“Phóng đại” – nên hay không? (09.09.2017 – Thứ Bảy Tuần XXII Mùa Thường Niên năm A)  

Lời Chúa: Lc 6,1-5

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca  

 1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói : “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ?”

3 Đức Giê-su trả lời : “Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Câu chuyện ấy, các ông chưa đọc sao ?” 5 Rồi Người nói : “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Xét theo nghĩa đơn giản, “phóng đại” là nói một điều gì đó quá mức so với bản chất thật sự của nó. “Phóng đại” (hay “nói quá”) là một biện pháp tu từ giúp tác phẩm văn học thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, biện pháp ấy chỉ hấp dẫn khi nó không hiện hữu trong cuộc sống hiện thực của chúng ta. Thế nhưng, dù đó là một thói xấu, con người vẫn rất ưa chuộng nó. Người ta thường “phóng đại” một điều gì đó vì muốn hạ thấp người khác, muốn tôn vinh bản thân mình hay đơn giản chỉ là nói cho sướng mồm…

Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những người thích “phóng đại” để tự nâng giá trị của mình lên, mà dân gian thường gọi bằng một danh xưng thân thương, trìu mến: “nổ”. Chẳng hạn, đám bạn thân lâu ngày gặp lại, ai cũng nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan, làm sao mình có bằng bạn, bằng bè trong khi tự bản thân mình chưa đủ khả năng so sánh với họ? Có một cách: “nổ”.  Làm sao để chứng tỏ mình là một người hiện đại, hợp thời trang với những bà hàng xóm lắm chuyện, trong khi mình suốt ngày chỉ lủi thủi trong xó bếp? Có một cách: “nổ”. Làm sao để thể hiện với lũ bạn cùng lớp rằng gia đình mình khá giả, có điều kiện hơn chúng nó trong khi cha mẹ mình phải vất vả trăm chiều mới đủ lo cho mình ăn học? Vẫn cách đó: “nổ”.

Ta có thế thấy được, “nổ” hay “phóng đại” tuy không tốt, vì xét theo khía cạnh nào đó, nó vẫn là nói dối. Tuy nhiên, ít nhất nó có thể giúp người ta tạm hòa hoãn và bằng lòng với thực tại, không tham lam hay đua đòi quá mức, dễ làm nảy sinh những tệ nạn xã hội khác. Chẳng hạn, người chồng sẽ không dám ăn chơi, người vợ sẽ không dám chưng diện và con cái cũng chẳng dám đua đòi, họ cùng nhau phấn đấu để cuộc sống của họ trở nên cái họ đang “nổ”. Thế nên, dù “phóng đại” là không tốt, nhưng vô tình nó đã trở thành mục tiêu cho những thành viên trong gia đình, hay rộng hơn là cho mọi người trong xã hội thực hiện theo nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không nên cổ súy cho việc này vì về bản chất, nó vẫn là không đúng.

Như đã nêu trên, bên cạnh việc “phóng đại” để tôn mình lên, người ta còn thích “nói quá” để hạ thấp hay lên án người khác. Đây là hành động đáng phải lên án và loại trừ, vì không có bất cứ lí do tốt đẹp nào có thể khiến con người đạp lên người khác để tiến thân cả. Nếu người “nổ” chỉ phạm tội nói dối, thì hành vi “phóng đại” để hạ thấp người khác còn lỗi đến đức công bình. Chẳng những nó không trở thành mục tiêu cho con người hướng tới mà ngược lại, nó khiến người ta ù lì, chậm tiến và dễ thỏa mãn với vị trí mà mình chưa xứng đáng nhận được.

Những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay là ví dụ cụ thể cho hành động “phóng đại” nêu trên. Họ chống đối Chúa Giêsu và các tông đồ bằng cách “nói quá” về hành động của các Ngài: họ xem việc “bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn” của các Ngài tương đương với hành động “gặt lúa” – việc làm bị cấm trong ngày Sabat. Thế nhưng, thay vì phân bua với họ, Chúa Giêsu đã khéo léo dạy họ một bài học: “Con người làm chủ ngày Sabat”. Chính thói “phóng đại” để lên án người khác của những người biệt phái đã khiến họ bẽ mặt. Có thể nói, hành động “nói quá” này chẳng hề có tác dụng tâm lí nào cả, nó chỉ khiến người ta bị thoái hóa về nhân cách mà thôi.

Trong cuộc sống, đôi khi vì danh dự của gia đình, dòng tộc mà chúng ta buộc phải “phóng đại”. Vấn đề nằm ở chỗ, việc “nói quá” ấy có ảnh hưởng đến người khác hay không? Điều đó có đi ngược lại với các giá trị đạo đức và luân lí hay không? Hãy biết khôn khéo để biến cái “nổ” đó thành mục tiêu của cuộc đời mình. Đồng thời, chúng ta phải biết kịch liệt lên án và tránh xa thói xấu “phóng đại” để hạ bệ người khác, nó chẳng những không hề tăng tí danh dự dự nào mà ngược lại, nó còn hạ thấp giá trị của chúng ta trong mắt người khác. Nếu được chọn giữa một điều tốt và một điều xấu, hãy chọn điều tốt; nhưng nếu chúng ta bị đặt vào trường hợp bất khả kháng phải chọn giữa hai điều xấu, hãy chọn cái ít xấu hơn. Thế nên, hay biết cân nhắc: “Phóng đại” – nên hay không?

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã cho chúng con quyền tự do để chọn lựa, xin hãy soi sáng cho chúng con, để chúng con biết khôn ngoan khi cân nhắc một điều gì đó; xin cho chúng con biết yêu mến Ngài nhiều hơn, để mọi sự lựa chọn của chúng con đều đẹp lòng Ngài, hầu có thể làm sáng danh Ngài đến tận cùng Trái Đất. Amen.

Sơn Còi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *