Sống tinh thần phục vụ vô vị lợi (06.11.2017 – Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên năm A)

Lời Chúa: Lc 14,12-14
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca 

12 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn dự tiệc với bài học xã giao trong cuộc sống, nhưng đối với Thiên Chúa đây lại là hình ảnh mang ý nghĩa dự tiệc trong tinh thần phục vụ vô vị lợi chứ không như một phép xã giao thông thường. Khi chúng ta được mời dự tiệc mà theo nguyên tắc đạo lý người đời, tiệc mời là cách đáp lễ hay trong cư xử mang tính cách thân thiện, kết nối tình thâm giao. Vậy nên thành ngữ có câu “có qua có lại mới toại lòng nhau” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Đối với con người, bữa tiệc luôn là cách thức để giúp mọi người xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin cậy hơn mang tính chất hợp tác lâu bền, để dễ dàng có tầm ảnh hưởng lớn đối với mọi người trong xã hội.

Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài đưa ra lối nhìn trái chiều, với sự sâu sắc mới mẻ, hình ảnh mời dự tiệc đây tức là chúng ta phải biết cho đi, sự cho đi mang chiều kích sâu sa, chúng ta phải  mở lòng ra biết kêu gọi hào hiệp đối với kẻ nghèo hèn, đói rách đang cẩn biết bao bàn tay chung xây giúp đỡ. Và lời khuyên Chúa Giêsu luôn luôn có sự tương phản giữa con người với Thiên Chúa, con người thích quyền cao, chức trọng, thích sự phú quý xa hoa, Thiên Chúa lại chọn yêu kẻ đói nghèo sống khiêm nhường, nên Ngài nhắc nhở như sau:

“ Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư

người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53)

Và con người thích kẻ hầu người hạ, thích mọi người phục vụ mình, nhưng Thiên Chúa lại yêu mến những người có tinh thần phục vụ mọi người, con người sợ đau khổ, sợ nghèo hèn đói rách, nhưng Thiên Chúa luôn vỗ về nâng đỡ, che chở kẻ khó khăn, khi bệnh tật khốn cùng. Noi gương Chúa Giêsu là sống bác ái vô vị lợi, sống yêu người hay chết vì người mình yêu là tình yêu không cần đáp trả, tình yêu vô biên giới, nếu con người biết hoàn thiện nơi mình, là biết cách sống hiện thân của Đức Kitô.

Lời Chúa mời gọi mỗi người hãy tập sống cho đi nhưng không với tấm gương  của Ngài để lại. Vì vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng dù sống lành hay dữ, mọi người đều sẽ sống lại trong ngày sau hết, thế nên Ngài không muốn để mất một ai trong trong chúng ta phải hư đi, nên đã nhắn nhủ: “Thế là họ sẽ ra đi, bọn này sẽ chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 26, 46). Vì thế, khi mỗi người đang dùng bữa tiệc trần gian, Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm hướng mọi người về bữa tiệc Nước Trời, nơi đó là những ân huệ của con người mà Thiên Chúa luôn dành cho những ai, được ưu tiên mời vào là những người hèn kém, nghèo khó, lầm than cơ cực những người bị xã hội ruồng bỏ, đó là hình ảnh những người công chính mới đạt tới cuộc sống là quê hương vĩnh cửu đời đời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn nhận ra hình ảnh Thiên Chúa qua những người anh em của chúng con, để chúng con biết yêu mến mọi người trong tinh thần khiêm nhường và phục vụ hy sinh quên mình.  Amen.

M.Liên

2 Phản hồi

  1. xin cho hỏi
    ý nghĩa của từ VÔ VỊ LƠI ?

    • Vô – từ Hán Việt: Không có
      Vị – Từ Hán Việt : Bởi vì, Vì,…
      Lợi – Từ Hán Việt: Lợi ích

      Vô Vị Lợi: Không vì lợi ích.
      Phục vụ vô vị lợi: làm việc không vì nhắm chiếm đoạt lợi ích cho cá nhân, nhưng với tinh thần thiện ích cho mọi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *