Lòng biết ơn

Đức cha Gioan B. Bùi Tuần trong tập chia sẻ, mang tựa đề: “nói với chính mình” có viết: “Tôi thích chó. Lý do là vì chó rất biết ơn. Biết ơn của chó khác với biết ơn của người. Nhưng không thiếu vẻ đẹp. Chỉ cho nó một miếng xương, nó cũng tỏ ra biết ơn. Nó nhìn trìu mến, ngoe nguẩy cái đuôi, quấn quít người cho, càng được cho nó càng biết ơn. Nó tự động bảo vệ chủ, cũng như nhà cửa, đồ đạc của chủ”.

Có lẽ chính vì lý do trên nên người ta yêu quý và hầu như nhà nào cũng nuôi chúng!

Đối với con người thì lòng biết ơn và những hành vi thể hiện sự tri ân là một vẻ đẹp, nó được phát xuất từ những con người được thừa hưởng một nền giáo dục tốt và có một nội tâm biết suy tư sâu sắc.

Có một điều dễ nhận thấy là hầu như trong bất cứ một quốc gia nào người ta cũng thường hay xây dựng những tượng đài ở các thành phố lớn, hay những nơi có nhiều người vãng lai qua lại. Việc đặt tượng  các vị anh hùng có công với dân, với nước đó là một hình thái văn hóa nói lên lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với những bậc vĩ nhân.

Trong lãnh vực tôn giáo, thì người ta thường  làm các pho tượng Đức Mẹ, các vị Thánh và đặc biệt là Tượng  Chúa Giê-su để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ và tri ân các Ngài. Nhiều nơi các pho tượng này còn vượt qua làn ranh tôn giáo để hiện diện ngoài đời, ở những nơi công cộng; Chẳng hạn như tại Việt Nam trên núi Tao Phùng người ta đã xây dựng một pho tượng rất lớn; Đó là Tượng Chúa Giê-su Ki-Tô Vua trên núi đó để mọi người  tuy ở xa vẫn có thể nhìn thấy, chiêm ngắm. Cũng vậy. Bên nước Brazil mà cụ thể là ở thành phố Rio de Janeiro người ta cũng xây dựng một pho tượng Chúa Cứu Thế rất hoành tráng trên một ngọn núi thật cao, và còn nhiều nơi khác nữa…

Những việc làm này nói lên tâm tình mà con người dành cho các Đấng  đã thi ân giáng phúc để làm cho cuộc sống của nhân loại được tốt đẹp hơn.

Thể hiện sự biết ơn là một nét đẹp nhân văn của mỗi con người: Cha ông chúng ta thường khuyên:“Ơn ai một chút chẳng quên, nợ ai một chút để bên cạnh lòng

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu xét cho cùng thì mỗi người chúng ta, ngoài Cha Mẹ, Ông ba, anh em họ hàng… thì hầu như chúng ta còn phải thọ ơn với rất nhiều người nữa, Cả về khía cạnh vật chất cũng như lãnh vực tinh thần. Bởi lẽ, tuy không trực tiếp giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống nhưng cách gián tiếp chúng ta vẫn phải nhờ họ mới có được cuộc sống tốt đẹp như chúng ta  hiện có. Chẳng hạn như; nếu không nhờ những người dệt vải, không có những người thợ may thì làm sao chúng ta có áo quần để mặc. Cũng vậy, nếu không có các bác nông dân vất vả trồng cấy thì làm sao chúng ta có thể có gạo để nấu cơm; Về tinh thần, nếu không có thầy cô dạy bảo thì chúng ta làm sao biết chữ nghĩa và có kiến thức về nghề nghiệp…. Vẫn biết rằng chúng ta cũng phải bỏ tiền ra mua hoặc trả công cho họ, song nếu không có họ thì chúng ta tuy là có tiền cũng chẳng làm sao tự dệt vải để may vá hay có thể tự trồng lúa hoặc tự học hành mà thành công được; “ không thầy đố mày làm nên! Xét theo chiều hướng đó thì chúng ta phải biết ơn tất cả mọi người.

Trong Phúc Âm thánh Luca có thuật lại việc Chúa Giê-su làm phép lạ chữa lành mười người bị bệnh phong cùi, thế nhưng sau khi khỏi bệnh chỉ duy nhất có một người trở lại tạ ơn Ngài mà thôi! Để rồi Đức Giê-su phải hỏi họ rằng: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?“ (Lc 17, 11-19).

Theo tính tự nhiên của con người, thì chúng ta thường hay quên ơn mà mình đã nhận được từ người khác, nhưng khi chúng ta làm ơn cho một ai đó thì chúng ta lại hay nhớ rất lâu. Chính vì vậy nên người đời thường nói: “Thi ân mặc niệm, thọ ân mặc vong”.

Thực hiện lời dạy bảo của  Hội Thánh, cũng như các bậc cha ông, thì những người mà chúng ta phải nhớ ơn sâu đậm; đó là Cha mẹ, ông bà, thầy cô, các vị lãnh đạo tinh thần…và để báo đáp công ơn của các ngài, chúng ta thể hiện bằng cách quan tâm thăm nom, chăm sóc, tằng quà, và cầu nguyện cho các ngài lúc còn sống cũng như khi đã qua đời.

Về lãnh vực tâm linh, chúng ta phải biết ơn Đức Mẹ, các Thiên Thần Hộ Thủ, các Thánh, và đặc biệt với Thiên Chúa Ba Ngôi; Bởi vì từ nơi các Ngài chúng ta đã nhận được biết bao ân lành hồn xác.

Đối với người trần thì khi đã có quyết tâm, thiện chí, chúng ta bằng cách này hay cách khác có thể đáp trả phần nào những ơn nghĩa cho các ngài. Song đối với Thiên Chúa, Đức Mẹ, các Thánh thì chúng ta chẳng có gì để đền đáp cho được cả! Cách duy nhất để đáp đền ân tình đó là chúng ta cố gắng sống tốt, sống tử tế và sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác. Nhất là luôn tỏ lòng tôn kính mến yêu các Ngài.

Lời Kinh Tiền tụng IV: “Lạy Chúa… Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng. Nhưng việc chúng con tạ ơn Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời, vì Đức Ki-tô Chúa chúng con”.

Sau nữa Giáo Hội còn soạn cho chúng ta một bản Kinh để chúng ta dùng lời Kinh đó nói lên lòng biết ơn Thiên Chúa vào những buổi sáng sau khi thức dậy và vào mỗi buổi tối khi lên giường đi ngủ: Đó là “Kinh Cám Ơn”:.  “ Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm ngườ…”

Trần Văn Chính

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *