Những Chia Sẻ Về Đau Khổ

Ai mà không trải qua đau khổ? Nhưng cách thể đương đầu với đau khổ thì khác nhau. Sau đây là vài chứng từ của những thiếu nữ trong Phong trào thuộc những quốc gia, văn hoá, tôn giáo khác nhau.

Ivona người Croatia kể:

“Lúc sáu tuổi tôi đã mất cha trong chiến tranh. Đó là giai đoạn khó khăn nhất trong đời tôi, nó làm tôi đóng kín nơi chính mình. Năm 2003 tôi gặp Phong trào Focolare và trải nghiệm một bầu khí vui tươi, thương yêu, và tìm được sức mạnh để đối phó với mọi sự và mến yêu cuộc đời cả khi gặp khó khăn. Khi lên 13 tuổi, ngày cuối năm tôi bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện. Đang khi chờ đợi kết qủa khám nghiệm, bất ngờ tôi thấy trên tay một cỗ tràng hạt nhỏ. Ngày nay khi nghĩ  lại, tôi cho đó là một dấu hiệu của Chúa cho biết những gì tôi phải trải qua. Tôi được chẩn bệnh là bị một hình thức xúc động của bệnh kinh phong vì cú shock tôi trải qua khi ba tôi chết. Trong vòng hai tháng trời đêm nào tôi cũng trải qua trong nước mắt. Một tối, khi tôi sắp sửa đọc kinh mân côi, tôi cảm nhận là mình không cô đơn, Chúa Giêsu hiểu biết nỗi khổ của tôi. Lúc đó tôi hiểu ý nghĩa những lời của Chị Chiara, khi Chị nói đến Chúa Giêsu trong giây phút Người bị bỏ rơi trên thập giá: “… Đau khổ của Người đều là của tôi. Của Người là Đau khổ đại đồng, như vây cũng là của tôi… Điều làm tôi đau đớn là của tôi… Của tôi đau khổ của các tâm hồn bên cạnh (đó là Chúa Giêsu của tôi)”. Từ lúc đó tôi tiếp tục sống trong an bình và niềm vui, nhưng nhất là tôi đã sống với Chúa Giêsu. Qua bệnh tật, tôi đã nghiệm được là Chúa Giêsu bị bỏ rơi soi sáng mọi tăm tối – như Chị Chiara đã nói – và cùng đi với nỗi cô đơn của tôi. Tôi đã chấp nhận căn bệnh của tôi và cảm nhận là Người yêu thương tôi”.

Tôi tên là Zin, phật tử, người Myanmar. Từ tháng chín tôi sống tại trường huấn luyện dành cho người trẻ tại Monter, Thụy sĩ. Khi tôi cho biết tôi là phật tử, người ta hỏi tôi làm sao tôi sống được với những người trẻ Kitô. Đối với tôi thì dễ dàng chấp nhận việc chúng tôi theo tôn giáo khác nhau. Chỉ khi nào những người trẻ khác cầu nguyện hay đi dự lễ, tôi mới nhận ra là mình khác biệt. Còn về những chuyện khác chúng tôi đều như nhau: chúng tôi là chị em sống trong cùng một mái nhà. Chúng tôi thích thể hiện lòng yêu thương nhau, theo như mỗi người hiểu: trong Phật giáo thì đó là lòng từ bi, xả kỷ, quên mình. Còn đối với người Kitô thì đó là yêu người bên cạnh, yêu kẻ thù, yêu thương lẫn nhau, mến yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Cho dầu nhận thấy cách thế chúng tôi tỏ hiện tình yêu thương thì khác nhau, nhưng khi tìm cách trở nên tình thương, thì chúng tôi cảm nghiệm sự hiệp nhất.

“Tôi là Lilia Mayrleny, thuộc bộ tộc Maya Kaqchikel tại nước Guatemala, bắt nguỗn từ dân tộc Patzun.

Tôi là giáo viện dạy trẻ em thuộc hai thứ tiếng Kaqchikel (là tiếng mẹ đẻ của tôi) và tiếng Tây ban nha. Quê hương tôi có nhiều văn hóa và nhiều tiếng nói, vì làm thành bởi bốn nền văn hóa khác nhau: Maya, Garifuna, Xinca và ladino và có 22 tiếng nói khác nhau.

Tôi biết Phong trào khi tôi còn bé trong những cuộc gặp gỡ của Gen4. Tôi tìm cách mang lý tưởng Hiệp nhất vào cuộc sống hàng ngày. Tôi học đại học là nhờ cha mẹ tôi, vì cha mẹ tôi cùng sống linh đạo của Phong trào với tôi, và đã nâng đỡ tôi tiếp tục việc học. Đó là một thành đạt lớn, bởi vì không phải tất cả mọi phụ nữ trong cộng đồng tôi có thể tiếp tục việc học hành, vì theo văn hóa, đàn ông quan trọng hơn.  Đối với văn hoá Maya điều quan trọng là sự thật, lòng trung thành, kính trọng và yêu thương. Đôi khi tôi cảm thấy cô đơn và không trả lời được những câu “tại sao”? Nhưng khi tìm cách sống Tin mừng, tôi đã khám phá ra rằng sự đau khổ, buồn sầu, thất vọng, nghi ngờ, những tình trạng không ngờ hay yếu đuối, những thử thách trong cuộc sống, ngay cả sự lường gạt, thì chúng đều là những khuôn mặt của Chúa Giêsu đau khổ bị bỏ rơi trên thập giá. Khi tôi nhận ra được Người và mến yêu Người, thì những tình trạng khó khăn biến đổi và trong tôi nẩy sinh niềm an bình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *