Giải đáp phụng vụ: Có qui định nào về bài thánh ca Hiệp lễ không?

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, liệu bài thánh ca “Parce Domine” (Lạy Chúa xin dủ lòng thương xót) có phải là một bài thánh ca thích hợp cho phần Hiệp lễ trong mùa Chay không? Con muốn hỏi, bởi vì bài thánh ca hiệp lễ phải là hy lễ tạ ơn trong bản chất, để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. – E. S., Columbus, Ohio, Hoa Kỳ.

Đáp: Thật là đáng ngạc nhiên, vì có ít quy định chính thức liên quan đến bốn bài thánh ca thường được hát trong Thánh Lễ. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói về phần hiệp lễ như sau

“86. Ðang khi vị tư tế rước lễ, thì bắt đầu hát ca hiệp lễ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách cộng đoàn hơn. Có thể kéo dài hát ca hiệp lễ đang khi giáo dân rước lễ. Nhưng nếu có hát bài ca nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc bài ca hiệp lễ vào đúng lúc.

Phải liệu cho các ca viên có thể rước lễ cách xứng hợp”.

“87. Trong các Giáo Phận Hoa Kỳ, có bốn lựa chọn cho việc hát ca hiệp lễ: (1) dùng điệp ca trong Sách Lễ hoặc điệp ca cùng với Thánh vịnh từ sách Graduale Romanum, được đặt nhạc sẵn trong đó, hoặc trong một lối âm nhạc khác; (2) Điệp ca với Thánh vịnh từ sách Graduale Simplex của mùa phụng vụ; (3) một bài thánh ca từ bộ sưu tập khác của Thánh Vịnh và điệp ca, được Hội Đồng Giám Mục hoặc Giám Mục Giáo phận phê chuẩn, bao gồm cả các Thánh Vịnh được sắp xếp theo hình thức xướng đáp hoặc có vần luật; (4) một số bài thánh ca phụng vụ thích hợp khác (xem số 86) được Hội Đồng Giám Mục hoặc Giám Mục Giáo phận phê chuẩn. Một mình ca đoàn hát, hoặc ca đoàn hay ca viên hát với giáo dân.

Nếu không hát, thì giáo dân, hoặc một vài giáo dân hay độc viên, đọc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ. Nếu không có ai khác, thì chính vị tư tế đọc sau khi đã rước lễ, và trước khi cho tín hữu rước lễ” ( Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo Phận Nha Trang).

Lý do tại sao chúng ta không có nhiều hơn “một số bài thánh ca phụng vụ thích hợp khác”, vì điều này là khá đơn giản: Mặc dù có nhiều ý kiến đa dạng khác nhau về chúng, các bài thánh ca này (ca hiệp lễ, nhưng còn ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca kết lễ nữa) là thuộc trong số các yếu tố ít quan trọng nhất, xét từ quan điểm của phụng vụ.

Đối với ca nhập lễ và ca hiệp lễ, Sách Lễ cung cấp các điệp ca. Bản văn Latinh của các điệp ca này là một số thí dụ điển hình nhất của Nhạc Bình Ca, và cũng có một số phiên bản đa âm tuyệt vời.

Không còn bất kỳ bản văn chính thức nào trong Sách Lễ cho ca dâng lễ trong hình thức thông thường, mặc dù Sách Roman Gradual đã cung cấp một số bản văn âm nhạc và nhạc phổ cho thời điểm này.

Không có gì liên quan đến bài ca kết lễ cả.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều công việc phải làm bởi các nhạc sĩ, để sáng tác nhạc phù hợp cho các văn bản địa phương chính thức, có các dấu hiệu rõ ràng của sự hy vọng với một số phiên bản rất tốt của các điệp ca kèm theo thánh vịnh. Một trong các lợi ích của mạng Internet là các sáng tác này có thể trở nên phổ biến hơn, và được sử dụng rộng rãi hơn trong thời gian tương đối ngắn, một khi chúng có sự cho phép cần thiết của Hội đồng Giám mục hoặc Giám mục giáo phận.

Mặc dù việc hát điệp ca thật sự là cách tốt nhất, nhưng nếu điều này là không thể, bản văn của điệp ca ít nhất sẽ cho chúng ta một số hướng dẫn về những gì tạo nên một bài thánh ca “phù hợp”. Các điệp ca hiệp lễ từ thứ Tư Lễ Tro cho đến Chúa Nhật thứ hai của Mùa Chay là:

“Phúc thay người vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh”.

“Lạy Chúa xin tạo cho con quả tim trong sạch; và canh tân tinh thần cương nghị trong người con”

“Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con”.

“Chúa nói: Ta mong muốn lòng thương xót chứ không hy lễ, vì Ta đến không kêu gọi người công chính, nhưng người tội lỗi”.

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

“Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ”.

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.

Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”.

“Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn”.

“Còn những người trú ẩn bên Chúa, Ước chi họ đều được hỷ hoan và reo vui mãi tới muôn đời”.

“Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho”.

“Chúa nói: Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống”.

“Chúa nói: Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn thiện”.

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Như chúng ta có thể thấy chúng là các đoạn văn Kinh thánh, cả Cựu Ước và Tân Ước.

Tuy nhiên, chúng không nhất thiết phải tập trung vào Bí Tích Thánh Thể hay về việc Rước Lễ, nhưng đúng hơn phản ánh tinh thần chung của Mùa Chay. Trong một số trường hợp, chúng phản ánh bài Tin Mừng trong ngày.

Điệp ca “Parce Domine” là một bản văn bắt nguồn từ Giôen 2:17. Điệp ca này được sử dụng trong phụng vụ, như là một trong các điệp ca được hát trong khi xức tro. Điệp ca này đôi khi cũng được sử dụng kèm theo Thánh Vịnh 51 “Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con”.

Bài thánh ca thường đi kèm với nó, “Flectamus iram vindicem” (Hãy để chúng con xoa dịu cơn thịnh nộ của Ngài), được gán cho thánh Ambrôxiô là tác giả. Dưới đây là bản văn Latinh với bản dịch được gợi ý.

ĐIỆP KHÚC: Parce, Domine, parce populo tuo:

Ne in aeternum irascaris nobis.

Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài:

Đừng tức giận với chúng con mãi mãi

1. Flectamus iram vindicem,

Ploremus ante Judicem;

Clamemus ore supplici,

Dicamus omnes cernui:

Hãy để chúng con xoa dịu cơn thịnh nộ của Ngài,

Xin Chúa thương xót chúng tôi;

Hãy kêu cầu Ngài trong sự cầu khẩn,

Chúng ta hãy phủ phục và thưa:

vào ĐIỆP KHÚC

2. Nostris malis offendimus

Tuam Deus clementiam

Effunde nobis desuper

Remissor indulgentiam.

Bởi tội lỗi chúng con đã xúc phạm

Chống lại lòng thương xót của Chúa,

Xin đổ xuống từ trên

Xin Chúa xót thương hãy tha thứ.

vào ĐIỆP KHÚC

3. Dans tempus acceptabile,

Da lacrimarum rivulis

Lavare cordis victimam,

Quam laeta adurat caritas.

Ban cho chúng con thời gian thuận lợi này

Xin nhờ trong nước mắt chúng con,

Chúng con thanh lọc trái tim của chúng ta, để nó có thể trở thành

Một hy tế vui mừng được dâng lên trong tình yêu.

vào ĐIỆP KHÚC

4. Audi, benigne Conditor,

Nostras preces cum fletibus

In hoc sacro jejunio,

Fusas quadragenario.

Lạy Đấng Sáng Tạo nhân từ, xin hãy nghe

Lời cầu nguyện với sự khóc lóc của chúng con

Trong thời kỳ linh thiêng này

của việc ăn chay bốn mươi ngày.

vào ĐIỆP KHÚC

Đây rõ ràng là bài thánh ca Mùa Chay, và không quá xa với ý nghĩa toàn bộ được tìm thấy trong các điệp ca. Vì vậy tôi sẽ nói rằng nó có thể được sử dụng như một bài ca Hiệp lễ.

Tuy nhiên, sau khi nói vậy, tôi nghĩ rằng bài này là phù hợp nhiều hơn với cung giọng tổng quát của các bản văn của các điệp ca nhập lễ Mùa Chay, nên có lẽ nó sẽ phù hợp tốt hơn như một bài thánh ca nhập lễ.

Trong một số trường hợp, nó có thể được sử dụng cho phần dâng lễ vật, vì bài hát này cũng phản ánh bản chất của mùa hoặc lễ trọng, và không nhất thiết phải gắn liền với hành vi dâng lễ. (Zenit.org 4-4-2017).

Nguyễn Trọng Đa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *