Tự kỷ ám thị…  (08.01.2022 – Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Ga 5,14-21, Ga 3,22-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 3,22-30)

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. 23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. 24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói : “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” 27 Ông Gio-an trả lời : “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. 28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói : ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. 30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”

Tự kỷ ám thị…  (08.01.2022)

Tuân Tử trong thiên Khuyến Học (勸 學) rằng: “Bất tích tiểu lưu, vô dĩ thành giang hải”. Nghĩa là: “Không tích chứa dòng nhỏ, thì không làm thành sông biển”.

Tin Mừng hôm nay – Thánh Gio-an Tông đồ đã khắc họa nổi bật tính cách và vai trò của Gio-an Tiền Hô

để giải quyết vụ tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông với một người Do Thái về việc thanh tẩy.

Qua đó, vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế đã dạy cho các môn đệ của mình bài học khiêm từ, tự kỷ ám thị để nói đúng về mình và nói đúng những gì thuộc về mình. Gio-an Tiền Hô dạy các môn đệ của ngài hiểu rằng, không ai nhận được gì mà không do Trời ban; mặc dù trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông, thậm chí ông còn hơn cả ngôn sứ nữa, ông chính là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, đi trước Chúa mở lối cho Người (x. Mt. 11,9-11; Lc. 1, 76)

Gio-an đã xác quyết, Nếu không do Ơn của Chúa ban cho thì chắc chắn mọi người cũng sẽ xem ông không ra gì, bất tài, vô dụng… tựa như cây sậy ốm yếu phất phơ trước gió, như ngọn đèn cạn dầu chực tắt vậy thôi !

Lạy Chúa, trước những khuynh hướng tự mãn, háo danh, hám lợi đang lôi kéo con,  xin cho con ý thức được, khi người khác được lớn lên thì cũng chính là lúc Chúa được lớn lên trong tâm hồn con. Amen. 

CÁT BIỂN 

Gương chứng nhân (09.01.2021)

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại lời chứng cuối cùng của Gio-an Tẩy Giả. Lúc bấy giờ, dân chúng ở Ê-nôn gần Sa-lim kéo đến với Gio-an rất đông để xin chịu phép rửa. Gio-an đã thể hiện vai trò “tiền hô” cho Chúa Giê-su một cách trọn vẹn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga. 3,30). Gio-an đã vui mừng trong vai trò “tiền hô” của mình, và bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa đã cho ông trở nên “cao trọng” và “còn hơn cả ngôn sứ” nữa (x. Mt. 11,9;11); ông khẳng định rằng: “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga.3,27).

Ngày nay, mỗi Ki-tô đều được Chúa trao cho những sứ vụ và ơn gọi khác nhau, tùy khả năng và bậc sống của mình nhằm mưu cầu lợi ích chung cho Giáo hội là Nhiệm thể của Đức Ki-tô (x. 1Cr. 14). Tuy nhiên, vẫn còn đó những “tiền hô” không sống đúng vị thế của mình, họ muốn mình là hình ảnh, còn Thiên Chúa chỉ là cái bóng; thay vì đắp đường sửa lối Chúa cho ngay thì họ lại đắp mô khoét lũng ghập ghềnh; hoặc thay vì làm vinh danh Chúa, thì họ lại tìm mưu ích cho bản thân mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn nhận ra vai trò chứng nhân của mình trong chương trình mà Chúa đã hoạch định cho cuộc đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Quên mình đi…(11.01.2020)

Phúc Âm hôm nay kể lại:

Đang khi Gio-an Tẩy Giả đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim. Thì các đồ đệ của ông đến gặp và thắc mắc sao “người trước đây ở với thầy, và được thầy làm phép rửa ở bên kia sông Gio-đan”, hiện nay ông ta và các môn đệ của mình đi tới miền Giu-đê và cũng đang làm phép rửa ở đấy. Thế là xảy ra sự tranh luận giữa ngưới Do Thái với các đồ đệ của Gio-an về việc thanh tẩy.

Gio-an đã khiêm tốn trả lời cho các đồ đệ của ông rằng: Ông không phải là Đấng Ki-tô, chính Người mà các con thắc mắc mới chính là Đức Ki-tô; còn thầy chỉ là kẻ được sai đi trước mặt Người, dọn đường cho Người đến mà thôi. Nếu Trời không ban cho thầy được quyền được làm phép rửa, thì thầy chẳng làm được gì. Sau cùng Gio-an đã khẳng định với các đồ đệ của mình rằng: Người mà các con thắc mắc – là Đức Ki-tô – Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

Gio-an đã không nói về mình mà là “nói lời” của người sai mình.

Gio-an đã làm chứng cho Đức Ki-tô chứ không làm chứng về mình.

 Tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong sứ vụ tiền hô đáng cho tôi và anh suy ngẫm. Bao lâu nay làm việc tông đồ ta lấy sự quy hướng về mình làm động lực dấn thân hay là dùng mọi việc làm quy hướng về Đức Ki-tô ? Hỏi tức là trả lời vậy.

 Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình khi làm việc tông đồ giáo dân để cho danh Chúa được cả sáng. Amen.

CÁT BIỂN

Niềm vui của Gioan (12.01.2019)

Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của ông Gioan khó chịu, ghen tị khi thấy dân chúng kéo đến với Đức Giêsu, người mới lãnh phép rửa từ ông Gioan (phen này trò lớn hơn thầy). Họ mới đến gặp ông Gioan và méc: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” Chẳng những ông Gioan không ghen tị, không đồng tình với họ, mà còn làm họ chưng hửng, vì ông khiêm nhường nhìn nhận: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người”.

Ông thật khiêm nhường và biết mình, không hề lợi dụng uy tín, sự thu hút dân chúng lúc  này, vì ông đang nổi bật trước dân chúng. Trong lúc học trò ghen tức, ông thầy lại hân hoan. Ông khẳng định mình chỉ là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ông dạy cho chúng con thấy rằng, mình nhận được gì là do Trời ban, chứ tự sức riêng mình không có được. Mọi hồng ân đến từ Thiên Chúa. Như ông Gioan, khi chúng con thật sự biết mình là sẽ có bình an, có niềm vui với lòng khiêm nhường thật.

Ông Gioan sống khiêm nhường vì ông có niềm vui trọn vẹn. Đặc biệt ông đã cảm nhận được niềm vui này, khi gặp gỡ Chúa từ thuở còn trong bụng mẹ, rồi dần lớn lên, ông khiêm nhường thẳm sâu, sống đời tu trì khắc khổ. Cho đến hôm nay, khi làm chứng cho Đấng Cứu Thế được rõ ràng, ông vui mừng mãn nguyện tuyên bố: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”

Gioan vui lòng trở thành nhân vật phụ, khi nhân vật chính xuất hiện. Ông nhận định mình chỉ là người phù rể. Châm ngôn của ông là “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”. Đây cũng là kim chỉ nam cho chúng con trong mọi công việc phục vụ. Có khi chúng con phục vụ còn vụ lợi, mong lợi nhuận, để được nổi tiếng và khẳng định mình, kiêu căng tự phụ với cái tôi của mình, không có tôi thì công việc đó không thành công… Khi tôi cứ mãi làm cho mình nổi lên, hình ảnh của Chúa sẽ lu mờ trong tôi.

Chúa ơi! Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, con sẽ biết lấy Chúa là niềm vui của lòng con. Khi lòng con đầy niềm vui có Chúa ở cùng, con chẳng cần tìm vinh thân cho riêng mình nữa. Chúa sẽ được nổi bật lên trong chính con người hèn mọn này của con, để đời con luôn vui với niềm vui trọn vẹn như niềm vui của ông Gioan vậy.

Én Nhỏ

Phép rửa của Đấng Kitô (09.01.2016)

1. SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận của môn đệ ông Gio-an Tẩy giả với một vài người Do-thái, về việc Đức Giêsu cũng làm phép rửa cho những ai đến nghe Người giảng dạy và xin chịu phép rửa bởi Người.

Sau khi Đức Giê-su nói với một thủ lãnh người Do-thái tên là Ni-cô-đê-mô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga 3, 5). Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê, Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Chịu phép rửa của Đức Giê-su, như một điều kiện tất yếu cho tất cả những ai tin và chấp nhận thực thi giáo huấn của Người.

Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa; ông kêu gọi mọi thành phần trong dân chúng sám hối, chịu phép rửa và canh tân đời sống như một điều kiện để dọn tâm hồn đón chờ Đấng Cứu Thế đến.

Nhận xét hình thức bên ngoài: Phép Rửa của Đức Giê-su và của ông Gioan khá giống nhau; chính điểm này đã nảy sinh cuộc tranh luận giữa các môn đệ của ông Gio-an và người Do-thái; bởi lẽ: ông Gioan xuất hiện giảng dạy và mời gọi dân chúng chịu phép rửa sám hối trước; ông được nhiều người ngưỡng mộ, kính trọng; còn Đức Giê-su, Người chỉ mới xuất hiện và công khai giảng dạy; phép rửa trong nước của Người tiền trưng cho một phép rửa bằng Thánh Thần và lửa mà Người sẽ thiết lập sau khi hoàn tất công trình cứu độ nhân loại, nhờ cái chết trên thập tự và sự sống lại vinh hiển của Người.

Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông”. Môn đệ của ông Gio-an ganh tị cho ông; bởi đang có rất nhiều người đến nghe ông giảng dạy và chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối; và nay Đức Giê-su xuất hiện giảng dạy, Người cũng làm phép rửa cho rất nhiều người.

Ông Gio-an khiêm tốn nói với các môn đệ của mình: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”. Ông có ý nói Đức Giê-su giảng dạy và làm phép rửa cho những ai đến với Người cũng là một ân huệ do Thiên Chúa ban tặng, và một lần nữa ông Gioan nhắc lại cho các môn đệ cùng những người hiện diện ở đó: ông không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.

Được tràn đầy thần khí, Ông Gio-an đã nhận ra Giêsu Na-da-rét (Người loan báo Nước trời đã đến gần và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng) chính là Đấng Mê-si-a. Phép rửa mà Đức Giê-su làm cho dân có một giá trị trổi vượt hơn phép rửa ông làm; có lần ông đã nói: “Tôi làm phép rừa trong nước, còn Người làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Ga 3, 16)”.

Ông gio-an mời gọi dân chúng kiểm điểm lối sống của mình và ăn năn sám hối về những hành vi đã súc phạm  tới Thiên Chúa, vi phạm lề luật của Người; thể hiện sự khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm qua việc chịu phép rửa (dìm mình trong giòng nước sông Gio-đan, hình thức mà Gio-an đã dùng để thanh tẩy cho họ). Đồng thời mở ngõ để người ta đến với phép rửa của Đức Kitô.

Khi giải thích cho các môn đệ hiểu hơn về giá trị của việc thanh tẩy; ông Gio-an còn khôn khéo nói về vai trò của Đức Giê-su đối với nhân loại khi gọi Đức Giê-su là “Chú Rể”, người đã cưới “cô dâu”; còn ông chỉ là người bạn của chú rể, ông vui mừng hớn hở vì đã được nghe tiếng nói của chàng rể: “Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”.

Niềm vui được là người dọn đường chờ đón Đức Chúa ngự đến, ông Gio-an tẩy giả đã hoàn tất xuất sắc bổn phận của mình (giới thiệu Đấng Cứu Thế và chỉnh đốn những tâm hồn lầm lạc tội lỗi, chuẩn bị cho dân đón tiếp Người) bây giờ đến lúc phải rút lui vào thầm lặng để Người được nổi bật lên.

Khác với ông Gio-an tẩy giả, Đức Giêsu đã làm phép rửa bằng nước chảy ra từ trái tim ngập tràn yêu thương của Người, nước ấy được vắt cạn kiệt đến giọt cuối cùng  trên thập giá, khi tên lính canh dùng mũi giáo đâm thủng trái tim Người, khơi nguồn cho mạch nước hằng sống tuôn trào và những ai dìm mình xuống giòng nước ấy sẽ được tái sinh thành thụ tạo mới nhờ thánh thần và lửa yêu mến của Người.

Phép rửa của Đức Giê-su trao ban cho người lãnh nhận ân sủng tha thứ tội lỗi và sức mạnh để chống trả những cám dỗ, quyến rũ của ma quỷ nhờ cuộc khổ nạn và hiến tế trên thập giá cũng như cuộc phục sinh vinh hiền của Người.

Người Kitô hữu đã chịu phép rửa của Đức Giêsu Kitô, tuy nhiên ý thức ân huệ Thiên Chúa trao ban và ơn gọi làm con của Người qua phép rửa mà Đức Kitô thiết lập, vẫn còn hạn hẹp. Đức tin dẫn con người đến phép rửa và nhờ phép rửa đức tin của mỗi người sẽ tăng trưởng, giúp họ tiến sâu vào ân sủng và lòng mến của Đức Giêsu .

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắc nhở tôi:

Ơn gọi Kitô Hữu được Đức Giê-su trao ban khi tôi lãnh nhận phép Rửa Tội, luôn thúc đẩy mời gọi tôi ăn năn sám hối, từ bỏ lối sống bất chính; đồng thời, nỗ lực cộng tác với ơn Chúa mà thực thi các giáo huấn (tin mừng) của Người; nhờ đó tôi sẽ có được hạnh phúc Nước Trời.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Chúa đã thiết lập phép rửa trong Thánh Thần và lửa yêu mến, để cứu độ nhân loại khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi. Xin ban cho con và mọi người: một đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và lòng mến chân thành để chúng con luôn xứng đáng là con Chúa và là chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ.

3. SỐNG TIN MỪNG

Luôn sống kết hợp với Chúa; nghĩ tốt, nói tốt, làm điều tốt cho anh em và loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho tha nhân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *