Năm 1968: Jean Marie Benjamin, một nhạc công trẻ ở quán rượu tại thủ đô Paris, đã phát hành được hai album, đang sáng tác bản giao hưởng đầu tiên của mình. Anh cũng nuôi dưỡng một mối quan tâm nhất định trong đời sống thiêng liêng và đọc sách về chủ đề này. Thỉnh thoảng anh vào một nhà thờ, nhưng chỉ có thế.
Một buổi tối, anh ăn tối tại nhà một người bạn và thấy một cuốn sách về Cha Piô. Trên bức ảnh bìa là khuôn mặt của vị thánh dòng Cappuchino, và Jean Marie nhìn thấy thứ gì đó thu hút anh ta đến độ anh xin mượn cuốn sách đó, đọc nó trong một đêm và quyết định đến San Giovanni Rotondo để biết về vị linh mục cuốn hút đó.
Chờ đợi gặp cha Piô
Tại San Giovanni Rotondo, Jean Marie đã quen biết Marco, một giáo sư văn học người Ý, và người này đã khuyên anh nên đi lễ vào lúc năm giờ sáng nếu muốn xưng tội với Cha Piô. Điều này không hề dễ dàng, bởi vì có hàng trăm tín hữu chờ đợi và cũng vì cha Piô không còn giải tội cho người nước ngoài nữa.
Jean Marie làm theo lời khuyên, và sáng hôm sau, anh ta thấy một Cha Piô rất già, đang ngồi trên xe lăn, gập người chịu cơn đau từ những dấu thánh cuộc thương khó của Chúa Kitô nhưng vẫn được mọi người chiêm ngắm với sự ngưỡng mộ vượt xa những gì có thể được mô tả. Anh thuật lại: “Cảm giác thật tuyệt vời. Không có đủ lời hay thành ngữ hay cách thế nào để thuật lại những gì đang xảy ta.” Ngay cả những chú chim đậu ở cửa sổ nhà thờ cũng giữ thinh lặng trong giây phút ấy. Ngày hôm đó Jean Marie không thể xưng tội. Ba ngày sau đó, Cha Piô rất mệt mỏi và sức khỏe bị suy yếu rất nhiều. Tuy nhiên, Chúa nhật, ngày 8 tháng 3, ngay khi cánh cửa nhà thờ được mở, Jean Marie đã chạy đến ngồi ở hàng ghế đầu trong số những người chờ đợi để lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
Cuộc gặp gỡ quyết định
Khi đến lượt mình, Jean Marie nghe một câu hỏi chậm rãi từ Cha Piô, như thể cha biết rằng anh không nói tiếng Ý: “Từ bao lâu rồi con không xưng tội?” Anh trả lời một vài câu bằng tiếng Pháp. Cha Piô lập lại câu hỏi. Jean Marie trả lời anh không nhớ đã bao lâu rồi. Anh kể: “Cha Piô giơ tay vẫy từ phải sang trái ba, bốn lần, tạo ra một tiếng động dường như muốn nói “không”. Rồi Cha Piô kể cho tôi ngày, tháng, năm lần xưng tội cuối cùng của tôi. Đó là một ngày 13 tháng 7. Và rồi tôi nhớ: Tôi đã xưng tội ở Bờ Biển Ngà, trong một chuyến đi đến Châu Phi với bố mẹ tôi”. Sau một hồi im lặng, chàng trai trẻ xin cha Piô ban phép lành. Cha nhìn sâu vào mắt anh và nói: “Hãy đi gặp một linh mục người Pháp”. Jean Marie chạm vào các dấu thánh của cha và cảm thấy một “sự ấm áp” ấn tượng và sự hiện diện mạnh mẽ của Thiên Chúa. Anh trở về Paris và được đổi mới cuộc đời nhờ “một sức mạnh mới”, như anh mô tả.
Cha Piô dẫn đường
Vào ngày 23 tháng 9 năm đó, khi hay tin Cha Piô qua đời, Jean Marie đã khóc và anh nhớ rằng cha đã bảo anh hãy đi xưng tội với một linh mục người Pháp. Anh chưa làm được, anh thậm chí còn không nghĩ về nó. Anh kể: “Tôi quyết định đi tàu điện ngầm và dừng ở bất kỳ nhà ga nào, đi ra ngoài, đi bộ, vào nhà thờ đầu tiên tôi sẽ tìm thấy trên đường.” Ra khỏi ga Notre Dame des Victoires, Jean Marie nhìn thấy một nhà thờ và nhìn thấy hai tòa giải tội không có người. Anh vào một trong hai tòa này và thưa với vị linh mục: “Thưa cha, con thưa với cha sự thật, con không biết cách xưng tội, nhưng con đến từ cha Piô”.
Vị linh mục lắng nghe câu chuyện của anh và nói với anh: “Điều rất đẹp đã xảy ra với con. Nếu cha hiểu chính xác, không ai cho con biết tên cha để con đến gặp cha. Cha Piô đã hướng dẫn con. Con biết tại sao cha bị thuyết phục. Cha là cha Reveilhac, và cha chịu trách nhiệm gây quỹ ở Pháp cho bệnh viện “Nhà xoa dịu đau khổ”, một bệnh viện của Cha Piô. Mỗi năm cha đến San Giovanni Rotondo hai lần và mỗi lần cha đều gặp Cha Piô. Điều này đã xảy ra trong khoảng 30 năm”.
Rời bỏ nếp sống cũ
Cha Reveilhac trở thành linh hướng cho Jean Marie Benjamin. Khi lớn lên trong đức tin và đời sống tâm linh, anh cảm thấy được mời gọi trở thành linh mục, nhưng cha linh hướng yêu cầu anh chờ đợi, vì ơn gọi của anh chưa trưởng thành. Jean Marie chia sẻ: “Với thời gian tôi nhận ra rằng cha Reveilhac đã đúng: Tôi không biết liệu tôi có thể thay đổi lối sống của mình không, vì vậy ngay lập tức, hãy rời khỏi âm nhạc, các tác phẩm, phòng thu âm, các buổi hòa nhạc”.
Dấn thân vì nhân dân Iraq
Dần dần, Jean Marie đã khám phá và thực hiện các hoạt động mới. Từ năm 1983 đến 1988, anh làm việc tại phòng thu âm của Liên Hợp Quốc tại Genève, chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Vào tháng 3 năm 1988, sau một chuyến hành hương đến San Giovanni Rotondo, anh quyết định trở thành linh mục. Ngày 26/10/1991, anh được chịu chức linh mục. Năm 1995, cha Jean Marie sản xuất bộ phim đầu tay về Cha Pio, được đài truyền hình RAI trình chiếu. Năm 1998, cha sản xuất tại Iraq một phim tài liệu về gia sản văn hóa và đã làm chứng về thảm kịch của các nạn nhân người Iraq từ các vũ khí của Hoa Kỳ và Anh. Từ đó cho đến nay, cha quan tâm và dấn thân cho hoạt động nhân đạo ở Iraq.
Hồng Thủy – Vatican