Hành Trang 44 : Thánh Đa Minh cảm nhận lòng thương xót của Chúa

dm44.jpgThánh Ða Minh được Thiên Chúa đặt vào trong một thời đại, có thể nói là nhiễu nhương, cả về mặt xã hội lẫn về mặt tôn giáo. Về xã hội, chúng ta thấy thời thánh Ða Minh có nhiều thay đổi sâu xa, trào lưu di dân ồ ạt từ các miền thôn quê lên thành thị, tạo thành một lớp những người nghèo khổ, sống lây lất trong những “khu phát chẩn”, hoặc trở thành những người nguy hiểm cho xã hội. Ðời sống xã hội có vẻ sầm uất hơn vì nhiều dịch vụ buôn bán, các thành phố phát triển nhưng đồng thời sự nghèo đói của một số đông, cùng với những cuộc chiến tranh, bệnh dịch cũng là điều nổi cộm trong xã hội lúc đó. Về tôn giáo, bè rối lại tái xuất hiện, làn tràn khắp nơi, gieo rắc đạo lý sai lạc; còn bộ mặt của Giáo Hội thì lại không được trong sáng cho lắm và chưa đáp ứng được những đòi hỏi mới, cấp bách của tình hình chung.

Ðứng trước một thời đại nhiễu nhương như vậy, thánh Ða Minh trước hết đã cảm thấy rạo rực một tình yêu thương những người nghèo khổ tội lỗi. Cha Jourdain thuật lại : “Chúa ban ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông với nỗi sầu khổ của họ tận đáy lòng và biểu lộ ra bên ngoài bằng những giọt nước mắt”.

Nếu như người ta sống thành thực nhất khi đối diện với Thiên Chúa là Ðấng thấu suốt mọi sự, thì chúng ta cũng có thể hiểu được điều nằm sâu trong trái tim của thánh Ða Minh khi nghe các nhân chứng thuật lại, lúc cầu nguyện thánh Ða Minh thường kêu : “Chúa ơi, rồi đây các tội nhân sẽ ra sao ?”.

Nhưng đó chẳng phải là một tình thương tự nhiên mà thôi. Lòng thương xót của thánh Ða Minh phát xuất từ cảm nhận về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính vì vậy, trước thời đại nhiễu nhương, Ða Minh đã chẳng chạy đến một phương thế chính trị hay quân sự, ngài không tham gia vào cuộc thánh chiến; ngài cũng chẳng nại đến một phương pháp hay đường lối cứu trợ căn bản nào, mà là chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Có tác giả quả quyết rằng tất cả đời sống thánh Ða Minh phát xuất từ sự cảm nhận về lòng thương xót của Thiên Chúa (Xc Théo, trang 757). Như thế, trước nỗi đau của nhân loại, thánh Ða Minh đã chạy đến với Chúa, thân thưa với Chúa về những con người đau khổ, xin Chúa cho mình được đầy tình yêu thương, được nên giống Ðức Kitô, được yêu thương nhân gian bằng chính tình yêu của Chúa và mang ơn cứu độ của Chúa cho con người.

Chân phước Jourdain cũng nói: “Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Ðấng Cứu Thế, hiến toàn thân, toàn sức cứu độ các linh hồn thì mới thực là chi thể của Chúa” (chương 7).

Lòng yêu thương con người của thánh Ða Minh không phài chỉ là một tình cảm uỷ mị, những giọt nước mắt của thánh Ða Minh khi cầu nguyện, khi dâng thánh lễ không phải là một thứ tình thương hại “tiểu tư sản”, chỉ biết than vãn, sầu khổ; nhưng tình yêu con người mạnh mẽ đó đã thúc đẩy tìm đến cội nguồn để giải thoát con người, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể xoa dịu nỗi lòng của con người. Ða Minh hăng say giảng thuyết về tình yêu Thiên Chúa và khi cầu nguyện, cha dâng phó mọi nỗi khổ của con người cho Chúa, kết hợp với sự đau khổ của Chúa. Ngài nhiệt thành lo cho ơn cứu độ của các linh hồn và sẵn sàng đổi tất cả để cho con người được sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Như vậy, thánh Ða Minh thực sự là con người loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho xã hội nhiễu nhương của thời đại Ngài, và bài đọc I trong lễ kính cha thánh đã nói lên điều đó:

“Ðẹp thay người rao tin trên núi, loan báo bình an, người rao Tin Mừng, người loan báo ơn cứu độ …” (Is 52,7).