Sáu Bậc Sống – Bậc sống trọn lành toàn hảo (P.7)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

VI. Bậc sống trọn lành toàn hảo (bậc nhiệm hiệp)

– Trong ân sủng

– Trong phẩm chất thánh thiện

– Trong tình yêu

1.   Nhiệm hiệp với Thiên Chúa, sống là kéo dài cuộc sống của  Chúa Ki-tô.

2.   Mọi sự của linh hồn là của Chúa, luôn xem mình là người quản lý tạm thời mọi sự mình có.

3.   Ý của linh hồn là ý Chúa, ý của Thiên Chúa là ý của linh hồn.

4.   Luôn được Thiên Chúa gìn giữ và thanh tẩy những tì vết của linh hồn.

5.   Linh hồn chìm đắm trong những kiến thức thần bí, có những khả năng, hiểu biết vượt trên tự nhiên.

*.*

4.  Luôn được Thiên Chúa gìn giữ và thanh tẩy những tì vết của linh hồn

Như đã nói từ đầu (bậc sống), Bậc Sống Trọn Lành Toàn Hảo có những tương quan với Bậc Sống Trọn Lành Bất Toàn trong giai đoạn đầu của bậc sống. Vì có thể linh hồn đang ở Bậc Sống Trọn Lành Bất Toàn nhưng đã được ân sủng nâng lên nhiều điểm của Bậc Sống Trọn Lành Toàn Hảo. Linh hồn chỉ còn chờ thời gian đủ để cộng tác với ân sủng kiện toàn chính mình, cho đủ mức tình yêu có thể đính hôn với Thiên Chúa trong cuộc linh phối nhiệm mầu. Hay nói ngược lại, linh hồn ở Bậc Sống Trọn Lành Toàn Hảo song chưa trọn vẹn, vào một thời điểm ranh giới không rõ rệt, vì còn vướng lại điểm nào đó ở Bậc Sống Trọn Lành Bất Toàn.

Cao hơn nữa, điều mà chúng ta gọi là toàn hảo, với Thiên Chúa vẫn là sự bất toàn. Vì làm gì có sự toàn hảo nơi con người, khi con người còn sống ở thế gian! Mặc dầu “Nếu có ai hỏi Cha linh hồn đó là ai, Cha sẽ trả lời: là một Cha khác, do sự biến đổi trong Cha bằng tình yêu”. Nhưng sự bất toàn vẫn còn lại trong “Cha khác” đó. Bất toàn ở đây được hiểu “Vì bao lâu linh hồn còn bị ràng buộc với thân xác ở đời này, nó không hoàn toàn được no thỏa về những gì nó ước ao, và cũng vì nó chưa được giải thoát khỏi luật gian tà này, nó chỉ dịu đi do sự kềm chế bởi lòng yêu mến nhân đức. Luật đó chưa chết đâu, nó có thể vùng dậy, nếu uy lực của nhân đức vốn bắt nó nằm yên không còn” (ĐT – Đ 96). Sự “Toàn Hảo” chúng ta nói ở đây là về mức độ tối cao thiện lành mà phận người có thể đạt tới nhờ ân sủng. Không còn khả năng nào của con người có thể tiến cao hơn được nữa lúc còn ở thế gian. Cây nho linh hồn đã trổ sinh hoa trái mức tối đa, mức một trăm Chúa đã nói (Mc 4,8).

Sống Bậc Sống Trọn Lành Toàn Hảo, linh hồn được nuôi dưỡng bằng những ân sủng cao trọng, sự sống thần linh phát triển dồi dào nơi linh hồn. Các nhân đức nên mạnh mẽ, vững vàng như “những hang sư tử”* , chẳng còn ma quỉ hay những xu hướng xấu nào tác hại. Nhưng để được như thế linh hồn phải được Thiên Chúa giúp thanh tẩy. “Dầu bạn có thể vào đêm tâm thần bằng cách quảng đại thực hành khổ chế hoàn toàn và hăng hái luyện tập những nhân đức đối thần, bạn cũng không bao giờ có thể vào phần tận cùng, tối đặc của đêm ấy nếu Thiên Chúa không đặt bạn vào. Chỉ mình Ngài có thể làm dày thêm tăm tối bao bọc bạn…” (SVC – T6), và gìn giữ “Đã được mẹ em nâng niu bú mớm” là có ý nói rằng anh đã giúp em vắt cạn và dập tắt những mê thích và xúc cảm, được ví như bầu vú và sữa của bà mẹ phần xác của chúng ta là E-va (KLC – CK 22).

Cũng có thể có linh hồn rơi vào trường hợp họ đã trải qua nhưng chưa hết những đêm thanh tẩy toàn vẹn, như đã nói trên. Hoặc đã không tận dụng nó đúng mức, để còn sót lại đôi chút tì vết ở linh hồn. “Tì vết” ở đây không phải là dấu vết do tội lỗi đã phạm để lại, nhưng là tính chất của những quan năng con người tự nhiên chưa được biến đổi toàn vẹn, cho đến mức đủ tiêu chuẩn có thể vào cuộc linh phối giữa linh hồn và Thiên Chúa. Lời “xin vâng” hoàn toàn đã hiến dâng Thiên Chúa tất cả ý chí con người và hoàn toàn đặt nó dưới ảnh hưởng sống động của ý Chúa. Tuy nhiên, cũng còn có những cái muốn thoát khỏi quyền thống trị của ý muốn Thiên Chúa, đó là tính nhạy cảm, khó thuần phục lý trí do ảnh hưởng của sự phản loạn phát xuất từ nguyên tội.

Trong khi linh hồn theo ý chí, sống hoàn toàn phù hợp và liên kết với ý Chúa, tính nhạy cảm còn lôi kéo lại cho mình đôi chút, lôi cuốn những cảm tình, làm cho úy kỵ và chống đối ý muốn Thiên Chúa và làm linh hồn mất bình an. Tình cảm còn cưỡng ép linh hồn vào những ấn tượng, cảm xúc sống động, nếu linh hồn không thể trấn áp chúng, những ấn tượng, cảm xúc đó có thể đưa linh hồn phạm vào một khuyết điểm vì vô ý và yếu đuối.” (SVC – Tập 6). Cho nên lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa không hề muốn cho người đã đặt trót tin tưởng, hết lòng cậy trông mình phải thất vọng.

Ngài bảo vệ và gìn giữ linh hồn ở đây cũng giống như đã bảo vệ và gìn giữ thánh Tê-rê-sa A-vi-la “Nhiều lúc tôi ngây ngất khi suy nghĩ về lòng nhân hậu dịu dàng của Thiên Chúa và linh hồn tôi hoan hỉ khi nghĩ đến sự cao cả và lòng thương xót vô biên của Người. Ước chi thiên hạ chúc tụng tán dương những phẩm tính này của Người, vì ngay từ đời này tôi đã thấy rõ ràng Người không bỏ qua mà không ban thưởng về bất cứ ước muốn ngay lành nào của tôi. Dầu các công việc của tôi có bất toàn và thiếu sót đến thế nào đi nữa. Đức Chúa này của tôi cũng cải tiến, hoàn hảo hóa và làm chúng nên có giá trị hơn và Người làm phi tang những hành động bất chính và tội lỗi của tôi đi ngay khi tôi vừa mới phạm. Người còn để cho mắt những người chứng kiến ra đui mù để không trông thấy những tội lỗi ấy, và Người xóa hẳn khỏi ký ức của họ. Người còn tô son điểm phấn trên các lỗi lầm của tôi và làm cho vài nhân đức của tôi chói sáng rực rỡ, dầu đó chính là Người ban cho chúng tôi và hầu như Người ép buộc tôi phải nhận lấy nữa” (TT – C IV).



* Giường chúng ta đầy hoa

   Kết bằng hang sư tử” (Khúc Linh Ca Ck 24)

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007