Lịch sử và ý nghĩa việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Lịch sử và ý nghĩa việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

I. NGUỒN GỐC LÒNG TÔN SÙNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ

A. THÁNH KINH

* Phúc âm Thánh Luca ba lần trực tiếp nói về Trái Tim Mẹ là nền tảng chính yếu lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ:

– “Maria giữ kỹ mọi điều ấy và hằng ngày suy nghĩ trong lòng” (Lc 2:19).

– “Mẹ Ngài giữ kỹ hết các điều ấy trong lòng” (Lc 2:51).

– “Một mũi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà” (Lc 2:35). Câu Phúc âm này là nền tảng chính yếu của lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ.

* Theo Đức Piô XII, các Giáo phụ giải thích lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ, căn cứ vào hai câu sách Diệu ca:

– “Tôi như vườn khoá chặt, là suối niêm phong” (Dc 4:12).

– “Tôi ngủ mà lòng tôi thức” (Dc 5:12).

B. LỜI CÁC THÁNH

– Thánh Giêrônimô: Không trí khôn thụ tạo nào, không trái tim thụ tạo nào, không sức lực nhân loại nào có thể biết được Trái Tim Mẹ Maria yêu mến Chúa chúng ta đến mức nào.

– Thánh Bênađô: Tình Chúa yêu thương chiếm trọn Trái Tim Mẹ Maria, đến nỗi Trái Tim Mẹ đầy tràn tình yêu, vì Thiên Chúa không làm bùng lên tình yêu trong trái tim nào khác như trong Trái Tim Rất Thánh Nữ Trinh. Và vì Mẹ thoát khỏi mọi dính bén thế tục để Mẹ lãnh nhận được ngọn lửa thánh này.

– Thánh Amađêô: Tình yêu tự nhiên đối với Chúa là Con Mẹ, và tình yêu siêu nhiên đối với Chúa là Thiên Chúa của Mẹ đều qui tụ trong Trái Tim Mẹ Maria.

– Thánh Bênađinô: Đức Nữ Trinh hiển vinh không lặp lại những tác động yêu mến như các thánh, vì trọn cuộc đời Mẹ là một tác động yêu mến liên lỉ do một đặc ân Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa.

– Thánh Phanxicô Salêsiô: Mẹ Maria trung thành yêu mến Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối nhất và tuyệt vọng nhất, đặc biệt trên đồi Canvê. Mẹ tới một mức độ yêu mến hoàn hảo nhất, cao cả nhất. Điểm căn bản là tâm hồn Mẹ tan hòa kết hợp với Chúa và chỉ yêu mến duy một Thiên Chúa trong mọi sự và mọi nơi.

– Thánh Tôma Kempi: Chúng ta có thể tìm một nơi náu ẩn nào có bảo đảm hơn Trái Tim từ bi Mẹ Maria? Người khốn khó tìm được sự cứu giúp, kẻ ốm liệt tìm được thuốc thang, người sầu khổ tìm được sự ủi an, người xao xuyến tìm được lời khuyên răn, kẻ thất vọng tìm được sự trợ phù.

– Thánh Tôma Villanova: Bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi mà ông Môisen trông thấy, là hình ảnh đích thực Trái Tim Mẹ Maria.

– Thánh Euđê: Trái tim Mẹ Maria là Trái tim Giáo hội chiến đấu, Giáo hội tẩy luyện và Giáo hội vinh thắng.

– Thánh Gioan Maria Vianney: Chúa Con có đức công bình của Người, Mẹ không có gì, chỉ có tình yêu là Trái tim của Người. Không có ơn nào từ trời xuống mà không qua tay Mẹ.

– Thánh Eymard: Ai muốn hiểu biết những bí nhiệm thẳm sâu tình yêu Thiên Chúa, và những nhân đức kín nhiệm Thiên tính Chúa Giêsu, thì phải học trong bức gương trong suốt Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria.

C. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

– Đức Piô XII: Tình Hiền Mẫu của Trái Tim Mẹ Maria gần như vô biên. Tâm hồn Mẹ đầy tình hiền ái nồng nàn nhất. Trong giờ phút bi thảm của lịch sử loài người này, chúng con phó thác và hiến dâng chúng con cho Trái Tim Vô nhiễm Mẹ.

– Đức Phaolô VI: Một lễ rất được người đạo đức thời nay yêu quí theo chiều hướng mới lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Đó là lễ Trái tim Đức Mẹ.

– Đức Gioan Phaolô II: Trái tim Mẹ Maria đã luôn luôn theo sát sự nghiệp Con mình, và cũng đập cùng một nhịp thương mến đối với tất cả những ai mà Đức Kitô đã và đang ấp ủ trong tình thương mến vô biên của Ngài.

– Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria đã mở ra khi Chúa nói: “Hỡi Bà, này là con Bà”. Một cách thiêng liêng, Trái tim Mẹ đi gặp gỡ Trái tim Con Mẹ đã mở ra khi bị lưỡi đòng của người lính đâm thâu. Trái tim Mẹ mở ra vì cùng một tình yêu thương người ta và thế giới mà Chúa Kitô đã yêu thương, đã tự hiến trên cây Thánh giá.

D. MẠC KHẢI TƯ

Mẹ Maria đã tỏ ra Trái tim Mẹ cho Thánh nữ Mechtilđê năm 1298, cho Thánh nữ Giêtruđê năm 1302, cho Thánh nữ Brigitta năm 1395, và sau đây cho Thánh Catarina Labouré năm 1830, cho cha Carôlô des Genettes năm 1836, cho nữ tu Justina Bisqueyburn năm 1840, và đặc biệt cho ba trẻ Fatima năm 1917.

1. Sứ điệp đầu tiên của Mẹ

Năm 1830, Đức Mẹ hiện ra với chị Catarina Labouré, thỉnh sinh dòng Nữ Tử Bác Ái tại Paris nước Pháp để dạy làm mẫu Ảnh lạ (Miraculous Médal). Một mặt có ảnh Trái tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ. Cha linh hướng của chị Catarina bảo chị hỏi Đức Mẹ có chữ gì bên trên hai Trái tim. Đức Mẹ trả lời rằng không cần thiết có chữ gì, vì hai Trái tim kết hợp với nhau nói lên đầy đủ ý nghĩa. Đức Mẹ cũng hứa với chị Catarina: “Tất cả những ai đeo Ảnh lạ đã làm phép sẽ được nhiều ơn lành, nhất là nếu họ đeo ở cổ xuống ngực”.

Quả thật Đức Mẹ đã ban ơn lành cho những người đeo Ảnh lạ. Anphongsô Ratisbone luật sư và chủ nhà băng người Do thái tại Pháp vô tôn giáo. Năm 1841, ông ta qua Rôma tình cờ gặp bá tước Bussière. Bá tước khuyên ông ta đeo “Ảnh lạ” và đọc kinh “Hãy nhớ”. Ratisbone nhận lời. Năm sau bá tước lại rủ ông ta vào nhà thờ Thánh Anrê. Chiều ý bá tước, ông ta vào nhà thờ và được Đức Mẹ hiện ra, nên ông ta tin và ngày hôm sau chịu phép Thánh tẩy. Sau đó ông ta lấy tên đầy đủ là Alphongsô Maria Ratisbone, vào dòng Tên chịu chức linh mục năm 1848 rồi năm 1885 sang Palestina lập dòng chinh phục các người Do thái.

2. Hãy dâng giáo xứ cho Trái tim Mẹ

Năm 1836, cha Carôlô des Genettes, chánh sở giáo xứ Đức Bà thắng trận tại Paris, là một giáo xứ khô đạo thời đó, tuy nhà thờ rất cổ kính do vua Louis XIII kiến thiết năm 1829. Một hôm đang dâng Thánh lễ, cha Carôlô nghe tiếng lạ nói: “Hãy dâng nhà thờ và giáo xứ cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ Maria”. Cha Carôlô thi hành ngay sứ điệp đó, thì giáo xứ dần dần được phục hồi.

3. Mẹ dạy cầu xin Trái tim Mẹ

Năm 1840, Đức Mẹ hiện ra với chị Justina Bisqueyburn, Nữ tử Bác ái, tại Paris ngày lễ Sinh nhật của Mẹ. Tay phải Mẹ cầm Trái tim Người có những ngọn lửa chung quanh. Tay trái Mẹ cầm một thứ Áo Đức Bà xanh mà chỉ có một tấm. Mặt bên này có hình Đức Mẹ. Mặt bên kia là một quả tim rực cháy toả sáng hơn mặt trời và trong óng hơn thủy tinh. Quả tim có một lưỡi gươm đâm thâu. Bên trên quả tim có một Thánh giá và một hàng chữ: “Lạy Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con bây giờ và trong giờ chúng con chết”.

4. Chúa Giêsu và Mẹ Maria muốn lập lòng sùng kính Trái tim Mẹ trên khắp thế giới

Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6-1917, Mẹ nói với Lucia: “Chúa Giêsu muốn thiết lập lòng sùng kính Trái tim Vô nhiễm Mẹ trên khắp thế giới. Mẹ hứa ơn phần rỗi cho những ai có lòng sùng kính đó. Linh hồn họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương như những bông hoa Mẹ trang hoàng ngai toà Chúa… Không bao giờ Mẹ bỏ con. Trái tim Vô nhiễm Mẹ sẽ là nơi con nương ẩn và là đường dẫn đưa con đến cùng Thiên Chúa”.

Hiện ra lần thứ ba ngày 13-7-1917, Mẹ khuyên Lucia khi hy sinh thì đọc: “‘Lạy Chúa Giêsu, con xin hy sinh vì lòng yêu mến Chúa cho các tội nhân trở lại và để đền tạ tội lỗi xúc phạm tới Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria’. Con đã xem thấy hoả ngục nhiều linh hồn tội nhân khốn nạn sa xuống đó. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái tim Vô nhiễm Mẹ… Mẹ sẽ đến xin dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ và rước lễ đền tạ các ngày thứ Bảy đầu tháng”.

Mẹ lại hiện ra cùng với Chúa Hài Đồng ngày 10-12-1925 với Lucia trong phòng riêng của chị tại tu viện các nữ tu Thánh Dorothy. Một tay Mẹ đặt trên vai Lucia, tay kia Mẹ cầm một quả tim quấn đầy gai. Chúa Hài Đồng nói: “Con hãy thương Trái tim Mẹ rất Thánh của con bị gai quấn quanh do những người bội bạc đâm vào mọi lúc. Và không có ai rút gai ra bằng một việc đền tạ”.

Rồi Đức Mẹ nói: “Ái nữ của Mẹ! Con hãy nhìn xem Trái tim Mẹ quấn đầy gai mà những người vô ơn hằng đâm vào bằng những sự xỉ nhục và những sự tệ bạc. Ít là con, con hãy an ủi Mẹ. Nhân danh Mẹ, con hãy loan truyền rằng Mẹ hứa sẽ đến hộ giúp trong giờ chết với những ơn cần thiết tất cả những ai trong năm thứ Bảy đầu tháng liên tiếp, xưng tội, rước lễ, đọc kinh Mân côi và cùng với Mẹ suy niệm những mầu nhiệm Mân côi có ý đền tạ Mẹ”.

Ngày 15 tháng 12 năm 1926, Chúa Hài Đồng lại hiện đến với Lucia hỏi xem Lucia đã truyền bá việc đền tạ Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Chúa.

Năm 1929, Lucia đang cầu nguyện trong nhà nguyện tại tu viện Tuy, Mẹ lại hiện đến với Lucia và nhắc lại: “Mẹ sẽ đến xin dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ… Nếu họ nghe lời Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hoà bình”.

5. Đức Mẹ tỏ ra Trái tim vàng của Mẹ

Năm 1932, tại Beauraing phía nam nước Bỉ, Đức Mẹ hiện ra với năm trẻ em: một em trai là Albertô 11 tuổi, và bốn em gái là Fernanda 15 tuổi, Andrea 14 tuổi, và hai chị em Gilberta V 13 tuổi, Gilberta D 9 tuổi. Các em đến học trường các Sơ dòng “Christian Doctrine”, nên các em được thấy Đức Mẹ hiện ra tại vườn tu viện các Sơ gần cây táo gai. Ngày 17 tháng 12, Đức Mẹ xin xây một nhà thờ tại đây để dân chúng tới hành hương. Sau bốn ngày, Đức Mẹ nói: “Ta là Đức Nữ Trinh Vô nhiễm”. Ngày 29 tháng 12, Đức Mẹ cho các em xem thấy Trái tim Vô nhiễm của Mẹ mầu vàng sáng óng. Ngày hôm sau, Đức Mẹ cũng tỏ ra Trái tim vàng của Mẹ và nói: “Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện nhiều”. Riêng với Andrea, Mẹ nói: “Ta là Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương thiên đàng. Hãy cầu nguyện luôn luôn”. Riêng với Fernanda, Đức Mẹ mở hai cánh tay tỏ ra Trái tim Mẹ chói chang và nói: “Con có yêu mến Con Ta không? Con có yêu mến Ta không?” Fernanda thưa “có”. Đức Mẹ nói tiếp: “Con hãy hy sinh cho Ta”. Đức Mẹ hiện ra với năm em tất cả 33 lần.

II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Thánh Anselmô, nhà thần học Eadmer, Thánh Bênađô, và nhà thần học Hugh St. Victor khởi đầu sùng kính Trái tim Đức Mẹ. Rồi Thánh Mechtilđê, Thánh Giêtruđê, Thánh Brigitta, nhất là Thánh Bênađinô là “tiến sĩ của Trái tim Mẹ”, tiếp tục phong trào sùng kính Trái tim Đức Mẹ.

Đến thế kỷ XVII, lòng sùng kính Trái tim Mẹ mới được phổ biến rộng rãi do Thánh Euđê mà Đức Thánh Piô X gọi là “sư phụ, là tiến sĩ và là tông đồ” của Phụng vụ sùng kính hai Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Năm 1648, nhiều Giám mục nước Pháp ban phép mừng lễ Trái tim Mẹ trong giáo phận các ngài ngày mồng 8 tháng 2. Năm 1674, Đức Clementê X ban phép mừng lễ đó cho Bổn mạng dòng của Thánh Euđê vào ngày 20 tháng 10. Năm 1787, Đức Piô VI ban phép các nữ tu dòng Đức Mẹ Gabrie mừng lễ “Rất Thánh Trái Tim Mẹ Maria” ngày 22 tháng 8. Năm 1799, tất cả các nhà thờ giáo phận Palermô nước Ý được mừng lễ này. Năm 1805, tất cả các giáo phận và các dòng tu muốn mừng lễ này đều được Đức Piô VII ban phép. Năm 1855, dưới triều đại Đức Piô IX, giờ kinh và Thánh lễ đã được Thánh bộ Lễ nghi chấp thuận.

Sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917 ban hành mệnh lệnh “Tôn sùng Trái tim Đức Mẹ”, toàn thế giới Công giáo quay về Mẹ Fatima. Do đó, ngày mồng 8 tháng 12 năm 1942, Đức Piô XII long trọng dâng thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ. Tháng 5 năm 1943, Đức Thánh Cha khuyến khích tín hữu Công giáo kêu cầu sự bầu cử của Rất Thánh Đức Trinh Nữ, nhất là bằng cách đọc kinh Mân côi cho thế giới được hoà bình đích thực. Ngài cũng kêu mời mọi người dâng mình cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Năm 1945, ngài chính thức thành lập lễ “Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ” vào ngày 22 tháng 8. Theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, năm 1969, Đức Phaolô VI đổi lễ này vào ngày thứ Bảy sau lễ Thánh Tâm tuần Chúa nhật II sau lễ Hiện Xuống.

III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Lễ tôn vinh Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria soi động và khích lệ chúng ta:

1. Chiêm ngưỡng Trái tim Mẹ vẹn tuyền thanh sạch, đầy tình yêu thương, trọn lành thánh thiện, trung thực phản ảnh ưu phẩm toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái của Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta nhìn thẳng vào quả tim tội lỗi sắt đá của chúng ta, xin Trái tim Vô nhiễm Mẹ cải hoá quả tim chúng là với những tâm tình tốt lành thánh thiện.

2. Chúc tụng Trái tim Mẹ luôn qui hướng về Chúa, luôn kết hợp mật thiết với Chúa. Và xin Mẹ dạy chúng ta đón nhận Chúa thế nào vào đời sống chúng ta. Xin Mẹ dạy chúng ta biết đói khát Chúa và biết sống chính sự sống và lời Chúa.

3. Tôn vinh Trái tim Mẹ là đền thờ sống của Chúa Thánh Thần, là cung thánh của Con Thiên Chúa hằng hữu. Xin Mẹ biến đổi quả tim ô nhơ của chúng ta thành trung tâm tôn thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.

4. Ngợi khen Trái tim Mẹ thẳm sâu khiêm nhượng đã đưa Mẹ vào mầu nhiệm Nhập Thể Cứu chuộc của Chúa, và vào đời sống Giáo hội. Xin Mẹ dẫn đưa chúng ta gia nhập công trình Cứu chuộc của Chúa và vào công cuộc Tông đồ của Giáo hội.

5. Ca tụng Trái tim Mẹ dạt dào tình Hiền Mẫu êm ái ngọt ngào trong phẩm chức Mẹ Thiên Chúa và Mẹ toàn thể loài người chúng ta. Xin Mẹ ban cho chúng ta lòng thiết tha yêu mến Chúa, yêu mến Mẹ và đậm đà yêu thương mọi người.

IV. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Isaia 61:9-11

Đây là những lời cảm tạ trong niềm hoan lạc vui mừng vì được Đức Giavê hứa ban sự phục hồi sau thời lưu vong suy tàn: “Tôi luôn luôn vui sướng trong Đức Giavê. Hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa tôi thờ”.

Lý do niềm hoan lạc này là sứ điệp hy vọng và ơn Cứu độ của Thiên Chúa kêu mời chúng ta hợp hoan với ơn Cứu chuộc của Chúa, với niềm vui trong ơn Người ban tặng cho ta. Chúng ta hãy suy niệm rằng Mẹ Maria được điểm trang phục sức và vui mừng trong sự công chính như “đất trổ sinh chồi lộc”. Hình ảnh tân lang và tân nương gợi ra hình ảnh Mẹ Maria trong biến cố Truyền tin.

Phúc âm: Luca 2:41-52

Mẹ Maria suy nghĩ trong lòng trong hai trường hợp: Dịp Chúa giáng sinh tại Bêlem (Lc 2:19) và dịp Chúa bị lạc năm 12 tuổi (Lc 2:51). Mỗi năm, Đức Mẹ và Thánh Giuse thường đi Giêrusalem dự lễ Vượt qua để giữ luật Cựu ước (x. Lc 2:22-24; 2:41) và luật đời (Lc 2:1-5). Chúa Giêsu đã được Philatô, người trộm lành và quan cai bách quân tuyên bố là vô tội (Lc 23:11-15, 41-47), và Người đã làm trọn Cựu ước (Lc 24:26-27).

Chúa Giêsu lên đền với Đức Mẹ và Thánh Giuse và bị lạc sau ba ngày các ngài mới tìm lại được. Trong Cựu ước và Tân ước, ngày thứ ba (Ga 2:1) là thời gian ơn phúc và ân huệ: núi Sinai (Xh 19:11), phục hồi (Hs 6:2-3), phục sinh và cũng tượng trưng ba ngày Giona trong bụng cá kình (Gn 1:17; Mt 12:40). Chúa Giêsu bị lạc mất ba ngày, tiên báo Chúa phải chịu khổ nạn trong ba ngày (Lc 9:22) và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại (Lc 24:7). Khi Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa, Chúa nói: “Tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết con phải ở nơi nhà Cha con sao?” (Lc 3:49). Nói câu đó, Chúa Giêsu muốn nói đến mối liên hệ mới của Nước Trời bao la hơn mối liên hệ Thánh gia Nagiarét (x. Lc 8:19-21; 11:27-28).

Đức Mẹ không hiểu. Sự chậm hiểu là tính cách của môn đệ sau khi Chúa phục sinh (x. Lc 24:11, 25, 41-45). Và Chúa sẽ lại được tìm thấy sau khi Ngài bị mai táng trên mồ (x. Lc 24:5, 23-24).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *