Hai linh mục và hai giáo dân Công Giáo bị bắt cóc tại Nigeria

1. Hai linh mục và hai giáo dân Công Giáo bị bắt cóc tại Nigeria

Hai linh mục và hai giáo dân tại Nigeria, bên Phi châu bị một nhóm võ trang bắt cóc, đêm 24 rạng sáng sớm ngày 25 tháng Năm vừa qua.

Linh mục Christopher Omotosho, Giám đốc truyền thông thuộc giáo phận Sokoto, cho biết một lực lượng khủng bố đã tấn công vào giáo xứ thánh Patrick ở Gidan Maikambo, Kafur, bang Katsina, bắn loạn xạ và bắt cha sở, linh mục Stephen Ojapah, thuộc Hội thừa sai thánh Phaolô, cha phó Oliver Okpara và hai người trẻ trong nhà xứ đi theo họ.

Father Stephen Ojapah and Father Oliver Okpara, who were abducted in Nigeria’s Sokoto diocese on May 25, 2022

Phát ngôn viên của cảnh sát ở bang Katisa, ông Gambo Irah xác nhận tin về vụ bắt cóc này và hứa với tờ báo Vanguard ở Nigeria, rằng: “Tôi chưa nhận được báo cáo chi tiết. Khi nhận được tôi sẽ báo cho bạn”.

Hiện người ta chưa biết các nạn nhân bị giam ở đâu và có vấn đề đòi tiền chuộc mạng hay không.

Hôm 14 tháng Năm trước đó, những kẻ bất lương đã nổi lửa đốt và phá hoại một số giáo xứ thuộc giáo phận Sokoto, sau khi Đức Cha Matthew Hassan-Kukah, Giám mục giáo phận sở tại lên án vụ giết hại nữ sinh Công Giáo Deborah Yakubu, do các sinh viên đồng môn người Hồi giáo mà họ cáo cô đã phạm thượng chống ngôn sứ Mohammed. Chính Đức Cha cũng bị đe dọa.

Giáo phận Sokoto bao gồm bốn bang Katsina, Zamfara, Sokoto và Kebbi. Tại bang Sokoto đã bộc phát những vụ nổi loạn có màu sắc tôn giáo và lan sang miền Bauchi và Abuja trong những ngày gần đây.

2. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích nỗ lực của Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh, trong việc phục vụ Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, hôm 26 tháng Năm vừa qua trong sứ điệp video gửi các tham dự viên khóa họp toàn thể của Ủy ban này, nhóm trong ba ngày, từ 26 đến 28 tháng Năm, về đề tài: “Đồng hành tính trong Giáo hội tại Mỹ châu Latinh dưới ánh sáng giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Ngài nói: “Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh được kêu gọi phục vụ, diakonia, chủ ý là chứng tỏ lòng quí mến và quan tâm của Giáo hoàng đối với miền này. Việc phục vụ như thế, hệ tại giúp các cơ quan Tòa Thánh hoạt động phối hợp với nhau và hiểu rõ hơn thực tại Giáo hội và xã hội Mỹ châu Latinh”.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha kêu gọi các thành viên Ủy ban Tòa Thánh tiếp tục thăng tiến việc săn sóc mục vụ cho các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha tại Mỹ và Canada, trong niềm hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Ủy ban này không được kêu gọi trở thành một “sở quan thuế”, kiểm soát những hoạt động và những gì xảy ra ở Mỹ châu Latinh hay chiều kích văn hóa của người nói tiếng Tây Ban Nha, tại Canada và Hoa Kỳ.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến tầm quan trọng của tiến trình đồng hành trong Giáo hội. Tiến trình này được kêu gọi nhắc nhớ ơn gọi tất cả mọi người nên thánh, “vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ được kêu gọi học hỏi và theo Chúa. Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm đối với công ích và sự thánh thiện của Giáo hội. Sự đồng hành phải dẫn đưa chúng ta sống tình hiệp thông Giáo hội khẩn trương hơn, trong đó những đoàn sủng, ơn gọi và thừa tác vụ khác nhau được hội nhập một cách hòa hợp và được linh hoạt nhờ cùng một bí tích rửa tội, làm cho chúng ta trở nên con của Chúa”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng: “Hiệp thông và không có sự đồng hành dễ dẫn tới thái độ cứng nhắc và trung ương tập quyền. Đồng hành tính mà không có hiệp thông thì có thể trở thành một thứ mị dân trong Giáo hội”.

Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh do Đức Giáo Hoàng Piô XII thành lập năm 1958 và thuộc Bộ Giám mục và Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám mục, hiện cũng là Chủ tịch Ủy ban này.’

3. Lần đầu tiên số người tị nạn vượt quá 100 triệu

Ông Filippo Grandi, Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, cho biết lần đầu tiên số người tị nạn trên thế giới vượt quá 100 triệu người. Họ là những người trốn chạy xung đột, bạo lực, những chà đạp nhân quyền và bách hại.

Ông Grandi nói rằng đây là một con số “nghiêm trọng và báo động”, lẽ ra kỷ lục này là điều không bao giờ xảy ra. Tính đến cuối năm ngoái, 2021, số người tị nạn lên tới 90 triệu người trên thế giới, phần lớn là do những vụ xung đột và bạo lực kéo dài ở các nước, như Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan và Cộng hòa dân chủ Congo. Thêm vào đó, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã tạo nên 8 triệu người di tản nội địa và 6 triệu người chạy ra nước ngoài.

Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đánh giá cao sự trợ giúp của quốc tế dành cho những người tị nạn, đồng thời ông nhận xét rằng sự trợ giúp này chỉ làm dịu bớt những cam go trong cuộc sống của những người tị nạn. “Câu trả lời duy nhất để lật ngược con số người tị nạn đang gia tăng, là hòa bình và ổn định”.

Trong số hơn 100 triệu người tị nạn nói trên, có những người tị nạn và xin tị nạn, cũng như 53 triệu 200.000 người di tản nội địa, tại quốc gia của họ còn bị xung đột.

Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc sẽ công bố phúc trình thường niên mang tựa đề “Global Trends”, vào ngày 16 tháng Sáu tới đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *