Hành Trang 33 : Người tông đồ chiêm niệm

dm35.jpgÐã có một thời người ta nghĩ rằng đã chiêm niệm thì không thể làm tông đồ, và đã làm việc tông đồ thì không còn có thể là một người chiêm niệm. Ngày nay thì ai cũng hiểu rằng không có một thứ hoạt động tông đồ đích thực mà lại không xuất phát sung mãn từ đời sống nội tâm, phát xuất từ chính đời sống cầu nguyện. Chính đó là mẫu sống mà thánh Ða Minh đã thực hiện và đã thu được những kết quả lớn lao cho Giáo Hội. Cũng chính đó là mẫu sống mà thánh Ða Minh muốn xây dựng cho Dòng từ thế kỷ XIII.

Thánh Ða Minh đã tổng hợp những yếu tố tưởng chừng như hoàn toàn không thể dung hợp được trong thời đó – chiêm niệm và hoạt động – để hình thành nên mẫu mực một người tông đồ chiêm niệm. Thế nhưng, đối với thánh Ða Minh thì đó không phải là hai thứ trách vụ tách biệt nhau, được chu toàn vào những giờ giấc khác nhau : giờ cầu nguyện và giờ rao giảng. Chiêm niệm theo tinh thần bao giờ cũng là sự chiêm niệm gắn liền và mở ra với hoạt động tông đồ, và làm việc tông đồ cũng phải là một thứ tông đồ chiêm niệm. Hơn nữa, việc tông đồ theo tinh thần Ða Minh không phải chỉ là tìm lấy sức mạnh nơi việc chiêm niệm, mà phải là “rao giảng”, loan báo chính điều mình đã chiêm niệm.

Thế giới bao giờ cũng cần tới những người tông đồ. Làng xóm, giáo xứ, gia đình, xã hội … luôn là những thực tại kêu mời những người lắng nghe được tiếng Chúa kêu mời và “bắt tay” hành động. Từ Công Ðồng Vatican II, chúng ta cũng thấy có biết bao nhiêu lãnh vực tông đồ mới mẻ được mở ra, có biết bao nhiêu những người thiện chí, cảm nhận được Lời Chúa kêu mời, đảm nhận những công tác tông đồ cao đẹp, nhiều khi chẳng cần một danh nghĩa chính thức nào cả. Ðiều có chứng tỏ hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần trong thế giới ngày nay.

Tuy nhiên, là một người Ða Minh, là một nhà tông đồ chiêm niệm, chúng ta còn cần phải như một người bác sĩ, bắt mạch được căn bệnh của thời đại. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra được bệnh tình đặc biệt của thế giới ngày nay là : người ta không còn cảm nhận được Thiên Chúa, không còn dễ dàng đón nhận giá trị tôn giáo nữa. Như thế chúng ta hiểu được rằng, hơn lúc nào hết, thế giới ngày nay đang cần những nhà tông đồ chiêm niệm có khả năng làm chứng được cho những giá trị siêu nhiên, tỏ bày được sự hiện diện của Thiên Chúa, có thể gợi lên nơi người khác một sự rung động, một cảm kích tôn giáo mà chính mình đã cảm nghiệm.

Như thánh Ða Minh chỉ nói với Chúa và về Chúa, người tông đồ Ða Minh cũng phải có hai nhịp sống : chiêm niệm và làm tông đồ. Cuộc sống chiêm niệm : cầu nguyện riêng, phụng vụ cộng đoàn, học hỏi, tĩnh tâm … phải là những giờ “nói với Chúa” để lắng nghe điều Chúa nói với mình, sống với Chúa để Chúa sống trong con người của mình, yêu mến Chúa để tình yêu của Chúa tràn ngập trong tâm hồn mình. Từ đó, trong hoạt động tông đồ, hình ảnh của Thiên Chúa được tỏ hiện rõ nét hơn, sống động hơn qua cách sống, lời ăn tiếng nói, qua cách giao tiếp, qua niềm tin tưởng bình an của mình. Muốn làm chứng cho sự hiện diện nhân từ của Chúa, người tông đồ phải cảm nhận Thiên Chúa trước đã.