơi phải đến của mọi người Muslim (nam lẫn nữ) Hồi giáo, ít nhất một lần trong đời người khi có đủ điều kiện về tâm thần, tài chính, sức khỏe. Trong lịch sử, Phật giáo chưa hẳn là tôn giáo đã khởi phát hoạt động hành hương, nhưng các tín hữu và tăng lữ của tôn giáo này đã thực hiện những cuộc hành hương vĩ đại nổi tiếng trong lịch sử châu Á. Nghĩa Tịnh, Pháp Hiển, Trần Huyền Trang, Khương Tăng Hội… là những điển hình cho những chuyến hành hương sang Thiên Trúc chiêm bái, học đạo và thỉnh kinh. Các di tích Phật giáo cùng với các Phật học viện ở Ấn Độ đã trở thành những địa điểm hành hương quốc tế đã thu hút nhiều bậc cao tăng, tín hữu từ nhiều quốc gia châu Á hành hương đến từ những năm đầu Tây lịch cho đến bây giờ.
Còn đối với tín hữu Công giáo thì hành hương là rời khỏi nơi mình ở để đến một nơi linh thiêng nào đó liên quan đến Chúa (đất Palestina), Đức Mẹ (Lộ Đức, Fatima…) hay một vị thánh nào đó, việc hành hương của Công giáo có từ thời Cựu ước và Tân Ước.
Riêng đối với Việt nam, có hai thánh địa gắn với hành hương đã tồn tại với thời gian đó là Thánh địa La Vang và Thánh địa Mỹ Sơn. Nếu nói là thánh địa thì bắt buộc phải có tín hữu đến hành hương. Cho đến ngày nay ở tại Việt Nam thì chỉ còn duy nhất một nơi được gọi là Thánh địa đó là ở tại La Vang. Còn Thánh địa Mỹ Sơn không còn được gọi là Thánh địa nữa, vì người Chăm họ không còn đến nơi đây hành hương nữa và ngày nay được gọi là Khu đền tháp Mỹ Sơn, cũng là một trong những Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (ii): Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa. Những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ, và tiêu chí (iii): Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á. Chính vì thế việc gìn giữ Thánh địa La Vang tại Việt Nam là một việc làm quan trọng không bao giờ hết.
Khi nhắc đến với Quảng Trị, thì không ai mà không biết đến Thánh địa La Vang (Trung tâm Thánh mẫu La Vang), từ bắc chí nam, hay cả hải ngoại đều biết tới và các sinh hoạt tôn giáo diễn ra rất sôi nổi ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau. Với ba năm một lần Trung tâm Thánh Mẫu La Vang sẽ tổ chức đại hội một lần vào ngày 15 -8 nhằm ngày Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, dịp này tín hữu cũng như những yêu thích họ cũng đến tham gia một cách tích cực và trách nhiệm.
Tại sao nơi này được xem là Thánh địa, đó là một quá trình dài của việc nghiên cứu và bảo tồn. Trong giới hạn của người viết cũng như bài viết, xin đi một cách khái quát, nhằm hướng tới mục đích bảo tồn và phát triển nơi Thánh địa này:
- Tên gọi “La Vang”
Xét về lịch sử thì dưới thời vua Cảnh thịnh nhà Tây Sơn, có chính sách chống đạo Công Giáo vì nhiều lý do, hai vấn đề nổi cộm là văn hóa và chính trị. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn, mà “la” lớn thì “vang”. Cái tên La Vang ra đời.
Xét về mặt ngữ âm thì khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang. Địa danh “phường Lá Vắng” đã có từ trước đó, thuộc làng Cổ Vưu, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh lỵ Quảng Trị, 4 cây số và cách Phú Xuân, tức Kinh Đô Huế, 58 km về phía Bắc.
- Sự kiện Đức Mẹ hiện ra
Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám Mục Huế – 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặt áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.
Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam…
- Giá trị văn hóa hội nhập
Hình ảnh “Cây đa, Giếng nước, Sân đình” là hình ảnh biểu tượng của làng quê Việt Nam, hình ảnh Áo dài tượng trưng cho quốc phục của Việt Nam, các công trình kiến trúc từ mái cong mang kiến trúc Á Đông, đều được thể hiện tại nơi Thánh địa này.
Hình ảnh đó được thể hiện qua Đức Maria với nét khuôn mặt của Tây phương và Á đông, cùng với trang phục của chiếc áo dài, đứng bên cạnh cây đa. Cũng như những nét uốn cong của mái nhà thờ và cổng chào, thể hiện một cách tinh tế và sắc xảo. Trên Đất Thánh, gần cổng ra vào giống cổng Tam quan, có 2 hồ nước thiên nhiên với nhà hoà giải và nhà trưng bày xây theo hình 5 chiếc bánh và 2 con cá : giúp con người thanh tẩy và biểu lộ chứng tích niềm tin vào Mẹ, biểu thị sự thanh sạch và no thoả khi con người đến với Đấng linh thiêng ; Lại có giếng nước như giếng « làng » để dân Chúa cùng múc nước nguồn « sự sống » . Sau cùng, một sân rộng trước Đền Thánh như sân « đình » đủ bao bọc hàng trăm nghìn con cái khi cử hành nghi lễ và sinh hoạt bên nhau với lòng « mến Chúa yêu người » còn lớn hơn « tình làng nghĩa nước ».
Có thể nói được thể hiện sau Công đồng Vaticano II, cũng như Thư chung 1980 tại Việt nam, Công giáo đã từng bước đi sâu vào văn hóa của dân tộc, không tách liền cuộc sống thực tại nữa, nhưng nhờ nó mà tiến tới cuộc sống vĩnh hằng.
Hiện tại các Giáo phận đã và đang kêu gọi các ân nhân đóng góp xây dựng Vương cung Thánh đường tại La vang.
Tóm lại, Thánh địa La Vang ngày nay được xem như là một viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa của Việt Nam, thể hiện tính hội nhập, tính cầu nối giữa hai nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là giá trị về Thánh địa là giá trị tiêu biểu cho nơi này.
Cao Dương Cảnh (Giáo Phận Cần Thơ)
[1] Huỳnh Ngọc Trảng, Hành hương – Cuộc hành trình trong chính bản thân mình, Giác Ngộ Online (https://www.giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5B4009)