Loan báo Tin mừng thời đại 4.0: “Bàn ít – Làm nhiều”

I. CÁNH ĐỒNG RỘNG LỚN

Giáo phận Bắc Ninh trải dài trên 11 tỉnh thành, trong đó có 5 tỉnh trọn vẹn: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cùng một  số  huyện, xã của 6 tỉnh thành liên hệ như thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn và Phú Thọ. Với diện tích 20.983 km2 và tổng dân số  8.700.000 người, trong đó chỉ có 149.339 tín hữu. Địa hình 90% vùng đất của Giáo phận là đồi núi. Khoảng cách giữa họ nhà xứ với các họ lẻ rất  xa nhau, đường xá giao thông không thuận tiện nên việc đi lại, thăm viếng mục vụ gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, những ưu ái của tạo hóa vẫn sáng lên và nổi bật trên vùng đất rộng lớn của Giáo phận. Miền đất Kinh Bắc trù phú về văn hóa và đậm chất nên thơ về địa hình. Nơi non xanh, nước biếc, thế đất linh thiêng, xứng được coi là vùng địa linh, nhân kiệt. Bắc Ninh ôm trọn trong mình một kho báu văn hóa dân gian Đệ Nhất Trời Nam và những làn điệu dân ca Quan họ được xem như di sản của văn hóa nhân loại với những làn điệu dân ca nghe thanh thoát, tình tứ mà ngọt ngào bởi người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Không những vậy, Bắc Ninh còn là cái nôi của Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và những nét văn hóa truyền thống của Việt nam. Nhắc đến Bắc Ninh còn là nhắc đến một Giáo phận với cánh đồng truyền giáo rộng lớn mênh mông bát ngát, đã vượt qua biết bao gian truân lịch sử để không ngừng trổ sinh hoa trái và lớn mạnh nhờ máu các Thánh Tử đạo đã đổ ra chan tưới cả cánh đồng.

Hiện tại, trên địa bàn Giáo phận có  nhiều khu công nghiệp mới mọc lên tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh thu hút số công nhân lao động, theo đó làn sóng di dân từ nhiều nơi đổ về đã khoác lên nếp sống thuần nông trước đây một tấm áo mới, nền kinh tế nói chung đang dần chuyển mình làm cho đời sống người dân ngày một nâng cao, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức mới trong việc sống đạo truyền thống  đã ăn sâu vào sinh hoạt đức tin nơi các xứ họ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng khẳng định: “Công cuộc truyền giáo của Giáo hội mới chỉ bắt đầu.” Nếu nhìn trong bối cảnh loan báo Tin Mừng tại giáo phận Bắc Ninh, thì lời khẳng định trên của Thánh giáo hoàng hoàn toàn đúng. Trải qua 139 năm truyền giáo (1883 -2022), Giáo phận Bắc Ninh hiện nay có số lượng tín hữu chỉ chiếm 1,7 % dân số, còn tới 98,3% dân số cần bắt đầu và tiếp tục Loan báo Tin Mừng. Trong khi đó, giáo phận có tới 88 giáo điểm truyền giáo, mà phần lớn các giáo điểm này có các các anh chị em dân tộc thiểu số sinh sống và theo đạo Công giáo. Các anh chị em dân tộc là những người nghèo, và Thánh giáo hoàng tuyên bố: “… những người nghèo là đối tượng ưu tiên của việc truyền giáo, và việc loan báo Tin Mừng cho họ đặc biệt là một dấu chỉ và bằng chứng của sứ vụ Đức Giêsu Kitô.” Bởi thế, Sứ vụ Loan báo Tin Mừng trên quê hương quan họ vừa là thử thách, vừa là cơ hội. Trải qua dòng lịch sử duy trì và phát triển, với dòng máu đào của các Thánh tử đạo đã đổ ra nơi xứ sở Kinh Bắc là miền đất màu mỡ để những chứng nhân của Đức Ki-tô ra đi loan gieo hạt giống Tin Mừng.

II. RA ĐI GIEO GIỐNG

1. Thực trạng đáng suy gẫm

1.1.Trong nhiều thập kỷ qua, Giáo phận Bắc Ninh mới chỉ dừng lại ở việc loan báo Tin Mừng theo kiểu “cha truyền con nối”, mà chưa mạnh dạn vươn ra bên ngoài để đến với những vùng ngoại biên, mọi hoạt động truyền giáo đã triển khai nhưng cũng chưa đem lại kết quả như mong đợi. Trong khi đó, tính chất đặc thù của Giáo phận Bắc Ninh có tỉ lệ người Công giáo rất khiêm tốn nếu không muốn nói là vô cùng ít ỏi so với anh chị em chưa cùng niềmn tin. Ngoại trừ việc loan báo Tin Mừng còn rất giới hạn nơi anh chị em sắc tộc thiểu số, còn lại đa phần việc loan báo Tin Mừng nơi các xứ họ khác xem ra còn bỏ ngỏ.

1.2.Trong bối cảnh người Công giáo trong Giáo phận chỉ chiếm 1,7% trên tổng số dân, đây vừa là cơ hội lớn cho việc loan báo Tin Mừng nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ đức tin chân truyền. Các tín hữu miền Kinh Bắc phải cùng một lúc gánh hai vai, vừa làm sao để giữ vững đức tin cho mình, vừa làm sao để mọi người có thể nhận ra Chúa qua lối sống của bản thân. Trên thực tế, đã xảy ra tình trạng hiểu chưa đúng hoặc cách hiểu sai lầm của nhiều người chưa cùng niềm tin tôn giáo khi nhìn vào cách thực hành đạo của người Công giáo. Hoặc chính những người đồng đạo lại nảy sinh mâu thuẫn, chẳng hạn như trong việc Ma – Chay – Hiếu – Hỉ, hay Hương – Hoa – Nến – Quả thờ cúng tổ tiên hay việc công đức xây dựng các công trình thờ tự v.v.

2. Hệ lụy từ những tổn thương

2.1.Để tình trạng loan báo Tin Mừng “đóng băng”, nguyên nhân chủ quan là do giáo phận nói chung; các xứ họ, cộng đoàn và mỗi tín hữu nói riêng chưa thực sự chú trọng và đẩy mạnh sứ vụ chính yếu là sứ vụ ‘Loan Báo Tin Mừng’, chưa có nhiều sáng kiến trong các kế hoạch hay xây dựng chương trình loan báo Tin Mừng có tính đột phá.

2.2.Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa rất quan trọng đó là kiến thức Giáo lý và đức tin của các tín hữu chưa vững, chưa sâu, mới chỉ dừng lại ở việc giữ đạo cho bản thân mà chưa biết nói về Chúa, về đạo của mình như thế nào để thuyết phục người khác. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều người còn mặc định rằng việc truyền giáo là việc của quý Cha, quý Thầy, quý Dì chứ không phải của người giáo dân. Buồn hơn nữa, nhiều cha cũng có suy nghĩ tương tự: truyền giáo là việc của cha trưởng ban loan báo Tin Mừng.

2.3.Biến cố 54 và sự bách hại và o ép, từ đó đã khiến cho không ít các tín hữu phải sợ hãi, co cụm, hoặc trốn tránh. Trong thời gian dài các cộng đoàn Ki-tô hữu tại Bắc Ninh mải lo giữ đạo chưa xong nghĩ gì đến sống đạo hay truyền đạo. Vì thế, các cộng đoàn cũng chỉ lo xây dựng tổ chức nội bộ chặt chẽ, làm mọi cách để cho con cháu giữ đạo, thậm chí là ngăn cản con cái kết hôn với những người chưa cùng niềm tin. Về lâu dài, việc duy trì thói quen của người yếu thế đã tạo thành truyền thống tốt đẹp trong việc bảo vệ gia sản Đức tin nhưng vô hình chung nó tạo nên những lũy cao, hào sâu cô lập cộng đoàn tín hữu với xã hội và quên dần đi sứ vụ chính yếu là Loan báo Tin Mừng. Điều đáng bàn là cách giữ đạo cực đoan của những tín hữu thủ cựu, thường duy trì thói quen và xem đó như một chân lý trong đời sống đạo khiến cho những hướng dẫn, những dự phóng về việc Loan báo Tin Mừng bị phá đổ: “Cha ông tôi đã giữ đạo như thế, tôi cũng giữ đạo như thế và con cháu tôi phải giữ đạo như thế…” đó là những suy nghĩ vẫn còn tồn tại trong tâm trí nhiều tín hữu Miền Kinh Bắc. Vấn đề này về lâu về dài sẽ làm cho giáo phận Bắc Ninh bị “sa mạc hóa”, giống như dân tộc Do Thái chỉ biết giữ Ơn Cứu Độ cho riêng mình, điều này đã được nhắc tới rất nhiều và cũng là ưu tư của các Đấng bậc,  các tham dự viên trong những buổi gặp gỡ Hiệp Hành mới đây.

3. Đi đến vùng ngoại biên

Trước những thực trạng đáng bàn và những nguyên nhân đã được chỉ ra, Giáo phận Bắc Ninh đã nhìn thẳng, nói thật và đưa ra rất nhiều dự phóng. Trong đó, phương cách Loan Báo Tin Mừng đang dần được chuyển dịch từ tâm lý bị động sang thế chủ động, từ cách làm giàn trải sang cách tập trung vào mũi nhọn. Những kế hoạch chi tiết cho hoạt động Loan báo Tin Mừng tại các xứ họ đang dần hình thành, bầu khí thực thi sứ vụ đi đến vùng ngoại biên đang nhen nhóm trong lòng nhiều tín hữu.

3.1. Giáo dục đức tin cơ bản

Trước hoàn cảnh tỷ lệ giáo dân thấp, mật độ phân bố không đồng đều, đời sống đức tin của các tín hữu tại từng khu vực có sự khác nhau, vì thế mà Giáo phận Bắc Ninh đã xác định lại mức chuẩn trong việc giáo dục đức tin thay vì chạy theo những chương trình mang tính hàn lâm thiếu phù hợp. Thật may mắn cho Giáo phận Bắc Ninh là trong thời kỳ khó khăn, cả giáo phận chỉ có 1 linh mục rưỡi, Đức Hồng y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng đã sáng tác cuộc đời Chúa Giê-su và ca nhiệm tích theo thể văn vần, soạn giáo lý theo cách hỏi thưa để phổ biến cho giáo dân. Đồng thời cũng sáng tác một số những bài hát theo làn điệu quan họ như bộ lễ quan họ. Nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực không mệt mỏi hướng dẫn của các Đấng bản quyền các giai đoạn, cũng như sự cộng tác của các dòng tu, tu hôi, tu đoàn đến nay Lời Chúa đang dần được đi vào trong các vùng miền, đức tin được duy trì, hoạt động được đảm bảo. Hiện tại, Giáo phận Bắc Ninh đang quay trở lại nghiên cứu và tạo lập ra kế hoạch chi tiết để các em thiếu nhi ở khắp nơi trong giáo phận dù là nơi ‘toàn tòng’ hay ‘xôi đỗ’ đều có thể học hỏi và sống Lời Chúa; ngoài nội dung giáo lý chung, thiếu nhi còn học thuộc lòng những vần kinh, điệu hát của Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse.

3.2. Huấn luyện giáo dân thừa sai

Trên nền tảng những giáo dân đã được giáo dục Đức tin đủ đầy, Giáo phận Bắc Ninh đang hướng tới công cuộc đào tạo những Giáo dân Thừa sai. Ba nhóm tín hữu được nhắm đến cho kế hoạch này gồm Sinh viên, Công nhân và Sắc dân Thiểu số. Giáo phận đang tham khảo ý kiến để xây dựng bảng tiêu chuẩn cho việc chọn lựa ứng viên và kết quả thu hoạch để đưa ra chương trình huấn luyện phù hợp, lồng ghép giữa đào tạo và thực hành. Sau quá trình huấn luyện bài bản, những giáo dân thừa sai được kỳ vọng sẽ trở thành những nhân sự nòng cốt xây dựng xứ họ, hội đoàn và có thể độc lập xây dựng riêng bản thân kế hoạch loan báo Tin Mừng ý nghĩa và hiệu quả. Những giáo dân thừa sai cũng có thể công khai hoặc âm thầm thực hiện những sứ vụ riêng do các Đấng bậc có thẩm quyền trao gửi.

3.3.Thiết lập các gia đình căn bản

Bên cạnh đó, một trong những dự phóng mà Giáo phận Bắc Ninh muốn thực hiện đó là thiết lập những gia đình căn bản với những tiêu chí: sống Lời Chúa và Thánh Thể, trưởng thành về nhân bản, tự chủ về tài chính, đảm bảo về tri thức và sẵn sàng lên đường đến những nơi được mời gọi, trong đó ưu tiên phát triển nền tảng từ những giáo dân thừa sai đã lập gia đình. Để dự phóng này có thể trở thành hiện thực, giáo phận Bắc Ninh xác định cần rất nhiều thời gian để bắt tay xây dựng kế hoạch huấn luyện và dự trù kinh phí cho các hoạt động dày đặc. Khi đi vào hoạt động, những gia đình căn bản ngoài việc làm chứng và loan báo Tin Mừng tại nơi mình đang sinh sống còn được mời gọi đi đến những vùng ngoại biên, là những khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có tín hữu, chưa có nhà thờ để vừa sinh sống, vừa làm việc, vừa kinh doanh buôn bán, vừa thực thi bác ái và loan báo Tin Mừng. Những gia đình căn bản làm chứng tá cho Chúa giữa đời thường này sẽ là công cụ hữu ích để giáo phận tiếp tục triển khai những kế hoạch loan báo Tin Mừng tiếp theo.

3.4. Quan tâm đến những tân tòng

Trong những buổi gặp gỡ Hiệp Hành vừa qua, các tín hữu nêu lên thực tế việc một người khác niềm tin tới học giáo lý là cơ hội lớn để chúng ta loan báo Tin Mừng. Thế nhưng, hầu như từ trước tới nay chẳng mấy ai quan tâm đến điều này, thậm chí còn gượng ép người khác đạo theo ý mình khiến họ càng có tư tưởng cực đoan, nảy sinh ác cảm với đạo Công giáo. Để có thể giúp người tân tòng sống đạo tốt, giáo phận đang tiến hành thiết lập tại các xứ họ Ban Tân tòng để chăm lo và quy tụ các anh chị em tân tòng. Trên cơ sở đó, hàng tháng hàng quý sẽ có chương trình gặp gỡ và nối kết các tân tòng với nhau, qua đó để kiểm điểm tinh thần sống đạo và bổ sung giáo lý và thúc đẩy niềm tin Ki-tô giáo. Cùng với đó, giáo phận cũng cần có chương trình quan tâm đặc biệt xem việc tôn trọng, đồng hành, sẻ chia cùng người tân tòng và xem đó là một khía cánh thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng cách trọn vẹn. Và hơn hết việc dạy giáo lý cho những dự tòng sẽ là trách nhiệm được ủy thác không thể chối bỏ của các linh mục chính xứ.

3.5. Kết nghĩa với người chưa cùng niềm tin

Thông qua những đề nghị của các tín hữu trong các buổi gặp gỡ Hiệp Hành, Giáo phận Bắc Ninh dự kiến tổ chức phong trào các gia đình công giáo kết nghĩa với một hoặc nhiều gia đình chưa cùng niềm tin. Trong các dịp lễ trọng đại của người Công giáo thì các gia đình Công giáo sẽ mời các gia đình chưa cùng niềm tin tới gia đình mình và nhà thờ để tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo từ đó họ hiểu, đồng cảm và chia sẻ tâm tình với người Công giáo. Bên cạnh đó, các học sinh, sinh viên Công giáo cũng được mời gọi thường xuyên hoặc các dịp lễ quan trọng sẽ mời bạn bè cùng lớp, cùng trường tới tham dự và các bậc phụ huynh được mời gọi quan tâm, động viên và sẵn sàng đón tiếp với tinh thần Loan báo Ting Mừng. Nếu thực hiện được những việc nêu trên thì chắc chắn hiệu quả của việc loan báo Tin Mừng cho những người xung quanh sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.

3.6. Xây dựng những cộng đoàn bác ái

Đời sống công bình và thực thi bác ái là đặc điểm chính yếu để nhận diện “thương hiệu” Ki-tô hữu. Chúa Giêsu đã từng nói: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Các hoạt động bác ái dễ dàng giúp cho mọi người đón nhận Tin mừng hơn, bởi vì “con người ngày nay lắng nghe chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe thầy dạy là cũng bởi vì thầy dạy  là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi,14). Bởi thế, sau nhiều những trăn trở Giáo phận Bắc Ninh nhận thấy cần phải quay trở lại đúng với căn tính của Hội Thánh Chúa đó là xây dựng những cộng đoàn thực sự yêu thương nhau. Nơi những cộng đoàn ấy không chỉ là sự đoàn kết, thống nhất trên bình diện chung chung mà quan trọng hơn ở nơi đó tất thảy mọi tín hữu đều được quan tâm, được chăm sóc, được tham khảo ý kiến và được tôn trọng dẫu có những khác biệt. Trong thời gian đóng góp ý kiến cho thượng HĐGM lần thứ XVI, Giáo phận Bắc Ninh đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ để tham vấn ý kiến trực tiếp. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn phát hành phiếu thỉnh ý giáo dân dưới 2 hình thức: Trực tuyến và Trực tiếp đã giúp các tín hữu có điều kiện nói lên những trăn trở, suy tư và cả những đau khổ, lo lắng trong đời sống Giáo Hội. Thông qua đó, giáo phận nhận thấy một cộng đoàn thực sự yêu thương là một cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng trưởng thành về nhân bản, thấm nhuần giáo lý, hiểu biết tri thức, tự chủ về tài chính, tôn trọng công bình và thực thi bác ái.

3.7. Tích cực tham gia vào lĩnh vực giáo dục

Nhiều năm qua, giáo hội dường như vẫn đang đứng bên lề của công cuộc giáo dục bởi sự áp đặt của thể chế xã hội với những định kiến và sự ràng buộc thiếu bình đẳng. Tuy nhiên, những mô hình về trường mầm non hay trung tâm giáo dục đặc biệt của các nữ tu là tiền đề quan trọng để Giáo phận Bắc Ninh nghĩ tới những kế hoạch lớn lao hơn trong lĩnh vực giáo dục. Ở một chừng mực nào đó, Giáo phận Miền Quan Họ đang có kế hoạch biến những lớp học giáo lý khô cứng chỉ hoạt động vào Chúa nhật mỗi tuần sẽ trở thành lớp học đa năng hoạt động thường xuyên để các em thiếu nhi có cơ hội tới đây mỗi ngày vừa để tăng cường giáo lý Đức tin vừa để giao lưu học hỏi, hoàn thiện nhân bản, nâng cao tri thức, kỹ năng và năng khiếu. Trong thời gian tới, Giáo phận Bắc Ninh dự định sẽ thí điểm lớp học dạng này tại một số xứ họ có đủ điều kiện nhằm tổ chức các khóa học nâng cao về giáo lý, nhân bản, kỹ năng mềm và các môn học chủ đạo như văn, toán, tiếng Anh và các môn năng khiếu như âm nhạc, hội họa…

3.8. Đối thoại liên tôn

Đối thoại liên tôn là một phần trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Đối thoại không đối lập với sứ mạng truyền giáo nhưng là cơ hội để tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn, qua đó xác tín hơn niềm tin của mình. Trong bối cảnh đa văn hóa, đa bản sắc và đa tôn giáo trên mảnh đất Giáo phận Bắc Ninh, thì việc đối thoại liên tôn là việc làm rất quan trọng và cần thiết, tránh gây gương mù và hiểu lầm cho cả hai bên, tránh tình trạng quá gay gắt hay khó dung hòa giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, để có thể đối thoại mà không bị tan loãng, thì trước hết chính người Công giáo phải có nền tảng đức tin vững chắc, thông hiểu giáo lý để có thể giải đáp những thắc mắc cho tôn giáo bạn hiểu khi có những cuộc giao lưu, gặp gỡ. Bên cạnh đó, để việc đối thoại hiệu quả, cần có thái độ sống và những việc làm thể hiện sự tôn trọng, không chê bai niềm tin của người khác tôn giáo.

III. HƯỚNG TỚI VỤ MÙA BỘI THU

Trong tiến trình Hiệp Hành, Giáo phận Bắc Ninh nhận thấy nhất thiết phải đặt sứ vụ loan báo Tin Mừng lên trên hết thay vì ưu tiên cho các công việc khác. Đồng thời cũng cần giải thích và có những hướng dẫn cụ thể để mỗi tín hữu ý thức được sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình chứ không phải của ai khác. Không cần cứ phải vác loa đi giảng dạy hay làm các công việc đao to búa lớn mới là truyền giáo, mà đôi khi đơn giản chỉ là sự hiện diện đầy chất chứng tá, một lời thăm hỏi động viên, một cánh tay giúp đỡ người đau yếu, một việc làm bác ái cho người chưa quen biết, hay chỉ là tặng cuốn Tin Mừng hoặc cuốn sách về đạo, mời bạn bè lối xóm chưa cùng niềm tin đi tham dự Thánh lễ, nhất là vào các dịp lễ lớn trong năm như Giáng sinh, Phục sinh, bổn mạng… Qua những việc làm xem ra là đơn giản đó, nhưng Chúa Giêsu đã được giới thiệu cách chân thật và gần gũi nhất. Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, thì cần ý thức truyền giáo trước hết cho chính những người thân trong gia đình mình, những người hàng xóm ngay bên chứ không phải viễn tượng địa lý xa xôi nào. Thêm vào đó, mỗi gia đình Công giáo tùy hoàn cảnh của mình nên kết thân với một hoặc nhiều gia đình chưa cùng niềm tin thông qua “câu chuyện bàn trà” để truyền rao Ơn Cứu Độ của Chúa cho họ. Hơn tất cả, đó là một đời sống chứng tá đậm đà chất Tin Mừng của mỗi người tín hữu sẽ là công cụ hữu hiệu nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng hơn bất kỳ bài thuyết giáo cao siêu nào.

Tính cho đến hiện nay, Giáo phận đã thiết lập được một số những cơ sở để chăm sóc và giúp đỡ những người có cảnh đời đặc biệt như: Mái ấm tình thương Từ Phong- Bắc Ninh dành cho các chị em bầu cơ nhỡ và các em nhỏ bị bỏ rơi; Mái ấm tình thương cho các bệnh nhân phong gồm có ba cơ sở là Quả Cảm – Bắc Ninh, Đồng Lệnh – Tuyên Quang và Phú Bình – Thái Nguyên; Mái ấm khiếm thị Thiên Hòa – Bắc Ninh, Mái ấm tình thương Hương La – Bắc Ninh dành cho những người khuyết tật. Những mái ấm này được duy trì và hoạt động hiệu quả nhờ tình thương và đôi bàn tay bác ái của quý Cha, quý Thầy, đặc biệt là quý Dì và sự trợ giúp của anh chị em tín hữu trong và ngoài giáo phận. Hiện tại, một mái ấm nữa dành để chăm sóc những người già neo đơn đặt ở Thái Nguyên cũng đang trong tiến trình xây dựng và dự kiến sẽ hoạt động trong tương lai gần.

Tuy vậy, với một diện tích rộng lớn như Giáo phận Bắc Ninh thì những mái ấm tình thương kể trên vẫn chỉ như giọt nước giữa đại dương, vẫn còn biết bao những mảnh đời khó khăn khác nằm rải rác khắp Giáo phận đang cần được sự trợ giúp. Chẳng hạn như Giáo phận chưa có mái ấm cho người nhiễm HIV, những trung tâm hỗ trợ tâm lý cho người gặp khủng hoảng, nhất là những bạn trẻ trong các gia đình có bạo lực, đổ vỡ hay ly tán, các bạn thiếu những người đồng hành, hướng dẫn ở tuổi đầu đời nên khó vượt qua những bấp bênh, đưa đẩy dẫn đến việc sa vào những tệ nạn xã hội, mại dâm…

IV. TẠM KẾT

Nhìn ở một góc chân thực và rất đời, công việc Loan bao Tin Mừng của Giáo phận Bắc Ninh chỉ có điểm khởi đầu mà không biết điểm kết thúc. Bởi thế mà cũng có không ít những “chiến binh” truyền giáo không khỏi hoảng hốt và chột dạ trước một cánh đồng Kinh Bắc rộng lớn bao la. Nhưng có gieo thì có gặt, giáo phận Bắc Ninh cũng xác định hành trình Loan báo Tin Mừng hiện giờ mới chỉ là khởi động chứ chưa phải bắt đầu. Dẫu vậy khâu chuẩn bị và khởi động là rất quan trọng cho một hành trình dài và đầy rẫy chông gai thử thách. Tuy nhiên trong thời đại 4.0, chúng ta không có nhiều thời gian để cứ ngồi bàn luận cách thức làm sao để loan báo Tin Mừng hiệu quả mà phải “xắn tay áo” vào cuộc với tâm thế của người vui mừng hân hoan ra đi vãi gieo hạt giống Tin Mừng không mệt mỏi trong mọi lúc, ở mọi nơi. Hãy bàn ít, nhưng làm nhiều để những dự phóng loan báo Tin Mừng theo tiến trình từng bước một sẽ giúp cánh đồng Kinh Bắc trổ sinh hoa trái ngọt ngào.

Hướng tới phương  thức  rao  giảng Tin Mừng  trong thời đại 4.0, thiết nghĩ hết thảy mọi Kitô hữu nỗ lực sống đời sống chứng tá Tin Mừng để nhờ đó Tin Mừng của Chúa Phục Sinh được thấm nhuần vào đời sống và tâm thức của người dân Bắc Ninh, nhằm giúp họ đến với chân lý của Tin Mừng qua tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo phận Bắc Ninh đang cố gắng giúp cho người tín hữu Công Giáo ý thức và năng động hơn trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có được mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo tại giáo phận Bắc Ninh, chúng ta được mời gọi cầu xin Chúa Thánh Thần ban nhiều ân sủng cho việc rao giảng Tin Mừng.

Bắc Ninh, ngày 1 tháng 09 năm 2022.

TRƯỞNG BAN LOAN BÁO TIN MỪNG

Lm. Giuse Trần Văn Chỉnh

https://giaophanbacninh.org/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *