8 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói cho anh em biết : phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha ; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.
11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”
Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục huấn dụ các môn đệ phải can đảm tuyên xưng danh Người. Trước tiên, Chúa dạy các môn đệ phải trung thành với Người qua việc phải “công nhận Thầy trước mặt thiên hạ”. Người ta thường nói giữ đạo giữ tại tâm, họ cho rằng chỉ cần giữ Chúa trong tim là đủ. Thế nhưng, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải tuyên xưng Người trước mặt người đời, tuyên xưng một cách công khai, không giấu giếm.
Khi nói về điều này, hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến các Thánh tử đạo, đặc biệt là các Thánh tử đạo Việt Nam. Các ngài đã trải qua kinh nghiệm đó: chỉ cần bước qua thập giá là giữ được mạng sống và hưởng bổng lộc; tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc họ từ chối niềm tin của mình vào Chúa Giêsu. Ngược lại, khi không bước qua thập giá, nghĩa là họ đã sẵn sàng đón nhận cái chết vì Người. Đó chính là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ nét nhất. Thật vậy, sử sách kể lại rằng: một đoàn người thật đông đúc, họ sẵn sàng chịu đòn roi và thậm chí là chịu chết nhưng không bao giờ từ chối niềm tin của mình vào Chúa Giêsu, không bao giờ bước qua thập giá để tìm cuộc sống tạm thời ở trần gian này.
Xa hơn nữa, thánh Phêrô – vị giáo hoàng đầu tiên – đã tuyên xưng về Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,6). Lời tuyên xưng của ngài công khai trước đám đông dân chúng có vẻ hùng hồn và chắc chắn. Nhưng ít lâu sau, ngài lại chối Thầy của mình đến ba lần chỉ để tìm sự yên hàn cho chính bản thân mình, ngài không muốn đồng hành cùng Thầy của mình trên con đường khổ nạn. Mãi đến khi Chúa Giê-su về trời và Chúa Thánh Thần ngự xuống, chính ông đã làm chứng về danh Thánh Đức Kitô trước Thượng hội đồng, trước những cuộc bắt bớ giết hại. Đến sau cùng, ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho những điều ngài đã nhân danh Đức Ki-tô để giảng dạy. Tựu chung lại, dù có những yếu đuối nhất định, nhưng cả cuộc đời của thánh nhân toát lên sự thánh thiện, nhiệt thành và khiêm tốn, ngài đã sống và đã chết vì danh Chúa Kitô.
Nhìn lại, cuộc sống của người Kitô hữu của chúng ta đôi khi cũng chẳng khác là bao. Đôi lúc, chúng ta không dám mạnh dạn tuyên xưng mình là người Công giáo trước mặt người đời. Phải chăng chúng ta sợ mình bị trù dập, thiệt thòi chỉ vì mình là những người tin vào Thiên Chúa? Khi con người có được tiện nghi vật chất đầy đủ, họ ngày càng lún sâu vào khuynh hướng hưởng thụ, người ta dần loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Là những người mang danh Kitô hữu, liệu chúng ta có dám mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa không?
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trung thành với Người qua những chọn lựa của mình, Người muốn chúng ta sống giá trị Tin Mừng trong bối cảnh đời sống thường ngày. Thiết tưởng, đó chính là cách chúng ta “nhìn nhận Thầy trước mặt thiên hạ” ngay ở đời này. Trái lại, khi chúng ta chạy theo giá trị trần thế và coi nhẹ giá trị Tin Mừng, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã chối bỏ Người. Do đó, khi bước sang cuộc sống bên kia, ta sẽ thấy mình bị cắt đứt khỏi Người mãi mãi.
Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn bảo rằng: “Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho anh em”. Người muốn các môn đệ nhận thức được các ngài không hề “đơn thân độc mã” mà ngược lại, các ngài luôn có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng. Người là Đấng Bảo Trợ luôn đồng hành cùng các ngài. Cũng như thời xa xưa Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tiên tri phải ăn nói như thế nào trong lúc bị bách hại, thì đối với các tông đồ, Người cũng soi lòng mở trí để các ông biết phải nói như thế nào khi ra trước nhà cầm quyền Do Thái. Trước mặt tổng trấn trong Hội đồng các ngài đối đáp khôn ngoan, khéo léo khiến cho họ không thể nào kết tội các ngài được. Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ nơi các ông, là Thầy dạy Chân Lý luôn ở cùng các ông. Và sau cùng, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu chết để làm chứng về Đức Kitô Phục sinh.
Qua đó, chúng ta có thấy rẳng, các thánh tử đạo Việt Nam thời xưa có một số người ít học, lao động vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’’, nhưng khi ra trước mặt vua quan triều đình, họ trở nên khôn ngoan, đối đáp sắt bén, bẻ gảy những lời nói bất nhân, phi nghĩa của những kẻ bách hại. Tất cả đều là nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong đời sống của họ. Chính Người soi sáng cho những ai bị bách hại vì danh Chúa, vì Thiên Chúa không để cho ai phải chịu thử thách quá khả năng của mình.
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cơn gian nan thử thách của người môn đệ Chúa thật cần thiết và quan trọng biết bao! “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha ; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (câu 10). Chúa Thánh Thần mãi mãi là một Thiên Chúa khoan dung, là Đấng bầu chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần hà khắc, không muốn tha, nhưng vì thái độ cố chấp của con người. Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta xúc phạm đến Người, thường hay xem nhẹ, thờ ơ với những ơn ban của Người, chúng ta ảo tưởng rằng: Đó là khả năng của chính chúng ta, do chúng ta nỗ lực mà quên rằng: tất cả những khả năng đó là nhờ ơn Người ban mới có được. Giữa lúc đó, chúng ta hãy thành tâm xin lỗi Người vì sự tự phụ, kiêu căng của mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con tuyệt đối trung thành với Ngài trong cuộc sống, dám làm chứng về Ngài trước những người mà chúng con gặp gỡ hằng ngày, bằng những cử chỉ và thái độ của chúng con. Trong xã hội hôm nay, có biết bao nhiêu thử thách cám dỗ chúng con bằng cách này cách khác, xin cho chúng con luôn giữ trọn niềm tin của mình vào Đức Kitô. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con mạnh dạn cao rao chân lý đến cho mọi người, để xã hội hôm nay được biến đổi theo tin thần Tin mừng. Amen.