– A lô… Cuối tuần đi chơi, tui đưa đi bằng xe con, đưa về tới bến.
Chối bay bảy, thôi thời buổi COVY- COVIT ăn chơi gì chứ?
…
– Alo… Cô ơi cho con hỏi, cô có phải là cô Tiểu Hổ… Có hoàn cảnh em học sinh này….
Ta nói cái gì chứ động chạm tới hoàn cảnh là xa mấy cũng vác vó đi.
Bị Nó chửi: “ Dòng cái thứ gì…. Rủ đi chơi xe đưa tới ổ mà chối….. Nghe chuyện bá tánh cái bất chấp….Khùng thiệt!
…
Ừ zị đi, Nghiệp- biết sao giờ! Biết Nó Nghiệp, nó chửi zị thôi chứ nó biết tui là ai mà?
Lặn lội gần cả tiếng đồng hồ kể cả đoạn đi lạc. Tôi cũng tìm đến được cây cầu bắt qua con kênh, rồi con lộ xi- măng nhỏ cả cây số, rẽ vào con hẻm chữ I nhỏ xíu rồi đến chữ L rồi chữ s, sau 2 dãy nhà, tôi cũng tìm thấy cái giậu mồng tơi, núp sâu sau cái giậu mồng tơi là một căn nhà nhỏ tôi muốn tìm.
Bước vào nhà, chạm vào mắt tôi là một bé gái cao ráo, mặt rất dễ nhìn, mỗi cái nước da trắng nhợt nhạt, cái vết thẹo dài vắt ngang cổ. Căn nhà tềnh toàng, ngoài cái mé tường bao bọc cũ kỹ, tôi cố đảo mắt tìm thêm cái gì đó quí giá hơn. Chưa tin vào mắt mình tôi bước tiếp ra phía sau…
Chào tôi, là một cặp vợ chồng trẻ, mặt chị có vẻ hiền hiền, ngây ngây. Đời người có nhiều khúc co ngã quẹo gắt đến khiếp sợ. Và gia đình họ đang ở giữa khúc co hiểm nhất. Anh chị có 3 người con, 2 trai và một gái, gia tài không có gì ngoài căn nhà, không đất, không ruộng…Anh làm mướn, ai kêu gì làm đó, có ngày bệnh lên máu thì mới nghỉ. Chị thì mỗi ngày đi làm việc nhà, ai thuê thì làm, từ sáng tới tối gom góp từng nhà thì cũng được hơn trăm ngàn. Hai cháu trai, đứa 20 tuổi, đứa 17 tuổi đi Bình Dương làm kể từ khi em bệnh nhà lâm vào cảnh nợ nần, 2 em bỏ học đi làm để phụ ba mẹ.
2 lần đưa cháu đi bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ mổ vì cháu bị Bướu ác tính, anh chị phải vay tiền.
Chị kể người ta kêu viết thư lên đài cầu xin mọi người giúp đỡ mà cả hai vợ chồng không biết chữ. Có con gái học cao nhất nhà là lớp 7. Đầu tắt mặt tối để kiếm tiền và lên kế hoạch rất chặt chẽ, tiền anh kiếm ra là để trang trải đời sống, tiền chị kiếm được là để giành dụm dẫn con đi xạ trị, tiền 2 cháu kiếm được là để đóng lời cho chủ nợ còn hăm mấy triệu…
Ai đã đi qua khúc co cuộc đời thì sẽ hiểu nỗi đau khổ ấy. Tôi đã từng nếm cảm nỗi đau đó từ khi còn bé qua ánh mắt sợ hãi của Chị mình khi mỗi tháng phải chạy vạy đóng tiền lãi, mà không phải ai người ta cũng cho vay, nghèo như nhà chị em tôi phải nhờ người có uy tín vay dùm, tiền lãi trả quắt cái tiền gốc mà vẫn nợ… bầm dập tim gan người nghèo. Rồi lúc lớn lên, làm nhà thiếu tiền tôi cũng vay và nhiều đêm thức dao dáo vì nỗi lo sợ nợ cứ đẻ không biết đường ngưng. Khúc cua hiểm gắt của người nghèo, đau khổ tràn ra khóe mắt, đau khổ hằn trên nét mặt…
Tôi thấu cảm điều đó và lặng người khi nghe anh chị bọc bạch, mỗi tháng đóng tiền lời 2 triệu tư. Tôi cảm nhận cái gánh quá nặng đè trên đôi vai vợ chồng trẻ, suốt ngày bỏ đứa con bệnh ở nhà để lăn lộn mưu sinh và canh cánh bên lòng khi đứa con trai căn dặn : “ Mẹ đừng có bỏ em ở nhà một mình, thời bây giờ con gái hay bị hãm hại lắm…” 2 đứa trẻ chưa đủ tuổi khôn tuổi lớn dặn dò mẹ mình chăm sóc em gái. Nghe kể thôi cũng đủ để người ta suy nghĩ….
Tôi không biết làm gì hơn, trao chút tiền của người bạn gửi cho anh chị và nói, tôi chẳng biết mình sẽ giúp được gì cho anh chị, thôi thì tùy duyên, tôi sẽ làm cánh tay nối dài, tôi biết anh chị sẽ không đọc được những gì tôi viết vì cả hai không biết chữ, cả 2 không biết facebook là gì, chỉ biết đầu tắt mặt tối cố sức gồng gánh nhau vượt qua khúc cua đời mình.
Tôi mời gọi anh chị cầu nguyện (anh chị nói mình đạo Phật) tôi nói cầu xin với ai cũng được miễn lòng thành tin chắc sẽ được phụ trì vì tôi nhớ những lúc khó khăn nhất đời mình tôi thường van xin Thánh Cả Giu- se và tôi được sự bình an.
Tôi cũng hứa với anh chị sẽ gửi địa chỉ của anh chị vào thế giới của những tấm lòng quảng đại để họ sẽ nâng anh chị qua khúc cua đời mình.
Địa Chỉ: Trương Văn Cảnh 43 tuổi; Âu Thị Hạnh 42; Ấp Tân Long – Bình Thạnh – Hậu Giang. Con gái Trương Thị Oanh lớp 7 trường THCS Bình Thạnh.
Tiễn tôi về chị khoe cái giậu mồng tơi góp phần nuôi sống gia đình chị… Tôi cứ canh cánh bên lòng cái giậu mồng tơi vẫn xanh um ven vệ đường…
Tiểu Hổ.