Linh địa Đức Mẹ Trà Kiệu
Trong chuyến hành hương về nguồn, ngày 15.7.2016, HĐGDĐMVN kính viếng và dâng lễ tại Trà Kiệu. Xin giới thiệu đôi nét về linh địa này
Trà Kiệu có một bề dày lịch sử cả đạo lẫn đời. Về dân sự, Trà Kiệu nguyên là kinh đô Simhapura (Sư Tử Thành) của Vương quốc Champa vào cuối thế kỷ II sau Công nguyên. Nhiều hiện vật khảo cổ được phát hiện dưới lòng đất trong khu vực này đã được cha quản xứ Trà Kiệu Antôn Nguyễn Trường Thăng (1975-1989) thu tập hình thành một “bảo tàng Chămpa” nho nhỏ tại Nhà xứ Trà Kiệu.
Về lịch sử giáo hội, Trà Kiệu và cộng đoàn Dân Chúa Trà Kiệu được biết đến như là chứng nhân đức tin trong thời kỳ bách hại, với những cuộc tấn công không ngừng nghỉ của lực lượng “Văn Thân” nhằm triệt phá xứ đạo này. Cũng chính trong bối cảnh đó, Trà Kiệu đã được biết đến vì được “ơn lạ” của Thiên Chúa : Đức Mẹ đã hiện ra để che chở và giải thoát đoàn con cái Chúa đang trong cơn nguy biến (ngày 10 và 11.9.1885).
Từ biến cố này, một ngôi đền được dựng nên trên ngọn đồi Bửu Châu (cách nhà thờ Trà Kiệu khoảng 500m) dâng kính Đức Mẹ với tước hiệu “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Năm 1958, đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, đã chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Quy Nhơn và đã tổ chức Đại hội Thánh Mẫu đầu tiên từ 31.1 đến 2.2.1959. Năm 1963, giáo phận Đà Nẵng được thành lập, tách khỏi giáo phận Quy Nhơn, Trà Kiệu đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu của tân giáo phận.
Đại hội Thánh Mẫu lần II được tổ chức từ 29 đến 31.5.1971 cũng do đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, lúc này là giám mục giáo phận Đà Nẵng. Từ đó, hằng năm vào Lễ Đức Mẹ Đi Viếng 31/5, như một thông lệ, giáo dân từ các nơi tìm đến với Mẹ Trà Kiệu. Năm 1995, Đại hội Thánh Mẫu Trà Kiệu lần III được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Đức Mẹ hiện ra vào ngày 31.5 với khoảng 35.000 khách hành hương tham dự. Sau Đại hội lần IV (1997) và lần V (2000), hàng năm Đại hội được tổ chức với lượng người tham dự mỗi năm một thêm đông.
Mỗi kỳ Đại Hội, ngoài cuộc kiệu rước trọng thể cung nghinh Mẹ Trà Kiệu từ Nhà Thờ xứ đến Nhà Thờ Núi, những buổi diễn nguyện tôn vinh Đức Mẹ và Thánh Lễ đại trào; cộng đoàn dân Chúa và khách hành hương lại có dịp sống gần Mẹ và sống gần nhau trong tâm tình tạ ơn, khẩn nguyện và quyết sống trọn vẹn đời sống chứng tá đức tin, như các bậc tiền nhân anh dũng.
Hiện nay, ngoài dịp Đại hội hằng năm (cuối tháng 5), mọi ngày trong năm, đặc biệt từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8, đều có khách hành hương từ mọi nơi đến viếng Mẹ.